Khoảng 21 giờ ngày 13.5, nhóm "hiệp sĩ đường phố" Q.Tân Bình (TP.HCM) gồm 5 người đang di chuyển trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3) thì phát hiện 2 thanh niên đi xe máy chuẩn bị trộm xe SH ở một cửa hàng. Nhóm "hiệp sĩ" hô hoán thì bị 2 thanh niên dùng hung khí tấn công.

Vụ việc khiến 2 "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Thôi, Nguyễn Hoàng Nam tử vong. 3 "hiệp sĩ" Trần Văn Hoàng, Đinh Phú Quý, Nguyễn Đức Huy bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.


Mọi người hay trêu “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Văn Thôi là Thôi 'cà lăm' vì lúc nhỏ ông có tật nói lắp, câu được câu mất.

“Lúc công an điện về báo tin là cả nhà bủn rủn tay chân. Chồng tôi vào đây nhận dạng em, khóc 'đúng nó rồi'. Mới hôm trước em tôi về quê chơi còn tâm sự là 'ráng làm thêm một thời gian nữa, kiếm ít vốn về quê chứ lớn tuổi rồi'. Vậy mà...”, bà Trương Thị Loan (46 tuổi, quê Bình Định),  chị dâu của ông Thôi, nói trong nước mắt khi bà đến Trung tâm pháp y TP.HCM vào ngày 14.5.

Ông Ân, anh trai của ông Thôi, không nói gì. Ông Ân ngồi trên vỉa hè, hướng mắt về trung tâm pháp y, nơi em trai ông đang nằm.

Nhà có 5 anh em trai, ông Thôi là người con thứ 3. Năm 16 tuổi, ông Thôi vào Sài Gòn làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Hơn 10 năm trước ông Thôi cưới vợ, sinh được đứa con trai (nay học lớp 4). Cuộc sống hai vợ chồng ông Thôi chẳng lúc nào đủ đầy. 6 tháng trước, họ ly thân, thuê trọ ở riêng. Đôi ba ngày, ông Thôi lại đến thăm con. Mẹ ông Thôi nay đã gần 70 tuổi, bị bệnh đau khớp nên không làm được việc nặng.

“Mấy năm nay nó vừa chạy xe ôm vừa đi theo anh em bắt trộm cướp. Mọi người có can ngăn nhưng nó cứ nói 'không sao đâu'. Nó là người sống nghĩa tình và không mất lòng ai bao giờ. Nó hay nói 'cà lăm' nhưng thật thà, thẳng tính. Hai tháng trước nó về quê nói nó cố gắng làm rồi về quê 'dưỡng già'. Vậy là bây giờ được về quê rồi... Thôi 'cà lăm' à”, bà Loan lại nấc lên.

Rạng sáng 15.5, gia đình đưa “hiệp sĩ” Thôi về quê nhà an táng, để giấc mơ dang dở của ông Thôi ở lại Sài Gòn...


Khoảng 13 giờ ngày 14.5, thi thể "hiệp sĩ đường phố" Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi) được đưa về nhà ở xã Sông Trầu (H.Trảng Bom, Đồng Nai). Vừa thấy chiếc xe tang dừng trước cổng, ông Nguyễn Hữu Hoàng  từ trong nhà lao ra mếu máo khóc, kêu gào tên con trai.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng cho biết gia đình ông sống ở TP.HCM, sau đó xảy ra sự cố nên ông về xã Sông Trầu mua đất, cất nhà. Còn vợ ông cùng hai người con (trong đó có Nam) vẫn ở TP.HCM, thuê phòng trọ. Lâu lâu, vợ con ông về Đồng Nai thăm ông.

Theo ông Hoàng, cách đây mấy năm, khi biết con làm “hiệp sĩ đường phố”, ban đầu ông cũng ủng hộ vì thấy đó là việc làm tốt, giúp ích cho đời. Sau đó thấy nhiều chuyện nguy hiểm, ông khuyên con "nghỉ làm hiệp sĩ", tuy nhiên Nam không nghe.

“Mỗi lần Nam về thăm là tôi hỏi còn làm không thì nó bảo con nghỉ rồi nhưng thực sự không nghỉ, nó vẫn cứ tiếp tục làm”, ông Hoàng kể.

Tối 13.5, khi ông Hoàng đang ngồi chơi ở nhà hàng xóm thì có điện thoại của em trai từ TP.HCM gọi xuống. "Tôi nghe xong tôi choáng muốn té, ông hàng xóm phải đỡ, sau đó tôi tức tốc chạy lên TP.HCM”, ông Hoàng buồn bã nói.

Ông Hoàng cho biết thêm, cả ngày 13.5, ông nấn ná chờ Nam về thăm ông, chờ từ sáng tới chiều, không đi đâu ra khỏi nhà, đến tối thì nghe hung tin. “Hỏi tôi có đau không chứ?”, ông Hoàng đau khổ thốt lên.

“Thằng Nam nó bỏ tôi đi luôn rồi. Mới trước đó 2 hôm nó còn nói công việc trên Sài Gòn bận bịu quá, gắng vài hôm nữa sẽ về thăm nhà. Ngay trong ngày của mẹ, ngày 13.5, nó còn gọi điện thoại về hỏi thăm tôi, mà trong đêm lại nhận được tin con như vậy. Đợt này con về với tôi luôn rồi cậu ơi!”, bà Lâm Thị Nhung, mẹ Nam, khóc ngất khi tổ chức tang lễ cho con trai.

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Lê Lâm, Ngọc Dương | Tổng hợp: Lam Nguyên

Báo Thanh Niên
31.12.2018
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top