>> Nguyễn Phúc

Từ ngày bế đứa con không có tứ chi giống mình ra khỏi phòng sinh, anh Bốn tự nhủ sẽ vượt khó nuôi sống gia đình.

Trên con đường làng dài tít tắp ở xã Vĩnh Nam (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị), dáng hình anh Hoàng Đức Bốn (41 tuổi, trú thôn Nam Hùng) dẫn con đến lớp thoạt trông từ xa không có gì khác lạ. Nhưng khi lại gần, nhiều người đã ứa nước mắt. Bởi trước mắt họ là hai cha con khuyết tật theo một cách nghiệt ngã nhất.

Lời bài hát “Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba” trong bài Cả nhà thương nhau quen thuộc của nhạc sĩ Phan Văn Minh từng nuôi lớn biết bao tâm hồn thơ trẻ, nhưng lại là một nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với vợ chồng anh Bốn. “Con cái giống cha mẹ, ai mà không ưng. Nhưng tôi thế này, mà nó giống tôi thì... không còn chi buồn hơn”, nhìn đứa con tứ chi cụt lủn như mình, anh Bốn nghẹn ngào bắt đầu câu chuyện.

Anh là con út trong gia đình 4 con, sống bằng nghề nông. Dòng họ xưa nay chả thấy ai khiếm khuyết lạ như anh. “Từ khi sinh ra, tôi chỉ có cùi tay và cùi chân, chứ không hề có bàn tay và bàn chân. Lúc đủ lớn để hiểu biết, tôi luôn tự hỏi mình và hỏi mọi người rằng vì sao chuyện này lại xảy đến với tôi. Nhưng chẳng có câu trả lời nào cả”, anh Bốn kể.

Mặc cảm, chưa hết bậc tiểu học, anh đã dứt bỏ. Khổ cực quen rồi, chàng trai trẻ ấy kinh qua không biết bao nhiêu nghề cực nhọc, làm nông, phụ hồ, thậm chí “thợ đụng”, tức đụng chi làm nấy. Nhưng dù cố gắng đến mấy, năng suất của anh không thể so bì với người bình thường, nên anh biết thân biết phận ráng sức làm nhiều hơn để xứng với đồng thù lao và giữ được việc. Anh cũng chẳng dám mơ đến mái ấm riêng, cho đến một ngày giữa năm 2007 khi làm quen với chị Trương Thị Hoa tại một tiệc cưới của người em họ của anh ở Đà Nẵng. Chị Hoa năm nay 41 tuổi, trước đó rời gia đình ở xã Châu Bình, H.Quỳ Châu (Nghệ An) vào Đà Nẵng làm công nhân, cùng chỗ với người em họ anh Bốn. Nhớ lại chuyện cũ, chị Hoa bảo thoạt đầu cũng chả có ý tứ gì, mãi rồi sau nhiều lần liên lạc qua điện thoại bàn (dù cả hai phải gọi và nghe ké), thấy anh thật thà nên mới ưng chịu. “Dù tôi biết nếu theo anh thì sẽ khổ, và kiếp làm vợ của tôi cũng sẽ khác bao người”, chị nói.

Nguyễn Đức Sơn là đứa trẻ lém lỉnh, khôi ngô.

Mặc những lời dị nghị và có thời điểm gia đình chị Hoa phản đối kịch liệt, đám cưới của họ vẫn diễn ra vào năm 2008 với 40 mâm cỗ hẳn hoi. Một năm sau, chị mang bầu. 9 tháng 10 ngày hoài thai là khoảng thời gian họ sống trong phập phồng, mừng lo lẫn lộn. Không ai nói ra nhưng một nỗi lo sợ mơ hồ cứ canh cánh trong lòng họ. Những lần đưa vợ vượt mấy chục cây số vào tận TP.Đông Hà siêu âm, lần nào anh Bốn cũng bối rối hỏi bác sĩ: “Tay chân cháu có can chi không bác?”. “Ba lần họ đều nói không. Nhưng khi đủ tháng đủ ngày, cháu ra đời thì điều trùng lặp tồi tệ nhất đã đến. Cháu… giống tôi!”, giọng anh vẫn còn đẫm nỗi oán trách số phận.

Đứa trẻ ngày đó được đặt tên là Hoàng Đức Sơn.

Biết phận mình, từ nhỏ anh Bốn đã luôn tự nhủ muốn bằng người ta phải nỗ lực rất nhiều. Lúc bồng đứa con trai khuyết tứ chi ra khỏi phòng sinh, anh càng tự hứa với lòng sẽ quyết tâm hơn nữa để lo cho vợ con. Anh đã dùng chính cùi tay, cùi chân của mình để cào cấu trên 2 sào lúa và 1 mẫu đất trồng đủ loại hoa màu (khoai, sắn, môn, ném...). Ngày nắng, anh lấm lưng với nghề phụ hồ. Ngày mưa, mồ hôi anh vẫn ướt đẫm áo với những việc không tên, quẩn quanh trong vườn nhà.

Cậu học trò Nguyễn Đức Sơn trở nên đặc biệt bởi nghị lực sống đáng trân trọng.

Nhưng vật chất không hẳn là tất cả. Anh cũng dành sự quan tâm, tình yêu thương đặc biệt của mình cho cậu con trai nhỏ. Cảnh cha khuyết tật chăm con khuyết tật thật khó diễn tả thành lời. “Múc cho cháu bát cơm, mặc cho cháu bộ áo quần..., người ta làm trong tích tắc còn tôi phải mướt mồ hôi mới xong. Khi ngước dậy thì thấy cháu đang nhìn tôi đầy thương cảm”, anh Bốn nói như thể đang trách mình.

Cậu bé Sơn vẫn ngây ngô hỏi cha: “Sao cha con mình không có tay chân như mọi người?”. Những lúc như thế, anh tìm cách lảng tránh: “Có sao đâu con, cha con mình vẫn đi lại được. Ngoài kia còn có bao người kém may mắn hơn. Họ thậm chí còn không có chân để đi!”.

Có lẽ điều hạnh phúc nhất mà vợ chồng anh Bốn cảm nhận được là đứa con vẫn đến trường, có tuổi thơ bình lặng trong vòng tay bảo bọc chung của gia đình, thầy cô, bè bạn... Dù chỉ nặng vỏn vẹn 24 kg và cận đến 5 độ, cậu bé Sơn bây giờ vẫn là thành viên đặc biệt của lớp 4B Trường tiểu học xã Vĩnh Nam. Đặc biệt không phải vì cậu thiếu bàn tay bàn chân, mà chính bởi nghị lực trong học tập, hòa đồng với bạn bè. Cậu bé đá bóng, bắn bi chẳng thua ai. Cậu có nụ cười như tỏa nắng... “Chúng tôi không đòi hỏi Sơn phải viết nhanh như các bạn trong giờ tập viết. Cũng không kỳ vọng em chạy nhanh và xa như các bạn trong giờ thể dục... Chúng tôi chỉ luôn đứng bên, động viên em rằng: Đừng bao giờ bỏ cuộc!”, cô giáo Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Vĩnh Nam, nói. Rất có thể nguồn năng lượng chia sẻ lớn lao ấy đã tiếp sức để cậu bé Sơn vượt lên chính mình và nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT trong năm 2018.

Câu chuyện của Sơn đã làm lay động nhiều trái tim, trong đó có nhiều tổ chức muốn đưa Sơn đi bệnh viện để tìm lại cơ hội cho em có bàn chân, bàn tay bình thường. Nhưng theo anh Bốn, gia đình sẽ phải tham khảo thêm bởi Sơn mới chỉ là đứa trẻ, lại đang phát triển, có lẽ còn chưa đủ điều kiện để đón nhận một sự can thiệp nào quá lớn. “Khi Sơn lớn lên tí nữa, có thể chúng tôi sẽ nghĩ khác. Còn bây giờ, gia đình ba người của chúng tôi vẫn hài lòng với cuộc sống này, bởi bố con tôi vẫn đang đứng được trên đôi chân của mình”, anh Bốn nói. (còn tiếp)

Báo Thanh Niên
26.11.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.