Những ngày này ở quê mẹ xa xôi có lẽ trời đang mưa lắc rắc trong cái lạnh của tiết trời cuối tháng chạp. Chỉ còn hai tuần nữa là Tết, chợ bắt đầu đông, hàng quán đã nhiều hơn, chợ hoa đã rộn rịp bước chân người. Trẻ con xôn xao, nao nức, người lớn bắt đầu tất bật công việc dọn dẹp và mua sắm, chuẩn bị Tết.

>> Diệu Linh (Từ Boston - USA)

Những ngày gần Tết, trời xứ Boston, Mỹ lạnh tái tê. Nhiệt độ thường xuống âm độ và tuyết bao phủ, trắng xóa khắp nơi, khắp chốn. Gần Tết, mọi người ở đây lại xem lịch, nếu ngày mồng một Tết rơi trúng vào cuối tuần thì ai nấy thở phào nhẹ nhõm vì sẽ được “ăn Tết” đúng ngày. Còn nếu mồng một Tết rơi vào ngày trong tuần thì mọi người sẽ chọn ngày cuối tuần gần ngày mồng một nhất để làm ngày gặp mặt “ăn Tết”. Gần đến Tết ai cũng hồi hộp đợi xem thời tiết thế nào vì mùa Tết cũng là mùa bão tuyết và nếu có bão tuyết thì cái sự ăn Tết của bà con chúng mình cũng đi tong. Có năm mọi người ai nấy đã chuẩn bị xong xuôi để đi tiệc Tết nhưng bão tuyết nổi lên, ngoài đường ngập tuyết gần cả nửa mét, cả tiểu bang trong trình trạng “báo động khẩn cấp”, nội bất xuất, ngoại bất nhập, vậy là chương trình ăn Tết của bà con tiêu tan theo tuyết, ai nấy ngậm ngùi ở nhà ngắm tuyết miệt mài rơi dày bên cửa sổ.

Từ cửa sổ nhà nhìn ra vào ngày Tết

Ăn Tết ở xứ tuyết đơn giản chỉ là một buổi tối gặp mặt bạn bè và người thân. Chúng mình thường tụ tập vào một hội trường nào đó và mỗi người tự nấu và đem đến  một món ăn truyền thống ngày Tết. Trẻ con được động viên mặc áo dài, các cô, các chị cũng xúng xính áo dài đi “ăn Tết”. Việc mặc áo dài ở cái lạnh âm mấy chục độ C quả là kỳ công vì khi trời quá lạnh, vải áo quần dài mỏng  cứ bám chặt vào chân, vào tay chứ không thể bay phấp phới trong gió như ở quê nhà được. Các chị em phải mặc mấy lớp áo quần rồi mới đến áo quần dài, chân thì đi ủng để lội tuyết, đến nơi mới tháo ủng ra để đi giày cao gót vào cho hợp với áo dài, rồi khăn, rồi mũ, thật lắm công phu.

Ăn Tết ở bên này đối với mình vui nhất là ngày gói bánh chưng bánh tét. Thường thì chị em chọn một ngày cuối tuần, trước Tết khoảng một tuần để cùng nhau tụ tập gói bánh. Lá chuối thì không khó kiếm, các chợ Mỹ và chợ Á đều có bán lá chuối đông lạnh, mềm và thơm như lá chuối tươi. Lá chuối đông lạnh lại không giòn nên không phải hơ lửa trước khi gói. Lạt gói bánh mấy năm nay được bên nhà viện trợ sang nên bánh nhìn càng thêm phần xinh đẹp. Nếp, thịt heo, đậu xanh đều mua hàng organic nên chất lượng bánh chỉ là hảo hạng trở lên.

Bánh chưng mới nấu, đem treo cho ráo nước

Vào ngày gói bánh chị em khấp khởi tụ tập lại một nhà rồi người lau lá, người trộn nếp, trộn đậu, ướp thịt rồi cùng nhau gói bánh. Người mở Youtube ra ôn lại cách gói bánh, kẻ gói thật đều tay, nhuần nhuyễn như thợ, người thì vất vả chật vật lắm mới làm cho cái bánh tét không bị hở đầu hở đuôi hay cái bánh chưng không méo mó, không bị xì nếp. Lại có người lại gói mà quên không đo kích cỡ bánh với cái nồi của mình, gói một hồi cái bánh dài quá, bỏ không vừa nồi, lại phải tháo ra gói lại. Nhưng có điều là ai nấy đều rất vui, chuyện nổ như pháo rang, lâu lâu có người gói được cái bánh ưng ý là đưa lên chụp hình để ghi lại tài năng chớm nở của mình. Gói một hồi lại nghỉ tay ăn tô phở nóng, chuyện trò, cười nói, đúng là vui như Tết!

Để có không khí Tết, mình đi chợ vào những ngày sát Tết để về nấu một mâm thức ăn có truyền thống đón tân niên. Cũng chỉ mua những nguyên vật liệu để nấu một bữa tiệc Tết thôi nhưng cái cảm giác được gần người Việt vào những ngày này thật ấm cúng, gần gũi. “Chào chị, chị mua hoa cúc không, cúc mới về tươi lắm đó”. “À, chị cần mứt thì chọn đây này, mứt này người quen làm đây, mới ra lò, ngon lắm chị à”.

Mâm cỗ Tết do chị Diệu Linh nấu nướng, bày biện đón tân niên

Một vài câu nói nhẹ nhàng, một nụ cười dễ mến, chú hàng cá dáng lam lũ đang loay hoay sau quầy đon đả: “Cô ơi cá tươi lắm, tui chặt cho cô ít khúc nghen”. Lễ mễ xách giỏ ra xe, nhìn bên cạnh lại có một chú khác chạy theo: “Cô à, để tui phụ xách giùm cho cô ít giỏ nghen cô”.  Mình thường thích đi chợ hoặc vào các hàng Việt Nam vào những ngày này để tìm lại cái cảm giác gần gũi, thân quen của người cùng xứ. Nhiều khi không cần nói gì nhiều nhưng những ánh nhìn thân thiện, những nụ cười hiền hậu làm mình cảm giác được xích lại gần quê hơn. Mình không thích đến những hội chợ Tết tổ chức ở những hội trường lớn ở bên này bởi cái không khí rời rạc, lẻ tẻ và thật sự làm mình cảm thấy lạc lõng, bơ vơ chứ không hề có cảm giác hồ hởi, rộn ràng như Tết ở quê nhà.

Hơn hai mươi năm xa quê, mình đã về thăm nhà nhiều lần nhưng chỉ có về một vài lần vào dịp Tết, lần cuối cũng cách đây gần 10 năm rồi. Ký ức về Tết quê của mình vẫn sống động nhưng đó là của Tết ngày xưa, là Tết của quá khứ. Không biết bây giờ Tết có còn như ngày xưa, người  bây giờ có còn giữ phong tục như người ngày xưa nữa không nhỉ?

Miệt mài trang trí mâm quả

Tết đối với mình là kỷ niệm tuổi thơ, là những lần lom xom giúp ba mẹ dọn dẹp nhà cửa, là những buổi tối giúp mẹ làm các loại mứt bánh và dưa chua, thịt ngâm các loại, là cặm cụi nấu mâm cơm đêm 30 cúng ông bà và tổ tiên, là đêm 30 quây quần ở phòng khách đợi ba mẹ mừng tuổi, là hít hà mùi bánh chưng bánh tét đang nấu thơm tỏa khắp nhà, là hồi hộp được mẹ cho nếm bánh.

Trẻ con cũng được động viên mặc áo dài với quần jeans và “dận” giày thể thao, trông chúng thật ngộ nghĩnh, đáng yêu. Mỗi đứa được các cô chú lì xì cho những phong bì màu đỏ và hào hứng đáp lại bằng tiếng Việt:“Cám ơn”, “Chúc mừng năm mới!”.
Các cháu được hướng dẫn chơi trò Bầu cua tôm cá – gợi chút gì kỷ niệm về Tết ngày xưa của ba mẹ chúng. Hồi ấy có được mấy đồng tiền lì xì là cả bọn vác ra đầu ngõ chơi bầu cua, một hồi thua hết cả tiền, chạy về mếu máo với ba với mẹ, kỷ niệm không bao giờ quên.

Giờ đây mình mong các con mình cũng có những kỷ niệm ngọt ngào ấy về Tết của tuổi thơ. Chúng giúp mình gắn những cánh hoa “mai” bằng vải vào các cành khô, sắp mâm ngũ quả hay tỉ mẩn tách rời những lát mứt dừa, mứt gừng ra sau khi mẹ vừa làm xong. Chúng vừa giúp mẹ, vừa tranh thủ nếm mứt dừa, và sau khi chúng hoàn thành công việc thì một nửa số mứt dừa đã không cánh mà bay. Nhưng mà không sao, có như vậy thì Tết mới được nhớ hoài phải không các con?

Bọn trẻ thích nhất là bánh chưng và bánh tét. Chưa đến tết chúng đã than: “Mẹ ơi, sao con nhớ bánh tét quá chừng, lúc nào mình mới có bánh tét ăn đây?” Rồi đến khi bánh tét được nấu âm ỉ trên bếp, chúng lượn lờ qua lại, thủ thỉ: “Mẹ ơi, sao thơm quá vậy, sao mà nấu bánh tét lâu quá vậy, mẹ ơi, lúc nào thì bánh được ăn đây?”.

Hít hà bên những chiếc bánh vừa chín

Mùi thơm của lá chuối, của nếp, của đậu ấm cả căn nhà, làm hồng đôi má phính của con trai, làn hơi nước mờ cả cửa kính, ngoài kia tuyết vẫn mịt mù bay trắng xóa một trời…

Ở quê nhà, mẹ ơi, giờ này bánh đã chín chưa?

Đúng ngày mồng một Tết, mọi người thường rủ nhau đi chùa Việt Nam. Đến chùa mọi người thắp hương, hái lộc rồi ngồi nghe sư ông giảng kinh. Bà con Việt cùng nhau dùng một bữa cơm chay thanh tịnh. Tết với những người xa xứ là được ở bên cạnh những người cùng quê, nói cùng chung ngôn ngữ, cùng chia sẻ một bữa ăn, trao nhau những nụ cười, cùng thắp một nén hương cầu mong năm mới bình an. Chỉ có vậy thôi là cảm thấy ấm áp, là đỡ cô đơn, đỡ trống trải bởi những ngày lễ tết là những ngày những người xa quê bùi ngùi nhớ nhà, nhớ quê hương hơn bao giờ hết.


Ảnh: Diệu Linh
Đồ họa: Thiên Ý

Báo Thanh Niên
03.02.2019
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Top