>>LÊ CÔNG SƠN

Từ đó đến nay, gã “phù thủy” có bộ óc siêu phàm vẫn lặng lẽ làm việc, cùng Tổ chức Kỷ lục VN đi tìm kiếm những tài năng tiềm ẩn để đào tạo, quyết tâm đưa các kỷ lục VN ra chinh phục thế giới…

“Thần may mắn” nào đã gõ cửa để đưa một thầy giáo trẻ tỉnh lẻ, xuất phát điểm chỉ từ sở thích chinh phục các kỷ lục đã trở thành một kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới đầu tiên tại VN? Quá trình đi lên từ con số 0 ấy có gian nan và vất vả?

Cơ duyên trở thành kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới đầu tiên ở VN đến với tôi cũng tình cờ, vì bản thân là một giáo viên đào tạo kỹ năng sống cho học sinh - sinh viên, tôi luôn ao ước tìm ra những giải pháp để giúp học trò sao cho nhẹ nhàng. Rồi từ việc mỗi ngày nhìn thấy con trai vất vả với quá nhiều bài vở, tôi cảm thấy cháu không còn nhiều thời gian để nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động đội nhóm. Có thể tôi không thể thay đổi được khối lượng sách vở bên trong chiếc cặp của con trai, nhưng tôi nghĩ mình hoàn toàn có thể gắn thêm 4 chiếc bánh xe để con kéo chiếc cặp ấy nhẹ nhàng hơn.

Vì vậy, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu nhiều phương pháp học tập, đến tận một số trường quốc tế để tìm hiểu cách giáo dục tiên tiến, tham gia các khóa học về kỹ năng học tập của các nhà đào tạo, kỷ lục gia nổi tiếng thế giới: Tony Buzan, Dominic O’Brien, Eran Katz, Biswaroop. Năm 2014, tôi dự lớp đào tạo Tối ưu năng lực não bộ của kỷ lục gia thế giới người Ấn Độ Biswaroop Roy Chowdhury và vô cùng bất ngờ về khả năng ghi nhớ của thầy. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi quyết tâm luyện tập để có thể xác lập thành công kỷ lục VN.

Ông Dominic O’Brien (trái) - 8 lần vô địch thế giới về siêu trí nhớ và Nguyễn Phùng Phong

Nhờ 6 tháng chăm chỉ, nghiêm túc thực hiện 4 không: không tivi, không lên mạng, không rượu bia, không tụ tập bạn bè..., năm 2015 tôi xác lập kỷ lục VN khi nhớ chính xác 500 con số ngẫu nhiên (tương ứng với 50 số điện thoại) được hội đồng đưa ra sau 15 phút. Liên tục nỗ lực và tập trung cao độ, năm 2016 tôi được Liên minh Kỷ lục thế giới công nhận kỷ lục thế giới khi nhớ chính xác vị trí, tên gọi của 198 quốc kỳ được xếp ngẫu nhiên trong 30 phút. Càng đi sâu vào lĩnh vực này, tôi càng bị cuốn hút bởi khối lượng quá đồ sộ về kiến thức, phương pháp dạy và học quá hay, bổ ích mà trước giờ tôi chưa được biết.

Thời đi học, anh có gì xuất chúng hơn so với bạn bè đồng trang lứa? Gia đình anh có ai thông minh và có được bộ nhớ siêu phàm như anh không? Việc lập được kỷ lục đã làm thay đổi cuộc đời anh như thế nào?

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo tại Khánh Hòa. Năm tôi 7 tuổi thì cha mẹ di chuyển vào xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc, Đồng Nai) lập nghiệp. Thuở nhỏ, tôi học tốt những môn học xã hội, còn những môn học tự nhiên: Toán, Lý, Hóa thì tôi học bình thường. Tôi có sở trường về công tác đoàn đội, kết nối đội nhóm. Tôi phát triển sớm về khả năng tưởng tượng, sáng tạo, ý tưởng và khả năng của tôi ngày hôm nay có được là nhờ sự luyện tập đúng cách. Bởi, tạo hóa sinh ra ban tặng cho mỗi con người một bộ não tài năng và khác biệt. Nếu chúng ta biết học và làm việc "đúng cách" thì sẽ khai phá được tất cả sức mạnh của bản thân.

Trong gia đình tôi không ai có khả năng nhớ siêu đẳng như tôi. Từ khi trở thành một kỷ lục gia thế giới, cuộc sống tôi thay đổi rất nhiều. Nhiều trường ĐH, tập đoàn lớn trong và ngoài nước như: ĐH Bách khoa, ĐH Yonsei, ĐH Semyung (Hàn Quốc), tập đoàn Samsung, tập đoàn DKSH ... mời tôi đến đào tạo phương pháp nhớ thông tin, kiến thức theo cách nhẹ nhàng, nhờ vậy mà Trung tâm Tâm Trí Lực của tôi mở ra theo hướng này đã phát triển rất tốt.

Mỗi ngày chỉ có 12 tiếng đồng hồ trong khi vừa làm thầy dạy học, HLV, trọng tài, rồi lo chuyện gia đình…, anh dàn xếp với khối công việc đồ sộ này như thế nào? Anh hài lòng và chưa hài lòng điều gì với cuộc sống?

Sau khi trở thành kỷ lục gia thế giới thì khó khăn lớn nhất của tôi là học cách kiểm soát tính "tham công tiếc việc" của bản thân. Khó khăn nữa là hơi… mất tự nhiên khi đến những nơi số đông nhận ra mình, người hâm mộ xin chụp hình và chữ ký làm mình ngại.

Nguyễn Phùng Phong nhận bằng Tiến sĩ danh dự của ĐH Kỷ lục (Ấn Độ 2017)

Tôi nhớ có lần tôi đi công tác tận Cà Mau, đang ngồi ăn cua rang me ngon lành thì có một nhân viên chạy lại hỏi: “Dạ, có phải thầy Nguyễn Phùng Phong đây không? Xin cho em được chụp tấm hình”. Tôi phải dừng ăn, lau tay lau miệng để đáp lại tình cảm của người yêu quý nên cũng… ngại.

Hiện công việc chính của tôi tại TP.HCM là đào tạo học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 và các bạn trẻ biết cách học tập khai phá sức mạnh của não bộ, tài năng và niềm tin của bản thân. Họ có thể học trực tiếp với tôi, còn ở tỉnh thì học trực tuyến qua trang web www.mmtn.vn do tôi điều hành.

Thời gian gần đây, nhiều “gà cưng” của anh liên tục “làm mưa làm gió” trong chương trình Siêu trí tuệ VN trên truyền hình và ở một số cuộc thi tài năng. Là người thầy, anh có cảm nghĩ như thế nào?

Gần đây các em được tôi đào tạo trực tiếp hoặc thông qua các khóa học, phần mềm online đăng quang giải Siêu trí tuệ, Siêu trí nhớ VN như: Gia Hưng, Hồng Anh, Phương Nghi, Diệu Linh, Phương Trinh, Thu Hiền... khiến tôi rất tự hào và hạnh phúc. Nhiều em vài năm trước khi mới đến với tôi là những cô cậu học trò nhút nhát, ngại trò chuyện nhưng sau một thời gian được thử thách và cọ xát qua vài cuộc thi đấu quốc tế đã trở nên mạnh dạn, tự tin ngay. Các tuyển thủ biết chủ động tự học, tự nghiên cứu, rèn luyện kiên trì để chinh phục những mục tiêu đặt ra.

Nguyễn Phùng Phong (trái) và hai kỷ lục gia Siêu Trí nhớ VN 2019 Phương Trinh và Thu Hiền

Công tác vận động đăng cai cho giải Siêu trí nhớ thế giới tại VN thời gian tới thế nào rồi? Nếu giải được tổ chức tại VN thì “bệ phóng” trong tương lai sẽ ra sao cho VN ở lĩnh vực siêu trí nhớ?

Giải Siêu trí nhớ thế giới đã tổ chức được 28 năm. Vừa rồi, giải Siêu trí nhớ VN lần đầu tiên được tổ chức rất thành công. Tại lễ bế mạc, chúng tôi đã có đơn gửi Hội đồng Thể thao trí nhớ thế giới xin phép được đăng cai giải Siêu trí nhớ thế giới vào năm 2021. Hiện tại đã có phản hồi, Hội đồng Thể thao trí nhớ thế giới tại Anh đánh giá cao nỗ lực của VN và chúng tôi đang cố gắng hoàn tất từng yêu cầu.

Nguyễn Phùng Phong trao thư cho đại diện Hội đồng thể thao Trí nhớ thế giới xin đăng cai giải Siêu Trí nhớ thế giới vào năm 2021 tại VN

Nếu được là nước chủ nhà, đây là một niềm vinh hạnh của VN, vì như vậy những con người có bộ não siêu phàm thường thấy trên các phương tiện truyền thông quốc tế sẽ có mặt tại nước ta, là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, trí tuệ, sự hiếu học của người VN.

Cuối cùng, niềm hạnh phúc nhất trong đời của kỷ lục gia Nguyễn Phùng Phong là gì? Và nếu có được 3 điều ước, anh sẽ nói gì?

Nếu cho 3 điều ước thì điều tôi khao khát lớn nhất là thầy cô và học sinh - sinh viên VN biết sử dụng thành thạo các phương pháp dạy và học “siêu trí nhớ” để còn nhiều thời gian nghỉ ngơi, vui chơi khi bài vở học thuộc ngay tại lớp. Ước mơ thứ hai khá cháy bỏng là VN sẽ vô địch giải Siêu trí nhớ thế giới. Và cuối cùng tôi ao ước xây một ngôi trường đào tạo nhân tài, nhằm tìm ra những “viên kim cương” trí tuệ của VN. Kinh phí vận hành ngôi trường này được đóng góp từ các nhân sĩ trí thức, doanh nhân và mọi người con của đất Việt, trong đó đương nhiên có cả bạn và tôi.

Trọng tài Nguyễn Phùng Phong coi thi tại cuộc thi Siêu Trí nhớ châu Á 2019
Tuyển thủ đang thi đấu tại cuộc thi Siêu trí nhớ VN do Tổ chức Kỷ lục VN và Tổ chức Trí nhớ VN vừa tổ chức

Ảnh: Quỳnh Trân, NVCC | Đồ họa: Nhựt Lâm

Báo Thanh Niên
24.11.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.