Nói đến bà là nói đến tranh lụa, một chất liệu thực sự khó bảo quản với khí hậu VN. Trước khi vẽ lụa, bà chọn chất liệu gì?

Khi chúng tôi đi học ở trường, tất cả đều mơ ước vẽ sơn dầu vì khi ấy có quan điểm họa sĩ vẽ sơn dầu mới là giỏi. Tôi cũng trong nhóm được chọn vẽ sơn dầu. Khi đó, họa phẩm thiếu, sơn dầu được pha bằng dầu lanh vào bột màu. Mỗi khi đi vẽ, người ta múc cho mỗi người một môi. Nhưng vì vật liệu kém nên cái gọi là sơn dầu đó nhiều lúc rối như kẹo. Mỗi lần sáng tác thứ sơn đó nhầy nhụa ra rất khó vẽ.

Vì sao đến bây giờ bà mới làm triển lãm cá nhân đầu tiên ở tuổi gần 90?

Lúc tôi còn trẻ, muốn làm triển lãm phải có nhiều tranh, nhiều tiền nữa. Khi đó, gia đình tôi cũng gặp nhiều chuyện không hay. Các con tôi còn nhỏ, chồng lại đau ốm... Rồi từ năm kia, có người tới xem gốm của con trai tôi (họa sĩ Bùi Hoài Mai - PV), tôi cũng đưa tranh cho họ xem. Rồi họ có đề nghị làm triển lãm. Con trai tôi bảo mẹ làm đi, đó là điều vinh dự. Nhờ sứ quán Pháp giúp đỡ toàn bộ nên tôi mới làm được triển lãm.

Trong nhiều năm, nhiều họa sĩ Việt vẽ hiện thực kiểu Xô viết. Vì sao bà lại không vẽ như vậy?

Cách vẽ hiện thực kiểu Xô viết do những người đi học ở Liên Xô mang về. Các thầy của tôi đều học ở Trường Mỹ thuật Đông Dương ra. Khi chập chững học vẽ, tôi đã học các thầy Hoàng Lập Ngôn, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Đức Nùng... Thầy Nguyễn Đỗ Cung thỉnh thoảng còn đến nhà tôi. Thầy Bùi Xuân Phái tuy không dạy tôi trực tiếp nhưng tôi cũng tranh thủ học. Vì theo học và ảnh hưởng phong cách của các thầy nên tôi không muốn vẽ theo trường phái khác.

Việc bán tranh của bà ra sao?

Tranh của tôi thuộc diện... ế ẩm. Vì tôi vẽ những bà già nông thôn mà lại không vẽ theo thị hiếu. Có nhiều người nói đó cũng là may mắn vì tranh bán chạy thì có khi lại cứ chạy theo đồng tiền và cũng sẽ mất mát nghệ thuật. Tôi nhớ đọc quyển Bức chân dung của Nikolai Gogol cũng nói như thế. Cuộc sống khó khăn nhưng rồi tằn tiện thì cũng đủ.

Bà có hai giải thưởng mỹ thuật, đó là giải nhất tại triển lãm của Sở Văn hóa liên khu Việt Bắc năm 1961 với bức Mẹ con và giải nhất triển lãm Hội Mỹ thuật VN năm 1993 với bức Bà già. Bà có thể chia sẻ thêm về giải thưởng của mình?

Tranh đầu tiên được giải nhất khi tôi 27 tuổi. Bức tranh vẽ người mẹ cho con bú. Bức tranh đó hành trình rất khó khăn vì khi vẽ xong tôi đi công tác, tới triển lãm đó thì tranh không được treo vì bị cho là không tốt nên được để tạm ở Sở Văn hóa liên khu Việt Bắc. Lúc đó tình cờ họa sĩ Trần Văn Cẩn và một viện sĩ Viện Mỹ thuật Ba Lan nhìn thấy, và họ bảo bức tranh này phải được giải nhất. Nên việc bức tranh đoạt giải có thể nói là may mắn.

Vì sao bà lại vẽ nhiều tranh chân dung, thưa bà?

Tôi thường vẽ bà già nhiều tuổi, hoặc các sinh hoạt bình thường mà mình gặp được. Tôi cũng không chủ quan nói tôi phải vẽ đề tài này, đề tài khác. Cái mình gặp được, cảm xúc được thì mình vẽ. Bà già tôi thích là người phụ nữ VN. Tôi sống ở nông thôn, người già ở đó đều là người phụ nữ VN đóng góp nhiều cho mấy cuộc chiến tranh. Nhìn bàn chân, bàn tay của họ đã thấy gian khổ.

Bà có đặc biệt thích họa sĩ hay phong cách nào không?

Họa sĩ nước ngoài ở nhà tôi cũng có nhiều sách. Sách hội họa rất đắt nhưng tôi lúc nào cũng cố mua. Tôi học phương pháp rất kỹ lưỡng của tranh cổ điển, tranh thời Phục hưng. Nhưng tôi cũng mê những tranh của trường phái Ấn tượng như Mattisse, Monet, Manet. Nó có màu sắc của thiên nhiên. Còn sự chững chạc trong cách làm việc thì là Phục hưng. Của châu Âu tả khối kỹ, nhưng Á Đông là mảng màu, mà trong tranh của cụ Nguyễn Phan Chánh thì cụ chỉ dùng mảng màu đơn giản nhưng vẫn mang được tính thời đại.

Mình ở thời đại nào phản ánh đúng thời đại đó. Thời đại của mình là chiến tranh, là vất vả thì tranh của mình cũng thể hiện điều đó.

Bà có thể chia sẻ kỷ niệm nào về nghề mà bà rất nhớ, rất xúc động?

Tôi có nghĩ thế này: vẽ được một bức tranh yêu thích cũng đã hạnh phúc rồi. Đi vẽ có nhiều kỷ niệm vì sau tranh còn tiếp xúc của mình với người. Nó mang cho mình sức sống và tình cảm. Có lần tôi về Hải Dương, vào một gia đình. Họ bảo có con trai 16 tuổi cố đeo đá vào để đủ cân còn đi bộ đội. Rồi anh ấy hy sinh. Họ không có ảnh và muốn tôi vẽ giúp. Họ không có ảnh thì làm sao tôi vẽ được, tôi hỏi thế anh ấy giống ai. Họ nói là giống bố thế này, giống em thế này, giống cái nọ cái kia. Thế là tôi vẽ.

Tôi cũng không biết vẽ lên có giống không. Nhưng tôi nghĩ lòng của người mẹ lúc nào cũng nghĩ đến con sẽ thấy giống. Bà ấy bảo giống. Hôm đấy, bà ấy có bảo tôi ở lại ăn cơm. Bà ấy đi mò cua ngoài đồng. Canh cua của bà chỉ nấu với muối. Cả bữa, bà ấy cứ múc canh cho tôi ăn, rất là cảm động. Cuộc sống có lúc rất bi, hài và cảm động. Nó chắp cánh cho mình cũng giống như đọc sách. Nó chắp cánh cho mình không biết lúc nào.

Trong triển lãm, có thể thấy phong cách của bà, cách chọn đề tài của bà rất ổn định và trong sáng, chi tiết?

Khi nghỉ hưu rồi thì tôi vẽ nhiều. Tôi cũng hơi tham, đi đâu ký họa đó để khi không thể đi đâu được nữa thì ở nhà vẽ tranh lụa. Thành ra, ký hoạ của tôi vẽ rất kỹ. Những ký họa đó thực tế đã là một bức tranh rồi. Sau này muốn vẽ lại tôi không phải tìm lại nơi đó để tìm chi tiết thêm cho tranh.

Tôi cũng có lời khuyên cho lớp trẻ, mỗi người có một cách vẽ riêng nhưng đọc sách rất quan trọng. Đọc sách làm cho trí tuệ của mình mở mang thêm. Từ trí tuệ mở mang thì thẩm mỹ cũng nâng cao. Từ đó không bị người ta gọi là sến.

Xin cảm ơn bà!

Báo Thanh Niên
01.11.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.