>> Nguyên Vân

Thời gian qua, nhiều khán giả xem phim cung đấu Trung Quốc không chỉ bị thu hút bởi nội dung mà còn ở các hoạt động lễ lạt trong cung đình được tái hiện tỉ mỉ, hoành tráng. Không nhiều người biết rằng trong cung đình Việt Nam xưa, đặc biệt là thời Nguyễn, hoạt động lễ, tết nội cung cũng rất phong phú, chuẩn mực với nhiều nghi thức và mang đậm nét văn hóa Việt.

Các phi tần trong cung thường chuẩn bị những gì cho dịp lễ quan trọng vào ngày tết? Tết trong cung thường kéo dài bao lâu? Có nghi thức nào đặc biệt?… là câu chuyện đầu năm mà nhà nghiên cứu độc lập trẻ Tôn Thất Minh Khôi - hậu duệ Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa thứ 8 triều Nguyễn, chia sẻ với bạn đọc. Anh cũng chính là người sáng lập trang Thiên Nam lịch đại hậu phi, chuyên cung cấp thông tin về hậu phi, nội cung sử Việt - đang thu hút nhiều độc giả.

Đề cao chữ hiếu đầu năm mới

Khi tìm hiểu về nội cung, hậu phi nhà Nguyễn, Khôi có quan tâm nhiều đến nghi thức các dịp lễ, Tết?

Tết Nguyên đán trong triều Nguyễn là một lễ tiết quan trọng, với nhiều lễ nghi phức tạp kéo dài từ khoảng 23 tháng chạp năm trước đến Tết Thượng nguyên, rằm tháng giêng. Thời Thế Tổ, cứ đến ngày Nguyên đán, Hoàng đế Gia Long dẫn bách quan văn võ đến cung Trường Thọ làm lễ Khánh hạ Hiếu Khang Hoàng Thái hậu.

Các đời sau tựu trung vẫn giữ các nghi thức và điển chế thời quốc sơ của lễ Khánh hạ mừng tiết Nguyên đán ở Từ cung. Nghĩa là nhân vật chính được chào - chúc mừng ngày mùng 1 tết là hoàng thái hậu.

Tất cả đều có thể khảo cứu rõ ràng và tương đối chi tiết trong Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ.

Ngoài ra trong các ngày mùng 1, 2, vua nhà Nguyễn thường tổ chức Lễ chầu mừng Tết vua ở điện Thái Hòa, Lễ ban yến cho các quan đại thần, mừng tuổi cho các thành viên hoàng gia, quan lại, binh lính…Ngày mùng 3 Tết các vua nhà Nguyễn có tục đi thăm thầy dạy. Mùng 5 vua du xuân bằng thuyền, thăm viếng lăng tẩm tổ tiên ở thượng nguồn sông Hương, đền chùa ở bên ngoài kinh thành…

"Truyền hơi ấm" cho phi tần

Theo tìm hiểu của Khôi cũng như Thiên Nam, có nghi thức nào đặc biệt dành cho phi tần trong dịp Tết?

Tết ở nội cung triều Nguyễn có 1 nghi thức khá thú vị là vào đêm đông chí, 20 tháng chạp, ngày tối nhất và lạnh nhất trong năm, có lễ ban lửa. Phi tần các cung mang lồng ấp đến đại điện Càn Thành, điện vua ở, được vua cho lửa mang về cung của mình, như một tục truyền hơi ấm, cũng là dịp hiếm hoi để các bà gặp vua (với những bà chưa có cơ hội diện kiện vua trước đó).

Cũng theo quy tắc trong cung, là Hoàng đế không ăn chung với phi tần, dù trong lễ tết. Mãi đến thời Bảo Đại thì vua mới cho Nam Phương Hoàng hậu ngồi cùng bàn ăn.

Nam Phương hoàng hậu cùng hoàng tử Bảo Long, hoàng nữ Phương Mai, hoàng nữ Phương Liên

Yến tiệc trong những dịp này ra sao?

Thiết yến không phải sơn hào hải vị nhiều đến mức thừa mứa, mà cỗ của hoàng đế có khoảng hơn 35 - 40 món, được chế biến tinh xảo, công phu, đặc biệt là các món bánh ngọt, mứt thường do các phi tần làm, được trang trí và đựng trong vật dụng làm bằng gốm sứ pháp lam rất đẹp. Ở Huế đến nay rất chuộng mứt sen và chè sen; thường sen được lấy từ hồ Tịnh Tâm, trong kinh thành luôn, để làm mứt và nấu chè. Nên tôi nghĩ rằng bánh mứt thời nhà Nguyễn có lẽ cũng chuộng nguyên liệu này.

Phi tần hút thuốc,
chơi bài tổ tôm, dùng hương liệu

Về trang phục lẫn trang điểm của các phi tần, có gì đặc biệt?

Tùy theo định lệ, phẩm cấp của phi tần. Trong lễ tết, hoàng hậu/hoàng thái hậu mặc phượng bào màu vàng sáng, gọi là màu chính hoàng, đội cửu phượng quan (có 9 con chim phượng). Công chúa cũng mặc phượng bào nhưng con phượng bé hơn, đội mũ 7 hoặc 5 con phượng. Các bậc phi tần thì có nhất giai phi mặc trang phục nhật bình, màu chiêu sa (màu đỏ gạch); bậc nhị giai phi mặc trang phục nhật bình màu xanh đào, màu đỏ ngả hồng; tam giai tần mặc màu tím đậm; tứ giai tần mặc màu tím nhạt…

Trang sức cũng nhiều, nào trâm cài, kim khánh, vòng đeo, hoa tai… Đặc biệt khi trang điểm cho ngày lễ thiên thu của hoàng hậu hay thánh thọ của hoàng thái hậu và Tết, các bà lại dùng phấn nụ, bôi trắng một cách… kỳ kỳ, với mục đích phải trắng toát y chang nhau.

Tôn Thất Minh Khôi với áo tấc - một loại lễ phục thời Nguyễn

Hương liệu của các bà sử dụng có được Khôi tìm hiểu?

Theo những gì tìm hiểu, tôi nghĩ rằng thời đó các bà dùng những loại thảo mộc, túi hương với các loại hoa khô giữ thơm bên người. Có điều thú vị nữa là các bà trong cung ngày xưa thích hút thuốc, làm bằng thảo mộc và hương liệu, như một trong những thú vui nhàn nhã.

Liên quan đến mùi hương lẫn việc hút thuốc này, có nguồn tư liệu khá quý và độc đáo là cuốn Sauvenirs de Hue (Hồi ký về Huế) do tác giả người Pháp Michel Đức Chaigneau viết năm 1867, có đoạn: “Gian phòng của hoàng hậu cũng lớn tương tự như gian phòng trước đó, rất đẹp mắt về cả trang trí và đồ nội thất: khắp nơi đều rực sáng lên sự giàu sang và ngăn nắp sạch sẽ; không khí ta hít thở như có hương thơm ngọt pha trộn mùi đàn hương, hoa trái và khói thuốc hút loại được tẩm hương của một loài hoa gọi là hoa ngâu. Dù bên ngoài trời đã sụp tối, một số bức mành đã được kéo lên, ta vẫn có thể nhận ra tất cả mọi đồ vật trong gian phòng dịu ngọt thơm nức này…”.

Tiên cung hoàng thái hậu (đứng) và phi tần ở ở cung Trường Sanh, thời Khải Định

Ngoài hút thuốc, các bà còn thú tiêu khiển nào khác?

Trong cung dịp tết thường chơi một số trò như đầu hồ (ném phi tiêu nhưng được “dàn trận”, đòi hỏi kỹ thuật lẫn sự khéo léo của người chơi), xăm hường (đổ hạt xí ngầu để giành thẻ may mắn ghi các học vị trong hệ thống khoa cử như tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn, trạng nguyên)… Riêng các phi tần thời Nguyễn thích chơi bài, đặc biệt là bài tứ sắc và tổ tôm.

Những chuyện nội cung này có được ê kíp làm phim đưa vào Phượng khấu?

Chúng tôi sẽ cố gắng chọn lọc những chi tiết lễ tết, lễ sắc phong, thờ cúng hay làm bánh mứt…, sẽ nghiên cứu tỉ mỉ nhất có thể để lồng ghép một cách khéo léo và hiệu quả trong phim.

Ảnh: Minh Khôi, Bích Ngân
Đồ hoạ: Thiên Ý

Báo Thanh Niên
31.01.2019
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top