Trước sự khai thác hủy diệt phong lan rừng để thỏa mãn thú chơi và mua bán khiến lan rừng ngày càng cạn kiệt, một nhóm bạn trẻ chuyên ngành nông lâm của Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum) đã đi tìm và phục hồi, nhân giống phong lan để trả lại cho rừng.

>> PHẠM ANH

Hơn 10 năm làm việc tại đây, mỗi lần vào rừng, kỹ sư Trần Quốc Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm cứu hộ và bảo tồn, phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Chư Mom Ray) thấy phong lan rừng ngày càng ít đi. Trong khi đó, đến TP.Kon Tum và nhiều nơi khác, anh lại thấy bày bán phong lan rừng la liệt.

Vườn quốc gia vốn là nơi đa dạng sinh học, phân bố rất nhiều loại lan, vậy mà ngày một vắng bóng, nên Tuấn và anh em bàn nhau phải phục hồi lan rừng. Tuy nhiên, nếu cứ để phong lan còn sót lại trong rừng, cuối cùng cũng bị khai thác, nhiều dòng lan quý sẽ mất đi. Vậy phải "cứu" lan rừng nhưng phải mang chúng về bảo tồn, sau đó nhân giống và phát tán lại vào rừng. Biết là kỳ công nhưng nhóm kỹ sư, cử nhân trẻ ấy vẫn xin ý kiến lãnh đạo vườn quốc gia, bắt tay vào làm.

Tạo rêu trong giò phong lan khi nhân giống

Hành trang đi tìm lan rừng quý mang về bảo tồn của nhóm người trẻ ấy bắt đầu hơn 5 năm trước. Họ phân công nhau vào rừng, chuyến đi ngắn thì vài ba ngày, dài thì 7 - 8 ngày. Có chuyến về tay không, có chuyến có lan mang về, nhưng nhìn chúng mỏng manh sót lại trong rừng, cứ như trẻ mồ côi bị bỏ rơi, có nguy cơ bị tận diệt, chết yểu.

Có loài lan quanh năm trong rừng sâu, ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, Tuấn và nhóm phải di thực dần ra ở độ cao thấp hơn để nuôi dưỡng. "Làm như vậy để chúng quen với môi trường mới. Mỗi năm khi thấy phong lan nứt "ki" là tiếp tục chuyển về vườn bảo tồn ở Trung tâm cứu hộ và bảo tồn, phát triển sinh vật", anh Tuấn nói. Cứ góp gió thành bão như vậy, đến nay vườn bảo tồn này đã lưu được 150 loài phong lan quý với 1.500 giò lan.

Hôm đưa tôi đến vườn, anh Tuấn cho biết vườn chia thành 2 khu vực, tổng cộng 600 m2, làm theo kiểu nhà kính, điều khiển tự động phun nước và các khâu chăm sóc thủ công khác, khá công phu. Trước đó, anh Tuấn và anh em phải "gửi" cây phong lan, cấy ghép ở các khu rừng lân cận. Khu nhà bảo tồn xây dựng xong, cách đây 3 năm mới đưa phong lan vào. “Bọn em xây dựng vườn lan này nhằm mục đích bảo tồn lan rừng ngoài tự nhiên. Đồng thời nghiên cứu nhân giống, đáp ứng nhu cầu trên thị trường, giảm bớt tình trạng đi lấy lan trong rừng ra”, Tuấn cho biết.

Cho khách xem giò lan có cọng mập như ngón tay cái buông xuống dài cả mét, anh Tuấn cho biết, đó là lan giã hạc đã tìm thấy ở dãy núi Ngọc Linh, H.Tu Mơ Rông (Kon Tum). Để đưa được về nhà lưới, anh Tuấn và nhóm bạn mất hơn 3 năm rưỡi chăm bẵm, đưa từ độ cao xuống thấp, cây mới sống khỏe như bây giờ. "Cây này tương đồng với giã hạc Chư Mom Ray, có nhiều đột biến sang màu trắng hồng, tím đậm… nhưng ở Chư Mom Ray đã không tìm thấy nữa", anh Tuấn nói. Ngoài loài giã hạc quý này, nhà bảo tồn ở đây còn có nhiều loài lan quý khác khó trồng và có giá trị như: trúc phật bà, đại bạch hạc, trúc mành... đang được thuần, lưu giữ cấy ghép để phục vụ mục tiêu bảo tồn và nhân giống.

Anh Tuấn say mê nói về từng loài phong lan, rằng việc chăm sóc lan nhìn vào nghĩ là đơn giản tưới nước và chăm bón, nhưng thực ra rất kỳ công. Mỗi loại lan có môi trường sống khác nhau, cách chăm sóc khác nhau, sống trên từng giá thể khác nhau. Nếu không nghiên cứu kỹ từng đặc tính, sẽ trồng sai, tạo sai giá thể thì lan chăm bao nhiêu cũng có thể chết. Lan đại bạch hạc là đại diện cho sự khó thuần đó. Ngoài tự nhiên, đại bạch hạc sống ở độ cao trên 1.000 m, thường bám trên các thân cây nhiều rêu.

“Khi di chuyển về nhà lưới, bọn em phải tạo giá thể tương tự, rất nhiều rêu để giữ độ ẩm và cung cấp dinh dưỡng để lan hấp thụ. Ngoài ra, nhiệt độ và môi trường giống như tự nhiên để lan khỏi bị “sốc”. Phải mất gần 5 năm mới thuần được, nhưng xác suất thành công rất thấp”, Tuấn chia sẻ.

Phong lan trong nhà lưới

Lan đại bạch hạc và các loài khác cũng hay bị bệnh, nấm vào mùa mưa, nên phải che chắn, phun nước vôi trong lên các giá thể để giảm bớt hàm lượng a xít trong nước mưa. Hằng ngày, hai nhà lưới được tưới ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều, tùy theo mùa sẽ có chế độ chăm sóc khác nhau.

Với lan thân hồng, vào mùa khô hạn chế tưới để giống như môi trường ngoài tự nhiên, cứ đến mùa khô nó tự rụng lá ra hoa và đến đầu mùa mưa thì nứt mầm trở lại, đẻ thêm thân mới. Mùa mưa phải tăng cường che chắn. Bởi lan ngoài tự nhiên được lá rừng che chắn, hạt mưa không rơi trực tiếp lên lan và chỉ đi theo cành cây cung cấp độ ẩm cho lan. Đó là chưa kể, phải làm túi phân đắp trên từng giá thể; tạo môi trường cho kiến sống, tha những xác động vật về tổ, cung cấp một phần lại chất dinh dưỡng cho cây…

Hiện tại, trung tâm đã nhân giống lan rừng bằng biện pháp bóc tách những giò lan đã cho thân mới. Mỗi năm, cây mẹ nở hoa xong lại nứt thêm cây con thì sử dụng một số thuốc kích thích để nứt ra được 2 - 3 chồi từ thân mẹ. Sau từ 2 - 5 năm, giò lan lớn hơn thì sẽ tách từng giò nhỏ ra. Khi đã bảo tồn và nhân giống thành công, trung tâm chuyển dần lan ra cây ở ngoài rừng tự nhiên thuộc 188 ha khu vườn hệ thực vật, cấy ghép lên các thân cây. Từ 1 - 3 năm đầu, các kỹ sư, cử nhân trực tiếp theo dõi. Đến khi lan sống ổn định rồi thì chính chúng là nguồn giống sẽ ra hoa kết quả và hạt phấn sẽ được gió đưa đi khắp các cánh rừng của Chư Mom Ray.

“Bọn em thu hái từng quả lan gieo trong một môi trường để tạo ra các cây con. Từ cây con sẽ phát triển thành hoa, hạt, mà mỗi hạt giống có từ 3 - 5 triệu hạt phấn bay theo gió. Tuy nhiên, tỷ lệ nẩy mầm của hạt phấn lan rừng chỉ đạt 5% mà thôi”, anh Tuấn nói.

Khu rừng hơn 100 ha Chư Mom Ray sau 20 năm phục hồi

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Phạm Anh

Báo Thanh Niên
14.01.2019
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top