Chị đã được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá của VN và nước ngoài. PV Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ (TS) Nguyễn Thu Hương về những nỗ lực của chị khi đến với ngành khoa học AI - ngành khoa học dường như chỉ dành cho nam giới, và hành trình đến thành công.
Để trở thành nhà khoa học về AI, chị đã có một hành trình như thế nào?
Ngay từ khi học cấp 2, tôi đã thích tìm hiểu trong phòng thực hành với các thí nghiệm hóa sinh. Lên cấp ba thì thích mày mò máy tính và các thuật toán. Khi vào đại học, tôi bắt tay nghiên cứu khoa học từ những năm đầu tiên và đã thành công với đề tài “Quản lý các tuyến xe buýt trên thiết bị di động”. Dự án được chọn tham gia “Tài năng khoa học trẻ VN năm 2010”, đạt giải 3 cho Thiết kế ý tưởng robocon. Cũng từ đây, trong tôi đã thắp lên tình yêu khoa học.
Tốt nghiệp, tôi được giữ lại làm giảng viên của Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông (Đại học Thái Nguyên). Dù công việc rất thuận lợi, nhưng với đam mê nghiên cứu khoa học và do có người yêu đang học tập ở nước Nga, nên tôi đã mạo hiểm đăng ký học bổng sang Nga để làm luận án tiến sĩ, trong khi chưa biết một chữ tiếng Nga nào.
Nhưng sau đó chị đã có 2 bản quyền sở hữu trí tuệ về AI ở nước Nga. Câu chuyện đó diễn ra như thế nào?
Sang Nga, tôi gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngôn ngữ, việc giao tiếp đã khó, huống chi là nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, giáo sư hướng dẫn đã nói một câu khiến tôi tự tin hơn: “Có thể ngôn ngữ chúng ta khác nhau nhưng trong khoa học, chúng ta sẽ tìm được tiếng nói chung, hướng đi chung”. Chỉ với câu nói đó thôi, tôi như được tiếp sức mạnh vượt qua mọi thử thách.
Để chứng minh cho giáo sư thấy niềm đam mê khoa học cũng như khả năng của mình, trong năm đầu học tiếng, tôi đồng thời thực hiện một dự án nghiên cứu “Hệ thống tự động và phân loại các khuyết tật đường giao thông”. Từ dự án đó, giáo sư hướng dẫn đồng ý cho tôi học thẳng lên nghiên cứu sinh. Nghiên cứu này đã giành giải nhất Nhà phát minh trẻ tại Festival khoa học toàn Nga và sau này được phát triển thành luận án tiến sĩ của tôi.
Dự án này đã được áp dụng ở tỉnh Irkutsk (Nga) và Bồ Đào Nha. Cùng với dự án này, tôi đã thực hiện một dự án để phòng nguy cơ cháy nổ trong lò phản ứng hạt nhân, để thực hiện trong luận án tiến sĩ và đã nhận được 2 bản quyền sở hữu trí tuệ của Hội đồng thẩm định tối cao khoa học Liên bang (LB) Nga. Luận án tiến sĩ của tôi cũng được bảo vệ thành công trước Hội đồng khoa học với sự phản biện của trường đại học thuộc top 100 thế giới về công nghệ thông tin.
Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình khi nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với một hội đồng uy tín như vậy?
Muốn bảo vệ được hướng nghiên cứu của mình, không ít lần tôi phải tranh luận căng thẳng với chính thầy hướng dẫn. Giáo sư hướng dẫn của tôi là người tâm huyết nhưng cũng rất quả quyết. Những ngày mới sang Nga, do tiếng Nga còn chưa thạo, tôi và giáo sư thường tranh luận “căng thẳng” bằng tiếng Anh về nhiều vấn đề trong khoa học để bảo vệ quan điểm của mình. Làm khoa học phải biết bảo vệ quan điểm, chỉ nên tham khảo ý kiến chứ không nhất nhất phải theo thầy. Mình phải có hướng nghiên cứu của mình, sai thì sửa vì đề tài là của mình, người bảo vệ cũng là mình...
Và chính nhờ vào sự độc lập đó, tôi đã vượt qua nguy cơ thất bại. Đó là khi được bảo vệ thử trước Hội đồng Viện Năng lượng Siberia thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga, tôi nhận được tin choáng váng từ thầy hướng dẫn cho biết thầy Trưởng Hội đồng nhận xét: “Hương làm nhiều toán quá nhưng lại ít về mảng năng lượng, nên phải làm thêm để phù hợp với hội đồng hơn”. Tôi sốc nặng! Nước mắt chực trào khi nghĩ đến hành trình 6 năm học và nghiên cứu của mình. Cuối cùng, tôi đã thuyết phục thầy hướng dẫn để tìm một Hội đồng khác phù hợp hơn, chứ quyết không sửa đề tài mà tôi đã tâm huyết theo đuổi.
Và rồi 6 tháng sau, tôi đã được một hội đồng khác nhận bảo vệ. Đó là Hội đồng chuyên về toán và kỹ thuật thuộc Trường đại học Quốc gia Baikal, với sự tham gia phản biện của Trường đại học ITMO, trường đại học hàng đầu về công nghệ thông tin của Nga, thuộc top 100 thế giới. Người phản biện chính là giáo sư hàng đầu của Nga về lĩnh vực thị giác máy tính, phản biện thứ hai là PGS-TS thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga. Đứng trước hội đồng uy tín như vậy, tôi tự nhủ phải nỗ lực hết mình để chứng minh cho những nhà khoa học Nga nhìn thấy được trí tuệ, sự tự tin của người trẻ Việt.
Nhận kết quả bảo vệ thành công, tôi vỡ òa ôm lấy cô giáo - người hướng dẫn thứ 2 của tôi, khóc nức nở như một đứa trẻ.
Được biết, chồng chị cũng là một nhà khoa học đang giảng dạy cùng trường và là động lực đưa chị đến với nước Nga làm tiến sĩ. Câu chuyện đó như thế nào?
Tôi xuất thân từ Yên Bái và có một tuổi thơ khó khăn vì bố mất từ khi tôi mới lên 5. Mẹ tôi chỉ làm công nhân nuôi 4 anh chị em ăn học, nhưng mẹ và các anh chị luôn động viên khích lệ tôi, gom góp tiền nuôi tôi ăn học. Có được thành công như hôm nay, ngoài anh chị và người mẹ luôn động viên tôi cố gắng, bên cạnh tôi còn có một người đàn ông biết chia sẻ, yêu thương, đó là chồng tôi - TS Nguyễn Thế Long (32 tuổi), hiện là nghiên cứu viên cao cấp tại Phòng thí nghiệm AI và là giảng viên tại Viện Baikal BRICS, Đại học Nghiên cứu tổng hợp kỹ thuật quốc gia Irkutsk (Nga). Anh là nguồn động lực tiếp sức cho tôi trên hành trình nghiên cứu khoa học của mình.
Chúng tôi gặp và yêu nhau từ năm thứ nhất đại học. Học hết năm thứ nhất, anh trúng tuyển học bổng sang Nga du học và chúng tôi đã có 7 năm yêu xa. Dù ở xa nhưng anh Long luôn dành cho tôi sự quan tâm “đáng giá”, khi cùng tôi định hướng cho tương lai của mình. Khi tôi chỉ có ý định làm thạc sĩ ở Philippines, anh động viên tôi sang Nga làm thẳng lên tiến sĩ vì anh tin vào trình độ của tôi. Và may mắn khi cả hai chúng tôi đều nỗ lực giành được học bổng để cùng nhau sang Nga làm tiến sĩ sau 7 năm xa cách.
Vậy trong quá trình chị nghiên cứu, anh Long có hỗ trợ gì không?
Anh ấy là điểm tựa cho tôi, bởi phụ nữ ngoài công việc còn phải sinh con và chăm lo cho gia đình. Nhưng anh ấy đã sẵn sàng “bảo vệ” tôi trước áp lực đó để tôi hoàn thành được nghiên cứu của mình. Khi chúng tôi làm đám cưới là tôi đã 27 tuổi rồi. Nhưng nghiên cứu khoa học thì phải dành thời gian toàn tâm toàn ý cho khoa học. Trong khi hai bên nội ngoại đều mong muốn chúng tôi có con, vì con gái có thì, không thể chờ học xong có con được. Tuy nhiên, anh Long mạnh mẽ bảo: “Bây giờ chúng con phải học xong đã, có nền tảng tốt thì con cái sau này mới tốt được, không thể cùng một lúc thực hiện 2 việc. Nếu có con, Hương rất vất vả vì Hương còn phải học và phải chăm sóc con cái nữa”… Vậy là khi anh Long bảo vệ luận án tiến sĩ xong, tôi mới quyết định sinh con. Anh Long đã làm mọi việc trong gia đình và giúp tôi chăm con để tôi hoàn thành luận án.
Khi tôi nghiên cứu, anh Long cũng bàn bạc và đưa ra nhiều hướng để chúng tôi cùng tranh luận phản biện. Cái này thì không bao giờ anh Long “bảo vệ” tôi! (Hương cười hạnh phúc). Khó khăn duy nhất của phụ nữ là còn phải chăm lo cho gia đình và hạn chế về sức khỏe... Còn về trí tuệ, tôi tin phụ nữ không thua kém gì đàn ông đâu.
Là thành viên của Mạng lưới trí thức trẻ VN toàn cầu, chị mong muốn làm điều gì cho đất nước?
Sau khi tôi và chồng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ thì được Trường đại học Nghiên cứu tổng hợp kỹ thuật quốc gia Irkutsk đề nghị ở lại làm việc, vì họ cần những nhà khoa học nghiên cứu phát triển lĩnh vực AI. Chúng tôi đã đồng ý ở lại “thử sức” và đang thực hiện các dự án khoa học ứng dụng AI với mong muốn làm được những việc có ích để phục vụ cho cộng đồng và cho Tổ quốc. Hiện dự án “Hệ thống tự động và phân loại các khuyết tật đường giao thông” đã được thí điểm ứng dụng ở VN.
Xin cảm ơn chị!
Bài viết: Vũ Thơ
Đồ họa: Lâm Nhựt