Gần 9 năm làm việc tại Microsoft Research - bộ phận tinh hoa
bậc nhất của Microsoft, sở hữu nhiều bằng sáng chế quốc tế
cùng một số thành tích khác, nhưng điều khiến anh tự hào về
bản thân lại là “những thành công nho nhỏ hàng ngày như:
sống tốt với gia đình, bạn bè, xã hội...”.
Đường đến Mỹ (cụ thể là Microsoft) của anh thế nào?
Sau khi nộp hồ sơ xin việc lên trang web việc làm của Microsoft,
tôi được mời phỏng vấn và may mắn vượt qua các vòng thi. Đầu
tiên là những cuộc điện thoại, sau đó tại trụ sở của Microsoft. Mỗi
cuộc phỏng vấn ở trụ sở kéo dài cả ngày, và tôi phỏng vấn với
nhiều đội khác nhau nên ở đó luôn gần 1 tuần. Chắc họ thấy tôi
hiền lành nên muốn cho vào để… sai vặt (cười).
Thật ra lúc đó tôi đã định nhận một lời mời làm việc khác tại
Miami, vì thấy thành phố biển đẹp tuyệt vời và sôi động này không
bao giờ ngủ. Nhưng vì Microsoft đồng ý bảo lãnh thẻ xanh cho tôi
ngay, nên tôi nghĩ là cứ lấy thẻ xanh trước rồi đi đâu thì đi. Cuối
cùng thì ở lại gắn bó và yêu mến thành phố Seattle mưa gió luôn.
Chỉ đơn giản và thực dụng thế thôi.
Tiếp xúc Bill Gate và môi trường làm việc của Microsoft ở cự
ly gần, anh đã thu nạp được những gì?
Tôi chẳng tiếp xúc với Bill Gate bao giờ, chỉ thỉnh thoảng thấy ông
đứng trên bục “chém gió” xuống đám nhân viên lơ ngơ mà thôi
(cười). Về những gì thu nạp được, trước hết là những kiến thức về
công nghệ, kỹ thuật, bởi Microsoft là một công ty hàng đầu thế
giới với nguồn tài nguyên công nghệ rất phong phú. Tiếp nữa là kỹ
năng làm việc nhóm với các nhóm khác nhau. Microsoft quy tụ rất
nhiều nhân tài và những chuyên gia hàng đầu thế giới, vừa giúp
cho mình tích lũy, học hỏi được nhiều kinh nghiệm; vừa tạo hứng
khởi sáng tạo cũng như những áp lực phấn đấu cần thiết.
Để thành công ở Mỹ nói chung, và Microsoft nói riêng, một
người lao động Việt cần phát huy tố chất, "đặc thù Việt" gì,
theo anh?
Có mấy tố chất đã và đang được phát huy: kiên cường, gan dạ, ý
chí chiến đấu quyết thắng cao, từ đó góp phần tạo nên ngọn lửa
đam mê không bao giờ tắt. Nhưng để thành công còn phụ thuộc
nhiều vào khả năng, và nhu cầu của xã hội về lĩnh vực đó. Chẳng
hạn, tôi rất đam mê đá bóng và có thể tập đá bóng suốt ngày suốt
đêm, nhưng nếu theo nghiệp đó thì chắc cả sự nghiệp vẫn mài ghế
dự bị của 1 đội bóng cấp phường, vì khả năng tôi chỉ đến thế. Và
nói về nhu cầu, thì tôi ít khi coi bóng đá soccer ở Mỹ, mà chỉ thích
coi bóng đá châu Âu...
Điểm yếu nào cần hạn chế, ở lao động Việt?
Nếu không có con số thống kê cụ thể thì tôi không dám chắc điểm
yếu của lao động Việt là gì, bao nhiêu phần trăm mắc phải. Nếu cứ
phỏng đoán thì có lẽ nên loại bỏ thói quen manh mún, duy trì ý
thức tác phong vận hành chuyên nghiệp, bài bản thì sẽ tạo nên nền
tảng để đạt được những thành tích cao hơn. Hay là chuyển đổi từ
tư duy buôn bán đầu cơ mua rẻ - bán đắt sang tư duy sản xuất, tạo
ra được sản phẩm, dịch vụ có chỗ đứng trên thị trường. Hoặc là bớt
chém gió và mơ mộng hão huyền đi mà hãy bắt tay vào làm những
công việc thực tế. Hay là sống văn minh, có ý thức hơn, trong cái
riêng luôn nghĩ đến cái chung, có vậy thì phát triển cái riêng mới
bền vững được.
Tôi nói có thể có trật có trúng, nhưng không phải bêu xấu ai
cả ngoài bản thân mình, và hy vọng đều vì những kết quả tốt đẹp.
Anh có thần tượng không? Ảnh hưởng nào là tích cực nhất?
Tôi cũng hâm mộ vài người, chắc tôi dễ bị dụ (cười). Hồi xưa là
Bill Gates. Đơn giản, lúc đó ông là người thành công nhất trong
lĩnh vực này, là một vị vua. Ông cực kỳ thông minh, cực kỳ quyết
liệt và cực kỳ nhạy cảm với những cơ hội lớn.
Sau đó thì đến Steve Jobs. Khoảng 1, 2 năm trước và sau khi
ông qua đời, tôi mới bắt đầu đọc những bài báo và một cuốn sách
về ông. Câu chuyện về cuộc đời ông lại khá đối nghịch, có lẽ cũng
nhiều nước mắt, từ lúc ra đời đã phải vượt qua mọi nghịch cảnh để
đạt được những sáng tạo khá vĩ đại cho nhân loại. Thậm chí đến
lúc ông mất, tôi cũng không rõ nhân cách ông có đến gần được sự
hoàn thiện không nữa. Nhưng điều giúp ông vượt qua tất cả là mục
tiêu to lớn mà ông luôn luôn theo đuổi, đó là tạo ra những sản
phẩm cực kỳ hoàn thiện. Có lẽ cuộc đời ông là cuốn sách hay hơn
nhiều so với cuộc đời Bill Gates.
Hay là Satya Nadella - vị CEO hiện giờ của Microsoft, chỉ
chuyển đến Mỹ đi học và làm khi đã khoảng 20 tuổi. Ông rất chăm
chỉ, thông minh và nổi bật là sự khiêm nhường. Ông có nói là đừng
“know it all” - nghĩa là “biết tuốt”, mà nên “learn it all” - nghĩa là
“học tuốt”.
Và gần đây là Elon Musk, một kỹ sư thần đồng tuyệt vời, là
chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau – hẳn là một ví dụ nổi bật
nhất của “học tuốt”. Không chỉ vậy, anh ấy sẵn sàng đánh cược
những khối tài sản khổng lồ để sáng tạo nên những sản phẩm hoàn
hảo và hầu như hoàn toàn mới mẻ. Về điểm này thì cũng hơi giống
Steve Jobs.
Anh từng đạt giải Luận văn Tiến sĩ xuất sắc của Úc và New
Zealand. Anh thấy mình sử dụng tuổi trẻ thế nào? Đã bao giờ
lãng phí nó?
Tôi là dạng cần cù bù thông minh nên đã dành nhiều thời gian học
tập và làm việc. Luận văn của tôi về cung cấp sự ẩn danh bằng mật
mã trong các giao dịch số. Mặc dù có những kết quả vẫn chưa có
tác dụng thực tế, nhưng tôi không nghĩ rằng tôi đã lãng phí cuộc
đời mình.
Chừng nào anh cho phép mình được nghỉ ngơi? Làm thế nào
để dung hòa giữa việc phát triển sự nghiệp và đảm bảo chất
lượng sống?
Chẳng biết nữa, tôi bị nghiện công việc. Kể ra, tích lũy được
những kiến thức và kinh nghiệm rồi đến một lúc nào đó không sử
dụng và cống hiến được nữa thì cũng hơi tiếc! Lối sống của tôi đơn
giản thôi: hứng thì làm việc, mệt thì nghỉ ngơi, chán thì đi... quẩy
(cười).
Nếu có thể mang đi một thứ ở VN, anh sẽ chọn...?
Cả gia đình tôi.
Rời Microsoft có là quyết định khó khăn của anh? Thành công
lớn nhất mà anh có được là trong, hay sau khi rời khỏi đó?
Tôi hầu như không có quyết định nào là khó khăn. Nhưng từ bỏ
cuộc sống bình an ở Microsoft để ra làm ăn riêng cũng hơi liều.
Nếu có một cô vợ thì chắc sẽ được nghe câu than muôn thuở:
“Đang yên đang lành tự dưng lại... startup”.
Công ty Veramine Inc.,USA của chúng tôi được sáng lập bởi
một nhóm chuyên gia bảo mật chủ chốt của Microsoft, từng chịu
trách nhiệm ứng phó, vá lỗi và cập nhật về bảo mật cho tất cả các
sản phẩm của Microsoft. Họ cũng chịu trách nhiệm việc kiểm tra
an toàn (Penetration Testing) những sản phẩm quan trọng nhất của
Microsoft như Windows, Office, Azure, Xbox...; là khách mời diễn
thuyết tại nhiều sự kiện bảo mật danh tiếng nhất như Black Hat,
Chaos Computer Club (CCC), ReCon, NATO Cyber Defense,
RSA... và là tác giả của những cuốn sách chuyên sâu về bảo mật
được đánh giá rất cao, chẳng hạn như cuốn sách đứng đầu trên
Amazon.com về dịch ngược mã độc... Dù mới hoạt động 2 năm
nhưng Veramine đã được trao hợp đồng xây dựng giải pháp An
ninh mạng của Bộ An ninh nội địa Mỹ, Không quân Mỹ, Bộ Quốc
phòng Singapore...
Đã là lúc có thể tự hào về bản thân?
Tôi chẳng có thành công nào lớn cả. Tất cả mới chỉ bắt đầu. Hiện
tại, tôi chỉ dám tự hào về những thành công nho nhỏ hàng ngày:
sống tốt với gia đình, bạn bè, xã hội, hoàn thành tốt công việc của
mình, cố gắng rèn luyện giữ gìn sức khỏe...
Vì sao các anh lại chọn đặt tên công ty của mình là
“Veramine”?
“Vera” trong tiếng Latin nghĩa là “sự thật”, “mine” (như
“mining”) là “tìm kiếm”. Thay vì Data Mining, thì đây là Vera
Mining. “Vera” trong tiếng Nga lại có nghĩa là “niềm tin”, nên có
thể hiểu Veramine là “tìm kiếm sự thật”, hoặc “tìm kiếm niềm tin”.
Cảm giác khi tìm thấy sự thật thế nào?
Kích động một cách âm thầm. Tìm kiếm sự thật quả là một khoái
cảm, luôn đủ sức kích ứng mình. Nhưng với một kỹ sư bảo mật thì
sự “hả hê” ấy ẩn vào trong hơn, “hiểm độc” hơn (cười).
“Bệnh nghề nghiệp” có len vào cuộc sống, cả khi đó là những
sự thật phũ phàng?
Không biết là may mắn hay bất hạnh, một đặc điểm nghề nghiệp
của tôi là luôn muốn đào sâu tìm hiểu mọi việc một cách cặn kẽ, luôn tìm câu trả lời cho mọi câu hỏi. Vì vậy, khi tìm ra những sự
thật phũ phàng, đành phải đương đầu với nó thôi. Đằng nào những
sự thật đó cũng đã ở trong đầu mình rồi, chẳng còn chỗ nào cho
mình trốn chạy nó nữa.
Mấy ông trùm công nghệ thông tin lại thường không chọn cưới
vợ đẹp, anh thì sao?
Phần mềm “lấy vợ” của mỗi người cho ra những kết quả khác nhau. Chắc chương trình của mấy người đó kết luận là “chân dài vẫn không bằng chân... chất”. Còn chương trình của tôi vẫn đang… chạy dài, chưa ra kết quả. Thực ra cũng có những tay đại gia công nghệ thông tin không chỉ cưới được 1 mà hẳn mấy cô vợ vừa hay, vừa dài, vừa... “chuất” (cười).
Trong nghệ thuật, cô đơn thường được coi là điều kiện lý
tưởng của sáng tạo. Một chuyên gia IT thì sao, khi là “lính
phòng không” (hơi lâu)?
Chẳng qua tôi khờ khạo trong việc tìm lối thoát khỏi con đường
độc thân mà thôi. Nhưng nói theo kiểu “nghệ thuật là ánh trăng lừa
dối”, tôi vẫn đang cố gắng tạo ra một tác phẩm tình yêu hôn nhân
để đời. Hy vọng là tập 1 sẽ hay tuyệt vời, thì cứ như Avengers ấy,
sẽ làm tiếp tập 2, 3, 4... (cười).
"Tử vi xem số cho người...”, chuyên gia vá lỗi lại không tự "vá
lỗi" được cho đời mình sao?
Vá lỗi máy tính chắc khác xa vá lỗi cuộc đời, nhưng cũng có
những điểm chung. Trong quá trình phát triển sẽ có những sai lầm
và trở ngại, nhưng phải luôn bình tĩnh và cố gắng nhận thức được
những sai lầm này để sửa chữa và đương đầu với trở ngại để vượt
qua. Nên tôi vẫn đang vá lỗi cuộc đời mình đây. Đến lúc nào đó
không khéo lại phải... đập hết đi làm lại.
Cảm ơn anh đã nhiệt thành chia sẻ!
Lê Quân