Bà nói chuyện lạc quan, ẩn chứa tinh thần nữ quyền kín đáo. Tinh thần đó, bà đã bộc lộ trong văn chương từ rất lâu rồi.

Vậy là Vòng tay học trò đã trở lại. Công ty Nhã Nam cũng xuất bản cùng lúc 4 tác phẩm nữa của bà. Công chúng xếp hàng chờ bà ký tặng sách. Nhà nghiên cứu Ngô Thảo nói ông quá xúc động. Còn cảm xúc của bà thế nào?

Thực tình tôi không cảm thấy mừng vui và xúc động về việc sách được in lại cho bằng thái độ đối đãi của mọi người với mình. Bởi vì một người dễ gì được ai tìm đến như thế, tìm đến giữa con người với nhau, tìm đến sau bao năm vắng tiếng như thế là tái ngộ giữa tôi và cuộc sống.

Tôi nói cuộc sống vì phân biệt rõ ràng có hai phía. Một phía bên ngoài cuộc đời là cuộc sống. Còn những nỗi niềm, những suy tư, những u uẩn bên trong đó là sự sống của mình. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm như thế, đây là cuộc hội ngộ giữa sự sống của mình và cuộc sống bên ngoài. Trong tiếp xúc như thế mọi chuyện bùng cháy. Những u uẩn mình đã chôn vùi quá lâu cũng bật sáng và mình có thể phục hồi năng lượng tiềm ẩn.

Tôi rất cảm kích và ngạc nhiên, sao giờ mình lạ̣i được theo dõi quan sát nồng hậu, chân tình đến thế? Qua những gì các vị ấy bày tỏ, tôi cảm nhận một xúc động chân tình mãnh liệt có thực giữa con người và con người, hơn cả một đồng cảm xuyên thấu các nỗi niềm tôi đã trải qua.

Năm 1990, cuốn Nhật ký của im lặng được in, đánh dấu sự trở lại văn đàn của bà sau 15 năm. Trong 15 năm ấy, mọi thứ hẳn rất khó khăn. Bây giờ bà ngồi đây, nét vẽ lông mày rất đẹp, màu phấn mắt nâu và vàng nhạt cũng đẹp. Thói quen trang điểm của bà thế nào trong khoảng thời gian 15 năm đó?

Năm 1970, khi có một vòng đi Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản rồi Hàn Quốc để dự hội nghị, phóng viên, nhất là phóng viên nữ Hàn Quốc, Đài Loan, theo nhìn ngó tôi và hỏi mỗi lần trang điểm mất bao lâu. Tôi nói 2 phút, họ không tin. Họ cứ nghĩ tôi phải đi chỗ nào đó và ai đó trang điểm giúp. Khi họ đứng trước cửa phòng, tôi đón họ vào xem mình trang điểm. Chỉ chưa đến 2 phút đã xong. Bây giờ cũng thế, rất là nhanh, các nét vẽ đã quen tay rồi.

Thời xưa mắt không có màu nền, chỉ kẻ mắt thôi. Đến 1960 - 1961, có người bạn ở Nhật về đánh bóng mắt, tôi mới biết. Mãi sau này mình mới trang điểm mắt như vậy. Đó là thời thịnh vượng của Thương xá Tax với những quầy mỹ phẩm của người Ấn Độ, muốn gì cũng có hết.

Nhưng 15 năm đấy làm gì có mỹ phẩm và cần gì có mỹ phẩm.

Bà có thể nói rõ hơn được không?

Sau 1975, tôi mất nhà và không hộ khẩu. Gia đình mỗi người ở trọ một nơi. Mỗi lần mẹ muốn gặp con thì hẹn nhau ra ngoài bãi biển, giống như chuyện cổ tích, rồi lại giải tán mỗi người đi mỗi đường. Như thế cho đến khi những hộ không hộ khẩu thì tập trung đi kinh tế mới. Tôi không biết kinh tế mới là gì nhưng nghĩ sẽ có thiên nhiên, sẽ có rừng xanh và tôi nghĩ gia đình mình được tập hợp lại và mình có thể săn sóc trông coi bé con.

Lúc đó, tôi xin được một cái áo bà ba của cháu chồng, một cái quần thun đen. Còn nữa là một cái áo sơ mi cũ cũng của cháu chồng. Áo cũ rồi nhưng có thể khoác ngoài áo bà ba mỏng. Dưới chân, ra chợ mua được đôi giày bộ đội nữ, màu kaki, đầu có một cái mũ tai bèo. Vai khoác một cái túi của bộ đội, lúc đấy ai cũng có cái túi nhỏ như thế. Tôi chỉ có bộ duy nhất thế để lên rừng.

Với hình dáng như thế, trang điểm vào đâu và trang điểm làm gì nếu có mỹ phẩm. Cái hình dáng như thế không phải đàn bà cũng không phải đàn ông, nó như trẻ nít lông bông, rất buồn cười.

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng ký tặng sách cho độc giả - Ảnh: Trà Xanh

Những ngày ở khu kinh tế mới đó như thế nào, thưa bà?

Nhiều người nói tôi viết về những ngày đó lại kẻo quên mất. Tôi không quên, đến giờ còn in hằn từ cái màu đất, khí trời đến lá cây, đến từng trái mướp, đến từng bông hoa, đến từng con cá, đến từng đối thoại nhỏ, đến từng thứ mình đã gồng gánh từ rừng từ suối về nhà để lo cho cả gia đình. Những kỷ niệm tuyệt vời ấy làm sao quên vì tôi còn hạnh phúc và may mắn hơn cả Robinson lạc vào hoang đảo. Anh ta chỉ có một mình, còn tôi có cả toàn gia đình hội tụ. Lúc đó các con đứa bé nhất mới 5 tuổi, đứa lớn nhất mới 11 tuổi. Một bầy lít nhít nhỏ như thế mình phải lo, phải gánh gồng. Rồi tôi phải lo có nước. Nước trên rừng hiếm lắm, phải đi lấy rất xa. Rồi củi, rồi thức ăn phải trồng tỉa. Phải tự tạo mọi thứ để sống.

Nhưng tôi rất vui vì không có gì tuyệt vời bằng sáng tạo ra lương thực với chính một tay mình. Từ trái cây đến rau củ, từng trái ớt, rất cay. Khoai sắn trồng rất nghề, có lẽ từ di truyền của dân miền Trung. Tôi trồng củ khoai lớn nhất và mình được tuyên dương. Rất là vui thôi.

15 năm đó, tôi trang điểm bằng những thứ như vừa kể. Những lúc vào rừng lấy củi, cái áo sơ mi đó sau lưng rách xẻ làm hai, cũng không có gì khâu vá, mà khâu vá cũng không được nữa. Lưng đành cháy đen. Nhưng lúc đó chỉ cười vì có mồ hôi mà không nước mắt. Rất tươi cười vì tôi sống được toàn thể con người tôi, vừa sống sự sống mình vừa hành động. Song song đó trong đầu mình nảy ra những khúc viết triền miên không biết chép vào đâu đành chôn vào tâm trí để dành về sau.

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng chụp ảnh với độc giả - Ảnh: Trà Xanh

Bà có thân sinh là Tổng giám thị Quốc học Huế từ 1930. Bà cũng học nhiều. Những năm không được ở ngôi nhà của mình, có bao giờ bà lo lắng việc mấy đứa con mình sẽ học thế nào, hay là tự quyết định mình tự dạy con học không?

Về sinh hoạt gia đình, con cái lúc đó ở vùng cao, tổ chức dù thiếu sót và đơn sơ vẫn có được điều mình cần thiết như trường học lợp bằng tranh cho trẻ con từ thành phố lên, đầy đủ giáo viên. Sáng 3 giờ tôi thức dậy ra lao động ở đất tập thể, rồi vội vàng về nhà lo lô gia cư, thời giờ đâu nghĩ đến việc dạy con.

Khi về thành phố, điều kinh khủng nhất là làm sao các con được đi học. Bất cứ giấy tờ nhỏ nhoi nào đó cũng cần xác nhận chứng minh. Tôi phải sinh hoạt với Hội Văn nghệ sĩ thành phố để có giấy tờ tạm trú. Gia đình 7 người ở trong một căn nhà bề sâu chỉ có 2 thước, bề ngang 4 thước. Nhưng mọi người đều tìm đến, anh em nghệ sĩ cũ mới, xưa nay đều đến. Anh Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Phú Quang… nhiều lắm. Tôi luôn thuận thảo với mọi người, việc gì cũng làm miễn là làm sao trên đầu nằm có bao gạo và ít muối đường ở đâu đó trong nhà.

Sau Nhật ký của im lặng, lại một thời gian bẵng đi không thấy bà ra sách.

Năm 1990 có một luồng gió mới nào đó, các NXB đều đến hỏi tôi tác phẩm mới, nhưng sau 15 năm như thế tôi đã có gì đâu. Tôi gom những khúc viết nhanh vội rải rác sau 15 năm đó, khoảng 600 trang với nhiều chủ đề khác nhau, thành tập Nhật ký của im lặng.

Khi cuốn đó ra đời, người ta lại nhớ lại bà là nhà văn được đặt hàng nhiều sách trước đây.

Gọi đặt hàng là từ ngày nay, thực ra trước đây không phải thế. Sau Vòng tay học trò, tôi vẫn ở nhà thuê, nhưng sau đó bắt buộc phải mua. Không tiền nhưng tôi thương lượng đặt cọc 1 tháng sau sẽ hoàn tất. Hồi xưa thủ tục rất nhanh. Thế là tay không, tôi bắt đầu nổ máy để có tiền mua nhà. Ngoài Vòng tay học trò, tôi còn thêm mấy cuốn nữa, tùy họ tính toán giá cả thế nào cũng được. Tuổi Saigon, Tiếng hát bên đời. Sách bán chạy nên hết nhà này đến nhà khác ngỏ lời mua. Ai đến trước, và thân thiết tôi nhận lời giao bản thảo.

Vì thế tôi viết sẵn ra hàng loạt. Cho nên không có đơn đặt hàng, tôi giao cho ai thì giao. Thường tôi giao cho NXB đã quen biết, hoặc sẵn sàng mua hàng loạt như NXB Sống mới là nơi tốt bụng, nhân hậu, đón mọi loại sách, bán rất chạy. Tôi còn giao cho NXB Nguyễn Đình Vượng là chỗ rất thân tình và có uy tín với văn nghệ sĩ thời bấy giờ.

Những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng đã quay lại - Ảnh: Nhã Nam

Mọi người cũng vẫn chờ một hồi ký của bà.

Năm 1992, xong phận sự với con cái, tôi lên Đà Lạt mua rẻ một mảnh đất, hơn 6.000 m2 gồm một cái nhà lớn, sống một mình trong khoảng 3 năm. Đó là lúc tôi cảm thấy viết được, ghi vội một số chủ đề như Khoảng không trên đu bay, Dấu chân thiền tịnh, Vườn bất tử... Đọc lại những khúc đoạn này tôi hài lòng hơn những gì đã viết trước kia vì đã ghi chép lại suy nghĩ cảm nhận của mình sau khi đã trải qua những khúc quanh của đời mình và là khoảnh khắc hồn tính mình thành màu sắc khác.

Một thứ tiểu thuyết dài bằng cả cuộc đời là món mình muốn mời tiệc tất cả mọi người nhưng chưa nấu nướng xong. Mọi người đều trông đợi nhưng tôi còn tùy thuộc thời gian, trạng thái, tinh thần để thực hiện nó.

Bà có hay quay lại Huế, Đà Lạt không?

Đà Lạt với tôi giờ rất xa lạ. Đi đâu cũng không tìm thấy một bóng dáng, một góc cạnh, một màu sắc của ngày xưa nữa. Những lối đi, bờ dốc, thềm cỏ cũng không còn dấu vết ngày xưa. Cho nên gần gũi nhất với tôi vẫn chỉ là hồi tưởng. Có dịp tôi cũng về Huế, nhưng Huế càng xa cách và biến đổi hơn cả Đà Lạt trong ngắm nhìn và tưởng nhớ của tôi nên tôi chỉ còn là khách quen của hồi tưởng.

Báo Thanh Niên
02.05.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.