Có lẽ, chưa khi nào công chúng đặt ra nhiều câu hỏi về người nghệ sĩ cùng sứ mệnh của họ như lúc này. Với Tùng Dương, mỗi cá thể trong vũ trụ đều có sứ mệnh của mình. Và, với nghệ sĩ, đừng bao giờ “thần thánh hóa” hay cho rằng sứ mệnh của mình là to tát.

Trước kia, với bản tính một người nghệ sĩ mơ hồ và mông lung, tôi có niềm tin và hy vọng vào lá số tử vi như một sự “mách nước” cho mình biết trước hậu vận cuộc đời. Tôi nhớ rằng lá số của tôi được xem rất đẹp khi đều được giờ sinh, năm sinh, ngày sinh, rồi lại được cả mùa sinh. Lá số được đọc là có quý nhân phù trợ, rồi là luôn gặp may mắn, thành công về hậu vận...

Nhưng sau gần 20 năm làm nghệ thuật, với một Tùng Dương của thời điểm hiện tại khi trải qua thực tế, trải nghiệm, tôi vẫn tin vào sự sắp đặt của số phận nhưng sự nỗ lực, thực lực của bản thân mới thuyết phục mình chứ không chỉ là những điều mơ hồ. Nói vậy để biết tôi luôn chuẩn bị tâm thế để đối mặt với những thử thách, khó khăn không lường trước, chứ không thuộc tuýp người chỉ trông chờ vào sự may rủi của vận mệnh.

Dẫu có cuộc đời sướng khổ ra sao, con người vẫn tiến lên mà sống, luôn nhìn về phía trước. Còn nếu được chọn lại thì tôi vẫn chọn làm... nghệ sĩ (cười) hẳn vì tôi quá yêu, đam mê, nâng niu nghệ thuật, và vì tôi luôn ý thức rất rõ sứ mệnh của một người - nghệ - sĩ!

Mỗi cá thể trong vũ trụ đều có sứ mệnh của mình. Đừng bao giờ “thần thánh hóa” hay cho rằng sứ mệnh đó to tát, mà hãy coi sứ mệnh là điều hiển nhiên và thực sự thiêng liêng khi ta được sống trọn vẹn với nó.

Nghệ sĩ - hai từ cho thấy đặc trưng của những sự đặc biệt tới khác biệt. Họ được ông trời ưu ái ban cho năng lực đặc biệt hơn người. Và một trong những sứ mệnh của người nghệ sĩ là phát hiện và cảm nhận âm thanh kỳ diệu của cuộc sống vốn dĩ rất đỗi bình thường và đẩy lên theo góc nhìn, lăng kính của nghệ thuật. Nếu chức năng cơ bản của nghệ thuật là gắn liền với việc xây dựng nhân cách con người thì nghệ sĩ cũng góp phần rất lớn để nâng tầm vóc của nghệ thuật, thể hiện chiều sâu văn hóa, gốc rễ, nguồn cội, bản sắc, tầm vóc của mỗi cá nhân... Chứ không thể chỉ nghĩ nôm na khi cho rằng nghệ sĩ là một bộ phận làm đẹp cho đời bằng những đóng góp của họ được.

Do vậy, với những sáng tạo vô hạn mà mỗi con người nghệ sĩ phát minh ra đều trở thành những biểu tượng. Nghệ sĩ phải trở thành biểu tượng của việc tạo ra những giá trị đẹp đẽ nhất.

Thực tế cho thấy, nghệ sĩ dù tài năng đến đâu cũng vẫn có thể lãnh bi kịch nếu vượt qua những phạm trù về đạo đức và nhân cách. Quá nhiều người phải trả giá, và thậm chí bỏ mạng sống của mình để vật lộn với ánh hào quang. Nơi sáng nhất cũng có thể là nơi tối nhất và cũng có thể đẩy ta xuống vực thẳm. Bản chất con người là nhân vô thập toàn, luôn chống chếnh giữa thiện và ác, sáng và tối, mạnh mẽ hay yếu đuối... Và với người nghệ sĩ, nhiều khi sự cô đơn thường trực lại giúp nghệ thuật của họ thăng hoa hơn. Nhưng cũng vì thế rất dễ đánh mất những gì mình đã gây dựng cũng chỉ vì sự yếu đuối của nội tâm.

Cái ngã ở đây trong đạo Phật chính là vô ngã và chấp ngã. Mọi bi kịch của người nghệ sĩ đều xuất phát từ cái ngã quá lớn. Người nghệ sĩ có trí tuệ thì luôn biết thoát khỏi vô minh hay không chịu bị u mê vào con đường lầm lạc.

Theo quan điểm của tôi, một người nghệ sĩ hãy luôn có tâm thế học hỏi, gạn lọc, bồi đắp kiến thức và có những cái nhìn rộng mở với cuộc đời để ta nâng tầm mình lên. Ngày ngày tôi vẫn phải rèn luyện và hoàn thiện mình: học piano, luyện thanh, học thêm hội họa, trau dồi tiếng Anh, đọc sách... Bấy nhiêu việc cũng đã đủ tốn hết thời gian của mình. Kiến thức thì vô tận với ta, không ngừng kiếm tìm, rèn luyện sẽ giúp cho mình luôn có sự tưởng tượng - điều mà thực sự mới là quan trọng với một người nghệ sĩ trong việc sáng tạo.

Tôi luôn tự cật vấn với lương tâm về sự tự mãn của chính mình ở mức độ nào để học cách kiểm soát cảm xúc. Những lời khen chê đều có những tác dụng tích cực. Trước những lời chê cũng đừng nóng vội hay tự ái. Hãy luôn ngẫm thật sâu những lời khen chê để gạn lọc cho chính mình. Kẻ thù lớn nhất của ta là chính ta. Vượt qua được chính mình mới là điều đáng kể nhất. Và cũng có cách tốt nhất để ta không bị dao động chính là sự chăm chỉ làm việc và sáng tạo. Thành quả công việc sẽ nói lên tất cả.

Như tôi đã nói ở trên, tối và sáng luôn song hành trong cái ngã của người nghệ sĩ, chỉ là người nghệ sĩ đủ tỉnh táo hướng mình theo phía nào. Đừng cho mình cái quyền suy nghĩ khi mình có tài thì mình phải có tật. Sao không hướng cái tài của mình để chiến thắng cái tật?

Tôi đã thấy quá nhiều tấm gương tày liếp khi sự cao ngạo đã giết chết chính họ. Chính vì chỉ quanh quẩn với thế giới của riêng mình mà không có cái nhìn rộng mở, nên anh chết bởi anh lặp lại chính mình, cạn kiệt sức sáng tạo, hay anh chọn lối sống phóng túng... để rồi trượt dốc. Whitney Houston, Amy Winehouse, Michael Jackson, Freddie Mercury, Alexander McQueen, Jean-Michel Basquiat... là những vĩ nhân đoản mệnh với những cống hiến tuyệt vời, tài năng xuất chúng của họ đã trở thành những biểu tượng. Và ngay cả trên đỉnh cao nghệ thuật thì họ cũng đã thấm thía sự nghiệt ngã của danh vọng. Thế giới luôn tiếc nuối về những hình ảnh đẹp đẽ mà họ đã gây dựng.

Mỗi người nghệ sĩ phải tìm thấy cho mình những triết lý sống đúng đắn và phù hợp nhất với mình. Hãy đối diện với cuộc đời một cách trung thực nhất, đừng thờ ơ hay vô cảm trước thời cuộc. Như vậy, ta mới đủ tỉnh táo để chế ngự và vững vàng trước những cám dỗ của đời sống, đủ tình yêu thương để cho đi, chia sẻ nhiều hơn. Chúng ta tu tập theo nhiều cách khác nhau.

Sự thành công luôn đạt được khi ta nỗ lực hết mình. Và giữ được phẩm giá với người nghệ sĩ đó mới chính là tối cao của hai chữ sứ mệnh. Nếu có cá tính “điên” hay “dị” hãy mang chúng vào nghệ thuật, còn lại đời thực thì hãy thật lý trí và phát tâm từ bi.

Tôi là người ưa sự phóng khoáng, thích nhìn những điều lớn lao chứ không hướng mình vào những thứ quá chi tiết vụn vặt, hay manh mún. Hình như chính vì vậy mà tôi không để tâm tới việc giận dỗi ai lâu, và bạn bè cũng chẳng bao giờ để bụng một người như tôi vì tôi luôn biết cách đối nhân xử thế và trọng tình nghĩa (cười).

Mỗi người nghệ sĩ hãy luôn hướng mình như một nhà văn hóa để khơi dậy sự truyền cảm hứng tích cực cho công chúng. Một nghệ sĩ vĩ đại thì sẽ luôn coi trọng những điều bình dị nhất với giá trị cốt lõi của chính họ chứ không phải ồn ào thị phi. Nghệ sĩ chân chính là dùng năng lực của mình để sáng tạo nghệ thuật và hướng tới giá trị trường tồn với thời gian chứ không phải dùng chiêu trò của bản thân để giữ mình được nhớ lâu với khán giả.

Đừng bảo vệ nghệ sĩ theo cách bỏ qua hay cổ súy cho họ những thói hư tật xấu mà hãy yêu nghệ sĩ theo cách nghiêm khắc, với tình yêu đủ rộng lượng, đầy thiện tâm. Hãy nhìn nhận và phán xét người nghệ sĩ với con mắt công tâm nhất. Ngược lại, nghệ sĩ muốn song hành lâu với khán giả, với cuộc đời thì phải thật khắc nghiệt với chính mình, luôn để tâm hồn mình hướng tới những nguồn năng lượng tích cực nhất, sáng và sạch nhất để kiến tạo nghệ thuật, để xứng đáng với sự kỳ vọng của khán giả. Công chúng rất dễ yêu, thần tượng bạn nhưng cũng rất dễ quay lưng nếu bạn trượt dốc.

Báo Thanh Niên
27.06.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.