Vậy nhưng, khi chia sẻ với Thanh Niên về quá trình 1 năm đầy nỗ lực và cố gắng trong phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 (1.10.2021 - 1.10.2022), Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ: “Mặc dù TP.HCM trở lại đà tăng trưởng cao, nhưng chặng đường phía trước còn rất nhiều việc hệ trọng cần phải tích cực làm để có kết quả tốt hơn. TP xác định tâm thế chủ động, trách nhiệm vượt khó để tạo động lực tăng trưởng mới, chung sức chung lòng, tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để TP.HCM phát triển xứng tầm hơn”.
Trong cuộc làm việc với Thành ủy TP.HCM vào ngày 23.9 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định TP.HCM đã kiên cường ứng phó rất nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt với đại dịch Covid-19. Đồng thời, đã nỗ lực duy trì, phục hồi, phát triển kinh tế đạt kết quả cao nhất có thể… Xin ông chia sẻ thêm về những kết quả này.
Trong năm 2021, TP.HCM trải qua hơn 5 tháng cao điểm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, cuộc sống người dân bị đảo lộn, nhiều mất mát đau thương… TP xác định mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa chăm lo phát triển kinh tế, nhưng đặt yêu cầu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Đồng thời, khi đưa ra các biện pháp phòng chống dịch luôn chú trọng hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến chuỗi sản xuất kinh doanh. Nỗ lực phòng chống dịch để ổn định và phát triển kinh tế, bởi TP.HCM là thị trường lớn của cả nước, là cửa ngõ giao thương quốc tế, nên nếu đứng im quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả nước. Tập thể lãnh đạo TP.HCM cũng nhận thấy rằng phục hồi kinh tế sớm ngày nào càng giúp cho cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường mới ngày đó.
Vào thời điểm 1 năm trước, Thành ủy đã có quyết định lịch sử, chủ động ban hành nghị quyết cho giai đoạn phục hồi kinh tế ngay khi TP cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH TP giai đoạn 2022 - 2025, tổ chức thực hiện với quyết tâm cao. Trong đó, luôn tập trung công tác lãnh đạo nhằm đổi mới công tác quản trị TP, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng và phát triển TP; tập trung tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thể chế, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, hạ tầng…
Cùng với truyền thống nhân ái, nghĩa tình, sự cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn của người dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN), tình hình phục hồi và phát triển TP sau 1 năm đại dịch Covid-19, nhất là trong 9 tháng đầu năm 2022 được đánh giá có nhiều khởi sắc và khá đồng bộ. Thành quả của sự đồng lòng, vượt khó này cho thấy sự cố gắng rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, người dân TP; và cũng cho thấy tiềm năng, nội lực của TP vẫn còn rất lớn, nếu tiếp tục quyết tâm hơn nữa và có thêmcơ chế mới phù hợp để khơi thông các nguồn lực, TP sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp cho ngân sách quốc gia nhiều hơn.
Vào đầu tháng 10.2021, khi TP.HCM mở cửa cũng là lúc nhiều người dân, nhất là lao động nghèo rời TP…
Nhìn những hình ảnh đó rất xót xa. Đó cũng là động lực để chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm đáp ứng niềm tin, kỳ vọng của người dân. Kinh tế TP.HCM phục hồi, nguồn nhân lực, trong đó có lao động phổ thông cũng trở lại TP làm việc nhiều hơn, đóng góp công sức cho sự phát triển. TP luôn trân trọng những đóng góp to lớn này. Trong và sau đại dịch Covid-19, những bất cập về nhà ở cho người dân, đặc biệt là lao động thu nhập thấp càng lộ rõ. TP cũng đã có chương trình xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân…
Là địa phương mạnh dạn đề xuất phục hồi kinh tế từ rất sớm, TP.HCM đã có những hành động cụ thể nào để tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN?
Trước tác động khủng khiếp và chưa có tiền lệ của đại dịch Covid-19 mà có những thời điểm tưởng chừng không thể vượt qua, TP.HCM xác định quan điểm chủ đạo xuyên suốt là đồng hành cùng người dân và DN; khắc phục nhanh nhất có thể những đứt gãy trong chuỗi sản xuất, tìm ra động lực tăng trưởng mới.
Tập thể Thường trực UBND TP.HCM đã liên tục đi thực tế, làm việc với sở ngành, chủ đầu tư, DN để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng, các dự án trọng điểm, có vốn lớn… Dù vậy, chúng tôi nhận thấy hiệu quả mang lại sau một năm phục hồi kinh tế của TP.HCM chưa thật sự như kỳ vọng của ngườidân và DN. Điều này thôi thúc chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa để tạo chuyển biến nhanh hơn, rõ nét hơn.
Tích cực đồng hành cùng người dân, DN là chủ trương xuyên suốt của chính quyền TP.HCM để tập hợp, phát huy được các nguồn lực cho sự phát triển. Thế nhưng, thực tế vẫn còn không ít than phiền về việc giải quyết thủ tục hành chính chậm trễ; nhất là tình trạng cán bộ, công chức vì “sợ” trách nhiệm mà né tránh, thụ động trong việc tiếp cận, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính…
TP.HCM đã có nhiều đổi mới trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng người dân, DN. Hiện TP đang tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, triển khai các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho người dân, DN; bảo đảm nguyên tắc người dân, DN trong thực hiện thủ tục hành chính chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan hành chính nhà nước.
Vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã thành lập ban chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn đọng của TP, do một Phó bí thư Thành ủy làm trưởng ban. Trước đây, TP.HCM đều có ban chỉ đạo giải quyết từng vấn đề, vụ việc cụ thể nhưng nay nâng cấp lên với phạm vi bao quát hơn. Thành ủy kỳ vọng ban chỉ đạo sẽ tháo gỡ vướng mắc cho từng vụ việc cụ thể, khơi thông năng lượng tinh thần, phát huy sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ, công chức hành động vì đại cuộc, vì lợi ích chung.
Về khơi thông nguồn lực tinh thần, tạo động lực cho cán bộ, công chức, Thành ủy đã ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. UBND TP cũng đã tổ chức hội nghị với thủ trưởng các sởngành và chủ tịch các quận, huyện để triển khai kế hoạch phát huy sáng kiến nhằm khơi dậy truyền thống năng động, sáng tạo của cán bộ TP.
Theo đó, từ tháng 10.2022, từng sở ngành và quận, huyện thuộc TP.HCM chọn những vấn đề lớn đang vướng mắc hoặc những vấn đề mới để xây dựng đề án thí điểm giải quyết. TP.HCM sẽ kiên trì và rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chủ trương cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung để thúc đẩy hơn nữa; cũng nhằm khắc phục tình trạng cán bộ, công chức e dè, ngại khó. Đặc biệt, khơi dậy, phát huy mạnh mẽ truyền thống năng động, sáng tạo vốn có của TP.HCM.
Ông có thể chia sẻ về những tồn tại, hạn chế của TP.HCM đã được nhận diện?
Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều chỉ tiêu KT-XH giảm sâu trong năm 2021. Mặc dù năm 2022 đã phục hồi nhưng sẽ ảnh hưởng chỉ tiêu chung của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Còn nhiều “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến sự phát triển và chất lượng sống của người dân trên địa bàn TP cần được giải quyết, nhất là bất cập về hạ tầng giao thông, quá tải tại các bệnh viện…
Về nguyên nhân, ngoài yếu tố khách quan như đại dịch, cơ chế chính sách, áp lực trước yêu cầu công việc và sự quá tải của hệ thống chính trị, thì yếu tố chủ quan của mặt tồn tại, hạn chế là: một số cấp ủy, lãnh đạo đơn vị nhận thức chưa đầy đủ và quyết tâm chưa cao, còn ngại khó, chủ quan trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Một số cán bộ, công chức, đảng viên, người đứng đầu chưa thể hiện rõ trách nhiệm, sợ trách nhiệm, còn thụ động, trông chờ, ỷ lại, thiếu sáng tạo trước những khó khăn của người dân, DN.
Bên cạnh đó, trong công tác chỉ đạo, điều hành có lúc, có việc thiếu kiên trì đeo bám giải quyết những khó khăn, vướng mắc dẫn đến khó khăn hơn… “Điểm nghẽn” này được khơi thông triệt để cũng sẽ tạo thêm nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển KT-XH.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của chính quyền TP.HCM là gì, thưa ông?
TP.HCM tiếp tục triển khai 4 chương trình phát triển TP với 51 nội dung đề án, chương trình thành phần mà Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TP đề ra. Đồng thời, triển khai các nghị quyết T.Ư, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ trong xây dựng, phát triển TP.HCM về mọi mặt.
TP.HCM đang tập trung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM, Kết luận số 21 sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị; và Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Trên cơ sở đó, đề xuất cơ chế đột phá phát triển, phát huy xứng tầm hơn vị trí, vai trò của TP. TP xúc tiến triển khai thực hiện và hoàn thành những công trình, dự án có ý nghĩa 50 năm thống nhất đất nước vào năm 2025.
TP.HCM tiếp tục triển khai các giải pháp kiểm soát, thích ứng linh hoạt đối với đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển KT-XH phù hợp với diễn biến tình hình.
Chính quyền TP nhận thức rõ còn rất nhiều việc hệ trọng phải tích cực hơn nữa để làm, giải quyết có kết quả tốt hơn nữa để “mỗi người dân TP đều có quyền tự hào và có trách nhiệm đóng góp xây dựng TP.HCM thành một TP “giàu có”; giàu có không phải chỉ là tiền bạc, vật chất mà còn giàu có về lịch sử, văn hóa, giàu tình người, giàu cơ hội, giàu khátvọng vươn lên”, như lời chia sẻ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi làm việc với Thành ủy TP.HCM hôm 23.9.