>> NGUYÊN VÂN

Thời điểm này, giới nghệ sĩ người thì phát triển kênh YouTube cá nhân với các chương trình ca nhạc, hướng dẫn múa, sitcom; người hướng dẫn nấu ăn và kinh doanh online; người thực hiện sản phẩm chung tay phòng chống dịch, còn chị?

Về cơ bản, khi nghệ sĩ đưa tác phẩm của mình đến khán giả, họ chọn những kênh truyền thông phù hợp nhất và ở thời điểm hiện tại, nền tảng internet có lẽ có độ phủ lớn nhất và tạo điều kiện cho các mô thức phát sinh lợi nhuận duy trì. Do vậy internet tràn ngập sản phẩm văn hoá, có lẽ như một cái bể chứa vô tận ngày ngày được tiếp thêm nội dung. Các nhà hát lớn livestream (phát trực tuyến) những vở diễn kinh điển của họ; nhiều đạo diễn/biên kịch chọn cách livestream chính các buổi tập của diễn viên từ dăm bảy studio hoặc nhà của diễn viên (vì không được tập trung một chỗ), nhiều người thu lại màn trình diễn của từng diễn viên và biên tập thành một dạng tác phẩm số hoá để phát cho khán giả trên mạng…

Tác phẩm sân khấu vốn đòi hỏi sự có mặt đồng thời của người diễn và khán giả, nó cũng đang tìm cách tồn tại hợp lý trong hệ sinh thái hiện thời lẫn khủng hoảng toàn cầu do Covid-19. Tôi có những kế hoạch đáng lẽ diễn ra trong hè nhưng đành hoãn lại vì lý do bất khả kháng, song công việc tôi chọn làm thì không ngưng mà có phần thúc bách hơn: thử nghiệm những cách làm sân khấu phi truyền thống, một mặt giữ được các yếu tố sân khấu/biểu diễn, mặt khác khai thác được quà tặng cốt lõi của sân khấu: không gian an toàn để chiêm nghiệm.

Một đạo diễn, biên kịch sân khấu như chị thường nghĩ đến điều gì sau mỗi cuộc biến động xã hội?

Từ khi tập trung làm và học sâu về kịch nghệ, những suy tư của tôi thường “bào qua bào lại” các vấn đề cơ bản: sân khấu là gì, nó có thể làm gì? Vốn dĩ sân khấu là hình thức nghệ thuật sinh ra trong, và dành cho, cộng đồng ngay xung quanh nó. Vậy trong thời điểm cộng đồng phân tán như hiện nay, tiềm năng của nó là gì? Đại dịch Covid-19 kêu gọi người làm kịch suy nghĩ nhiều hơn nữa về lẽ sinh tồn của khán phòng, nơi năng lượng của chuyện kể, người biểu diễn, khán giả và sân khấu như một thực thể phải hiện diện cùng lúc. Sau cuộc phân tách bắt buộc, ý nghĩa của những thành tố đó thay đổi ra sao, sự tụ hội xưa kia sẽ được cảm nhận mới mẻ như thế nào.

Các sân khấu trong thành phố hiện đang đóng cửa. Khi nhà hát lên đèn trở lại và khán giả tiếp tục đến xem kịch, ta dễ dàng mường tượng một tinh thần phấn chấn. Tôi tự hỏi, bao nhiêu phần niềm phấn chấn đến từ sự “tái hoà nhập” hơn là vì bản thân tác phẩm sân khấu? Dĩ nhiên đây là một trường hợp cực đoan, nhưng tôi nghĩ khi suy xét cực đoan, ta có thể có cái nhìn thấu đáo hơn về một vấn đề và từ đó đặt ra câu hỏi đáng truy cứu.

Vì sao các tác phẩm của chị thường đề cập đến nỗi cô đơn của con người?

Tôi nghĩ nhiều người trong số chúng ta đang ở trong thời gian tâm tưởng của Marquez, của Kafka, hay Beckett: kỳ lạ, chơi vơi, bức bối và đến là lạc lõng. Là một thành tố suy tư của xã hội nói chung và kịch nghệ nói riêng, tôi không khỏi cảm thấy bất lực vì nhìn thấy quá nhiều vấn đề và nhận ra khả năng của mình quá giới hạn. Có điều, tôi không muốn chỉ thở dài. Nếu không làm được bao lăm thì ít nhất tôi muốn làm những điều trong khả năng thật tốt. Vậy nên tôi lưu lại trong không gian tinh thần bức bối và sức lực vẫn còn hạn chế của mình, và suy nghĩ về điều đó.

Những điều vỡ lẽ được, tôi mượn cơ thể người diễn viên và bầu không gian của họ để truyền tải. Mà lạc lõng bức bối thì đâu có nói rành rõ được, nên người diễn viên cũng được mời dùng cơ thể họ để nỗi vô vọng thấm qua. Khán giả đến xem và cũng được mời bước vào không quyển mờ đục, phần sẽ tan đi, phần sẽ dày đặc thêm lên. Kịch của tôi chung quy là giao thoa của những con người nghĩ ngợi…

Mất gần 10 năm để nuôi ý tưởng thành hình: The Run - vở kịch đặt nền móng cho một thực hành sân khấu mang tính truy vấn, với 2 đêm diễn kín khán phòng, vì sao mô hình này “im thin thít”?

Vở The Run có hình thức hoàn toàn truyền thống: sân khấu một bên, khán giả một bên, có một câu chuyện kể qua lời thoại, diễn viên thoại và hành động. Dù đề tài của The Run đã ám ảnh tôi cả 8, 9 năm trước khi vở kịch ra đời, bản thân vở kịch đã đánh một cái dấu đủ chắc lên câu hỏi của tôi về kịch nghệ vào thời điểm đó: khán giả có quan tâm đến kịch nói không, muốn phát triển kịch nói lâu dài thì cần những gì, cụ thể là ở TP.HCM sôi động, lắm nhân tài, cơ sở hạ tầng và khả năng sản xuất có thừa?

Với mục tiêu đóng góp vào nền tảng thực hành kịch nghệ hơn là sản xuất các tác phẩm riêng lẻ chỉ cho tôi thoả mãn, tôi có viết lại kịch bản cho hoàn chỉnh hơn và phát triển một số kịch bản khác nhưng chưa cảm thấy mình cần dựng tiếp các tác phẩm sau cùng hình thức đó. Vậy nên, tôi dành công phát triển các mô hình khác: workshop (như chuỗi Lặng thinh | Trào phúng với Sàn Art), kịch thể nghiệm (như chuỗi 3P’s) và gần nhất là một truy vấn dưới dạng kịch - vở Cú chót ở Nhà hát 5B.

Chuỗi kịch thể nghiệm 3P’s: The Performers Performing the Performed dự festival ở Nhật Bản, sau đó diễn cho khán giả trong nước. Chị có thể cho biết hiệu ứng của nó khi ra mắt khán giả trong và ngoài nước?

3P’s ra đời trong một liên hoan sân khấu ở Tokyo năm 2018 với đề tài “1 bàn 2 ghế”: các tác phẩm được xây dựng và biểu diễn chỉ với 2 diễn viên, 1 cái bàn và 2 cái ghế làm đạo cụ. Cái khung trần trụi, siêu cơ bản này cho phép nghệ sĩ suy nghĩ về những ràng buộc của nhà hát vật lý và tìm cách giải quyết nó. Người thì ca múa xung quanh, người thì dùng nó như cái bàn, cái ghế thông thường; có hai nghệ sĩ từ Philippines đem một bó gỗ lên sân khấu và đóng 1 cái bàn, 2 cái ghế ngay trên sân khấu… Tôi chọn cách kéo giãn thời gian - hai nghệ sĩ/diễn viên diễn những gì vốn tốn khoảng 6 giây trong 20 phút, tức là chậm hơn cử động thông thường 200 lần. Khán giả quan sát họ cử động cực chậm như thế và (được yêu cầu) dùng điện thoại của mình chụp hình màn diễn. Vở này sau đó cập nhật thành phiên bản 2, diễn trong Hanoi New Music Festival và phiên bản 3 trong chuỗi workshop Lặng thinh | Trào phúng.

Tôi khá ngạc nhiên và cảm kích khi nhận thấy khán giả theo dõi và tham gia vào vở kịch này với mức chú tâm rất cao. Tôi đã nghĩ nó có thể quá chậm, quá chán, nhưng suốt buổi nghe tiếng máy chụp hình và nghe được cả sự im lặng trong khán phòng, tôi nghĩ chí ít hiệu ứng “chậm lại” của vở kịch cũng đã tìm được góc thể hiện phù hợp.

Liên tục “thử thách” khán giả của mình trong thể loại đầy mới mẻ như vậy, chị có nghĩ đó sẽ là con đường chông gai?

Cú chót có hình thái gần giống như 3P’s nhưng dài xấp xỉ 90 phút, tương đương với một vở thoại kịch. Nói tôi ngạc nhiên với khán giả 3P’s thì phải nói từ Cú chót, tôi tin chắc là kịch có khán giả thích thử thách. Có lẽ chính thử thách là yếu tố đánh dấu nhu cầu về kịch nghệ hiện thời, từ phía người cung cấp (tác giả, đạo diễn, diễn viên, kỹ thuật viên…) lẫn người tiếp nhận (khán giả) nếu không muốn phức tạp hoá mối quan hệ này thêm một lần nữa bằng cách đề nghị rằng nhu cầu kịch nghệ hiện giờ là sự tái xác định các vị trí quy phạm kể trên. Nhìn từ điểm này, tôi thấy con đường mình chọn có thể chông gai, nhưng đó là một con đường cực rộng; nhiều bạn đồng hành của tôi cũng đang vượt qua chông gai, và chúng tôi - từ nhiều hướng khác nhau - đang cùng tạo ra trải nghiệm kịch mới mẻ.

6 năm trong vai trò quản lý - điều hành Sàn Art, rồi làm đạo diễn, biên kịch…, chị muốn phát huy tối đa vai trò nào hay cao hơn là tham vọng của mình?

Tôi đang bắt đầu với ngành nghiên cứu sân khấu, chuyên ngành biên kịch, nên hướng đi sẽ là nhà biên kịch đồng thời là nhà thực hành kịch thể nghiệm để về lâu về dài xây dựng một hình thức sân khấu liên ngành.

Trong thời gian học thạc sĩ, tôi có tham vọng xây dựng một khoá “làm kịch” chỉn chu (bao gồm tất cả yếu tố kỹ thuật của sân khấu) và sẽ phát triển nó một cách có hệ thống sau đó. Ở một góc khác, tôi đặc biệt quan tâm đến việc “đọc” trong kịch nghệ, có lẽ vì tôi quan tâm rất nhiều đến các công cụ của một người biểu diễn. Không kể Cú chót, một trong những dự án hiện tại của tôi cũng khai thác yếu tố này, đại thể là một vở kịch dựa trên việc đọc.

Có khi nào chị cảm thấy cô đơn trên hành trình của mình?

Tôi ghi nhận khó khăn của bản thân, bao gồm cả chuyện cảm thấy cô độc không tránh khỏi khi tìm cho mình hướng đi phù hợp. Có điều tôi nhìn nhận rồi thì để nó đó, dành thời gian suy nghĩ về việc cần làm nhiều hơn. Tôi thực sự may mắn khi vẫn có thể ngồi nhà ăn đủ bữa, cập nhật tình hình trong, ngoài nước và tiếp tục các dự án của mình với tốc độ vừa phải vào thời điểm này. Tôi trân trọng những gì mình có nên cũng bớt thấy cô đơn. Chủ tâm là hướng tới chuyện làm việc có chất lượng để đáp lại những điều may mắn mình được hưởng.

Đồ họa: Duy Quang 


Báo Thanh Niên
05.04.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.