Trước tình cảm nồng hậu của khán giả dành cho mình trong đêm nhạc, Bạch Tuyết đã quỳ xuống, chắp tay một lạy tri ân khán giả. Đêm nhạc ân tình đó, như chia sẻ của bà, là “món quà” đặc biệt mà “cô Lựu” muốn gửi đến không chỉ những người làm nghề với mình mà quan trọng hơn hết đó là khán giả.

Bí quyết nào giúp cho NSND Bạch Tuyết giữ hơi khỏe đến vậy - mặc dù đã mấy chục năm trôi qua, để hát cho khán giả, hát cho đời?

Nếu những gì hiện tại bạn và khán giả nhìn thấy, đó là nhờ vào công ơn cha mẹ, nhờ vào sự dẫn dắt của tổ nghề, đặc biệt là nhờ hiểu được giáo lý nhà Phật, mà tôi đã thực hành và trải nghiệm, trưởng thành hơn, buông bỏ, giúp đỡ, yêu đời - yêu người... Sống theo cách “như nó đang là”, bạn sẽ luôn có năng lượng tích cực.

Phải chăng những trích đoạn cải lương mà NSND Bạch Tuyết biểu diễn trong Đêm Bạch Tuyết - Gửi người tri kỷ vào đầu năm nay đóng vai trò rất đặc biệt trong sự nghiệp của bà?

Như tên gọi của chương trình, những khán giả tri kỷ của tôi chính là “nhà thiết kế”, chọn lọc các trích đoạn, bài ca của đêm gặp gỡ ấm áp ấy. Họ đã yêu và nâng niu cải lương, họ đã đến và giữ gìn cùng tôi suốt 60 năm qua những tác phẩm kinh điển, những trích đoạn mẫu mực, giờ dành cho nhau một đêm để bộc bạch những điều đã làm nên những khoảnh khắc sáng tạo kỳ diệu trong mỗi vai diễn, bài ca,bên cạnh những người thầy, bạn diễn khả kính, những tri âm nghệ thuật...

Trong không gian phòng trà, điều kiện khác hẳn nhà hát, nhiều yếu tố mang tính sân khấu, biểu diễn đã được tiết chế, nhưng giá trị cốt lõi của sáng tạo vẫn duy nhất, đó là cái hay, cái “thật và đẹp” của cải lương Năm Châu - Phùng Há, của nghệ thuậtca trong diễn, diễn trong ca của hai bậc kỳ tài Út Trà Ôn và Út Bạch Lan... Tôi đã được làm nghề, được nuôi dưỡng trong “hệ sinh thái” cải lương như thế.

Trong số những bài học mà những người thầy từng đào tạo để có được một NSND - “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết như hôm nay, bà ghi nhớ nhất bài học nào?

Trong chuỗi đời người, trong hành trình làm nghề, hẳn nhiên, bạn phải học và không ngừng nghỉ học, học hỏi, lắng nghe, quan sát và thấu hiểu người - mình là bài học muôn đời mà chưa bao giờ tôi học hết. Lúc được trao danh hiệu NSND, tôi nhớ thầy tôi - NSND Phùng Há. Khi tôi quấy quá tẩy trang sau suất hát để đi chơi, thời trẻ mà, bà nhắc: “Nghề hát có cái mặt, con gắng nâng niu, tử tế với nó chút đi con”. Giữ khuôn mặt - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - với người nghệ sĩ, chính là giữ đạo nghề.

Bà có thể chia sẻ kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong nhiều thập niên đi hát của mình?

Kỷ niệm của 60 năm theo nghiệp ca cầm thì nhiều vô kể. Tôi chỉ khắc ghi nhiều cảm xúc này: đó là lần tôi cùng các nghệ sĩ Đoàn cải lương 284 lưu diễn ở miền Tây vở Đời cô Lựu, sân khấu được dựng lên giữa bãi đất trống, ban tổ chức bán vé kèm ghế nhựa. Vừa mở màn, tôi nhìn xuống thấy không còn một chỗ trống nào. Những đoạn cao trào của các nhân vật cô Lựu, Hội đồng Thăng, Võ Minh Luân, Kim Anh, Bảy Cán vá…, tiếng vỗ tay rợp trời giữa đất trời thênh thang, cảm giác tiếng vỗ tay vọng lại càng vang xa, dài bất tận.

Cũng vở tuồng này, chúng tôi đã hát trước những đồng bào xa Tổ quốc. Vãn tuồng, họ vẫn nán lại, cứ yêu cầu tôi nói một câu gì đó, miễn để họ được nghe tiếng Việt của mình. Họ khóc. Chúng tôi cùng khóc. Cải lương là vậy, nghệ thuật là thế, xóa nhòa mọi khoảng cách, ranh giới, thời gian; cải lương như nhịp cầu muôn hướng, kết nối mọi tấm lòng, nỗi nhớ...

NSND Bạch Tuyết (ngồi) diễn Đời cô Lựu trong chương trình Trăm năm nguồn cội - Ảnh: Tố Tâm

Trong cuộc đời đi hát của mình, có điều gì bà từng tiếc nuối?

Với nghề hát, tôi không có bất cứ tiếc nuối nào, có chăng, khi mình đã sống trọn với nghề, thì đâu đó, trong đời sống thường nhật, mình đã chưa trọn vẹn, đủ đầy với người thân, người ở cạnh mình. Họ hy sinh, độ lượng và chấp nhận mình - ở những khía cạnh “sức ép” về thời gian, không gian, sự chăm sóc, quan tâm...

Ở tuổi 77, bà vẫn miệt mài đi hát, sáng tác. Động lực nào giúp bà làm được điều ấy?

Điều duy nhất ở tuổi này tôi còn may mắn ngồi cùng khán giả tri kỷ của mình, chính là một phần sức khỏe mà trời cho, của cha mẹ ban tặng và bản thân tôi cố gắng giữ gìn. Còn động lực hay mục tiêu ca diễn thì với tôi, bao giờ cũng vậy, không biểu diễn thì viết tuồng, lời bài ca, truyền nghề cho các diễn viên trẻ khi họ cần, cố vấn hoặc tham gia thực hiện các dự án có liên quan đến cải lương, văn hóa... Mọi thứ diễn ra đều đặn, thường nhật như thế.

Tiến sĩ - NSND Bạch Tuyết dạy về cải lương cho người trẻ trong khóa học dành cho cộng đồng - Ảnh: Đào Lê Na/Yume

NSND Bạch Tuyết suy nghĩ gì về sức sống của nghệ thuật cải lương giữa thời đại hôm nay, khi mà nhiều dòng nhạc, đặc biệt là nhạc trẻ, rất thịnh hành? Và bà có muốn “làm mới” bộ môn cải lương trong khả năng của mình để phù hợp với xu thế ấy?

Cải lương là bộ môn sân khấu dân tộc hiếm hoi có mặt trong nhiều gameshow, chương trình truyền hình thực tế và cũng được lưu diễn hải ngoại liên tục, không hề đứt đoạn trong suốt mấy chục năm qua. Điều đó cho thấy có lẽ, cải lương - tự thân loại hình này đã là một sự thích nghi, làm mới cho phù hợp với đời sống hiện tại - nên nó đã đồng hành không ngưng nghỉ. Mạn phép đưa một số nội dung đang thịnh hành để “cải lương hóa”, có cái hay, có cái chưa hay, có người nghe quen, có người nghe chưa quen, không chấp nhận nhưng chí ít, tôi muốn khai thác tính thích ứng, đồng điệu của cải lương với đời sống xã hội đương đại.

Bà đã có những nỗ lực nào để đưa cải lương tiếp cận với giới trẻ hôm nay?

Cải lương, đối với tôi, là một bộ môn nghệ thuật có giá trị rất cao. Vì vậy, trong khả năng có thể, tôi sẽ luôn hết lòng vì khán giả, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Trên thế nữa, cải lương đối với tôi còn như một cái đạo. Nhờ bộ môn nghệ thuật này mà giúp cho Bạch Tuyết được lưu dấu trong trái tim của người mộ điệu.

Tôi có nhiều điều may mắn khi được mời giảng dạy và tham gia các hội thảo khoa học và văn hóa của một số trường đại học khắp cả nước. Tôi dùng “cải lương” để chinh phục các bạn trẻ thế hệ 4.0 đầy năng động. Một niềm vui tôi muốn dùng làm minh chứng, đó là Đêm Bạch Tuyết - Gửi người tri kỷ của tôi hôm 28.1.2021, tại khán phòng đêm đó có nhiều khán giả trẻ. Tôi đã từng chia sẻ: “Một cánh én không thể tạo nên mùa xuân, nhưng cũng phải có một cánh én để báo tin...”.

Thuộc hàng nghệ sĩ cải lương gạo cội, NSND Bạch Tuyết đã có “đệ tử ruột” để truyền nghề?

Câu hỏi khá thú vị, chắc có lẽ tôi cũng là người nghệ sĩ may mắn khi được trở thành người hướng dẫn trong những sự kiện quan trọng trong giới cải lương. Vì vậy, những ngôi sao cải lương thành danh hiện nay, ít nhiều gì đó cũng từng là học viên do tôi giảng dạy, hoặc là thí sinh do tôi lựa chọn trong một cuộc thi nào đó. Riêng tôi, thì tôi chưa dám tự nhận mình là thầy của ai cả, tôi chỉ trao truyền một phần nhỏ kiến thức mà tôi được trau dồi từ những vị thầy tổ của nghệ thuật sân khấu VN.Điều đặc biệt, nghệ thuật ca kịch này, không ai có thể dạy ai hát hay và xúc cảm được. Mà cái đó là trời cho, tổ tiên, cha mẹ ban tặng.

Bà có dự định gì trong thời gian tới?

Mỗi sáng mở mắt, thức giấc nhìn ra sân vườn, vẫn nhìn thấy lá xanh, hoa nở, chim hót là tôi biết ơn thêm một ngày để mình còn tận hưởng cuộc sống tươi đẹp này; được hát những bài, trích đoạn mà mình nằm lòng, yêu thích; được gặp và trò chuyện những người tri âm. Tôi không vẽ ra bất cứ dự định nào, tôi chỉ đơn giản sống và làm những công việc mình yêu, thuộc khả năng mình, người ta cần mình.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bà.

Báo Thanh Niên
28.02.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.