Ông Lê Duy Thành kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên ngày 9.5. Ảnh: Dương Chung

Vĩnh Phúc là nơi xuất hiện những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của cả nước, khởi nguồn từ một số công nhân đi thực tập trở về từ Vũ Hán. Khi đó ông đang là Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhưng trực tiếp phụ trách mảng chống dịch, cảm giác của ông thế nào?

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Có thể nói tại thời điểm đó, không chỉ ở Vĩnh Phúc, Việt Nam mà ở toàn thế giới vẫn chưa có thông tin và hiểu biết rõ căn bệnh này, chỉ được biết thông tin qua phương tiện thông tin đại chúng, xuất hiện một căn bệnh tương tự đại dịch SARS, tuy nhiên có những triệu chứng khác, nguy hiểm hơn và tốc độ lây lan nhanh hơn.

Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi có các thông tin về loại bệnh nguy hiểm này tại Trung Quốc, Việt Nam cũng đã xuất hiện những ca bệnh đầu tiên ngay đầu năm 2020, trong đó Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh xuất hiện dịch đầu tiên và với số lượng ca mắc nhiều nhất lên tới 11.

Ngay tại thời điểm đó, Trung ương cũng như tỉnh thể hiện rõ ràng quan điểm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, đặt tính mạng người dân lên trên và trước hết. Trong khi chưa có một cơ sở khoa học nào trong việc phòng chống bệnh dịch này, những hiểu biết chung về căn bệnh này cũng chưa có, với nhiệm vụ mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao phụ trách, thực sự là bản thân tôi lúc bấy giờ làm nhiệm vụ trong cảm giác lo lắng, bất an. Bất an vì hằng ngày đối mặt với việc chống chọi một căn bệnh mới, rất nguy hiểm đến sức khỏe của người dân và ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lo lắng làm sao để thực hiện được nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho toàn thể nhân dân.

Đến đợt dịch thứ 3 (tháng 5.2021), Vĩnh Phúc tiếp tục là địa phương được cả nước chú ý như là một nơi bùng phát dịch. Khi đó Vĩnh Phúc đã có kinh nghiệm từ đợt chống dịch đầu tiên, vì thế mà đã có sự chủ động trong việc dập dịch, phải không thưa ông?

Vâng, đến thời điểm đó có thể nói rằng nhận thức và hiểu biết về loại dịch mới, dịch Covid-19 do chủng mới của Virus Corona gây ra trên cả thế giới, Việt Nam và tỉnh Vĩnh Phúc là tương đối rõ ràng. Nhận thức được mức độ nguy hiểm, nghiêm trọng và phức tạp của dịch, nên Vĩnh Phúc luôn chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Khi Thủ tướng yêu cầu thực hiện tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngay lập tức Vĩnh Phúc chuyển yêu cầu đó thành một mệnh lệnh. Vào thời điểm đó, ý thức được mức độ nguy hiểm, nghiêm trọng của dịch, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để thực hiện phòng chống dịch. Đồng thời yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dừng toàn bộ các việc chưa thực sự cần thiết, tập trung toàn lực để chống dịch với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trước hết.

Trong đợt dịch thứ 3, Vĩnh Phúc được xem là địa phương dập dịch nhanh và hiệu quả nhất trong cả nước. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với dịch hồi đó của Vĩnh Phúc?

Có thể nói Vĩnh Phúc luôn kiên định, xuyên suốt với các kinh nghiệm chống dịch đã tích lũy được từ các đợt dịch trước đó.

Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương, vận động toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia chống dịch. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 với sự vào cuộc của các đồng chí cấp ủy các cấp, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân. Trước tình huống khẩn, Ban chỉ đạo tỉnh đã kịp thời có các giải pháp cấp bách, khẩn trương tổ chức họp (ngay cả trong đêm) để quán triệt trong toàn tỉnh việc thực hiện các yêu cầu cụ thể phòng chống dịch bệnh. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo thực hiện phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

Cả hệ thống chính trị đã quyết liệt, triển khai các biện pháp đồng bộ, huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân tham gia chống dịch với công thức “phát hiện - truy vết - khoanh vùng - cách ly - điều trị tích cực hiệu quả”. Nâng cấp chiến lược trong phòng chống dịch từ “điều tra, truy vết, xét nghiệm” sang “bao vây, khoanh vùng, đón đầu và đánh chặn”. Kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch từ tỉnh đến cơ sở.

Ông Lê Duy Thành kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại chốt kiểm soát Covid-19 tại xã Thanh Trù (Vĩnh Yên) ngày 2.9. Ảnh: Khánh Linh

Trước diễn biễn của dịch bệnh ở thời điểm đó, Vĩnh Phúc đã thay đổi chiến lược và vận dụng thực hiện công tác phòng chống dịch một cách có hiệu quả, đảm bảo thực hiện phương châm “nhà giữ nhà, làng giữ làng, xã giữ xã, cơ quan giữ cơ quan, mỗi đơn vị phải là một chốt chặn chống dịch”“phòng và chống dịch từ sớm, từ xa và đảm bảo tuyệt đối không bị động, bất ngờ”. Từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các cấp, các ngành đã thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh mẽ được triển khai cùng sự đồng tình ủng hộ và hợp tác của nhân dân, tất cả thể hiện sự quyết tâm khống chế, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn.

Một kinh nghiệm quan trọng khác là Vĩnh Phúc đã phát huy vai trò tối đa của tổ Covid cộng đồng trong việc hỗ trợ các cơ quan chức năng thực hiện phòng chống dịch bệnh. Vai trò của các tổ này đặc biệt có hiệu quả trong việc theo dõi sự di biến động của dân cư, để kịp thời phát hiện những trường hợp có yếu tố nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp.

Cho dù sớm thu được kết quả như mong muốn nhưng tỉnh Vĩnh Phúc luôn quán triệt tinh thần không chủ quan lơ là, nhưng cũng không lo lắng, hoang mang. Quan trọng là phải duy trì vững chắc thành quả bên trong, chặn đứng nguy cơ xâm nhập dịch từ bên ngoài.

Trong đợt dịch thứ 3, với tư cách là Chủ tịch UBND tỉnh, ông đã thể hiện sự quyết đoán trong vai trò tổng chỉ huy - điều hành công tác chống dịch trên toàn tỉnh, chẳng hạn như xử lý nghiêm khắc những cán bộ thể hiện sự chậm trễ trong chống dịch. Sự quyết đoán này của ông hẳn cũng đã nhận được sự ủng hộ từ các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền?

Với mục tiêu của Đảng, Nhà nước và các cấp ngành, địa phương luôn đặt việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân lên trước hết và tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng. Vĩnh Phúc coi đó là một mệnh lệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân trước một đại dịch nguy hiểm hiện nay.

Do đó, chúng tôi ý thức tình huống của Vĩnh Phúc bấy giờ như thể nhà đang bị cháy. Việc đầu tiên là phải dập lửa cứu dân. Đám cháy vẫn đang cháy mà ông không chỉ đạo tốt việc dập lửa cứu người thì tôi buộc phải gạt ông ra một bên để người khác vào chỉ huy. Với cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, tôi cũng như các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành cũng toàn thể nhân dân không thể cho phép bất cứ cá nhân, tổ chức nào thể hiện sự chậm trễ, không sát sao trong việc thực hiện chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.

Ông Lê Duy Thành kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại huyện Lập Thạch ngày 18.10. Ảnh: Dương Chung

Hồi ấy, khi buộc phải “mạnh tay” với cán bộ của mình, hẳn ông cũng có nhiều tâm tư. Ông có thể chia sẻ tâm tư này của mình?

Có thể nói những quyết định như thế này là rất khó đối với cá nhân tôi. Một quyết định để xử lý các cán bộ, đồng chí, đồng đội của mình, điều này làm tôi rất buồn.

Tuy nhiên, nhận thức được ý thức, tầm quan trọng của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và nhân dân tỉnh nhà giao phó cho tôi là đảm bảo việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân trước hết, tôi không thể không làm như vậy. Xử lý để răn đe, để hướng dẫn, để thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời tạo sự nghiêm minh trong luật pháp và sự tuân thủ chấp hành mệnh lệnh chống dịch của toàn thể nhân dân.

Bên cạnh đó tôi cùng các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng kịp thời khen thưởng, biểu dương những tổ chức, cá nhân đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tạo được sự đồng thuận trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Trong đợt dịch sau đó ở các tỉnh phía Nam và Hà Nội, Vĩnh Phúc lại thể hiện tinh thần trách nhiệm với bà con quê Vĩnh Phúc đang đi làm ăn xa. Ông có thể chia sẻ cụ thể về những chỉ đạo của tỉnh hồi ấy và các kết quả đã đạt được.

Có thể nói đây không phải chủ trương của mỗi Vĩnh Phúc mà là chủ trương, tư tưởng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước với tinh thần tương thân, tương ái, lo cho người dân, đồng bào của mình gặp hoàn cảnh khó khăn ở nơi xa. Chúng ta đã tổ chức nhiều lần đón công dân sinh sống làm việc ở nước ngoài trở về nước để được chăm sóc, điều trị và trở về với gia đình do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đồng lòng quyết tâm hiện thực hóa tinh thần đó, với nhận thức sâu sắc hoàn cảnh mà bà con quê hương đi làm ăn xa (TP.HCM, Bình Dương, Long An,...) đang gặp phải. Cũng như người dân ở những nơi đó, bà con quê Vĩnh Phúc đã gặp nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nhiều người có nhu cầu, có nguyện vọng trở về quê hương, với hy vọng được che chở, được an toàn cao nhất trong đại dịch.

Ngay lập tức, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo và nhận được sự đồng thuận của toàn thể nhân dân, triển khai việc đón người dân Vĩnh Phúc về quê. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ chức đón công dân trở về, đến nay đã đón được hơn 20.000 công dân của tỉnh trở về. Khi trở về tỉnh, bà con đều được chăm sóc y tế. Có nhiều trường hợp dương tính với Covid-19, bà con đều được chăm sóc, điều trị và hiện nay đều đã được trở về đoàn viên với gia đình.

Hiện nay, không riêng gì Vĩnh Phúc mà cả nước đều chấp nhận trạng thái “sống chung với dịch”.  Ông có thể cho biết chỉ đạo của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay cụ thể thế nào, để vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?

Vĩnh Phúc luôn thực hiện nghiêm, triệt để quan điểm, chủ trương của Trung ương, Chính phủ để thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, luôn nhất quán quan điểm hoàn thành mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả - vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Trong đó nhiệm vụ hàng đầu là đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe của nhân dân.

Với quan điểm đó, Vĩnh Phúc luôn vận dụng một cách linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, để đảm bảo thực hiện hoàn thành mục tiêu kép như trong thời gian qua. Hiện nay Vĩnh Phúc tiếp tục chủ động, linh hoạt triển khai một số biện pháp phòng chống dịch.

Trước hết có thể kể đến biện pháp tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tới các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo chống dịch như chống giặc. Lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện. Mọi chính sách, hoạt động đều hướng đến người dân và người dân tham gia thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống dịch theo quy định. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

Hai là tiếp tục phát huy vai trò tối đa của Tổ Covid cộng đồng, Tổ liên gia tự quản, Tổ an toàn Covid-19 (của các cơ quan, doanh nghiệp) trong việc hỗ trợ, giám sát việc tuân thủ thực hiện phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt các tổ này có vai trò theo dõi sự di biến động của dân cư, của người lao động để kịp thời phát hiện những trường hợp có yếu tố nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp.

Ông Lê Duy Thành động viên các y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ tại khu điều trị cách ly bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng (Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên)

Ba là tục triển khai tiêm mũi tăng cường, bổ sung và mũi 3 cho người đủ điều kiện tiêm chủng. Trong đó ưu tiên cho đối tượng có bệnh lý nền, người cao tuổi và lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch,…

Bốn là tiếp tục củng cố, chủ động, sẵn sàng và nâng cao các biệp pháp y tế để kịp thời đáp ứng với mọi tình huống, diễn biến của dịch. Tăng cường khả năng xét nghiệm, năng lực điều trị điều trị,... mở rộng thêm các cơ sở cách ly, điều trị cho bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng để đảm bảo người dân được chăm sóc, điều trị một cách an toàn và hiệu quả nhất.

Cuối cùng, một biện pháp không thể thiếu là tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân và yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tuân thủ thực hiện việc xét nghiệm Covid-19 định kỳ hằng tuần. Đảm bảo không chủ quan lơ là, nhưng cũng không lo lắng, hoang mang, duy trì vững chắc thành quả bên trong, chặn đứng nguy cơ xâm nhập dịch từ bên ngoài.

Cảm ơn ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Quý Hiên (thực hiện)

Báo Thanh Niên
31.12.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.