>> NHẬT MINH

Hiện nay, số điện thoại không chỉ đơn thuần là địa chỉ liên lạc của mỗi người, mà còn giống như một “tài sản” vô hình có giá trị đặc biệt. Số điện thoại di động thường được gắn liền với nhiều ứng dụng, dịch vụ quan trọng của mỗi cá nhân như tài khoản ngân hàng, ví điện tử… Vì vậy, bảo mật thông tin thuê bao cũng chính là bảo vệ thông tin, tài sản cá nhân trước những mối nguy về an ninh mạng, lừa đảo qua mạng...

Chính thức áp dụng từ tháng 8, VinaPhone (đơn vị thành viên của VNPT) đã ứng dụng công nghệ AI sinh trắc học (công nghệ trí tuệ nhân tạo nhận diện khuôn mặt) trong việc xác thực thông tin thuê bao khách hàng. Theo đó, khi thực hiện đăng ký mới hoặc thay đổi thông tin thuê bao tại các điểm giao dịch của VinaPhone, khách hàng sẽ được nhân viên chụp ảnh ở nhiều góc và bảo đảm ảnh có sự chuyển động.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa đến đăng ký sim data VinaPhone tại cửa hàng giao dịch 75 Đinh Tiên Hoàng, anh Đào Văn Hoan, 44 tuổi (hiện đang trú tại tổ 3 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên), chia sẻ quá trình đăng ký thông tin nhanh gọn, tiện lợi. “Tôi chỉ việc đưa căn cước công dân, rồi bỏ khẩu trang để nhân viên giao dịch chụp hình… với thời gian không quá 5 phút. Tôi rất ủng hộ các biện pháp bảo đảm tính chính xác thông tin thuê bao vì đó là cách bảo vệ quyền lợi của người dân!” - anh Đào Văn Hoan cho biết.

Còn chị Nguyễn Thanh Mai 38 tuổi (hiện trú tại tổ 8 phường Mộ Lao, quận Hà Đông) kể lại, chị sang cửa hàng giao dịch VinaPhone 57 Huỳnh Thúc Kháng chuyển thuê bao trả trước sang trả sau thì được nhân viên yêu cầu bổ sung hình ảnh bằng chụp AI sinh trắc học. “Mình quen với việc sử dụng công nghệ nhận diện hình ảnh khi dùng điện thoại, nên không thấy bất ngờ. Do vậy, khi nhân viên quầy giao dịch VinaPhone hướng dẫn là mình làm theo yêu cầu của các bạn thôi. Số điện thoại có lẽ mình dùng cả đời và trên đó, mình đăng ký nhiều dịch vụ, ứng dụng khác, nên việc dùng AI sinh trắc học là biện pháp minh bạch để bảo vệ khách hàng”, chị Mai nhấn mạnh.

Nói về việc ứng dụng AI sinh trắc học, đại diện VinaPhone cho biết, dùng AI nâng cao giúp nhà mạng chống giả mạo khi chụp ảnh giấy tờ với các trường hợp chụp từ thiết bị khác, chụp từ bản photocopy, ảnh trên giấy tờ bì dán đè, thông tin trên giấy tờ bị xóa và viết đè. Đồng thời giúp chống giả mạo khi chụp ảnh chân dung với nhiều góc cạnh, có cử động phải là người thật chứ không phải ảnh thẻ...

Đến nay, VinaPhone đã có 4 triệu thuê bao đăng ký qua công nghệ AI nhận diện hình ảnh và AI nâng cao. Ngoài ra VinaPhone cũng đã chuẩn hóa thông tin thuê bao cho 6 triệu khách hàng.

Đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông) đánh giá, việc các nhà mạng áp dụng công nghệ để đăng ký thông tin thuê bao cho thấy sự chung tay, thống nhất và quyết tâm của các doanh nghiệp viễn thông lớn cùng với cơ quan quản lý ngăn chặn nạn sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác...

Theo các chuyên gia, hiện cả nước có gần 130 thuê bao di động và thị trường viễn thông di động hầu như đã bão hòa. Do vậy, đây là thời điểm các nhà mạng thay vì tập trung phát triển thuê bao, cần chuyển sang tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng dịch vụ cho khách hàng.

Luôn xác định khách hàng là trung tâm, là người đem lại nguồn thu, lợi nhuận cho nhà mạng, do vậy cùng với việc quan tâm trải nghiệm khách hàng, VinaPhone thực hiện các biện pháp bảo đảm quyền lợi khách hàng. Trong đó, việc định danh khách hàng cũng là cách bảo vệ khách hàng một cách thiết thực khi nhà mạng triển khai dịch vụ mới như Mobile Money...

Trên thực tế, công nghệ trí tuệ nhân tạo nhận diện khuôn mặt (còn gọi là AI nâng cao, AI sinh trắc học) được nhiều quốc gia áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau bởi sự chính xác, tiện lợi.

AI sinh trắc học được biết đến và phổ biến hơn từ khi nhà sản xuất Apple tích hợp tính năng FaceID - nhận diện khuôn mặt trên iPhoneX. Đến nay, công nghệ này đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày, được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như an ninh, y tế, giáo dục... Tại Việt Nam, AI nhận diện hình ảnh được Bộ Thông tin - Truyền thông giao Tập đoàn VNPT tiên phong thử nghiệm từ cuối năm 2018. Đến tháng 2.2019, VNPT bắt đầu thử nghiệm nội bộ và đến tháng 8.2019 áp dụng trên toàn mạng VinaPhone.

Công nghệ này sau đó được các nhà mạng khác triển khai áp dụng từ cuối năm 2019 để đăng ký thông tin thuê bao theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai cho thấy, giải pháp này chỉ nhận diện, so sánh ảnh chụp chân dung và ảnh trong thẻ chứng minh nhân dân/căn cước công dân, nên vẫn để lọt trường hợp dù không có người thực đến nhưng vẫn dùng ảnh chụp chân dùng (bản scan) để đăng ký được...

Để thực hiện triệt để xác thực thông tin thuê bao (chuẩn hóa thông tin thuê bao) nhằm ngăn chặn nạn sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác cũng và để định danh khách hàng chuẩn bị cho thực hiện cung cấp dịch vụ mới, VinaPhone áp dụng giải pháp AI sinh trắc học. Giải pháp này được kỳ vọng giúp hoàn thiện hơn, nâng cao hơn nữa tính chính xác trong đăng ký thông tin thuê bao, từ đó sẽ mở ra không gian mới cho việc phát triển dịch vụ mới. 

Thực tế triển khai qua 1 tháng tại VinaPhone cho thấy, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao (trùng khớp thông tin đăng ký và và thông tin người sử dụng) gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân bắt nguồn từ phía người dùng khi đi mua sim, thẻ (bộ KIT hòa mạng) không mang giấy tờ cá nhân. Có một số ít khách hàng khi được đề nghị cung cấp thông tin đăng ký thuê bao lại có phản ứng. Ngoài ra, trong quá trình triển khai AI, thi thoảng có một số lỗi kỹ thuật khiến việc xử lý giấy tờ, ảnh bị chậm… khiến việc đăng ký thông tin bằng công nghệ này có một số vướng mắc.

Dù vậy, xác định áp dụng công nghệ AI là việc làm cần thiết để chuẩn hóa thông tin, bảo đảm quyền lợi khách hàng và là điều kiện cần cho triển khai các dịch vụ số, VinaPhone đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, chia sẻ và ủng hộ.

Báo Thanh Niên
17.09.2020
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top