>> Như Lịch

Tiến sĩ Hiếu khẳng định: “May mắn có thể đến với bất kỳ ai, còn điều kỳ diệu chỉ đến với những ai không ngừng cố gắng”.

Đạt rất nhiều giải thưởng danh giá, vì sao anh hay tự vấn: “Bằng cấp giải thưởng, rồi sao nữa?”. Anh quan niệm thế nào về các giải thưởng trong sự thành công của một con người?

Giải thưởng có thể là một động lực thúc đẩy tốt. Tuy nhiên với tôi, nó không phải là đích đến lâu dài và thực thụ. Tôi có thói quen tự soi xét và đánh giá bản thân, xem thử trong học tập, công việc mỗi ngày, mỗi tuần, mình được cái gì và chưa được cái gì. Từ đó, tôi học hỏi và hành động để khắc phục, cải thiện một cách bền bỉ. Giải thưởng đích thực và thành công đích thực mà tôi đam mê theo đuổi chính là công việc có nhanh hơn không, có hiệu quả, có đột phá và sáng tạo, có tạo ra nhiều giá trị và ảnh hưởng tích cực hơn với những người xung quanh, với cộng đồng không...

Theo tôi, dù xã hội có trao cho giải thưởng gì hay không thì nó cũng chỉ là những sản phẩm phái sinh, giống như một bông hoa đẹp trên đường. Mình sẽ dừng lại để tận hưởng chút hương hoa ấy, nhưng nó sẽ không níu chân mình lại lâu. Vì tôi hiểu con đường phía trước còn dài và còn khó đi hơn. Thành công là việc mình đặt thêm một bước chân về phía trước chứ không phải chỉ để dừng lại ngắm thưởng hoa quá lâu, để rồi quên mất con đường nên đi thế nào.

Anh Nguyễn Chí Hiếu (giữa) điều phối phiên thảo luận về tương lai của giáo dục tại hội thảo Forbes

Anh có bị áp lực bởi sự hoàn hảo?

Hồi còn trẻ, khoảng năm đầu đại học, đúng là tôi còn bị áp lực phải làm sao cho “xứng đáng” với những giải thưởng, để người ta nói là không phải do mình ăn may. Nhưng sau này, khi đi nhiều hơn và trải nghiệm nhiều hơn, đặc biệt từ lúc sang Mỹ và “bôn ba” thế giới nhiều hơn, tôi chợt nhận thấy: Hóa ra, cuộc sống còn biết bao điều hay, thú vị và tốt đẹp, chứ không chỉ quẩn quanh với những giải thưởng hay danh hiệu đó. Và dù chúng ta có làm tốt mọi thứ đến hoàn hảo, miệng đời vẫn luôn ở đấy chứ không bao giờ biến mất. Vậy nên, thay vì áp lực với những lời nói chẳng mấy liên quan tới mình, hãy cứ làm sao cho bản thân phát triển tốt hơn mỗi ngày. Không phải để chứng minh với bất cứ ai mà chỉ đơn giản vì mình thấy thích khi được lớn lên.

Anh Nguyễn Chí Hiếu (bìa phải) cùng các học giả Eisenhower trong ngày khởi động chương trình học bổng tại Philadelphia, Mỹ

Vì sao anh khuyến khích bản thân và các bạn trẻ hãy “nghiện giấc mơ, bơ lối mòn”?

Không ít người liên tục bỏ rơi những giấc mơ của bản thân giữa chừng bởi nhiều lý do: sợ người khác đánh giá, chê bai; sợ thất bại và phải làm lại từ đầu; ngại thay đổi; nghĩ rằng giấc mơ mình không đáng theo đuổi; muốn làm nhưng không tìm được lối đi...

Khi theo đuổi một giấc mơ, chúng ta thường có hai lựa chọn: làm y chang những gì số đông làm, hoặc làm khác đi. Tôi nghĩ con đường của số đông đã khá chật chội, còn con đường “chẳng giống ai” thì lại thường rộng rãi thênh thang hơn, tuy có thể vất vả và gian nan hơn.

Anh Nguyễn Chí Hiếu được xướng tên nhận 3 trong 4 giải thưởng tốt nghiệp của chương trình MBA, ĐH Oxford

Điều gì khiến anh luôn trăn trở viết sách về giáo dục trẻ em cũng như phản biện với nhiều phụ huynh cách nuôi dạy con, dẫu anh bị “góp ý” là… chưa lập gia đình và chưa có con để nuôi dạy?

Dạy rất nhiều học trò trong gần chục năm qua, đủ mọi thành phần, đối tượng, nơi chốn, tôi luôn tâm niệm: Dạy học không phải chỉ là dạy kiến thức và kỹ năng mà còn dạy nhận thức, suy nghĩ sao cho chúng thật sự trưởng thành và thành người tử tế. Thành tài và thành nhân - đó là mục đích của mình cho học trò. Thế nên, tôi vừa dạy học, vừa giáo dục các em.

Trên lớp học và kể cả ngoài lớp, trực tiếp hay trên mạng, tôi thường dành thời gian để trò chuyện, lắng nghe và tìm cách kết nối với các em. Tôi lại hay có “tật” đi đâu là quan sát, để ý lũ trẻ. Vì vậy, tôi thường vỡ ra nhiều điều về cách chúng học tập, sinh sống, suy nghĩ những điều xung quanh. Tôi nhận ra những vấn đề của chúng, có khi là cá nhân, có khi là hệ lụy của hệ thống cách nuôi dạy và giáo dục trẻ thời nay ở nhà và ở trường. Và chúng thường không biết lên tiếng hoặc lên tiếng như thế nào, nên những vấn đề của chúng cứ mãi ở đấy. Trong khi đó, không ít người lớn hơi “lơ mơ” về giáo dục và những điều cần phát triển cho trẻ.

Từ việc ngại ngùng và dè chừng, mỗi ngày tôi càng mạnh mẽ hơn trong việc nói lên quan điểm và suy nghĩ. Một phần tôi “nói hộ lòng” của lũ trẻ, một phần muốn thay đổi nhận thức của người lớn để họ suy nghĩ sâu sắc và rộng hơn về con đường giáo dục, đồng hành cùng lũ trẻ. Từ ngày “nói lên” ấy, tôi quan niệm: Chỉ cần ở đâu đó, một đứa trẻ đang được học tập, phát triển và sống tích cực hơn mỗi ngày, dù chỉ một chút thôi nhờ vào những gì mình chia sẻ, thì điều đó đã là quá đủ để mình không “im lặng”.

Với cuốn sách Thay đổi vì con do anh viết, vì sao anh xem đó là… thuốc đắng tặng cha mẹ thời 4.0?

“Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, tôi thích câu nói này và cũng thường tâm niệm như vậy. Những điều tôi viết ra trong cuốn sách trên đều xuất phát từ những nghiên cứu khoa học nghiêm túc, những trải nghiệm thực tiễn trên diện rộng. Mục đích là hướng đến việc đứa trẻ được thực học và được phát triển tự nhiên, lâu dài và sâu sắc nhất, chứ không phải chạy đua theo kiểu giáo dục luyện thi, mì ăn liền, cũng như cách dạy con rất cảm tính, ăn theo trào lưu mà không hiểu rõ bản chất. Và vì vậy, những chia sẻ này thường đi lệch và đi ngược với nhiều xu hướng giáo dục, truyền thông, nhận thức của không ít bố mẹ, thầy cô, nhà trường thời nay, nên dễ gây “mất lòng” do không “thuận tai” cho lắm.

Khi về Việt Nam làm việc với tâm huyết góp phần thay đổi giáo dục, anh có gặp trở ngại đáng kể?

Tôi nghĩ rằng bất cứ thay đổi nào, không chỉ trong giáo dục, đều gặp phải những trở ngại. Những thay đổi lớn về chiều sâu, độ phủ rộng và về bản chất, nhận thức thì trở ngại cứ phải nhân lên gấp vài lần. Đặc biệt với giáo dục, thường thì nhiều người chạy theo số lượng và theo đuổi những thang đo chất lượng nhanh nhất có thể. Nhưng thang đo “nhanh và ngay” chưa chắc đã đo đúng chất lượng của giáo dục, cụ thể ở đây là năng lực và sự phát triển về nhiều mặt của học sinh.

Với tôi, trở ngại lớn nhất từ chính bản thân. Mình có kiên định, có đủ tâm huyết, có đủ “lì đòn” và vượt khó, có đủ đam mê để theo đuổi đến cùng không? Vừa có đủ độ thoáng trong đầu óc và “mềm lòng” để chấp nhận làm việc với cả những người ngại thay đổi, vừa có đủ độ “rắn” để hiểu có những việc không thể khoan nhượng, rút lui, mặc cho ai muốn làm gì thì làm?...

Đồng thời tôi càng ngày càng thích những trở ngại đó, cả từ bên ngoài lẫn bên trong. Bất cứ sự trưởng thành, lớn lên nào cũng có những đau đớn nhất định. Một mầm cây muốn nứt đất, một vết thương muốn lành da, một cái răng khôn mọc lên, một cơ khớp vận động sau lâu ngày biếng lười… đều cần có những nghị lực đủ mạnh thì mới có thể trưởng thành. Vì vậy, việc càng khó và lòng người càng khó thì mình lại càng thích làm! Bởi tôi hiểu điều sẽ diễn ra sau những trở ngại, đau thương ấy chính là sự thay đổi của những đứa trẻ ở thì tương lai.

Đào tạo cho giáo viên từ 26 tỉnh, thành trong chương trình Học giả PEN thường niên do IEG Foundation và Đại học Fulbright Việt Nam đồng sáng lập và tổ chức.

Sau những cơn “say nắng” như lời “tự thú” của anh trong tự truyện Làm như lửa - Yêu như đất, hiện anh tìm được bến đỗ chưa?

Vẫn chưa. Nhưng qua mỗi trải nghiệm, có vẻ tôi cũng lớn dần hơn, không vội vàng mà cũng chẳng cưỡng cầu. Tôi không rút vào vỏ ốc và ngại hẹn hò, ngại yêu, nhưng cũng không nhất thiết phải “ép” bản thân chạy đua để hẹn hò và để yêu. Tôi tâm niệm để gặp được nhau giữa bao la cuộc đời, đôi khi đó là tao ngộ của chữ Duyên. Còn đến được với nhau thì cùng vun đắp.

Đọc những tự truyện anh viết, có cảm giác sự thành công của anh có đóng góp từ sự... tĩnh tâm, cân bằng cảm xúc giữa cuộc sống sôi động. Những lúc chênh chao, anh thường làm gì?

Bản chất của tôi, nói ra chắc không mấy ai tin, là người hướng nội. Thế nên phần lớn việc học, công việc và trưởng thành của tôi đến từ những thói quen và khoảnh khắc tĩnh tâm, phản tư, phân tích, đúc kết từ những quan sát và trải nghiệm mỗi ngày.

Một cách rất tự nhiên, tôi thích được dừng chân và tĩnh lặng giữa những chốn xô bồ, ồn ào. Những thời điểm như vậy, tôi suy nghĩ và vỡ ra nhiều điều. Nhiều người làm việc quen với tôi hay bảo tôi như một “ông cụ non” trong cách nghĩ. Dù có ai đâm thọt, nói xấu hay kiểu như hùng hổ trước mặt, với tôi đó chỉ là những điều thoáng qua và tôi cũng để mọi thứ trôi tuột khỏi đầu óc trong tích tắc. Để rồi tâm trí mình được thoáng đãng, rộng rãi cho những ý tưởng khác trồi lên và nảy mầm. Đây mới là mục đích thật sự của tôi trong công việc, chứ không phải một cuộc chạy đua không kiểm soát vì cái tôi hay tiền bạc, danh vọng.

Mỗi ngày tôi đều có những khoảng lặng cho riêng bản thân để cà phê, đọc sách, viết lách hoặc xem phim, nấu ăn. Những điều này thường giúp tôi lấy lại cân bằng rất nhanh. Còn khi nào hơi mệt mỏi bởi công việc và cuộc sống, tôi thường dành vài ngày đến vài tuần để thật sự “biến đi đâu đó”, ít ai biết đến mình và chỉ thong dong tận hưởng cuộc sống trôi chảy. Đấy là những thời điểm thăng hoa trong suy nghĩ của tôi. Tôi thường trở về với một “thúng ý tưởng” mà đồng nghiệp hay trêu đùa: “Thôi, sếp đừng đi nữa. Đi nhiều quá, cứ lần nào về là như... gà đẻ trứng, tụi em chạy theo làm không xuể”.

Quan niệm về hạnh phúc, thành công của anh?

Với tôi, thành công là được lớn lên, trưởng thành và hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Trong công việc, tạo được tác động tích cực cho những người xung quanh, dù ít hay nhiều, dù trong cộng đồng nhỏ hay trên diện rộng. Còn hạnh phúc ư? Khó nói lắm. Có lẽ, đơn giản chỉ là mỗi ngày ngủ dậy, tôi thích sống những giờ tiếp theo và có điều gì đó để theo đuổi, hoàn thành. Rồi mỗi đêm trước khi đi ngủ, tôi thấy một ngày trôi qua có ý nghĩa và trong cõi lòng thấy bình an, không chật chội và không nặng trĩu. Chắc như vậy là đủ.

Báo Thanh Niên
06.09.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.