Seoul và Bình Nhưỡng vẫn còn trong tình trạng chiến sau khi chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc với thỏa thuận ngừng bắn, không có hiệp ước hòa bình, theo AFP. Các bên ký kết thỏa thuận ngừng bắn bao gồm lực lượng Liên Hiệp Quốc do Mỹ đứng đầu (tham chiến cùng quân đội Hàn Quốc) và Triều Tiên cùng Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ Kim Nhật Thành (trái) ký kết thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1953

Trước thềm thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 tại thủ độ Hà Nội ngày 27-28.2, Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun khẳng định Tổng thống Trump “sẵn sàng chính thức chấm dứt cuộc chiến này”.

Các chuyên gia quốc tế nhận định hai bên có thể đạt được thỏa thuận về ký kết hiệp ước hòa bình để kết thúc chiến tranh nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần phải có thêm nhiều vòng đàm phán.

Cái bắt tay lịch sử giữa Chủ tịch Kim và Tổng thống Trump tại thượng đỉnh Singapore

Nỗ lực hướng đến chính thức chấm dứt chiến tranh cũng là một trong số những thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Chủ tịch Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi năm 2018. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tiến triển cụ thể do Mỹ và Triều Tiên vẫn còn tồn đọng những bất đồng liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Chủ tịch Kim Jong-un tại thủ đô Bình Nhưỡng năm 2018

Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2019, Chủ tịch Kim đã kêu gọi “đàm phán đa phương nhằm thay thế thỏa thuận ngừng bắn hiện tại bằng cơ chế hòa bình nối kết chặt chẽ với những bên liên quan”.

“Đối với Bình Nhưỡng, hiệp ước hòa bình là yếu tố quan trọng đảm bảo sự tồn vong của chế độ vì điều này đồng nghĩa Triều Tiên-Mỹ không còn là kẻ thù”, theo giáo sư Koo Kab-woo thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên (Hàn Quốc). Bên cạnh đó, Tổng thống Moon luôn duy trì quan điệm và nỗ lực hướng bán đảo Triều Tiên “không chiến tranh”.

Lực lượng binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung năm 2016

Tuy nhiên, Washington lại lo ngại hiệp ước hòa bình có thể khiến Washington bị “soi mói” về liên minh quân sự với Seoul và 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc. 

“Mỹ lo ngại những thay đổi bất ngờ trong trật tự khu vực sẽ ảnh hưởng đến lợi ích nước này giữa lúc Trung Quốc trỗi dậy, tăng cường sức ảnh hưởng. Một khi hiệp ước hòa bình được ký kết, Mỹ có thể phải cắt giảm bình sĩ ở Hàn Quốc. Đây là chính điều Trung Quốc kỳ vọng”, chuyên gia Koh Yu-hwan thuộc Đại học Dongguk (Hàn Quốc) nhận định.

Giới chuyên gia kỳ vọng khả năng Mỹ-Triều Tiên đạt được thỏa thuận hướng đến ký kết hiệp ước hòa bình, nhưng dự đoán tiến trình sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn do sự phức tạp của vấn đề.

Chuyên gia Koo cho rằng để ký kết hiệp ước hòa bình, các bên cần phải giải quyết nhiều vấn đề từ sửa đổi hiến pháp hai miền Triều Tiên cho đến tái định hướng vai trò của lực lượng quân sự Mỹ ở Hàn Quốc.

Nhà phân tích Kim Dong-yub thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Hàn Quốc) cho biết thêm các cuộc đàm phán hướng đến hiệp ước hòa bình có thể kéo dài hơn 3 năm.

Theo các chuyên gia, sau thượng đình tại Hà Nội, một viễn cảnh có khả năng xảy ra là những bên liên quan - Triều Tiên, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ - sẽ tuyên bố chính thức kết thúc chiến tranh trong một tuyên bố chung. “Điều này sẽ mở đường cho hiệp ước hòa bình”, chuyên gia Go Myong-hyun thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Asan (Hàn Quốc) đánh giá.

Máy bay ném bom B-29 của Mỹ không kích các mục tiêu ở Bình Nhưỡng
Tù binh Triều Tiên và Trung Quốc tại nhà tù ở Pusan

Hiệp ước hòa bình nếu đạt được sẽ châm ngòi tranh cãi về vai trò lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Lực lượng Trung Quốc hỗ trợ Triều Tiên trong chiến tranh đã rút binh vào năm 1956 và vì vậy Washington có thể phải vất vả tính chuyện điều chỉnh sự hiện diện quân sự tại Hàn Quốc.

Dù vậy, hiệp ước hòa bình sẽ giúp tăng cường áp lực buộc Triều Tiên phải từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân. Trước đây, chính phủ Triều Tiên nhiều lần khẳng định cần phải phát triển vũ khí hạt nhân để phòng thủ trước mối đe dọa từ Mỹ.

“Tuyên bố chung chính thức kết thúc chiến tranh giúp chấm dứt những mối quan hệ thù địch. Và hiệp ước hòa bình hiện thực hóa tuyên bố đó với những điều khoản mang tính ràng buộc về pháp lý’, chuyên gia Koh nói.

Theo tờ The New York Times, do không có những con số thống kê chính xác nên các nhà sử học ước tính khoảng 3-4 triệu người thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên, trong đó khoảng 70% là thường dân.

Báo Thanh Niên
21.02.2019
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top