>> Ngọc An

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh đã góp công mở đường, tạo nên lịch sử cho nhạc jazz tại VN. Hành trình của ông bắt đầu từ niềm đam mê của một cậu bé tự học, tự rèn giũa.

Ngồi trước mặt tôi, một người đàn ông có vóc dáng cao lớn, một người nghệ sĩ từng trải đã có lúc rơi nước mắt. Ông nói về jazz như một lẽ sống, một tôn giáo và như một tín đồ, ông sẵn sàng “hiến sinh” vì dòng nhạc này.

Ông đã duy trì hoạt động của jazz club (câu lạc bộ jazz) suốt 23 năm nay. Ông có phải lấy tiền nhà để “nuôi” câu lạc bộ?

Tôi làm những chương trình nhỏ, ký hợp đồng biểu diễn ở khách sạn để nhạc jazz tồn tại ở VN, chờ cho đến khi tự làm được câu lạc bộ (CLB) thì thôi. Năm 1997, nhận danh hiệu NSƯT, tôi quyết định lấy tiền tiết kiệm mở CLB. Với tôi, đó là một “bãi sậy” để “đẻ” ra những “chiến binh” chơi jazz.

Ở những show lớn, một nghệ sĩ kèn nổi tiếng có thể đòi cát sê 30 triệu đồng, còn tôi nhận 15 - 20 triệu cũng không sao cả. Tôi không ganh đua tên tuổi. Với tôi, chuyện tiền không phải thế! Tôi chuyên nhạc jazz nhưng phải chơi nhạc pop. Thôi thì cũng nhịn một tí, nhẫn một tí! Chỉ thổi có 2 bài thôi nhưng có tiền đủ cho 5 ngày hoạt động của CLB jazz thì tôi cũng “hy sinh”.

Tôi có những người bạn, họ là “chủ nợ”. Họ giữ giấy tờ nhà và chuyển tiền cho tôi chơi jazz. Khi cần lại gọi họ.

Điều gì khiến ông bền bỉ đến vậy?

Trong lần sang VN, Herbie Hancock (nghệ sĩ người Mỹ đã nhận hàng loạt giải thưởng Grammy về nhạc jazz - PV) khi biết CLB jazz của tôi mở cửa mỗi tối, ông ấy bảo tôi: “You are crazy! (Mày điên rồi!)”. Tôi bảo: “Chúng tôi cần nơi để chơi nhạc, để tập luyện, để nâng cao mình. Tôi muốn đánh một “tiếng cồng” với công chúng rằng có một CLB jazz “kỳ quái” như thế đấy!”.

Tôi biết họ rất trân trọng bởi trước khi đến đây họ không nghĩ rằng VN có jazz. “Bãi sậy” của tôi đã tồn tại 23 năm. Và tôi sẽ làm đến cùng, cho đến khi trước lúc nhắm mắt tôi sẽ hỏi anh Đắc (nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc - con trai ông): jazz club còn không? Còn thì tôi nhắm mắt, còn không tôi không nhắm mắt.

Có thể nói tất cả tôi đều dành cho jazz. Ngay cả việc Đắc đi học cũng để cho tương lai nhạc jazz ở VN. Muốn dòng nhạc này trưởng thành và phát triển thì tôi cũng phải có những người thực hiện. Con người nói mà không làm được thành lực bất tòng tâm. Tôi phải kiểm soát đến cùng xem tâm mình sao, lực mình thế nào.

Theo ông, vì sao đến giờ, những show nhạc jazz còn quá ít ỏi?

Đó có lẽ một phần do yếu tố lịch sử. Ngày xưa nói tập nhạc jazz lại bị bảo chơi nhạc của Mỹ, có khi còn bị bắt. Dù vậy, tôi vẫn cặm cụi tìm nghe, tự học, sau này tôi “dỗ” từng học trò chơi cùng mình.

Chương trình đầu tiên tôi biểu diễn nhạc jazz vào năm 1988 ở Hội Nhạc sĩ VN, không có mấy người dám chơi cùng, thậm chí nhiều người nghĩ tôi điên. Tôi phải nhờ anh trai Quyền Văn Chương chơi guitar bass đánh bass, em trai Quyền Anh Tuấn chơi guitar, em Huy con của chú Hiếu “khỉ” (nghệ sĩ ở Nhà hát Nhạc vũ kịch VN) chơi trống, nhờ Đặng Hữu Phúc đánh piano. Ngoài tôi, gần như tất cả chưa biết nhạc jazz là gì, mọi người chỉ tuân theo để chơi thôi. Tôi đã đi từng những bước chân rất khó khăn, để dần đưa chữ “nhạc jazz” vào công chúng khi họ vẫn còn sợ sệt.

Trong nửa thế kỷ, ông đã góp phần tạo nên con đường mòn cho nhạc jazz tại VN cũng như một đường băng để thế hệ sau cất cánh. Ông nghĩ mình đến giờ đã có thể yên tâm vào thế hệ kế cận?

Có chứ! Cái đường băng này sẽ có rất nhiều chuyến bay cất cánh. Tôi tin là thế! Vấn đề là phải chờ thời gian, chờ cho những con người tự đấu tranh và nhạc jazz chiến thắng. Mà muốn nhạc jazz chiến thắng trước những tính toán ấy cũng phải có thời gian, nhưng tôi nghĩ không khó lắm. Vì đến lúc mà nhạc pop bão hòa rồi, người ta bắt đầu chán phè thì lập tức câu chuyện sẽ rất khác.

Nhưng bây giờ vẫn có rất ít nghệ sĩ jazz bước lên những sân khấu lớn?

Nghệ sĩ muốn chơi jazz, đầu tiên là anh phải đủ sức bơi ra biển. Chỉ chơi 1 - 2 bài loáng thoáng ở những chỗ khách sạn 5 sao, thay cho cassette, hay CD thì chả mang lại điều gì. Khi tự đứng trước một chương trình, anh phải tự hoạch định chương trình có tính xã hội không, có chinh phục được khán giả không. Đó là điều khó nhất, chứ không phải là tiền tổ chức đâu.

Càng nhiều người nghe jazz thì jazz sẽ phát triển, còn không có công chúng, dòng nhạc ấy sẽ tự chết.

Theo ông, chúng ta đã có jazz Việt?

Bao giờ có một nghệ sĩ nước ngoài chơi những bản nhạc jazz của nhạc sĩ VN sáng tác thì mới có thể tuyên bố là có jazz Việt. Còn bây giờ, họ đến nước mình chơi xã giao, thường lấy một bài dân ca biến tấu. Đó là câu chuyện khác, không phải âm nhạc đẳng cấp.

Chúng ta không thể nói bừa, nói đùa với một dòng âm nhạc đi trước mình cả trăm năm. Mình có thể “tôn” âm nhạc dân gian VN để trở thành jazz, đương nhiên là có thể làm thế. Nhưng đừng vỗ ngực, chúng ta cần có sự tự trọng. Tôi luôn tự trọng trước nhạc jazz thế giới và cả trước những sản phẩm nhạc jazz lấy cái hồn của âm nhạc dân gian VN. Chúng ta không thể lấy một vài đầu đĩa để tuyên bố đây là nhạc jazz Việt. Còn trong tương lai, tôi tin sẽ có.

Ông đã viết nhiều tác phẩm jazz mang âm hưởng dân gian VN. Vì sao ông có sự lựa chọn này?

Khi tôi làm đĩa đầu tay Ngẫu hứng 99, tôi muốn có tiếng nói của người VN chơi jazz với thế giới. Trong đĩa này có 8 tác phẩm âm nhạc dân gian VN tôi sáng tác, chơi với phong cách jazz. Tôi muốn đứng trên “miệng giếng” để giới thiệu với thế giới về mình bằng cách chơi dòng nhạc của họ bằng ngôn ngữ âm nhạc của mình. Phải nói thật, đĩa này bán khá chạy ở nước ngoài. Lợi nhuận ấy nuôi lại nhạc jazz, tôi rất tự hào. Vì thế, tôi làm tiếp đĩa thứ 2 lấy tên Đồng cảm với ý nghĩa sâu xa là đồng cảm của người VN với jazz, của cha với con - Đắc và tôi, đồng cảm của âm nhạc dân gian VN với jazz thế giới.

Vậy còn dự định của ông viết tác phẩm nhạc jazz từ âm nhạc dân gian của các dân tộc VN đã thực hiện đến đâu rồi?

Tôi muốn mỗi dân tộc có bài jazz để “kể” với thế giới. Những thế hệ sau có thể nhân lên rất nhiều số này nếu thấy con đường đi của tôi là đúng. Nếu lúc chết mà chưa làm được thì tôi cũng muốn truyền tư tưởng này cho những thế hệ kế tiếp, giống như cuộc chạy tiếp sức ấy.

Còn bây giờ, tôi phải trả dần những món nợ. Tôi vừa mới tạm xong việc chuyển giao cho thế hệ thứ hai. Khi có đường băng rồi, tôi mới yên tâm về sự phát triển của các bạn ấy, giờ chỉ dõi theo tôi. Ngày 27.10 tới, tôi sẽ làm chương trình tưởng niệm một người anh từng là Phó giám đốc Nhà hát Lớn (Hà Nội). Tôi muốn đặt tên là Nghệ sĩ kèn nghĩ về nghệ sĩ kèn. Sẽ có những cháu từ 8 - 10 tuổi, những người chơi chuyên nghiệp và không chuyên saxophone học tôi. Cách đây 1 tháng tôi có dạy kèn cho một ni cô trong chùa. Ni cô cũng sẽ xuất hiện trên sân khấu lần này.

Ông có nghĩ, gia đình ông phải hy sinh cho tình yêu với jazz của mình?

Chuyện đó là đương nhiên rồi. Năm 1968, gia đình không có điều kiện cho tôi đi học nhạc viện, tôi thi tuyển trường nhạc quân đội. Vào đến nơi ông thầy hỏi: cháu học ai, tôi nói: cháu học ở nhà. Ông thầy bảo, thế đỗ thế nào được. Tôi đành tháo kèn mang về tự mày mò. Tôi dò radio có thể là đài địch phát nhạc jazz. Thực ra lúc đó, tôi cũng chưa biết đó là nhạc jazz đâu, chỉ nghĩ nếu mình thổi được loại nhạc này thì “chả sợ ai” nữa. 3 buổi tôi nghiền ngẫm, bố tôi sợ, bán radio đi. Nhưng tôi vẫn tiếp tục, bởi với tôi, nhạc jazz như con đường để tôi đứng vững như người khổng lồ.

Khi có lời mời về dạy ở nhạc viện, tôi nghĩ 3 ngày để quyết định nhận lời hay không. Lúc đó, tôi gà trống nuôi con, Đắc và chị gái Đắc, kiếm tiền cũng là một nhiệm vụ quan trọng với tôi, để các con có điều kiện hơn. Nhưng tôi nghĩ đi vào lịch sử âm nhạc là việc quan trọng. Dù ai ghét tôi, tôi nghĩ họ cũng phải thừa nhận: tôi là người tự học đã trở thành thầy dạy nhạc, và là một người thầy tử tế.

Sau hơn 50 năm, ông nghiệm ra nhạc jazz đã mang lại hay lấy đi của mình điều gì?

Jazz có thể lấy hết đi tất cả của tôi. Nhưng thực ra, jazz cho tôi rất nhiều. Tôi được vợ mình trân trọng, bởi cô ấy là người Mỹ, cô ấy biết nhạc jazz thế nào. Học trò tôi ở Đức từng mang hàng trăm ngàn đô về cho vợ chồng tôi mua nhà, trả vào gốc không lấy lãi.

Cách đây 3 tháng, tôi mới trả xong nợ. Chuyện “ăn khế trả vàng” là hoàn toàn có thật!

Bài viết: Ngọc An
Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
13.09.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.