Vì sao thuở ban đầu, anh lại quyết định lựa chọn kinh doanh tại Mỹ, châu Âu, Hong Kong hay Singapore?
Thật ra, tôi từng là một start-up tại TP.HCM khi còn là sinh viên năm 2, bắt đầu bằng cửa hiệu sửa máy tính nhỏ hùn hạp với người bạn. Theo mô típ thường gặp của các start-up là thất bại rồi gầy dựng lại liên tiếp vài lần cho đến khi chạm ngõ thương mại điện tử.
Trường hợp của tôi đúng như ông bà xưa thường nói “cái khó ló cái khôn”. Khi bắt đầu ký kết, giao dịch một số dịch vụ hỗ trợ visa du lịch cho khách với các công ty nước ngoài, tôi mới thấm thía sự thiệt thòi của doanh nghiệp Việt Nam. Bấy giờ, chúng tôi đã phải chịu nhiều khoản phí hết sức vô lý khi thanh toán thông qua dịch vụ ngân hàng. Xót của quá, tôi không chịu ngồi yên mà quyết định phải qua tận nơi xem họ làm như thế nào để mình tìm cách giảm bớt chi phí.
Sau khi “mục sở thị” nắm rõ các thủ tục, giao dịch, thông lệ các nước, tôi quyết định thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài để giải quyết các vấn đề tài chính mà khi ấy trong nước mình còn vướng. Và nhờ có nó, tôi đã giải quyết nhanh gọn các thủ tục kinh doanh quốc tế, từ đó đặt ra câu hỏi tại sao mình lại không mở dịch vụ này để hỗ trợ các công ty Việt Nam và cho các nước khác với chi phí hợp lý? Thế là One IBC - một công ty chuyên tư vấn tài chính, thành lập doanh nghiệp quốc tế ra đời.
“Vạn sự khởi đầu nan” thành công. Theo dòng chảy nhu cầu dịch vụ tăng thêm của khách hàng mà DNBC, PayCEC, Travelner… lần lượt thành lập như là một sự tất yếu. Nhờ quá trình phát triển các nhãn hàng tại những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới mà chúng tôi có cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến, không ngừng phát triển mô hình thương mại, dịch vụ điện tử cho đến nay. Trong thời đại toàn cầu hóa, bản thân tôi quan niệm không nên bó hẹp phạm vi hoạt động mà phải mở rộng phạm vi kinh doanh, vươn ra quốc tế. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có được thị trường rộng lớn, đa dạng phân khúc khách hàng, tăng cơ hội doanh thu và tỷ lệ thành công sẽ cao hơn.
Thỏa mãn được yêu cầu của khách hàng quốc tế liệu có dễ dàng?
Muốn vậy, không còn cách nào khác là chính mình phải tìm hiểu, dành thời gian đến tận nơi để sống thử, sinh hoạt như người dân bản xứ để trải nghiệm và bản thân sẽ rút ra được phương pháp kinh doanh dành cho thị trường mới.
Các nhãn hàng One IBC hay DNBC hiện tăng trưởng đều số lượng khách hàng và doanh thu là do chúng tôi hiểu rõ đặc điểm nhu cầu của doanh nghiệp ở mỗi quốc gia. Công việc còn lại của đội ngũ chuyên gia, chuyên viên là tìm cách đáp ứng các yêu cầu dịch vụ doanh nghiệp từng nước một cách trọn vẹn nhất có thể. Vì vậy nên một số khách hàng nước ngoài cứ tưởng chủ sở hữu các nhãn hàng này là người bản xứ.
Hiện nay, tôi thấy nhiều bạn trẻ start-up chọn cho mình những lĩnh vực kinh doanh rất tiềm năng nhưng bỏ qua phương pháp tiếp cận nên tỷ lệ thành công không cao. Muốn xuất khẩu một chiếc áo ấm đến đất nước nào thì chính bạn phải trải nghiệm mùa đông nơi đó.
Sau khi dịch COVID được khống chế, anh lại tiếp tục ra nước ngoài?
Tất nhiên là là tôi phải tiếp tục hành trình của mình mới mong có được những ý tưởng mới mang về Việt Nam. Việc cập nhật liên tục nhu cầu thị trường quốc tế sẽ giúp cho các sản phẩm của tập đoàn không bị lạc nhịp với xu thế thời đại. Càng nhiều sản phẩm dịch vụ cũng đồng nghĩa sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho thị trường lao động trong nước.
Nói thương mại điện tử có 2 yếu tố quan trọng gồm công nghệ và con người là các chuyên gia giỏi thì ở nước ta hiện không thiếu. Về chính sách, thì chúng ta thấy rõ thời gian qua, Chính phủ mình đã nỗ lực ký kết hầu như tất cả các hiệp định đối tác quốc tế quan trọng như WTO, EVFTA, UKFTA, AFTA… giúp cho doanh nghiệp trong nước cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài. Từ bệ phóng này, các sản phẩm của BIN Corporation Group sẽ lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới.
Với tôi, nước ngoài là nơi để học hỏi, trải nghiệm, ra đi để trở về đóng góp cho quê hương mình. Trong khi đất nước đang “xây tổ đón đại bàng” thì tôi lại sinh sống ở nước ngoài để làm gì? (Cười tươi)
Tập đoàn hiện có bao nhiêu nhân sự, thưa anh?
Chúng tôi hiện có hơn 250 chuyên gia, chuyên viên, trong đó người Việt Nam chiếm hơn 2/3. Riêng 5 văn phòng tại Mỹ, Úc, châu Âu, Hong Kong, Singapore thì phải thuê lao động bản xứ. Lộ trình từ 2 đến 3 năm tới, tập đoàn cần thêm cả ngàn nhân sự Việt Nam mới đáp ứng tốc độ phát triển các sản phẩm dịch vụ mới.
Sao lại là lao động Việt Nam?
Từ lúc còn là thanh niên từ Tam Kỳ (Quảng Nam) vào Sài Gòn trọ học, tôi chỉ có một ước mơ là sau này có một công việc thu nhập tốt để lo cho bản thân và giúp đỡ gia đình mình còn khó khăn. Ước mơ đó mãi thôi thúc và có lẽ đã làm thay đổi cuộc đời tôi cho đến bây giờ.
Giờ đây là một doanh nhân, ước mơ của tôi không chỉ là những đồng lợi nhuận liên tục chảy vào túi mà điều lớn hơn là mình sẽ làm được gì cho quê hương, đất nước. Tuyển những sinh viên vừa ra trường có lý tưởng, nhiệt huyết để vừa làm, vừa đào tạo các cộng sự trở thành những chuyên gia giỏi trong lĩnh vực là định hướng nhân sự của BIN Corporation Group.
COVID-19 có ảnh hưởng đến tập đoàn và bản thân anh?
Có chứ, làm sao... “chạy trời cho khỏi nắng”(cười). Qua 2 năm dịch COVID bùng phát, mỗi năm chúng tôi thiệt hại gần nghìn tỉ đồng doanh thu trên tất cả chi nhánh toàn cầu. Bản thân tôi phải chịu “bó gối” ngồi nhà, điều hành trực tuyến hệ thống văn phòng ở các nước nên chưa thể tăng tốc mở thêm các dự án mới.
Tuy nhiên, COVID cũng giúp cho tôi có thời gian để gia cố đội ngũ nhân sự cũng như xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho tập đoàn. Trước dịch, chúng tôi cứ lao vào marketing bán hàng, tăng tốc phát triển doanh thu mà chưa chú ý hoàn thiện bộ máy hoạt động.
BIN Corporation Group phát triển trên nền tảng dịch vụ công nghệ, vốn liếng của tập đoàn là chất xám, là các sản phẩm trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, chuyên viên nên chúng tôi cần phải xây dựng hệ thống tuyển dụng và đào tạo bài bản thì mới mong đạt được mục tiêu trong những năm tiếp theo.
Đó là cũng lý do để sếp Hùng Anh ngồi ghế nóng giám khảo chương trình Cơ hội cho ai?(Whose Chance) của VTV ?
Thực tế, nhiều ngành nghề, đặc biệt là lao động có chuyên môn đang trong tình trạng khan hiếm, nhưng lại có một lượng lớn sinh viên thất nghiệp khi ra trường. Nguyên nhân của hiện tượng thừa việc nhưng lại thiếu người theo tôi, có thể đến từ cả hai phía: nhà tuyển dụng và ứng viên.
BIN Corporation Group là tập đoàn đa dịch vụ, chúng tôi đang cần ứng viên phù hợp làm việc các lĩnh vực, gồm: One IBC - tư vấn phi tài chính cho doanh nghiệp; BIN Media - truyền thông và quảng cáo kỹ thuật số; DNBC Financial Group - dịch vụ chuyển tiền và tài khoản thanh toán toàn cầu; GIS - tư vấn, cung cấp dịch vụ hỗ trợ du lịch, định cư; Travelner - nền tảng phân phối tour du lịch, vé máy bay, khách sạn toàn thế giới; Khải Hưng Group chuyên về các lĩnh vực đầu tư bất động sản tại Việt Nam… Đến chương trình Cơ hội cho ai?, tôi không “tạo sóng” phải tuyển dụng những nhân sự có hồ sơ khủng, hoặc số lượng nhiều để tạo tiếng vang mà quan trọng là tìm được những ứng viên có năng lực, phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển vững mạnh của tập đoàn.
Xin cảm ơn. Chúc anh nhiều sức khỏe và BIN Corporation Group đạt thêm nhiều thành công mới.