Tạ Thùy Trang, người sáng lập cộng đồng Saigon Compass có một tuổi thơ nhiều nước mắt, bị bạo hành, kỳ thị vùng miền và bị xâm hại tình dục từ khi 5 tuổi. Nhưng nghị lực và lòng bao dung đã giúp Trang vượt lên tất cả.

>> THÚY HẰNG (thực hiện)

Mới đây, Trang đã trở thành 1 trong 200 nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc châu Á - Thái Bình Dương của chương trình Obama Foundation Leaders Asia - Pacific. PV Thanh Niên có cuộc trao đổi Tạ Thùy Trang xung quanh về sự trải nghiệm và vươn lên trong cuộc sống.

Cảm giác của Trang thế nào khi biết mình giành học bổng?

Rất vui, bất ngờ. Khi nộp hồ sơ dự tuyển, tôi mong muốn nâng cao cho mình nhiều kỹ năng quản lý dự án, lãnh đạo, cũng như tương tác với cộng đồng tốt hơn và các kỹ năng cần có khác khi Saigon Compass phát triển lên một giai đoạn mới.

Chương trình Lãnh đạo Châu Á - Thái Bình Dương là chương trình huấn luyện 1 năm gồm những khoá học online và offline (tập trung) tại một số quốc gia, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có buổi nói chuyện truyền cảm hứng với các lãnh đạo trẻ của khoá học.

Từ bao giờ Trang có đam mê với những hoạt động cộng đồng?

Từ nhỏ lắm, thời học tiểu học, tôi đã tham gia các chương trình ở phường, quận rồi sau đó lên THCS, THPT tôi tham gia nhiều, là một sở thích của mình vậy. Tôi thích giúp đỡ mọi người, loài vật và cả thiên nhiên nữa. Tới đại học, tôi tham gia nhiều CLB. Trong đó, có thể kể đến cộng đồng thiên văn VN, tôi gắn bó cùng mọi người hơn 10 năm. Sau đó, trải qua nhiều công việc khác nhau, tôi vẫn tham gia nhiều chương trình khởi nghiệp, trao đổi văn hoá, hội trại, giao lưu kết nối với bạn trẻ ở nhiều nước. Hình như tôi đã đặt chân tới 10 quốc gia châu Á.

Và đến bây giờ là Saigon Compass, Trang mong muốn điều gì qua cộng đồng này?

Saigon Compass điều phối và hỗ trợ các chương trình về lĩnh vực giáo dục và môi trường dựa trên nền tảng cùng sẻ chia trách nhiệm xã hội. Sau hơn 1 năm thành lập, chúng tôi có hơn 50 sự kiện kết nối cộng đồng. Chúng tôi tiếp cận hơn 30.000 lượt người offline và có cộng đồng gần 50.000 thành viên tích cực trực tuyến (trên tất cả các kênh), hơn 1.000 tình nguyện viên, cộng tác viên, đối tác trong cả nước.

Tại sao Trang lựa chọn giáo dục xuyên suốt trong các chương trình của mình?

Tôi đã đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều cảnh đời, trải qua nhiều công việc và những trải nghiệm của bản thân mình, trước khi sáng lập Saigon Compass và có những câu chuyện tôi thấm thía… Tôi tới Campuchia, một hội thảo rất đông người và một bạn trẻ bị liệt 2 chân vẫn rất tự tin đi bằng hai tay vào tất cả các buổi toạ đàm để cùng trao đổi, thảo luận. Tôi hiểu ra rằng quan trọng nhất chính là tầm nhìn xa. Ngay cả khi điều kiện chúng ta chưa tốt, thì tinh thần học hỏi đã rất quan trọng.

Câu chuyện nhà giáo dục nổi tiếng châu Á Preetam Rai mấy chục năm qua anh đã đi nhiều nước chỉ để nói chuyện với người trẻ rằng hãy đi du lịch đi, hãy đi khám phá thế giới đi. Hay các anh chị sáng lập tổ chức dạy nghề cho trẻ em đường phố KOTO nơi tôi từng làm việc đã truyền cho tôi nhiều cảm hứng.

Tôi hiểu rằng chìa khoá của mọi vấn đề chính là giáo dục. Và hơn hết, câu chuyện trao cơ hội được giáo dục cho nhiều người, đi từ chính một phần tuổi thơ tôi.

Trang đã trải qua một tuổi thơ ám ảnh? 

Tôi sinh ra và lớn lên trong một khu ổ chuột. Vài chục năm trước thì Q.7, TP.HCM còn là những xóm nghèo với nhiều kênh rạch, những mái nhà lá. Sau đó, việc bán được đất đai ruộng vườn đã đổi đời nhiều con người. Nhưng để nhiều người không được giáo dục đến nơi chốn sở hữu nhiều tiền lại là tai hoạ, tôi lớn lên bên cạnh những người nghiện ngập, chích hút, nhiều tệ nạn tình dục.

Bản thân tôi bị xâm hại tình dục từ khi 5 tuổi. Tôi lớn lên giữa miệt thị vùng miền (cha tôi là người Bắc, mẹ là người Nam), bạo hành, nhiều khi bị những đứa trẻ trong xóm chửi bới, ném đá đến chảy máu, bầm dập khắp người. Tôi vẫn đến trường, là học sinh giỏi, tham gia nhiều phong trào, nhưng bên trong tôi là những nỗi đau đớn trong thinh lặng đến vỡ oà. Tôi tưởng cuộc đời mình sẽ dừng lại ở tuổi 22.

Có bao giờ Trang cảm thấy bế tắc?

Có chứ. Có những lúc rất tồi tệ, tôi đã từng hoài nghi, sự tồn tại của mình còn cần thiết không, tôi suy nghĩ mình có nên tiếp tục công việc này hay không. Ngoài ra, có những điều đã trải qua trở thành một phần của tôi suốt đời như các vấn đề liên quan đến tâm lý, nhưng may mắn tôi đã được tiếp xúc, được học những kỹ năng để sống tốt với những phiền toái nho nhỏ này. Nhưng những niềm vui nhỏ là động lực để chúng tôi bước tiếp, như là nhiều bạn trẻ gắn bó với Saigon Compass và đã thay đổi, từ không quan tâm, họ đã không dùng đồ nhựa một lần, biết phân loại rác, trồng nhiều cây xanh…

Cuộc sống của Trang rất nhiều màu sắc, từ khắp những trải nghiệm?

Tôi học được rất nhiều những dự án mình tham gia, những chương trình mình được là một phần trong đó. Được đi thật nhiều, và hiểu nhiều về thiên nhiên VN, đó là một điều rất tuyệt vời. Tôi được tới nhiều vườn quốc gia, thăm những hòn đảo, hang động kỳ vĩ, bước chân mình từ những rừng lá kim tới rừng lá rộng, bước chân từ mặt đất tới núi cao trên đỉnh Fansipan mờ sương…

Với kinh nghiệm năng lực làm việc như Trang, nhiều người có những cơ hội làm việc tuyệt vời tại những tập đoàn lớn, hoặc khởi nghiệp để kiếm được thật nhiều tiền. Tại sao bạn chọn con đường đang đi?

Tôi cũng đang kiếm tiền đó chứ (cười), nhưng tôi xuất thân từ một gia đình khó khăn, công việc cho tôi được gặp gỡ, tiếp xúc với tất cả các tầng lớp trong xã hội, từ người nghèo ở khu ổ chuột tới những trí thức giàu có.

Càng trưởng thành thì tôi cũng thấy mình không có mưu cầu phải thật giàu có tiền bạc, tôi hiểu mình cần gì, muốn gì và tôi cảm thấy bình yên với lựa chọn hiện tại. Tôi lựa chọn lối sống tối giản, những chương trình tôi làm cũng tối giản, như là cùng nhau ăn chay - không để lại rác, dọn dẹp bãi biển, trồng cây ở Cần Giờ…; nhưng ở đó có những sự kết nối thật và có nhiều người từ những kết nối của Saigon Compass trở thành những mối quan hệ lâu dài ngoài đời thực.

Nếu có lời mời qua làm việc ở nước ngoài, bạn suy nghĩ gì?

Tôi từng đến 10 quốc gia, chưa bao giờ nghĩ chuyện sẽ sống ở một nơi nào khác, ngoài VN. Tôi thương yêu từng nơi mình từng đi qua, mọi thứ đã quá thân thuộc.

Tôi còn nhớ khi mình tham gia CLB thiên văn VN, có một cô làm ở Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) qua VN chơi, tôi đưa cô xuống miền Tây và cả một buổi sáng trên sông nước, nói với cô về những điệu hò, câu hát, nhịp sống nơi này, cô ấy đã thích mê. Bạn bè tôi nhiều người ở nước ngoài, một số trong đó với lời hứa cam kết trở về.

Khi mình thấy mình thuộc về nơi này, biết ơn thành phố này sẽ biết cách để trân trọng, thái độ sống vui hơn. Tôi nghĩ rằng mỗi người nên như một cái cây có thể toả bóng mát. Khi sống bền vững trước hết cho mình, thì môi trường cũng sẽ bền vững. Như là biết cho - nhận, sống vui vẻ, sắp xếp cuộc sống khoa học, làm những việc tốt lành như gom giấy rác cho ve chai, trồng thêm những cái cây xanh…

Trang đang ấp ủ nhiều dự án vì cộng đồng trong thời gian tới?

Sắp tới chúng tôi có triển lãm, các buổi nói chuyện liên quan đến ô nhiễm không khí. Tôi cũng rất muốn thực hiện được những bộ sách tranh chuyển tải thông điệp về môi trường một cách dễ thương, gần gũi cho trẻ em, như cách phân loại rác, cách làm vườn trường… và chúng được thực hiện bằng cách xã hội hoá, để phụ huynh nào cũng có thể mua về cho con cái đọc, ở khắp các nhà sách.

Ngoài ra, tôi cũng khởi động một vài dự án về việc thực hành nhiều hơn về thiên nhiên như vườn cộng đồng ở đô thị.

Điểm mạnh nhất của Trang là gì?

Mentor (người định hướng) của tôi nói với tôi, vui nhất là ở tôi có sự trong sáng, trải qua nhiều va vấp, biến cố, tôi không thù hận, ngược lại tôi nuôi dưỡng lòng biết ơn.

Niềm vui mỗi ngày với Trang là gì?

Đơn giản lắm. Nhìn ra ban công thấy những chiếc lá non mới nhú ra, hay những bông hoa nhài đã nở, hoặc được mời ăn kem (cười).

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Thúy Hằng, NVCC

Báo Thanh Niên
20.10.2019
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top