>> THU HẰNG

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là không thể trì hoãn, nếu không là gánh nặng cho thế hệ sau.

Theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) Chính phủ đưa ra 2 phương án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 xem xét, cho ý kiến. Phương án 1: "Kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi".

Phương án 2: "Kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi".

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, có 3 lý do cho thấy việc nâng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Thứ nhất, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng thực chất thời điểm này, dân số Việt Nam bắt đầu chuyển sang từ “đang già” sang “già” vào năm 2014. Nếu như những năm 2.000, bình quân số người bước vào độ tuổi lao động là 1,2 triệu/năm thì đến bây giờ lực lượng lao động này đã giảm xuống còn 400.000 người/ năm (tức là chỉ tăng bằng 1/3 so với 15 năm trước). Tỷ lệ người bước vào độ tuổi lao động ngày càng giảm cho thấy cho thấy dân số đã già hóa và Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất hiện nay. 

Tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng tới việc làm của lao động trẻ

Thứ hai, độ tuổi nghỉ hưu của nam 60 và nữ 55 đã được quy định từ những năm 1961, cách đây hơn 60 năm nay, khi đó bình quân tuổi thọ của người Việt Nam mới trên 45 tuổi, còn bây giờ bình quân tuổi thọ của người Việt Nam đã  là 76,6 tuổi.

Thứ ba, thời gian đóng BHXH của nam và nữ bình quân là hơn 20 năm nhưng lại hưởng rất cao. Trong khi mức hưởng của các nước là 30%-45%, nhưng Việt Nam mức hưởng cao nhất là 75%, bình quân là 70%. “Qua tính toán cho thấy, nếu như một người bình quân đóng BHXH trong 28 năm thì chỉ đủ để chính mình hưởng trong 10 năm, còn lại 9 năm rưỡi là lấy đóng góp của thế hệ sau chia sẻ cho thế hệ hiện tại. Do đó, để đảm bảo cân bằng, ổn định của Quỹ BHXH thì điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là cần thiết”, ông Dung nhấn mạnh.

Những lao động thuộc ngành nghề đặc thù sẽ được nghỉ hưu thấp hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định

Trước những băn khoăn về việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của lao động trẻ, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, phân tích: “Trong 5 năm gần đây, mỗi năm lực lượng lao động chỉ tăng 400.000 người, sau 15 năm nữa, khi chúng ta chưa kết thúc lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu thì mỗi năm chỉ tăng 200.000 người hoặc là ít hơn sau đó. Tức là nguy cơ khan hiếm và thiếu hụt lao động rõ ràng. Trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam chỉ chiếm 22% so với 55 triệu lao động, thấp hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Các số liệu và thực tế này cho thấy người già không hề chiếm chỗ của người trẻ”.

Ông Diệp, cho hay việc tính toán lộ trình tăng tuổi hưu đã cân đối được công việc hiện tại cho người trẻ lẫn tính toán cho người già. Theo dự thảo luật thì tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh dần, theo lộ trình chậm và đến 2028 mới có người nam đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62; đến 2035, người nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

Việc nâng dần tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ cao hơn

Theo các chuyên gia lao động, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu luôn là vấn đề hết sức nhạy cảm và có tác động sâu rộng tới tất cả các mặt của đời sống. Do vậy, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải được được tính toán khoa học, chặt chẽ, có lộ trình tránh “gây sốc” về tâm lý cho người lao động, đặc biệt cần phải phân loại đối với từng ngành nghề, lĩnh vực lao động, không nên tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt,

Về vấn đề này, ông Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đang rà soát lại toàn bộ ngành nghề, những công việc lao động nặng nhọc, độc hại để đưa ra danh sách kèm theo bộ luật này. Theo danh sách hiện hành đang quy định 24 lĩnh vực có thể nghỉ hưu sớm hơn. Tới đây cũng có lĩnh vực, ngành nghề, người lao động sẽ nghỉ hưu thấp hơn như những ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại. Tuy nhiên, sự chênh lệch không quá 5 năm so với quy định.

Báo Thanh Niên
08.06.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.