Đã là người Việt thì dù đi đâu dù xa cách bao lâu, trong tiềm thức, ngày Tết vẫn là thời khắc thiêng liêng, là dịp đoàn viên, là hội, là mừng. Người Việt ở Thụy Sĩ cũng vậy. Tết sắp đến, rộn ràng lắm chứ!

>> THỤC MINH (từ Thụy Sĩ)

Trong ngôi nhà rộng rãi giữa khu vườn đầy rau trái ở ngoại ô Lausanne, thủ phủ bang (canton) Vaud miền tây nam Thụy Sĩ, có đôi tình nhân không còn trẻ rộn ràng lá chuối, lá dong gói bánh chưng, làm chả, làm giò… vào những ngày băng giá, khi dịp lễ Giáng sinh và tết dương lịch rình rang đã lùi xa. Đó là tập quán hàng chục năm qua của gia đình chú Kim - cô Vân. Cả hai đã nghỉ hưu. Cô vốn là một nhà nghiên cứu y sinh học, còn chú từng giữ chức quản lý trong một ngân hàng của Thụy Sĩ và cũng được biết nhiều trên báo chí Việt Nam là chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim.

“Nhà tôi luôn cúng Tết ngày 30, đón giao thừa và cúng mồng 1, mồng 2 và mồng 3. Chỉ không cúng tết ông Táo thôi. Ông Táo Tây cúng phải khấn bằng tiếng Tây thì hơi mệt!”, chú Kim vừa kể vừa pha hài. Với chú, “Tết là dịp để sum họp và tưởng nhớ ông bà”. Và truyền thống đó không bao giờ thay đổi.

Truyền thống thờ cúng ông bà và ăn Tết được gìn giữ chu đáo trong gia đình cô chú Vân - Kim. Ảnh: Gia đình cung cấp

Rời miền Nam sang Thụy Sĩ du học từ năm 1967 khi mới xong tú tài, rồi gặp cô Vân người Nha Trang cũng là du học sinh và cùng nhau lập nghiệp ở đây, cô chú đã có hơn 50 năm ăn Tết trên đất khách, trừ đôi lần về với quê hương hồi thập niên 1990. “Thời sinh viên, dịp Tết chúng tôi cũng tụ tập với nhau ăn các món truyền thống và hát hò. Học xong thì vẫn liên lạc gặp nhau ngày Tết”, chú kể.

Giờ đây, gia đình cô chú với hai cậu con trai đã trưởng thành càng có nhiều thời gian để nghĩ về, để chuẩn bị cho ngày Tết quê hương. “Có năm chúng tôi đón giao thừa theo giờ VN, có năm thì theo giờ Tây. Ở đây, người ta ít đi thăm chúc Tết nhau vì nhà nào cũng bận đi làm, đi học. Nhưng nơi nào có tổ chức Tết cộng đồng, Xuân quê hương thì tôi đều dự”, chú Kim chia sẻ.

Việc cúng kính, lễ lạt trang trọng ngày Tết không chỉ có ở những gia đình người cao tuổi như vợ chồng chú Kim - cô Vân, mà còn ở nhiều gia đình trẻ mới đến Thụy Sĩ chưa lâu. Mứt gừng, mứt dừa, bánh chưng, bánh tét, canh măng, giò thủ, nem chua, xôi, chả… năm nào cũng có trong mâm cơm ngày Tết nhà chị Như và anh Hùng.

Cách đây 5 năm, khi đang sinh sống tại Hà Nội, anh Hùng được một giáo sư ở Trường bách khoa liên bang Lausanne (EPFL) tuyển làm trợ lý. Thế là đôi vợ chồng kỹ sư tin học quê Quảng Trị cùng cậu con trai 6 tuổi dắt nhau đến Thụy Sĩ.

Vợ chồng Như-Hùng gói bánh chưng đón Tết ở Thuỵ Sĩ

“Bọn em thường mời cả vị giáo sư thủ trưởng của anh Hùng và vài bạn bè thân thiết đến chung vui bên mâm cơm Tết ngày 30. Là người Thụy Sĩ nhưng giáo sư rất thích đồ ăn và phong tục Tết. Mỗi lần đến dự ông đều chuẩn bị vài phong bao lì xì mừng tuổi cả nhà”, Như chia sẻ.

Chị cũng cho biết thêm, đêm 30 và ngày mồng 1 cả nhà đi chùa lễ Phật và chúc Tết các sư thầy. “Ngày mồng 1, anh Hùng ăn mặc nghiêm túc, hai mẹ con thì mặc áo dài. Hàng xóm người Tây nhìn thấy họ cũng lấy làm thích và biết mình đang mừng ngày Tết của quê hương”.

Tự tay làm tất cả các món ăn truyền thống và duy trì đầy đủ các thủ tục lễ Tết, chỉ thiếu phần đi tảo mộ, Như - Hùng “muốn con lớn lên luôn nhớ ngày Tết VN có gì”.

Gia đình Minh Hải – Minh Hà tại lễ mừng Xuân Mậu Tuất ở Lausanne. Ảnh: Gia đình cung cấp

Không chuẩn bị mâm cơm ngày 30 linh đình như ở nhà Như - Hùng do cả hai đều đi làm, nhưng trong nhà Minh Hải - Minh Hà ngày Tết bao giờ cũng có mâm ngũ quả. “Vào thời khắc giao thừa ở quê, tức 6 giờ chiều ở Thụy Sĩ, cả nhà mình quây quần gọi điện về VN chúc mừng năm mới người thân. Cả nhà diện bộ quần áo đẹp rồi chụp ảnh bên mâm ngũ quả”, anh Hải nói về ngày Tết của gia đình mình. Chàng kỹ sư quản lý giao thông của chính quyền thành phố Genève cũng chia sẻ thêm cách chăm hoa để ngôi nhà có 2 con gái nhỏ tại thị trấn Morges (canton Vaud) ngập tràn không khí Tết giữa thời điểm lạnh nhất trong năm: “Lúc này ít có hoa hoặc cành lộc mọc tự nhiên ở bên ngoài. Tuy nhiên tụi mình hay chuẩn bị sẵn một vài chậu hoa và mang vào trong nhà từ giữa tháng 12. Thời tiết ấm ở trong nhà sẽ giúp cây mọc mầm xanh tươi và ra hoa rực rỡ”.

Để các con cảm nhận sâu sắc hơn sự thiêng liêng của ngày Tết, “Nếu sáng mồng 1 mà là ngày phải đi học, cả hai vợ chồng mình sẽ xin đi làm muộn để đưa các con đến trường mà bình thường chỉ có một người đưa”. Hai cháu nhà Hải - Hà cũng được bố mẹ lì xì những chiếc phong bao đỏ chứa sô-cô-la ngọt ngào. “Bao lì xì cho trẻ con vẫn còn đó và ý nghĩa của nó vẫn nguyên vẹn như ngày xưa. Chỉ có điều ngày trước cuộc sống khó khăn nên khi mình còn nhỏ hay được lì xì tiền, gọi vui là "phát vốn". Ngày nay, trẻ con đã có tài khoản tiết kiệm ngân hàng riêng dễ quản lý hơn và tránh mất mát”, Hải lý giải về việc lì xì trẻ con bằng sô-cô-la.

Ăn Tết trong các gia đình thuần Việt hẳn nhiên là “trong tiềm thức”. Nhưng trong phần đông gia đình vợ Việt, chồng Tây trên đất Thụy Sĩ mà người viết quen biết, việc ăn Tết cũng trở nên một tập quán quen thuộc và quan trọng. “Sylvain nhà em thích ăn đồ Tết vô cùng”, cô gái quê miền Tây nhỏ nhắn Minh Ngọc cho biết. Vì vậy mà mỗi dịp Tết đến, Ngọc hì hụi làm bánh tét, bánh chưng, củ kiệu… đuề huề. “Em ham làm đến nỗi đã cho nhiều nhà mỗi người một ít mà vẫn ăn không hết, phải đông đá”.

Ngọc cũng cho biết, thường thì cô cúng chay ngày 30 hoặc mồng 1, tùy lịch hàng năm, sao cho tiện để có thể mời vài người họ hàng và ít bạn thân cùng dự. Rồi ngày cuối tuần đầu tiên của Tết, gia đình nhỏ của Ngọc sẽ đến nhà người cô ruột dự tiệc đoàn viên của đại gia đình hơn 50 người trên đất Thụy Sĩ. Những ngày còn lại thì cứ “lai rai” giữa hai vợ chồng và cậu con trai 6 tuổi, cho đến… hết Tết. Mê Tết, chàng tiến sĩ xứ Fribourg thường xin nghỉ làm, có khi cả tuần, để ở nhà chung vui với vợ con.

Cùng Tết ở xứ Tây. Ảnh: Facebook

Tết thường rơi vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch. Đó là thời gian trẻ con phải đi học nên có rất ít gia đình về Việt Nam ăn Tết. Nhưng gia đình chị Loan - anh Thuận ở thị trấn xinh đẹp Vevey thì may mắn hơn. Từ khi sang Thụy Sĩ đến nay ngót 10 năm, năm nào chị Loan cũng cùng chồng về Phan Thiết ăn Tết, dù cả hai đều đi làm. Họ hàng anh Thuận đã dần dần rời Sài Gòn từ cuối thập niên 1970, nên giờ về Việt Nam, anh chỉ còn gia đình vợ. “Đây là lần cuối tụi em còn có thể về Việt Nam ăn Tết. Vài tháng nữa bé Mỹ Anh đủ 4 tuổi, đến tháng 8 bắt đầu vào chương trình học phổ thông bắt buộc thì không còn cơ hội nữa”, chị Loan chia sẻ trong lúc tranh thủ “gom” hàng siêu thị để mang về quê.

Đến hẹn lại lên, cứ sau Giáng sinh và Tết dương lịch, các siêu thị, cửa hàng ở châu Âu đồng loạt giảm giá để thanh lý hàng tồn đọng. Từ áo quần, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ nhà bếp, hàng điện tử, cho đến thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia. Có thứ giảm giá đến 70%. Vì vậy, đây là thời điểm thật thích hợp để gom các đặc sản và hàng “made in Thụy Sĩ” (vốn nổi tiếng về chất lượng và độ tin cậy, nhưng cũng rất “đau bụng” khi quy ra giá thóc) để mang về Việt Nam với giá rất dễ chịu. Sô-cô-la, phô mai, các loại bánh mì khô, bánh quy, thịt xông khói… thường không thể thiếu trong hành lý về ăn Tết của các “Việt kiều” Thụy Sĩ.

Cơ hội gom sô-cô-la Thụy Sĩ làm quà Tết cho người thân ở VN. Ảnh: Thục Minh

Từ Vevey đến sân bay Genève mất khoảng 90 phút lái xe hoặc đi tàu hỏa và xe buýt, rồi lên máy bay Air France quá cảnh Paris trước khi về đến Sài Gòn, xong lại lên xe đò để về Phan Thiết. Vậy mà lần nào về ăn Tết, chị Loan - anh Thư cùng cô con gái nhỏ cũng vác hơn 90 kg hành lý ký gửi. Toàn quà với quà!

Sự bùng nổ của mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, không chỉ giúp những người Việt ở mọi ngóc ngách trên xứ người tìm ra nhau, trở nên gắn bó và gần gũi với nhau hằng ngày bất chấp khoảng cách địa lý, mà cũng là phương tiện lan tỏa không khí Tết đến từng nhà, từng người.  

Vào những ngày này, trên Facebook rộn ràng các mẩu rao vặt liên quan Tết. Còn đến 1 tháng nữa mới Tết, nhưng trên một “chợ online” của người Việt ở Thụy Sĩ, có người đã nhắc nhở đồng bào mình nhớ lấy voucher trị giá 20 SGD (350.000 đồng) nếu bay về Việt Nam với hãng Singapore Airlines để có thể dùng mua hàng khi quá cảnh sân bay Changi. Một lời nhắc nhở có tâm làm sao!

Nếu muốn lì xì mừng tuổi cho trẻ nhỏ bằng chính những phong bao đậm đà màu sắc truyền thống quê hương, “chợ online” có luôn.

Các mẫu rao trên Facebook dành cho Tết. Ảnh: Chụp màn hình

Còn thực phẩm Tết thì có lẽ… không thiếu thứ gì. Khá nhiều phụ nữ Việt ở Thụy Sĩ làm nghề nội trợ. Nên chế biến món Việt, rao bán cho cộng đồng trên Facebook, và chuyển thức ăn bằng đường bưu điện trở thành một công việc tạo thu nhập khá phổ biến trong số họ. Một đòn bánh tét trên trang Đồ ăn Việt Nam tại Thụy Sĩ giá 15 CHF, bánh ú 5 CHF/cái, giò thủ 40 CHF/kg, heo quay 35 CHF/kg, chả giò 1 CHF/cái… Cũng có nhiều chị em lặng lẽ làm món Tết cho gia đình, nhân tiện làm dư ra và chỉ bán cho người quen, bạn bè thân thiết.

Hành lý về quê ăn Tết của "Việt kiều" Thụy Sĩ luôn đầy ắp sô-cô-la. Ảnh: Facebook

Điều thuận lợi cho loại hình kiếm tiền mộc mạc ở xứ sở có giá nhân công đắt đỏ hàng đầu thế giới này là sự tham gia của ngành bưu chính. Không chỉ cung cấp dịch vụ chuyển phát thư tín và các kiện hàng có giá trị cao, bưu điện Thụy Sĩ nhận chuyển phát nội địa cả thức ăn trong vòng 1 - 2 ngày với giá cả khá hợp lý.  Chẳng hạn, một thùng hàng kích thước đến 100x60x60 cm, nặng đến 2 kg mức phí là 7 CHF, nặng đến 10 kg phí 9,7 CHF.

Ngoài ra, do cộng đồng người Việt ở Thụy Sĩ tương đối lớn, nên cửa hàng thực phẩm Việt Nam không quá hiếm. Các chuỗi siêu thị lớn ở Thụy Sĩ như Coop, Migros, Manor cũng nắm bắt được nhu cầu đón năm mới âm lịch của người gốc Đông Á nên thời điểm cận Tết thường đặt thêm quầy với nhiều mặt hàng, thực phẩm đặc trưng để phục vụ.

Theo thống kê của chính phủ Thụy Sĩ năm 2016, có khoảng 8.000 người gốc Việt hiện là công dân hoặc thường trú nhân của nước này, và khoảng 4.500 người Việt Nam nữa đang sinh sống, học tập và làm việc ở Thụy Sĩ theo diện người nước ngoài. So với dân số 8,4 triệu người (gồm công dân và thường trú nhân) cùng khoảng 2 triệu người nước ngoài, cộng đồng Việt tại quốc gia nằm trong dãy núi Alps này cũng thuộc diện đáng kể. Có mặt khắp trên lãnh thổ 41.000 km2, nhưng người Việt tập trung đông nhất ở các thành phố Lausanne, Genève (vùng tiếng Pháp), và Zurich, Bern, Saint Gallen (vùng tiếng Đức).

Vào những ngày này, trên Facebook rộn ràng các poster, các thông báo mời gọi nhau tham gia lễ Tết cộng đồng khắp nơi. Chương trình thì các nơi gần như na ná nhau với 2 “món” không thể thiếu đó là thức ăn Tết và văn nghệ hát về quê hương. Nhưng không khí từng nơi có khác. Với những cộng đồng đã hình thành lâu năm, việc lo lễ Tết thường có ban tổ chức hẳn hoi. Trong khi đó, ở những cộng đồng trẻ, tập hợp các sinh viên và trí thức đến Thụy Sĩ từ những năm 2000 trở đi, lễ Tết thường được tổ chức kiểu “góp gạo”. Mỗi gia đình đăng ký chuẩn bị một món và mang đến thưởng thức chung. Văn nghệ thì dành phần nhiều cho trẻ em để các cháu thêm gắn bó với phong tục quê hương.

Do Tết nguyên đán luôn gần với thời điểm diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), Đại sứ quán VN tại Bern và Lãnh sự quán tại Genève thường tổ chức gặp gỡ kiều bào sau Tết. Năm nay, WEF diễn ra từ 22-25.1. Lãnh sự quán tại Genève sẽ gặp kiều bào vào nửa sau tháng 2, trong khi Đại sứ quán sẽ tổ chức lễ này vào tháng 3 khi tân đại sứ Lê Linh Lan đã đến Bern thay người tiền nhiệm Phạm Hải Bằng.

Dịp Xuân Mậu Tuất, người viết có cơ hội dự buổi lễ vào ngày mồng 3 Tết của VNLausanne, nhóm tập hợp chủ yếu những người đã từng học tập và nghiên cứu tại các đại học ở thành phố Lausanne. Dù bận rộn với công việc, các ông bố bà mẹ trẻ ở đây vẫn hết lòng dành thời gian giúp các con tham gia tập luyện các tiết mục văn nghệ cho buổi lễ. “Ngoài được gặp nhau, dịp lễ này là lúc ôn lại những truyền thống của dân tộc và nhất là cố gắng tạo ra không khí ngày Tết để những đứa trẻ vốn sinh ra ở đây biết được những kí ức đẹp đẽ mà bố mẹ chúng đã từng được trải qua”, kĩ sư giao thông Minh Hải thổ lộ.

Xem các cháu mới lên 4 lên 6 múa, hát các bài Cái bống, Trống cơm, Em đi giữa biển vàng, Cò lả… mà thấy được những nỗ lực của phụ huynh trong việc “dạy cho con tiếng nói quê hương”. VnLausanne hiện đang có một lứa trẻ em rất đồng đều, nói tiếng Việt rất tốt.

Trong khi đó, tiết mục đàn tranh của cô gái Minh Trang với bản Xuân này con không về khiến nhiều người rơi nước mắt. Tình cảm gia đình, tình cảm quê hương, không khí Tết chợt trào dâng trong lồng ngực mỗi người.

Đồ họa: Duy Quang

Báo Thanh Niên
01.02.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.