>> Như lịch
Hạnh phúc là khi yêu thương và chấp nhận chính mình, yêu thương và chấp nhận người khác, làm những việc có ích, giúp được người khác... Đó là quan niệm của tiến sĩ xã hội học - thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện tại TP.HCM.
Vì sao chị tâm huyết tham gia xây dựng đề cương giáo trình hạnh phúc và mong muốn đưa “hạnh phúc” vào các trường như bộ môn chính thức?
Môn học Hạnh phúc từ lâu đã được nhiều nước đưa vào giảng dạy. Tôi rất mừng là mấy năm nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo nước ta cũng đang hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc.
Từ năm 2007, tôi bắt đầu đi chia sẻ về hạnh phúc. Tôi may mắn tham gia với thầy tôi - PGS.TS xã hội học Lê Ngọc Văn - trong công trình nghiên cứu Hạnh phúc của người Việt Nam, khái niệm, cách tiếp cận và chỉ số đánh giá mới được xuất bản. Hiện nay, một số trường, một số tổ chức đã mời chúng tôi giảng dạy về hạnh phúc.
Tâm huyết của chúng tôi là mong muốn đưa vào lớp học phương pháp sư phạm tích cực và kỷ luật tích cực, nhằm giúp giáo viên hạnh phúc hơn, học trò hạnh phúc hơn, như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”. Tôi tin môn học hạnh phúc sẽ được phổ biến vì ai cũng muốn hạnh phúc mà (cười).
Hạnh phúc theo quan niệm của chị?
Và chị có cho rằng mình là người hạnh phúc?
Hồi bé, có lúc tôi từng muốn tự tử khi chứng kiến mâu thuẫn trong gia đình. Tôi nhớ lại cảm giác lúc đó của mình rất tệ.
Lớn lên lấy chồng, sinh con, những năm đầu hôn nhân có những xung đột va chạm, tôi cũng từng rất đau khổ. Rồi giai đoạn học nghiên cứu sinh, tôi vật vã vì quá nhiều việc, vừa học vừa làm vừa lo con nhỏ. Hay gần đây nhất là khi học xong tiến sĩ, tự nhiên tôi không biết con đường tiếp theo như thế nào, mình là ai, mình sẽ làm gì, bỗng nhiên chơi vơi, trống rỗng, mệt mỏi, mất phương hướng...
Thật may mắn, tôi đã vượt qua được những sóng gió đó và tự định vị lại bản thân. Tôi nghĩ nếu không có những chông gai thử thách thì không có mình bây giờ, nó làm cho mình mạnh mẽ hơn rất nhiều. Những năm gần đây, càng ngày tôi càng cảm nhận sự an nhiên nhiều hơn…
Khi truyền đạt về hạnh phúc, thông điệp chị muốn chia sẻ là gì?
Tôi thường nhấn mạnh vào nguồn gốc của cảm xúc. Nhiều người cứ nghĩ tại ai đó sai nên mình tức giận, ai đó xấu nên mình ghét… Thực ra cảm xúc là do mình chịu trách nhiệm chứ không phải do người khác.
Mình không thay đổi được sự vật, sự việc, không thay đổi được người khác mà chỉ thay đổi được cách nhìn của chính mình về vấn đề đó. Một khi học cách nhìn tích cực, lạc quan, mình sẽ thấy mọi chuyện nhẹ nhàng. Nếu biết yêu thương người khác, biết đặt mình vào vị trí của họ, mình sẽ thông cảm và không còn trách móc, hờn giận, đổ lỗi nữa. Mình sẽ biết hợp tác với họ, tìm cách giải quyết rắc rối, vượt qua những xung đột chứ mình không bị sa vào các cảm xúc tiêu cực. Quan điểm này tôi thấy mỗi khi tôi thực hành đều rất hiệu quả.
Làm tham vấn viên tâm lý, chị thường giúp người khác tìm cách tháo gỡ rắc rối. Còn khi bản thân gặp rối rắm, chị “xử lý” thế nào?
Tôi có thể nhờ lời khuyên từ thầy cô của tôi, tâm sự với những người bạn cùng nghề mà tôi đủ tin tưởng. Tuy nhiên, tôi thường không đi hỏi người khác, tôi dùng kiến thức và kinh nghiệm trong nghề tham vấn để xử lý lại các vấn đề của tôi. Tôi thích dùng nhất là kỹ thuật tách rời. Nghĩa là khi tôi đang trong rắc rối, tôi tập tách rời tôi khỏi con người hiện tại, thử đặt mình là một người khác để phân tích tình huống và tham vấn tâm lý cho tôi. Kỹ thuật tách rời này giúp tôi không bị luẩn quẩn trong mớ hỗn độn của vấn đề. Tôi còn học được kỹ thuật ở Phật giáo là thiền định - tĩnh tâm, tập trung vào hơi thở để tâm an và từ đó trí sáng.
Chị nghĩ gì về một số ý kiến liên quan đến chuyện ly hôn và nghề tham vấn, như: Ông/bà đó đổ vỡ mà lại đi rao giảng, tư vấn về tình yêu-hôn nhân-gia đình?
Nhiều chuyên viên tâm lý có cuộc sống gia đình đổ vỡ. Trong đó, có những người đổ vỡ trong quá khứ, tức là sau ly hôn họ mới bước vào công việc tham vấn tâm lý. Vậy mà họ vẫn bị đánh giá rằng: “Đấy! Giúp người khác nhưng thực ra có giúp được mình đâu!”.
Bản thân tôi may mắn có hôn nhân hạnh phúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là con đường tình yêu, hôn nhân của tôi bằng phẳng. Thời yêu nhau, chúng tôi có ba lần bỏ nhau rồi lại quay lại. Khi lấy nhau, một lần tôi muốn bỏ anh ấy và một lần anh ấy dọa bỏ tôi vì “cái tội” tôi đi làm quá nhiều, không dành thời gian cho chồng con. Hai vợ chồng tôi phải đàm phán và tìm giải pháp phù hợp… Sau này khi người ta mời nói chuyện chuyên đề làm sao cân bằng trong cuộc sống, tôi thẳng thắn chia sẻ những trải nghiệm, những thất bại, sai lầm của tôi. Và tôi cảm ơn chồng mình đã quyết liệt lên tiếng để tôi biết mà điều chỉnh.
Tôi vẫn thường nói với chồng tôi rằng lúc nào mình không còn yêu nhau thì chia tay, chứ không phải vì tôi làm nghề này mà không dám ly hôn. Trong tham vấn, tôi ủng hộ thân chủ muốn ly hôn nếu họ không thể xây dựng lại các mối quan hệ, không thể học cách sống chung với nhau, không còn sự tôn trọng nhau...
Nhiều người đánh đồng ly hôn với thất bại, tôi không nghĩ như vậy. Ly hôn không nói lên sự thất bại trong cuộc sống mà đôi khi nó lại là chìa khóa hạnh phúc cho những năm tháng tiếp theo.
Là tham vấn viên, chị có gặp áp lực giữa nói và làm?
Những buổi tôi đi dạy, chia sẻ về hạnh phúc gia đình, thỉnh thoảng tôi nghe những câu hỏi như: “Thử xem cô có làm được điều cô nói không?”, “Thế cô với chồng cô thì sao?”...
Nghề tham vấn là lắng nghe và giúp đỡ. Nên ai hỏi câu gì, tôi đều trong tâm thế lắng nghe và giúp đỡ. Tôi cho rằng họ muốn nghe những trải nghiệm thật, cảm xúc thật của tôi chứ không thích lý thuyết suông. Nói vui là cho dù có bị hỏi đểu, hỏi khó thì tôi cũng không ngán (cười).
Làm tham vấn viên không có nghĩa là cuộc đời của họ luôn thuận lợi. Với tôi, nghề này đã dạy tôi cách sống tốt hơn. Thân chủ có những nỗi đau và đó chính là những bài học quý cho tôi. Đấy là lý do tại sao tôi làm tham vấn nhưng không bao giờ quan tâm mình kiếm được bao nhiêu tiền từ công việc này. Bởi vì tôi được lộc từ nghề này rất nhiều! Tôi giúp người khác nhưng thực ra tôi đang giúp tôi, thân chủ dạy cho tôi rất nhiều kinh nghiệm.
Quan niệm của chị trong việc giáo dục con cái?
Đi nói chuyện về dạy con, tôi hay trích dẫn câu: “Sinh con rồi mới sinh cha - Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Ngày xưa, khi nghe câu đó, tôi thấy vô lý quá. Nhưng càng trải nghiệm tôi càng thấy đúng. Nhờ sinh con mà mình mới bắt đầu làm cha làm mẹ, bắt đầu sửa đổi, hoàn thiện bản thân và phải làm gương.
Trước đây, có giai đoạn tôi không kìm chế được cơn nóng giận, tôi hay la hai đứa con thì y như rằng các con la nhau. Tôi giật mình: Ô, mình sai trước rồi! Nên tôi phải học cách nói chuyện từ tốn với con. Mỗi lần trải nghiệm như vậy, tôi thấy con đang dạy mình.
Trong khá nhiều hoạt động chị đang tham gia giảng dạy, chủ đề nào khiến chị tâm huyết nhất?
Có hai chủ đề tôi tâm huyết nhất, tôi kiên nhẫn theo đuổi bao nhiêu năm nay, không bao giờ từ bỏ. Thứ nhất: Phương pháp sư phạm tích cực để làm lớp học hạnh phúc và giáo viên hạnh phúc. Thứ hai: Thai giáo, dạy con từ trong bụng mẹ. Từ ngày tôi cam kết với chồng bớt công việc để có thời gian bên gia đình, thường thứ bảy, chủ nhật người ta mời bao nhiêu tiền tôi cũng không đi. Nhưng với hai chủ đề trên, nếu rơi vào những ngày “cấm kỵ” đó, tôi cũng xin chồng con cho đi nói chuyện vì đây là đam mê, tâm huyết của tôi.
Những vấn đề xã hội khiến chị trăn trở?
Nhiều bạn trẻ tâm sự với tôi là các em chán nản, tuyệt vọng, mất phương hướng, không tìm được niềm vui sống. Thậm chí, nhiều em bị trầm cảm. Tỷ lệ người trẻ đến với tôi vì buồn chán ngày càng tăng, đó là điều tôi lo ngại. Do vậy, tôi cố gắng lan tỏa những thông điệp hạnh phúc, thực hiện nhiều chương trình định hướng tương lai cho giới trẻ.
Bên cạnh đó, tôi thấy rằng nhiều bạn trẻ chỉ vì thiếu kỹ năng mà đánh mất hạnh phúc gia đình hoặc con cái không được chăm sóc đầy đủ từ trong bụng mẹ. Cho nên tôi rất muốn mở các lớp tiền hôn nhân, kỹ năng làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ. Nói chung, công việc gì của tôi cũng đều có mũi tên đi về chữ hạnh phúc. Tôi làm mọi việc đều quay về giá trị sống mà tôi coi trọng, đó là tôi muốn giúp nhiều người hạnh phúc.
Đồ họa: Nhựt Lâm | Ảnh: NVCC