Sacombank thực hiện sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam vào năm 2015, trở thành ngân hàng lớn thứ 5 trong hệ thống, thế nhưng chất lượng tài sản lúc đó xuống dốc mạnh. Tổng dư nợ xấu và tài sản tồn đọng năm 2016 lên gần 97.000 tỉ đồng. Trong 5 năm qua, ban lãnh đạo Sacombank xử lý nợ xấu khá quyết liệt và năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng, ghi nhận kết quả khả quan triển khai đề án tái cơ cấu sau sáp nhập. Trong năm 2021, Sacombank đã thu hồi gần 14.100 tỉ đồng (trong đó thuộc đề án tái cơ cấu đến năm 2025 là gần 11.800 tỉ đồng), vượt mục tiêu đại hội đồng cổ đông đề ra ở mức 10.000 tỉ đồng; hiện Sacombank vẫn tiếp tục thu theo tiến độ và sẽ thu hồi hơn 8.000 tỉ đồng, như vậy tổng doanh số thu hồi và xử lý nợ thuộc năm 2021 của Sacombank sẽ đạt hơn 22.100 tỉ đồng.

Lũy kế 5 năm qua (2017 - 2021), Sacombank đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỉ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỉ đồng là các khoản thuộc đề án, đạt gần 68% kế hoạch tổng thể. Nhờ đó, quy mô lãi khoanh giảm 73,7%, tỷ trọng tài sản tồn đọng giảm từ 29,3% xuống còn 8%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 6,81% xuống 1,47 % so với thời điểm 31.12.2016. Nhà băng này cũng đã trích 8.260 tỉ đồng chi phí dự phòng rủi ro và xử lý tài sản tồn đọng thuộc đề án, từ đó mức lũy kế tăng lên 20.287 tỉ đồng, đạt 87,5% kế hoạch tổng thể của đề án.

Giới phân tích trên thị trường khá kỳ vọng về sự phát triển của Sacombank trong năm 2022, đặc biệt là vấn đề xử lý nợ xấu, hiện ngân hàng chỉ còn phải xử lý 30.600 tỉ đồng, các khoản nợ này được đảm bảo với hơn 600 triệu cổ phiếu STB và các dự án, bất động sản có giá trị khác.

Đại diện Sacombank cho biết, trong năm 2022 - 2023, Sacombank sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và VAMC để xử lý dứt điểm các tồn đọng, đồng thời đẩy mạnh đấu giá các tài sản khác để thu hồi nợ. Khả năng Sacombank sẽ hoàn thành tái cơ cấu trước thời hạn vào năm 2023.

Sacombank có quy mô tăng trưởng hoạt động liên tục qua các năm, cũng như hiệu quả hoạt động hồi phục tích cực so với giai đoạn mới triển khai đề án. Huy động và cho vay tăng trưởng bình quân 9% và 14,4%/năm, tổng thu nhập tăng 23%/năm, trong đó dịch vụ tăng 30%/năm, lợi nhuận lõi bình quân hằng tháng tăng từ mức 50 tỉ đồng của năm 2016 lên thành 900 - 950 tỉ đồng. Điển hình năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, lợi nhuận trước dự phòng đề án của Sacombank vẫn đạt 12.660 tỉ đồng, nhưng do tập trung tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí Đề án, lợi nhuận trước thuế đạt 4.400 tỉ đồng, vượt 10% kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông giao. Ngoài ra, một số chỉ tiêu hoạt động kinh doanh ghi nhận mức tăng trưởng khá tốt như tổng tài sản hợp nhất đạt hơn 521.100 tỉ đồng, tăng gần 6%, trong đó tài sản có sinh lời tăng 8,9%. Tốc độ tăng trưởng tổng tài sản gần gấp đôi so với năm 2016.

Niềm tin của khách hàng ngày càng gia tăng. Quy mô khách hàng thường xuyên giao dịch của Sacombank đến cuối năm 2021 chạm mốc gần 10 triệu, tăng 6 triệu khách hàng so với năm 2016. Về huy động có đến 97% đến từ các tổ chức kinh tế và dân cư, đạt hơn 464.500 tỉ đồng. Năm 2021, nhờ cơ cấu danh mục cho vay đa dạng, tạo điều kiện để Sacombank duy trì và đồng hành với khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, với mức tăng trưởng tín dụng 14%, đạt hơn 388.200 tỉ đồng. Điều này giúp thị phần tín dụng của Sacombank trong toàn hệ thống ngân hàng tăng từ 3,61% đầu năm lên 3,63%. Bên cạnh tăng trưởng về quy mô, Sacombank luôn chú trọng trong việc kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn và hiệu quả theo đúng mục tiêu và định hướng của Ngân hàng Nhà nước tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát và hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro như: kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BT, BOT… Đặc biệt là trong những năm gần đây, Sacombank không tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp. Khẩu vị của ngân hàng khá “kén” với loại hình đầu tư này và nhờ vậy giúp Sacombank tăng trưởng tín dụng hợp lý, an toàn, hiệu quả góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.

Các cổ đông Sacombank gia tăng niềm tin qua thị giá chứng khoán tăng liên tục thời gian gần đây. Thị giá cổ phiếu Sacombank (mã chứng khoán STB) đã tăng gấp 3,3 lần so với năm 2016, từ 9.450 đồng lên 31.500 đồng. Điều này một phần đến từ việc “của để dành” của Sacombank ngày càng gia tăng. Theo số liệu tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận năm tài chính 2021, lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế đến 31.12.2021 là gần 9.000 tỉ đồng, tương đương gần bằng 50% vốn điều lệ của Sacombank, đây là số tiền dùng để chia cổ tức cho cổ đông. Tuy nhiên do hiện tại Sacombank đang thực hiện tái cơ cấu theo đề án được Chính phủ và NHNN phê duyệt, vì vậy việc chia cổ tức phải được NHNN chấp thuận. Từ năm 2019 đến nay, Sacombank liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức cho cổ đông, hiện nhà băng này cũng đang chờ NHNN chấp thuận để có thể triển khai. Dự kiến chậm nhất đến năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc đề án, qua đó chính thức hoàn thành trước thời gian đã được NHNN phê duyệt. Từ đó, Sacombank thực hiện các thủ tục xin phép thực hiện việc chi trả cổ tức cho cổ đông.

Trong kỳ đại hội đồng cổ đông ngày 22.4 tới đây, Hội đồng quản trị Sacombank dự kiến trình cổ đông kế hoạch năm tài chính 2022 với các chỉ số tăng trưởng từ 10 - 12% năm 2021 như tổng tài sản lên 573.500 tỉ đồng, tổng huy động vốn 512.700 tỉ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 435.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 5.280 tỉ đồng (tăng 20%), kiểm soát nợ xấu dưới 2%.

Năm 2022 là năm tiền đề của nhiệm kỳ mới 2022 - 2026, để đạt được chỉ tiêu đề ra trong bối cảnh kinh tế mới và trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, Sacombank triển khai thực hiện mục tiêu số hóa toàn diện các hoạt động. Một số giải pháp được triển khai trong năm 2022 như đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng còn lại thông qua việc triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ, kết hợp quản trị rủi ro. Công tác giám sát chặt chẽ các hoạt động cấp tín dụng sẽ được triển khai thường xuyên, liên tục và gắn với việc điều chỉnh mô hình phê duyệt tín dụng phù hợp với xu thế thị trường hiện nay nhằm nâng cao năng lực đồng bộ của hệ thống, tiết kiệm chi phí cũng như tăng tính cạnh tranh của ngân hàng với các ngân hàng khác, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh mới.

Trong thời gian qua, ngân hàng tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thu hút sự quan tâm của khách hàng đối với các sản phẩm tiện ích, đa dạng như mở tài khoản qua định danh từ xa, mở thẻ phi vật lý, thẻ doanh nghiệp đa tiện ích, công nghệ thanh toán Tap to phone, kết hợp thẻ tín dụng và thanh toán trên cùng 1 chip… Qua đó, kết nối gần 10 triệu khách hàng với bình quân sản phẩm, dịch vụ mỗi khách hàng tăng hơn 17%, doanh số giao dịch qua kênh điện tử tăng 43%. Sacombank sẽ tiếp tục phát triển các giải pháp công nghệ số trên tất cả các hoạt động chính, từng bước tiến đến hoàn tất chiến lược chuyển đổi số.

Nguồn: Sacombank

Báo Thanh Niên
16.04.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.