Giản dị, chất phác, sống gắn bó với người Tày, Nùng, Dao, Hán, Cờ Lao, Hà Nhì... vùng Túng Sán, Hoàng Su Phì (Hà Giang), thật khó để nhận ra “lão nông” Từ Quốc An lại là người đến từ Đài Loan, nay đã qua tuổi 65. Mối duyên gắn bó ông với mảnh đất Hoàng Su Phì cùng những cánh rừng bạt ngàn nơi ấy từ năm 2010, chỉ vì cây trà cổ thụ. Sự xuất hiện của Từ Quốc An trong ngành sản xuất trà Việt tạo nhiều khác lạ bởi ông là người đầu tiên vận dụng kỹ thuật chế biến trà Đài Loan (Ôlong, Đông phương mỹ nhân) vào nguyên liệu trà cổ thụ Việt. Nhân sắp đến ngày Trà thế giới (21.5), Thanh Niên trao đổi với người làm trà Từ Quốc An về niềm đam mê và tình yêu của ông với Việt Nam, với cây trà cổ thụ.

Cơ duyên nào ông lại đến Việt Nam, có phải vì cây trà?

Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên (TP.HCM) từ năm 1986, không liên quan gì đến cây trà, mà tìm cơ hội đầu tư, xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp Đài Loan vào Việt Nam và ngược lại.

Hẳn ông có rất nhiều kỷ niệm, Việt Nam ngày ấy cũng khác nhiều, ông có thể kể một vài chuyện đáng nhớ?

Riêng đảo Phú Quốc, tôi đến hơn 40 lần để cùng các doanh nghiệp Đài Loan khảo sát đầu tư; còn ở TP.HCM tôi nhận 19 trẻ làm con nuôi. Các em đều xuất thân trong gia đình rất nghèo, tôi chăm lo chuyện ăn học cho các em ở Việt Nam, và khi lớn đưa sang Đài Loan du học, tất cả giờ đều thành đạt.

Bãi trà cổ thụ tự nhiên ở vùng núi cao Túng Sán, Hoàng Su Phì

Nhiều người biết đến Từ Quốc An là một người sản xuất trà, đó có phải là nghề chính của ông?

Tôi xuất thân từ huyện Miêu Lật, địa danh nổi tiếng ở Đài Loan về nông nghiệp và sản xuất trà Đông phương mỹ nhân. Gia đình tôi cũng có truyền thống làm trà Đông phương mỹ nhân nay đã đến đời thứ 6. Còn về công việc, tôi công tác ở Văn phòng Kinh tế và văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc trong 8 năm, nhiệm vụ sắp xếp, hướng dẫn các chuyến khảo sát để doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu các mô hình phát triển nông nghiệp ở Đài Loan.

Vậy trà hẳn là một trong những mô hình tiêu biểu, bởi Việt Nam và Đài Loan đều là những nơi trồng và sản xuất trà?

Đúng vậy, ở Đài Loan, ngành trà phát triển mạnh, du lịch trà là mô hình dành cho phân khúc khách hàng cao cấp, mỗi doanh nghiệp trà chỉ cần làm du lịch vào ngày nghỉ cuối tuần cũng đủ sống khỏe. Tôi giới thiệu mô hình ấy đến nhiều doanh nghiệp Việt. Trong số các đoàn khảo sát, tỉnh Thái Nguyên là đơn vị thường xuyên đưa đoàn sang. Tôi nhớ có lần lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên mời tôi về Thái Nguyên khảo sát chuyện làm trà. Tôi đến Thái Nguyên, tư vấn cho các doanh nghiệp máy móc, thiết bị hỗ trợ sản xuất trà tương tự ở Đài Loan.

Ông Từ Quốc An bên cảnh đẹp những thửa ruộng thang Tả Sử Chóng

Giữa trà trồng công nghiệp như câu chuyện Thái Nguyên, từ đâu ông lại có mối liên kết đến cây trà cổ thụ hoang dã trên vùng núi cao Đông - Tây Bắc?

Năm 2010, khi nghe nói Hà Giang có cây trà cổ thụ, thân to hai, ba người ôm ở Hoàng Su Phì, tôi tự tìm đường đến cây trà bởi sau bao nhiêu năm làm trà, đi hơn 60 nước trồng trà trên thế giới, vẫn chưa thấy ở đâu có cây trà to đến thế.

Có nghề trà gia truyền, hẳn ông quen với cây trà từ nhỏ, vậy khi thấy cây trà cổ thụ Việt Nam, ông nghĩ gì?

Mẹ tôi khi ở tuổi 92, sau hơn 70 năm làm trà, bà bảo tôi rằng vẫn chưa hiểu hết về trà, dù gia đình tôi chỉ làm một loại trà Đông phương mỹ nhân từ nguyên liệu cây trà trồng công nghiệp, tuổi vài chục năm trở lại. Nên khi nhìn cây trà cổ thụ trăm năm, ngàn năm tuổi vẫn đều đặn cho ra lá để người thu hái, tôi thực sự kinh ngạc, bởi biết đây là thứ nguyên liệu “vàng” để có thể chế biến ra nhiều thượng phẩm. Có được nguyên liệu trà cổ thụ trong tay, tôi coi đó như một đặc ân, một mối duyên tiền định nên điều đó càng thôi thúc tôi gắn bó với cây trà Việt.

Rong ruổi xe máy khám phá thiên nhiên hoang sơ của núi rừng Hoàng Su Phì cũng là một đam mê của ông Từ Quốc An

Trà cổ thụ thường sinh trưởng ở những vùng núi cao, nơi hẻo lánh, để tiếp cận, hẳn ông gặp nhiều vất vả?

Từ 2010, tôi dành nhiều thời gian cho việc khảo sát vùng trà, đặc tính cây trà, giống trà, thổ nhưỡng, khí hậu, chủ yếu ở hai dải núi Hoàng Su Phì và Tây Côn Lĩnh. Tôi tự dùng xe máy đi khắp các bản, dò hỏi thông tin, hễ nghe ở đâu có bãi trà, rừng trà, có cây trà to là nhờ người dân dẫn đường đến. Có những cây trà đại thụ, đường kính thân phải hơn 1 m, luồn rừng 2 - 3 ngày, ăn ngủ trong rừng, mệt mỏi nhưng khi gặp cây trà thì quên hết cả. Đứng trước cây trà, tôi cảm giác mình như trẻ thơ, bởi cây sống qua ngàn năm, mình chỉ vài chục tuổi.

Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu vùng nguyên liệu trà cổ thụ Việt, ông nhận ra điều gì thú vị?

Trà cổ thụ Việt đưa tôi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Đầu tiên là cây to, cây nguyên sinh, mọc hoang dã, chẳng cần ai chăm sóc, không xuống phân, không cắt cỏ, không thuốc trừ sâu, không tưới nước, không khí trong lành, cây phát triển tự nhiên thuận theo thời tiết, thổ nhưỡng. Chỉ riêng những điểm này, tôi khẳng định Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về nguyên liệu trà cổ thụ bởi yếu tố sạch, an toàn, và cao cấp. Giống trà cũng rất đa dạng chứ không chỉ vài loại, có trà cổ thụ lá to, loại lá nhỏ, loại lá trắng, loại tím, loại đỏ... Cứ nghe có cây trà lạ được phát hiện, tôi luôn tìm đến tận nơi, ghi lại hình ảnh, đo đạc, khảo sát làm tư liệu, đem nguyên liệu về chế biến theo cùng một quy trình kỹ thuật, thậm chí chuyển cả trà sơ chế sang Đài Loan, tập hợp thợ trà lành nghề quen thân ở Miêu Lật để họ thử nghiệm. Càng đi sâu, tôi càng bất ngờ bởi mỗi vùng trà, mỗi giống lại khác biệt, nhất là dải hương thơm phong phú, quyến rũ, độ ngọt và hậu vị rất dày, mạnh, thích hợp chế biến các phẩm trà lên men.

Ngạc nhiên trước cây trà cổ thụ với lớp địa y ngả vàng đặc trưng của vùng núi Hoàng Su Phì

Việc chế biến trà cổ thụ liệu có đơn giản như cách ông đã quen với trà công nghiệp?

Tôi vẫn nhớ bài học mẹ tôi dạy khi làm trà, đó là một người muốn làm được trà cần rèn luyện hai thứ là “Tay” và “Tâm”, và chỉ một loại trà nếu làm chưa ra được hơn 20 mùi hương thì chưa thể gọi là kiểm soát được trà. Trà rất đa dạng, trà cổ thụ càng đa dạng hơn bởi nội chất phong phú, mạnh mẽ, tích lũy bao tinh chất của đất trời mà thành. Thế nên khi bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất trà cổ thụ, tôi dù kinh nghiệm hơn nửa đời người làm trà, vẫn như đứa trẻ học vỡ lòng. Mỗi ngày, trà là người thầy dạy tôi nhiều điều quý giá để biết nhìn lại mình, trà giao tiếp với tôi qua cách tôi tìm hiểu, nghiên cứu, sáng tạo trong kỹ thuật sản xuất.

Ông Từ Quốc An bên gốc trà nguyên sinh trong Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, Cao Bằng

Ông rút tỉa được kinh nghiệm gì qua suốt chặng đường gắn bó với trà cổ thụ Việt?

Trà cũng như người, giống khái niệm “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, bản thân lá trà là một dược liệu, nguyên liệu quý, rồi tùy từng vùng, sự quý hiếm ấy khác nhau, khi trà hái về nơi sản xuất, tùy người làm trà, kinh nghiệm, tình yêu..., phẩm trà tạo ra cũng sẽ ẩn trong đó tính cách của người làm trà. Trà cổ thụ còn thêm quý hiếm bởi yếu tố thời gian, tôi gặp được nhiều cây trà chẻ đôi phiến đá để phát triển qua đến vài trăm năm, trà càng ở vùng khắc nghiệt nội chất càng đa dạng. Tôi thử nghiệm nhiều phương cách sản xuất ứng dụng kỹ thuật lên men trong Ôlong, trong hồng trà nhưng sử dụng nguyên liệu trà cổ thụ Việt, kết quả tạo nên thực bất ngờ. Dễ nhận là trà cổ thụ Việt pha được nước, có loại đến 25 - 30 nước mà hương thơm, vị ngọt mật dịu dàng vẫn không dứt; trong khi một phẩm trà Ôlong thượng phẩm, pha đến nước 4 - 5 là yếu dần.

Một điều quan trọng nữa là tôi nhận được nhiều cổ vũ tinh thần, quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Mọi người cùng quan điểm là nhận ra giá trị và vốn quý của cây trà để chung sức bảo tồn, phát triển kết hợp sản xuất bền vững, điều này giúp tôi an tâm và chuyên tâm hơn trong việc học hỏi, nghiên cứu, tập trung hoàn thiện các phẩm trà xứng tầm với nguyên liệu bản địa.

Ở tuổi thất thập, lại chọn làm trà hẻo lánh tận miền núi cao Hà Giang, bạn bè, đồng nghiệp, gia đình ông hẳn có nhiều thắc mắc, ông giải thích cho họ thế nào?

Tôi có cuộc sống đầy đủ ở quê nhà, con cái trưởng thành, nhưng cơ duyên đưa tôi đến với cây trà cổ thụ Việt. Sau hơn 30 năm làm việc, gắn bó với Việt Nam, tôi thấy rằng trà cổ thụ như báu vật, cần được trân trọng, tôn vinh. Để làm được điều đó, cần phải nói chuyện bằng sản phẩm chứ không thể chỉ nói về tuổi cây, về vùng nguyên liệu là có thể thuyết phục được. Là người làm trà, khi gặp nguyên liệu quý từ cây cổ thụ, tôi coi là cơ duyên, may mắn, nên đem khả năng, kỹ thuật, kinh nghiệm, thời gian, cùng sự chuyên cần nghiên cứu để mong khơi lên những tinh hoa tiềm ẩn trong nội chất trà, giúp người thưởng trà dễ cảm nhận và thấy rằng trà cổ thụ Việt thực kỳ diệu.

Ngoài giá trị về dược tính, độ quý hiếm, sự độc đáo từ vùng nguyên liệu, trà cổ thụ Việt còn có điều gì khiến ông tâm đắc?

Trà cổ thụ Việt mang đặc tính là vùng nguyên liệu luôn gắn với người dân tộc thiểu số ở núi cao, ở vùng phong cảnh đẹp, đó là giá trị cộng thêm cho trà ngoài yếu tố đặc sản, bản địa. Lấy ví dụ ở vùng trà cổ thụ Hoàng Su Phì, sự đa dạng của 12 dân tộc sinh sống cùng vẻ đẹp ruộng bậc thang là những tiêu biểu của huyện miền núi này. Phát triển sản xuất trà cổ thụ nơi đây cũng giúp đời sống người dân thay đổi. Chỉ cách đây 5 năm, trà dưới 20 ngàn đồng/kg tươi, nay trung bình 50 - 70 ngàn đồng/kg. Trà còn mở ra nhiều mô hình như du lịch khám phá trà, khám phá văn hóa bản địa. Tôi coi trà như một sứ giả, và thường dùng để giới thiệu nét đẹp văn hóa, bản sắc bản địa Hoàng Su Phì, Hà Giang đến với người yêu trà, với bạn bè mọi nơi. Khi nhìn thấy phong cảnh, con người Hoàng Su Phì mà tôi chia sẻ, cầm trên tay trà cổ thụ từ Hoàng Su Phì, họ thực sự ngưỡng mộ và mong muốn được thưởng thức ngay.

Trà cổ thụ Việt ở các tỉnh Đông - Tây Bắc có trữ lượng lớn nhưng giá trị kinh tế thấp, ông có kinh nghiệm gì có thể chia sẻ để giúp trà cổ thụ Việt phát triển?

Ở khía cạnh sản xuất, người làm trà nếu kỹ thuật đơn điệu, thiếu sức sáng tạo, thiếu sự nghiên cứu, sản phẩm nghèo nàn, lệ thuộc duy nhất một thị trường thì nguyên liệu tốt đến mấy cũng khó nâng giá thành và cạnh tranh trong xu thế hiện nay. Tôi nghĩ việc quan trọng trên hết là trách nhiệm từng người làm trà phải sản xuất thực tâm, không ngừng đổi mới, cải tiến, sáng tạo, phẩm trà làm ra không chỉ ổn định mà còn luôn hay hơn năm trước, khi đó giá trị kinh tế sẽ tự nhiên phát triển. Tôi kỳ vọng người sản xuất trà cổ thụ ở Việt Nam có thể kết nối lại, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, mỗi người có vùng nguyên liệu chuyên biệt, có thế mạnh sản xuất khác nhau, sẽ tạo ra các dòng sản phẩm đặc trưng vùng. Khi giới thiệu sản phẩm trà cổ thụ Việt, tất cả cùng hợp lực, chắc chắn sẽ tạo tiếng vang và có thể đưa ngành trà cổ thụ đặc sản phát triển đoàn kết, bền vững và vươn ra thế giới.

Báo Thanh Niên
15.05.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.