>> Trần Cao Duyên

Không chỉ là xứ dừa “bóng ngả lối xưa”, xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn, Bình Định còn là mảnh đất của những làng nghề chiếu cói

Mỗi lần qua đây, ấn tượng nhất với tôi là hình ảnh những chiếc chiếu xinh xắn vừa rời khung cửi, nằm hong mình dưới nắng. Và hơn một lần, những chiếc chiếu ấy đã “níu” tôi dừng lại.

Nghề dệt chiếu dễ có đến ngàn tuổi. Xưa, xã hội phong kiến đã phân chia giai tầng bằng cách nói “chiếu trên chiếu dưới” rồi mà. Ngay cả vợ chồng cũng có thứ có bậc, ngủ thì “đồng tịch” (cùng chiếu), nhưng… thức thì chàng rung đùi uống trà, thiếp thì thủ phận sửa túi nâng khăn. Vậy mới có cảnh chàng nhàn nhã, thiếp lo toan: “Sáng trăng trải chiếu hai hàng/Cho anh đọc sách cho nàng quay tơ”. Ca dao ngày ấy còn có câu “tiếp thị” chiếu rất tự hào, ân tình và lãng mạn hơn bây giờ nhiều: “Chiếu cói làng em nhuộm màu tươi tắn/Công em rày mưa nắng gió sương/Chiếu này đi khắp tứ phương/Gởi người quân tử trải giường nghỉ ngơi”.

Lần theo “đường chiếu” phơi bên vệ cỏ, tôi gặp một lão làng dệt chiếu ở thôn Trường Xuân. Cụ đã cao tuổi, giọng nói hơi thều thào, mạch chuyện có đứt gãy nhưng “thông tin” còn rõ nên chắp nối được. Theo cụ, đất Tam Quan này không ai làm giàu nhờ dệt chiếu, chỉ đủ sống hoặc dư dả tí đỉnh thôi. Nhưng gia đình nào không lấy chiếu làm chính thì cũng chẳng dám phụ phàng khung dệt. Nghề do ông bà truyền lại, có dấu vết tiên linh trong đó, ai mà bỏ được? Khó khăn lắm thì kiếm ăn bằng nghề khác nhưng bộ đồ dệt chiếu vẫn giữ kỹ lắm. Lâu lâu lấy ra lau chùi, dệt vài tấm cho đỡ nhớ, lễ tết có chiếu mới mà dùng, khỏi phải mua.

Cụ kể thêm: Thời cụ dệt chiếu bằng tay, ngày dệt từ 4 đến 6 chiếc là giỏi. Giờ dệt máy khỏe re mà nghề èo uột quá. Con dâu lớn của cụ, đã có cháu nội, thì buồn buồn: “Tui thấy có người, nhà còn đồ nghề mà giỗ chạp ra chợ mua chiếu ni lông, về trải trước bàn thờ rồi quỳ lạy là không hay cho lắm. Dẫu ông bà không nói được lời trách móc nhưng lòng mình cũng thấy xót chớ”.

Một ngày giữa tháng 10, tôi ghé thôn Chương Hòa, nơi được coi là một trong số ít những làng chiếu lâu đời nhất H.Hoài Nhơn. Cơ sở dệt chiếu của anh Nguyễn Văn Sơn ở đầu thôn hoạt động tương đối nhộn nhịp. Anh Sơn dí dỏm rằng anh vừa làm ông chủ vừa làm… bảo vệ. Nhìn mấy chị công nhân đang làm việc, anh nói hổng tin thì hỏi, tui làm “bảo vệ” coi được lắm, mấy chị em… đòi tặng bằng khen đó.

Anh nói: “Cơ sở có 7 công nhân, toàn nữ. Tất cả đều đi “xe đẹp” (xe đạp, giọng địa phương - NV). Chồng đi biển xa, vợ tất bật chuyện nhà, tới chỗ làm hay bị trễ nên bạ đâu vứt xe đấy. Sợ mưa nắng làm xe mau hư, tôi dắt vào trại. Gần tới giờ về, tôi kiểm tra xe nào non lốp thì bơm, lủng săm thì vá, trật sên thì bắt lại rồi dựng sẵn ở cổng. Có chị vừa về một đoạn thì xe đứt sên, phải quay lại: “Ông chủ ơi, giúp với”. Trời đã nhá nhem tối, sên siếc để mai sửa. Tôi chở chị về bằng xe máy”.

Cói sau khi nhuộm

“Ổng chủ còn bày chị em tui chống… dê nữa đó”, chị công nhân khuôn mặt có duyên, tên Thuận, ca ngợi ông chủ. Chuyện là có tay chủ quán nhậu mà bàn nào cũng ghé, say xỉn tối ngày, vợ bỏ về quê, hay đón đường Thuận “hỏi mua chiếu”, xin số điện thoại để khi rảnh mời “cà phê”. Ông chủ biết chuyện nên “tham mưu” Thuận cho số của chồng. Tay nọ hí hửng như đang “buồn ngủ gặp chiếu manh”, liền a lô gạ gẫm. Thuận đâu không thấy chỉ thấy… nghịch. Tay đó bị anh chồng xạc cho một trận tướp xơ mướp. Ông chủ Sơn cười tít mắt, nói thiệt đó. Đây là chỗ dệt chiếu chứ không “dệt chuyện” đâu.

Do phải cạnh tranh với chiếu ni lông, chiếu trúc, kể cả các loại nệm nên chiếu cói có những lúc ế hàng. Nhiều khi sản phẩm bí đầu ra, chủ nợ nần, lương công nhân bèo bọt, máy dệt chiếu có nguy cơ “đắp chiếu”. Đời chiếu lâm cảnh chợ chiều thì đời người dệt chiếu cũng bấp bênh theo. Nhưng chị em công nhân thương ông chủ nghĩa tình nên không nỡ bỏ đi. Người lạnh thì đắp chiếu. Chiếu lạnh thì ai đắp? Họ động viên nhau bám máy, cho ông chủ nợ lương 2 tháng, cầm chắc từng sợi cói dệt nên những tấm chiếu dày, êm, cả hai mặt đều nền nã, hoa văn tươi thắm. Nhờ vậy chiếu anh Sơn bán được. Nhiều mối ở các chợ xa tới lấy hàng. Cơ sở của anh dần hồi sinh. Anh Sơn nói có được ngày này, anh thầm cảm ơn công nhân trước, cảm ơn trời sau, vì người ở gần, trời thì xin lỗi, xa quá!

Dệt chiếu

Mới tảng sáng, những người thu hoạch cói đã lom khom trên ruộng. Tay liềm tới đâu, cói ngã rạp tới đó. Nắng dần lên, tô màu sáng óng ánh lên từng bó cói xanh um.

Lò nhuộm cói

Cói còn gọi là lác, loại cây thân thảo, mềm, xốp, mọc hoang nơi đầm lầy hoặc trồng trên ruộng chua phèn. Khi trưởng thành, cói cao ngang ngực người lớn. Cói là nguyên liệu chính nhưng phải “se duyên” với đay thì cói mới thành chiếu. Cây đay thường mọc ở những vùng bãi bồi. Người ta bóc lớp vỏ mềm và dai của đay để se thành sợi. Nhiều sợi đay căng dọc khung cửi để từng sợi cói đan ngang. Ngoài ra, nhờ tính chất mềm mại, dẻo dai, chịu lực tốt, đay còn được bện thành sợi bằng đầu đũa con để đan võng. Mấy trăm năm rồi, ở vùng quê vẫn còn kẽo kẹt tiếng võng đưa.

Chị Võ Thị Phú, vợ anh Sơn, cho biết thời gian giữa hai lần thu hoạch cói là trên dưới trăm ngày. Về nhà, cói được chẻ làm hai, phơi một nắng rồi nhuộm phẩm bốn màu: đỏ, xanh, vàng, tím. Sự khéo léo của người thợ là phối kết những sợi cói đã nhuộm để dệt nên hình hoa lá và những chữ Nho (thường là Phước, Lộc, Thọ) trên tấm chiếu. Dệt xong, chiếu được cắt biên cho gọn. Cuối cùng là “tém” bốn biên chiếu bằng vải điều, gọi là may biên. Lại phơi thêm vài nắng nữa cho chiếu khô ráo, thơm tho trước khi chào bán.

Để được chiếc chiếu, bình quân người thợ phải bện vào những sợi đay xấp xỉ 1.300 sợi cói. Công phu lắm mới có được chiếc chiếu nhưng giá mỗi chiếc chỉ từ 60.000 đến 100.000 đồng tùy khổ. Công đoạn nào cũng qua bàn tay của những công nhân nữ thạo nghề. Hỏi, đàn ông không dệt được à? Chị Phú đáp: “Có mà ít. Họ vụng về, không mặn mà với nghề này”. Và chị “tiết lộ” rằng chiếu mới mua, trước khi dùng nên phơi sương một đêm để sợi cói mềm mại, thoảng thơm. Xài lâu, chiếu sờn biên, màu vẫn còn tươi thắm.

Thu hoạch cói

Dệt chiếu cho người ngả lưng còn lưng mình thì mỏi lắm, thu nhập lại không cao. Đó là tâm sự của những người theo nghề dệt chiếu. Bình quân mỗi công nhân kiếm được gần 4 triệu đồng/tháng. Công nhân điều khiển máy dệt là chị Phượng và chị Hồng thì ăn theo sản phẩm, dệt một chiếc hưởng 12.000 đồng. Cứ vậy tính tới. Nhưng ngày chục chiếc là… bể lưng. Chị nào cũng có con đang học đại học trong Sài Gòn. Hằng tháng họ đều trích hơn nửa số tiền ít ỏi đó gửi cho con. Tôi thầm băn khoăn: Với số tiền còn lại, các chị làm thế nào để trang trải cuộc sống? Còn đứa con đang học xa, nếu không đi làm thêm, liệu tiền dệt chiếu của mẹ có đủ chi tiêu?

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Trần Cao Duyên, Ngọc Tuấn

Báo Thanh Niên
04.12.2018
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top