>> Ngữ Yên

Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ là dự án sách vừa ra mắt của ông. Trước đó, ông có Bức xúc không làm ta vô can nói về vấn đề phản biện xã hội; rồi Thiện, Ác và smartphone nói về tấn công trên mạng. Những dự án sách trước của ông là những chủ đề rất nổi trên mạng. Giờ đây vì sao ông lại chọn một mảng “chìm” là thế giới tâm lý hậu tuổi thơ?

Tôi luôn có một mong muốn là biết về cuộc sống của người khác. Tôi quan tâm đến vận hành tâm lý của con người, đặc biệt đến thế giới của những người vốn nằm trong bóng tối, không được xã hội chú ý tới. Ví dụ, trong cuốn Điểm đến của cuộc đời, tôi bước vào thế giới của người cận tử. Gia đình nào cũng đã, đang hoặc sẽ có người cận tử, nhưng chúng ta không bước vào thế giới của họ, dù họ rất cần được chia sẻ, lắng nghe. Đấy là cuốn sách đầu tiên của tôi về một thế giới ít người biết tới.

Theo triết lý đó, ở cuốn này, Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, tôi đến với thế giới của người trẻ. Có một nghịch lý là dù các bạn trẻ xuất hiện rất nhiều trên phim ảnh, ca nhạc, ngoài đường phố, nhưng c5húng ta không biết gì nhiều về thế giới nội tâm của họ. Đây là một thiếu sót và cũng là một vấn đề. Không biết về thế giới của họ, chúng ta sẽ không thể hiểu họ, không thông cảm với họ được, không chữa lành quan hệ giữa ta và họ được. Vì thế, tôi nghĩ trước hết chúng ta nên lắng nghe mà không phán xét, thay vì chỉ thông qua bề ngoài mà đánh giá họ ích kỷ, ăn chơi, không quan tâm đến gia đình, đất nước.

Tức là ngay từ đầu, ông đã xác định dự án sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ này là viết về những người trẻ mắc kẹt, khó trưởng thành vì bị chấn thương tâm lý?

Tôi quan tâm tới tất cả những gì thuộc về thế giới của họ, yêu đương, tình dục, mối quan tâm tới chính trị, xã hội. Nhưng khi trò chuyện, dần dần các bạn ấy lộ ra những vấn đề liên thế hệ và những vết thương tâm lý. Ám ảnh tôi nhất là những câu chuyện về chấn thương tâm lý. Đó là lý do cuốn sách tập trung nhiều vào chúng. Những lĩnh vực tình yêu, tình dục, con đường học hành cũng có trong sách, nhưng không phải là trọng tâm.

Những người trẻ đang tổn thương ấy, họ có dễ mở lòng với ông không?

Tiếp cận họ là một thách thức. Thoạt đầu, họ không tin tưởng, càng không muốn rút gan ruột cho một người xa lạ. Tôi đã phải dành rất nhiều thời gian, mất rất nhiều công sức để tìm được những bạn trẻ sẵn sàng chia sẻ chuyện riêng tư. Và tôi đã kiên nhẫn đi gần 2 năm với rất nhiều bạn.

Khi những bạn đầu tiên đã tâm sự với tôi, và thấy việc được trải lòng khiến nỗi đau của các bạn vợi đi, thì họ giới thiệu cho các bạn bè khác của mình tới gặp tôi. Họ không nhận được điều gì từ tôi cả. Tôi không thể cho họ tiền, cơ hội làm việc, hay thậm chí một lời khuyên. Nhưng họ có nhu cầu được lắng nghe, và có thể kể hàng tiếng đồng hồ với tôi, một người xa lạ, về những kỷ niệm năm 12 tuổi của mình.

Trong sách có câu chuyện một bạn hút cần sa, một hành vi vi phạm pháp luật. Ông có nghĩ một chi tiết như thế sẽ khiến cuốn sách Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ kém thuyết phục, kém lan tỏa hơn không?

Tôi cho rằng chính điều đó khiến sách thuyết phục hơn. Tôi muốn khắc họa đời sống thực chứ không muốn vẽ ra những gương người tốt, việc tốt mang tính cổ động. Không ai trong chúng ta là hoàn hảo, các bạn trẻ cũng vậy. Nhưng quan trọng là chúng ta có thể lắng nghe họ mà phán xét hay không phán xét. Điều đó sẽ khiến ta có thể xuyên qua vẻ bên ngoài để nhìn được nội tâm của họ, để kết nối với họ, để họ thấy được tôn trọng.

Làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng các bạn ấy không nói dối khi chia sẻ chuyện?

Tôi luôn nhấn mạnh rằng mình không có kỳ vọng được nghe về điều gì đó cụ thể, mà tôi quan tâm tới tất cả những gì thuộc về con người các bạn ấy. Vì thế, họ không có lý do để kể cho tôi những điều mà họ không nghĩ, không cảm thấy, không trải qua.

Ông nghĩ gì về bố mẹ các bạn trẻ ấy?

Tôi thấy rất buồn cho bố mẹ các bạn ấy. Con của họ có thể tìm đến và kể cho một người xa lạ về những băn khoăn của mình, những điều xảy ra trong cuộc sống của mình, nhưng lại không kể cho bố mẹ mình. Tôi nghĩ bố mẹ nào cũng muốn nghe những chuyện đó nhưng họ không được nghe, vì họ không kết nối được với con cái. Họ yêu con họ, nhưng con họ lại phải đi tâm sự với một người xa lạ.

Dự án này cũng tìm hiểu về những trải nghiệm tình dục đầu tiên của người trẻ. Ông có thấy định kiến gì về tình dục của các bạn ấy không?

Tôi nghĩ về tình dục các bạn trẻ VN ngày nay đã khá gần các bạn trẻ phương Tây. Họ thoáng hơn và không coi tình dục trước hôn nhân là vấn đề. Việc đổi bạn tình với họ giờ không quá là nghiêm trọng nữa.

Tôi nghĩ rằng nếu như phụ huynh cứ bám vào giá trị đạo đức là tình dục phải đi kèm với hôn nhân, thì sẽ tạo ra một xung đột rất lớn với con cái mình. Nó sẽ tạo ra 2 hướng tiêu cực: hoặc là các bạn ấy sẽ phải giấu giếm bố mẹ, và có một đời sống riêng của mình mà bố mẹ không biết; hai là các bạn ấy sẽ phải kìm nén bản thân để hài lòng bố mẹ - điều đó cũng không lành mạnh. Điều đó cũng tương tự như việc mình phải học cái ngành mà bố mẹ muốn, chứ không phải ngành mình thích.

Tất nhiên, cũng có những trường hợp người trẻ lao vào tình dục như một hệ quả của sự cô đơn, bị gia đình bỏ rơi. Họ tìm tới yêu đương chóng vánh và tình dục như một sự chạy trốn. Trong những trường hợp đó, các bạn đó cần nhận được sự giúp đỡ, thay vì bị lên án.

Trong cuốn sách của ông, có nhân vật đã dùng từ “người thân độc hại”?

Chữ “cha mẹ độc hại” đang được dùng khá phổ biến, nó được dịch ra từ tiếng Anh là “toxic parents”. Bản thân tôi thích dùng từ “cách dạy con độc hại” hơn là “bố mẹ độc hại”, vì nó không mang tính dán nhãn cá nhân, không hàm ý rằng sự độc hại nằm trong bản chất của những cha mẹ đó. Nó nói đến việc dạy con bằng những hành động mang tính bạo lực, phá hủy, tiêu cực, gây chấn thương với đứa con.

Khi sách ra thì phản hồi của các nhân vật và gia đình họ thế nào?

Nhiều bạn thấy vui và có ý nghĩa vì câu chuyện của mình có ích cho nhiều bạn đọc. Nhiều bạn thấy được an ủi vì nhận được sự đồng cảm của người đọc. Có người không quá quan tâm tới cuốn sách, quá trình tâm sự, đào sâu vào bản thân trong 2 năm qua mới là điều quan trọng với họ.

Tôi không rõ gia đình họ phản ứng như thế nào. Phần lớn cha mẹ trong sách không có kết nối với con nên chắc họ sẽ không trao đổi với con mình về cuốn sách này, hay về bất cứ cuốn sách nào. Từ những phụ huynh khác trong xã hội, tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực. Họ nhìn thấy bản thân trong sách, họ nhìn thấy con mình trong sách. Cuốn sách khiến họ phải suy nghĩ về tuổi thơ của mình, về tác động của nó tới con người họ hiện nay, và tới cách họ nuôi dạy con.

Liệu có ngày nào đó, chính những người trẻ đã chia sẻ này lại bị tổn thương vì những gì mình đã chia sẻ không?

Việc được chia sẻ, được lắng nghe trong một không gian an toàn, không bị phán xét, đánh giá, tra hỏi, ép buộc, được đồng cảm, an ủi, chắc chắn là có tác động tâm lý tích cực. Đó là lý do các nhân vật tự nguyện đồng hành với tôi trong một thời gian dài, với tốc độ và mức độ mà các bạn ấy tự xác định. Quan sát của tôi là quá trình chia sẻ khiến nhiều bạn trở nên nhẹ nhõm hơn, thanh thản hơn, hiểu rõ hơn về những gì xảy ra với mình.

Xin hỏi về cảm xúc của ông khi nghe các bạn ấy nói?

Nhiều lúc tôi cảm thấy bất ngờ về mức độ dữ dội của bạo lực gia đình. Những chấn thương tâm lý xuất hiện không chỉ trong những gia đình lao động, nghèo túng, mà còn có rất nhiều ở những gia đình trung lưu, thậm chí giàu có. Tôi thấy thương cảm các bạn trẻ, họ còn non nớt, trong trắng nhưng đã chịu nhiều bầm dập. Đằng sau cái vẻ ngoài ngổ ngáo, bất cần của họ là một trái tim hướng thiện, khao khát được sống trong một gia đình ấm áp, được có ích cho xã hội. Nhưng 10 năm nữa, trái tim hướng thiện đó có thể sẽ đông cứng.

Vậy ông có muốn nhắn nhủ tới các gia đình điều gì từ những trải nghiệm, chia sẻ mình có được?

Nhiều cha mẹ có cách nuôi dạy con độc hại bởi chính họ đang quay cuồng với các vấn đề của mình: hôn nhân bất hạnh, xung đột với bố mẹ đẻ hay bố mẹ chồng/vợ, túng quẫn về kinh tế. Họ quá bận bịu với những đổ vỡ của mình, vật lộn với chính cuộc sống của mình, nên không thể quan tâm đến con cái. Hoặc họ cho rằng, nghĩa vụ làm cha mẹ của họ chỉ gói gọn trong việc chu cấp tiền nong cho con.

Cha mẹ không hiểu biết, hoặc cha mẹ bất hạnh đều có nguy cơ phá hủy con mình.

Báo Thanh Niên
29.03.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.