Với rất nhiều giải thưởng đạt được ở cấp T.Ư, đạo diễn Huỳnh Hùng được phong danh hiệu NSND vào năm 2019, khi đã được lãnh đạo TP.Đà Nẵng điều chuyển về làm Giám đốc Sở VH-TT TP. Điều đáng nói, làm phim không phải chuyên môn chính của ông. 

Nghệ sĩ Huỳnh Hùng (bìa phải) được UBND TP.Đà Nẵng vinh danh NSND (Ảnh: Hoàng Sơn)

Nghệ sĩ Huỳnh Hùng cùng GS.TS Võ Tòng Xuân khi làm phim Sông núi khắc tên (Ảnh: N.H.L)

Được nhận danh hiệu NSND cho vai trò là một đạo diễn phim tài liệu khi đang làm công tác quản lý văn hóa với vị trí Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng (ông nghỉ hưu từ 1.1.2021 - PV), cảm xúc của ông thế nào?

Khi nhận được danh hiệu này, tôi rất vui mừng bởi vì công sức, đóng góp, cống hiến của mình đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Trên lĩnh vực nghệ thuật, danh hiệu này ở khu vực miền Trung, ở Quảng Nam, Đà Nẵng nói riêng cũng ít nên tôi thật sự tự hào.

Đạo diễn Huỳnh Hùng (bìa trái) nhận giải B Giải báo chí Quốc gia lần thứ 9 - năm 2014 với bộ phim Sông núi khắc tên (Ảnh: N.H.L)

Trong sự nghiệp của mình, ông đã nhận được nhiều giải thưởng từ lĩnh vực báo chí cho đến nghệ thuật. Nhiều người nói vui, ông “mát tay” với các giải thưởng, ông có suy nghĩ gì?

Thật ra, tôi làm báo hình, nhưng trong báo hình có một mảng đậm chất nghệ thuật là phim tài liệu. Trong 20 năm hoạt động nghề nghiệp, tôi đã đạt 25 giải thưởng T.Ư. Vì sao đạt giải? Đó là tôi có cách làm phim riêng của mình.

Về đề tài, tôi bám sát mảnh đất và con người xứ Quảng, nơi có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, nơi đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho đất nước, nơi có truyền thống chống ngoại xâm nổi tiếng... Mảnh đất này là chất liệu và là nguồn cảm hứng dồi dào để tôi làm phim.

Tôi chọn những đề tài có thể gửi gắm thông điệp. Ví dụ như phim về Hoàng Diệu trong Người giữ thành Hà Nội. Tôi khai thác cái liêm ở ông và muốn gửi gắm đến ngày nay. Làm phim, tôi luôn trăn trở, lật ngược lật xuôi vấn đề. Quan trọng là phải lấy câu chuyện người xưa để gửi thông điệp cho ngày nay.

Dù ở vị trí quản lý ở Đài PT-TH Đà Nẵng nhưng nghệ sĩ Huỳnh Hùng vẫn theo đuổi đam mê làm phim tài liệu và liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng lớn (Ảnh: N.H.L)

Điều dễ dàng nhận thấy là hầu hết phim tài liệu của ông lấy vùng đất và con người xứ Quảng làm đề tài. Lý do là gì?

Đất Quảng quê hương tôi được nhắc đến như là một vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh nhiều danh nhân, chí sĩ cho đất nước, nơi đi đầu trong 2 cuộc kháng chiến, nơi có nhiều biến động xã hội trong lịch sử và trong hiện tại. Đó là nguồn chất liệu phong phú, là nguồn cảm hứng dồi dào để tôi làm phim.

Đặc biệt, tôi thích làm phim về danh nhân xứ Quảng và tôi thường mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, ca ngợi những nhân vật có tư cách, có dũng khí, có lòng nhân ái, hết mình vì dân vì nước như: Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Phan Khôi…

Bằng tư duy phản biện sắc sảo, nghệ sĩ Huỳnh Hùng luôn có những câu hỏi thú vị dành cho những nhân vật (Ảnh: N.H.L)A 13-14-15: NSND Huỳnh Hùng cùng ê-kíp làm phim trong những lần tác nghiệp (Ảnh: N.H.L)

Vậy ông tâm đắc nhất bộ phim nào?

Tôi có một bộ phim đạt giải không cao, chỉ là huy chương bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc, đó là Con mắt còn có đuôi, kể về chân dung nhà văn, nhà báo Phan Khôi.

Như ta đã biết, Phan Khôi là một nhà văn hóa, nhà thơ nổi tiếng. Chính ông là người mở đầu phong trào Thơ mới của nước ta qua bài Tình già. Sau đó, ông có tham gia vụ Nhân văn giai phẩm sau 1954. Lâu nay, người ta đánh giá ông rất nặng nề. Bây giờ nhìn lại thì phải phân biệt đâu là công, đâu là tội, và cần ghi nhận những đóng góp của ông.

Tôi làm phim về ông, cố gắng trả lại những giá trị của ông… Bộ phim hay làm cho khán giả sau khi xem xong phải suy nghĩ, phải rung động, có khi câu chuyện phim ám ảnh dài sâu trong lòng mình. Muốn vậy, phim phải có chiều sâu về tư tưởng, phải có thông điệp mới mẻ, phải có phương pháp kể chuyện chân thực, sinh động, giàu kịch tính.

Có phải quan điểm làm phim tài liệu của ông luôn chứa đựng tính phản biện, lấy đó làm “bút pháp” xuyên suốt?

Phim tài liệu là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi những người làm phim phải có kiến thức, có sự trải nghiệm và đặc biệt phải có cá tính sáng tạo, thẳng thắn, mạnh mẽ, thậm chí phải dũng cảm. Dũng cảm nêu lên vấn đề, dũng cảm thể hiện chính kiến của mình trước hiện thực. Một loạt phim của tôi đều thể hiện những tố chất này.

Ví dụ, phim Một tấm gương, một tấm lòng phản ánh chân dung nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Hồ Nghinh. Tôi làm phim này khi ông chưa được Huân chương Hồ Chí Minh, chưa được phong danh hiệu anh hùng. Trước đó, nhiều người cho rằng ông là người xét lại, là người hữu khuynh. Tôi lại thấy trong ông thể hiện rất rõ tính cách của người xứ Quảng, đó là thẳng thắn, trung thực và đổi mới quyết liệt. Nhìn nhận như vậy nên tôi mới làm phim về ông, và phim đoạt huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc.

Bộ phim thể hiện quan điểm mạnh mẽ nhất của tôi, như đã nói, chính là bộ phim về Phan Khôi. Ngay cả Ban giám khảo T.Ư cũng có những ý kiến khác nhau. Ở Đà Nẵng, có ý kiến đề nghị xem lại tư cách của tôi vì đánh giá cao Phan Khôi.

Cái bắt tay lịch sử cứu di tích Hải Vân quan khỏi cảnh hoang phế sau nhiều năm của ông Huỳnh Hùng (bìa trái) và ông Phan Tiến Dũng (nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế) (Ảnh: S.X)

Trong sự nghiệp làm phim tài liệu, ông ngưỡng mộ ai nhất, hay nói cách khác ai để lại dấu ấn sâu sắc trong ông?

Tôi xin nói ngay, đó là đạo diễn Trần Văn Thủy, tác giả của những bộ phim tài liệu đã trở thành kinh điển như Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai... Nét nổi bật trong ông là sự dũng cảm - dũng cảm trong cuộc sống và dũng cảm trong nghề nghiệp.

Thời chiến tranh chống Mỹ, ông có mặt ở chiến trường Khu 5 làm phim Những người dân quê tôi. Thời bình, những bộ phim của ông thể hiện tính nhân văn sâu sắc và đặc biệt là tính phản biện mạnh mẽ. Ông không ngần ngại đề cập đến những vấn đề mà xã hội đang quan tâm, không ngần ngại đụng chạm đến dây thần kinh của xã hội. Ông là người truyền cảm hứng cho tôi nhiều nhất khi làm phim tài liệu.

Ông đến với báo chí, truyền hình khá muộn?

Đúng vậy! Gần 40 tuổi, trong một dịp khá tình cờ, tôi rẽ ngang sang nghề báo, làm việc ở Trung tâm truyền hình VN tại Đà Nẵng. Trước đó, tôi làm Trưởng phòng VH-TT H.Điện Bàn (nay là TX.Điện Bàn, Quảng Nam). Tôi chưa từng được đào tạo, dù một ngày về nghiệp báo chí, truyền hình. Thế là tôi vừa làm quản lý, ban đầu là trưởng phòng, sau là phó giám đốc trung tâm vừa học nghề. Tôi học miệt mài, say sưa, không sợ xấu hổ khi học cả cấp dưới của mình. Tôi theo gương nhà văn, nhà báo Phan Khôi, chủ yếu là tự học để trưởng thành.

NSND Huỳnh Hùng (thứ 2 từ phải sang) trong chuyến khảo sát Hải Vân quan với lãnh đạo Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế vào năm 2017 (Ảnh: S.X)

Ông hy vọng gì về sự tiếp nối của đội ngũ làm phim tài liệu ở Đà Nẵng?

Mấy chục năm qua, Đà Nẵng nổi lên là một trong vài trung tâm phim tài liệu lớn trong cả nước. Tôi thật sự vui mừng khi Đà Nẵng đang xuất hiện một số nhà làm phim trẻ có kiến thức, có năng lực, rất yêu nghề, luôn biết tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp làm phim. Họ đã thành công, được đồng nghiệp trong nước đánh giá cao, như: Đoàn Hồng Lê, Trần Mộng Thu, Hoàng Tùng, Trần Xuân Quang… Tôi tin tưởng họ sẽ vững vàng bước tới, sẽ đi xa hơn thế hệ chúng tôi.

Ông có ấp ủ gì về một bộ phim hay kế hoạch trong thời gian tới?

Tôi sẽ tiếp tục làm phim, sáng tạo nghệ thuật. Tôi luôn đau đáu về những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất xứ Quảng. Có những số phận bị chìm khuất, thiệt thòi. Tôi muốn trong sự nghiệp sáng tác của mình sẽ làm sáng tỏ những vấn đề này.Tôi cũng ấp ủ những đề tài mang tính nhân văn, hòa giải dân tộc sau các cuộc chiến tranh.

Xin cảm ơn ông!

Báo Thanh Niên
14.03.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.