“Nếu không thiếu nửa điểm bị rớt đại học y khoa “oan uổng”, chắc giờ này bác sĩ Trương Hùng Minh đã… về hưu cũng được vài năm rồi, dù tôi rất sợ ma, xác chết và máu. Mọi người nghe chuyện này có lẽ hơi bất ngờ, nhưng đó là sự thật”, Minh Nhí bắt đầu bằng câu chuyện về một ngã rẽ không vui của đời mình.

“Đời nghệ sĩ của tôi, ngẫm lại, giống như do ông trời sắp đặt vậy”, nhấp vội ly nước trà, Minh Nhí kể tiếp: “Thời tôi còn nhỏ, ba làm nghề lái xe có cái máy đĩa hát quý như thỏi vàng mười. Má tôi thì bán trái cây ngoài chợ nên cũng ít ngủ. Mỗi sáng sớm thức dậy, việc đầu tiên của hai ông bà là lấy máy đĩa mở nghe. Mưa dầm thấm lâu, các tích tuồng, trích đoạn gì phát ra trong đó, tôi đều thuộc nằm lòng. Thỉnh thoảng, cánh tài xế tổ chức ăn nhậu tại gia, ba tôi lại đưa thằng Hùng Minh này ra làm “mồi” ca nhạc cho món “văn nghệ nhà làm”. Sau này thành lệ, cứ có cuộc vui nào, các bác tài lại hỏi ba: “Có thằng Minh ở nhà không?”, rồi mới nhận lời.

Rồi những tiếng vỗ tay của các bác tài xế đã theo tôi vào tận giấc ngủ, để mỗi khi nằm mơ chẳng thấy ông tiên, chị Hằng - chú Cuội gì mà mong sao nhanh lớn để làm ca sĩ, dù đâu biết ngoại hình của mình chỉ vừa đủ… 4 điểm”.

Tại sao rất mê ca hát nhưng Minh Nhí lại đi thi đại học y dược để rồi cả hai nghề hy vọng đều… gãy gánh? Con đường đến với kịch nói của anh nghe nói cũng đầy nhọc nhằn vì áp lực của gia đình. Anh đã làm gì để dung hòa những xung khắc đó?

Tôi tham gia sinh hoạt đội viên ở địa phương năng nổ lắm. Có đờn ca ở đâu là tham gia nên mới tới lớp 6, tôi đã giành giải nhất cuộc thi đơn ca học sinh ở Sa Đéc với bài Xuân chiến khu của nhạc sĩ Xuân Hồng. Và rồi nhờ… tiếng tăm, năm cấp 2, ở xã có 4 ấp, tôi vẫn trúng chức liên đội trưởng. Tới lớp 12, ba kêu tôi biểu: “Thôi, đừng ca hát chi nữa mà tạm ngưng, tập trung cho luyện thi đại học”. Thời đó mọi người hay có câu: “nhất y, nhì dược”. Nhà có bà chị đã làm nghề thợ may nên ba tôi mong thằng Hùng Minh phải là bác sĩ giỏi, làm nở mày nở mặt cho dòng họ. Ba kỳ vọng tôi dữ lắm.

Ông vô tư đâu hề hay biết lúc nghệ sĩ Thanh Nga gặp nạn qua đời trên Sài Gòn, thằng Minh con ông khóc hết 3 ngày 3 đêm, thì thử hỏi làm sao làm bác sĩ được. Bị thiếu nửa điểm, tôi được phòng giáo dục kêu lên bảo làm hồ sơ chuyển từ y khoa qua tiếng Nga (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM). Về thưa lại, ba tôi nằm trên chiếc ghế bố trước nhà trầm ngâm: “Thôi, đi dạy dù sao cũng làm thầy giáo cấp 3 mà”. Thương cho ước mong bác sĩ của ba bị… hấp hối, tôi hứa lên TP.HCM “dùi mài kinh sử” trở lại.

Khổ nỗi, con đường đến lò luyện thi đi ngang Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM), lại đang rầm rộ tuyển sinh hệ ĐH cho lớp đạo diễn. Tôi lờn vờn vào cứ hỏi thăm thử có tuyển… ca sĩ không, nên bị từ chối (mê dữ dội thần sầu vậy đó). Còn các môn kịch nói, cải lương, nhạc cụ, hát bội… thì tôi đều ngán. Gặp lúc đang rảnh, tôi lên lầu 1 coi những anh chị khóa trước diễn kịch. Ai ngờ bị hớp hồn rồi… mê mẩn luôn. Từ đó, cứ hễ tới lò thi làm bác sĩ vài bữa, tôi lại trốn qua học kịch với thầy Nguyễn Văn Phúc và rồi thi đỗ vào Trường Nghệ thuật Sân khấu cùng khóa sau này có nhiều đạo diễn tên tuổi: Trần Cảnh Đôn, Minh Phượng, Phương Linh, Xuân Phước, Hùng Lâm, Nguyễn Minh Hải, Đỗ Phú Hải…

Về lại nhà, vì sợ ba phát hiện thi y khoa mà trúng tuyển… nghệ sĩ nên tôi lên kế hoạch theo kiểu “giãn cách xã hội” bây giờ, nằm bẹp ở nhà chờ nhận giấy báo để giấu. Ai ngờ, được vài ngày thằng bạn trong xóm tới rủ đi uống cà phê, thế là bị dính, lộ chuyện. Ông già quần cho một trận, mặt đỏ phừng phừng: “Ba muốn cho người ta kêu con bằng thầy mà không muốn, lại muốn kêu bằng thằng (nghệ sĩ)”. Tôi xin lỗi ông thật nhiều và hứa cho tôi nhập học thử một năm, nếu không hợp sẽ luyện thi bác sĩ.

Vì quá thương gia đình và… thương mình, tôi cố gắng học thật giỏi. Tết năm đó tỉnh Đồng Tháp tổ chức văn nghệ, tôi đưa mấy bạn cùng học về quê tham gia tiết mục kịch để mời cả nhà đi xem. Ba tôi thấy thằng Hùng Minh diễn hay quá, về nhà cứ tấm tắc khen và chấp nhận cho tiền theo sân khấu luôn.

Thời của Minh Nhí vừa ra trường đúng lúc kịch truyền hình đang hút khán giả, sân khấu chỉ cần có tên tuổi là hái ra tiền. Anh nhớ gì về những ngày tháng khởi nghiệp đầu tiên ấy? Và rồi chuyện lấn sân qua điện ảnh rất thành công, tại sao anh vẫn cho là mình chưa có duyên?

Ông thị trưởng trong vở Quan thanh tra chính là vai diễn tốt nghiệp diễn viên đầu tiên của tôi. Tiếp đó, tôi vào vai thằng Mõ hom (Đứa con tiền kiếp), Năm đen (Sân ga tình người), Phú (Thuyền tình), Tư Rơm (Cha vợ mê bóng đá)… và vai để đời Năm bóng (Cái móng ngựa) phát trên truyền hình. Riêng nhân vật Ông già mất niềm vui trong vở kịch Đi tìm những gì đã mất đã mang lại cho tôi HCV Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Sau thời gian tham gia biểu diễn tại IDECAF và sân khấu nhỏ 5B, tôi còn thành lập nhóm hài Mập Nhí rất ăn khách. Khi Phước Sang ra mắt sân khấu mới, tôi trở về đầu quân cho kịch Sài Gòn. Ngày đó, tôi thấy mình vô tư lắm. Ai mời làm gì cứ thấy được là làm, nên khi đạo diễn đề nghị thử đóng phim tôi gật đầu ngay. Nhờ vậy mới có trong mặt trong Người xuyên tường, Gái nhảy, Lọ Lem hè phố, Oan gia ngang trái… từ ngày ấy là vậy.

Với điện ảnh, tôi đóng góp cũng khá nhiều nhưng thực ra chẳng có vai nào tầm cỡ hay nặng ký theo đúng nghĩa cả. Nói thế không phải tôi khiêm tốn mà đó là sự thật. Vì vậy, Minh Nhí vẫn chờ mong có một cơ hội làm cho được điều này. Thực ra chẳng phải để chứng tỏ hay thể hiện điều gì đâu mà chỉ là ước mơ thôi. Nếu có kịch bản hay và vai diễn hợp với mình, tôi sẵn sàng chịu khó, chịu khổ để cống hiến cho nghệ thuật thứ bảy.

Khán giả đã từng khóc ngon lành trước những bế tắc và nỗi đau khổ tận cùng của ông Tư Hoài trong Ai có chờ hoa nở, hay ông cậu tội nghiệp (Tiếng vạc sành). Hóa thân vào hàng trăm vai diễn khác nhau, cuộc đời phía sau sàn diễn của Minh Nhí có từng phải rơi nước mắt cho chính bản thân mình chưa, và anh đã làm gì để vượt qua nỗi buồn ấy ?

Cuộc đời tôi có 3 mốc thời gian phải khóc, đó là lúc nghệ sĩ Thanh Nga mất năm tôi đang học lớp 11, vì tôi quá ngưỡng mộ thần tượng. Lần nữa là khi ba má qua đời và cuối cùng là giai đoạn từ Mỹ trở về lại VN. Khi ấy, tôi giống như một người từ trên nóc nhà té xuống đất và trắng tay. May mắn là từ nhỏ đến giờ, gặp chuyện gì bế tắc tôi chưa bao giờ nghĩ quẩn hay làm chuyện này nọ, cho dù buồn và tuyệt vọng là có. Không hiểu sao.

Thế hệ của Minh Nhí có rất nhiều nghệ sĩ tài năng, nhưng anh thích đóng với ai nhất? Anh còn là người thầy giáo hết lòng với học trò, với lò đào tạo diễn viên trẻ rất “mát tay” của sân khấu kịch Minh Nhí. Anh muốn mở lớp để làm thầy, hay chỉ nhằm thực hiện mong ước trước đây của cha mình?

Đầu tiên, tôi luôn biết ơn thầy tôi là Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Phúc và người anh luôn đồng hành trong nghề dạy học của tôi là đạo diễn Nguyễn Công Ninh. Còn nói đến bạn diễn ăn ý với mình, tôi nhớ ngay đến Minh Phượng, Thành Lộc, Hồng Vân, Hồng Đào, Hữu Châu, Thanh Thủy, Trung Dân, Anh Vũ - những nhân vật này không thể nào thiếu vắng được trong cuộc đời. Hiện các nghệ sĩ đều ở VN, chỉ có Minh Phượng định cư ở Canada nhưng mấy tháng nay về thăm quê hương rồi kẹt với Covid-19.

Thực sự từ khi còn ở trên đỉnh cao, tôi đã mong có nơi để thỏa sức làm nghề, vừa tạo thêm đất diễn cho các bạn trẻ. Riêng chuyện đi dạy, âu cũng là sự sắp xếp của số phận. Năm 1990, lúc này tôi đang rất hot thì thầy Nguyễn Văn Phúc mời về làm phụ giảng tại Trường cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Quá bận rộn việc đi quay và vốn dĩ rất ghét chuyện… họp hành, nên tôi từ chối. Tới lần thứ ba, thầy kêu lên thuyết phục: “Con đang trong ánh hào quang nhưng rồi ai cũng có một thời. Con sóng sau bao giờ cũng sẽ chồm lên con sóng trước, rồi con sẽ già. Giờ là lúc phải nên làm truyền nhân cho thế hệ sau chứ không chỉ biết sống để kiếm tiền”.

Tôi thấy khó xử nên xin thầy… về quê suy nghĩ. Buổi chiều tới nhà, vừa bước vô cửa, nhìn chiếc ghế bố, nhớ đến câu nói của cha ngày trước, tôi quyết định đi dạy. Tới năm 2005, Hồng Vân mở lò đào tạo diễn viên, tôi về chung với “bà bầu” cho tới khi ra sân khấu riêng kịch Minh Nhí vào năm 2017 đến nay.

Nếu tự đánh giá về tài năng và sắc đẹp “đi cùng năm tháng” của mình, nghệ sĩ Minh Nhí sẽ tự chấm bao nhiêu với thang điểm 10?

Ngày trước tôi hay mơ mộng làm ca sĩ do quá tự tin ở ngoại hình “không cao nhưng ai cũng phải ngước nhìn”, chứ bây giờ thì đã biết mình đang ở đâu rồi. Thang điểm tới 10 à? Vậy tài năng tôi nghĩ cả đời phấn đấu chắc cũng phải trên trung bình, không biết có đúng với số điểm khán giả chấm hay không. Còn vẻ đẹp trai, thì với chiều cao hơi khiêm tốn, cân nặng như hiện nay, nếu ngày xưa được 4 - 5 điểm, giờ sửa soạn chắc cũng không đến nỗi, nhưng có lẽ tôi thấy mình… phúc hậu thì đúng hơn.

Bài viết: Lê Công Sơn
Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
09.08.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.