112 kỷ lục về nắng nóng đã được ghi nhận, tháng 5 còn gay gắt hơn

02/05/2024 07:40 GMT+7

Theo thống kê của cơ quan khí tượng, trong tháng 4, có 112 kỷ lục về nắng nóng được ghi nhận, có nơi còn cao hơn giá trị cao nhất năm từng quan trắc được.

Nắng nóng ở Hà Nội phá vỡ kỷ lục hàng chục năm

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong tháng 4, trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra hơn 30 trận giông, lốc, sét và mưa đá tập trung chính ở các tỉnh miền Bắc.

112 kỷ lục về nắng nóng trong tháng 4

Tháng 4 ghi nhận 112 kỷ lục về nắng nóng

ĐÌNH HUY

Trong khi đó, ở khu vực Tây Bắc Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa - Phú Yên đã xuất hiện 3 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt (1 - 4.4, 12 - 17.4 và 19 - 30.4). Trong đó, từ ngày 26 - 30.4 nắng nóng xuất hiện toàn bộ Bắc bộ và Trung bộ, riêng các tỉnh Tây Bắc Bắc bộ và từ Thanh Hóa - Phú Yên có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ phổ biến từ 39 - 42 độ C, Trung bộ có nơi trên 43 độ C.

Tại khu vực Tây nguyên và Nam bộ xuất hiện nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài trong tháng. Trên cả nước đã ghi nhận nhiều trạm có giá trị nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ tháng 4 và có nơi còn cao hơn giá trị cao nhất năm từng quan trắc được.

38 địa phương ghi nhận nhiệt độ trên 40 độ C

Theo đó, tại TP.Đông Hà (Quảng Trị) và H.Tương Dương (Nghệ An) đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất là 44 độ C vào ngày 28 và 30.4. Mức nhiệt này chỉ kém 0,2 độ C so với kỷ lục nhiệt độ cao nhất Việt Nam là 44,2 độ C ghi nhận tại H.Tương Dương (Nghệ An) vào ngày 7.5.2023.

Nhiệt độ tại H.Tương Dương năm nay cũng vượt kỷ lục 42,4 độ C từng quan trắc được vào tháng 4.2019. Còn tại TP.Đông Hà đã vượt kỷ lục 42,1 độ C ghi nhận vào tháng 4.1980.

Tại Hà Nội, các trạm khí tượng ở Ba Vì, Sơn Tây, Láng, Hoài Đức, Hà Đông ngày 27.4 đều ghi nhận nhiệt độ trên 40 độ C, vượt kỷ lục từng ghi nhận được hàng chục năm trước đó.

112 kỷ lục về nắng nóng đã được ghi nhận, tháng 5 còn gay gắt hơn- Ảnh 2.
112 kỷ lục về nắng nóng đã được ghi nhận, tháng 5 còn gay gắt hơn- Ảnh 3.
112 kỷ lục về nắng nóng đã được ghi nhận, tháng 5 còn gay gắt hơn- Ảnh 4.
112 kỷ lục về nắng nóng đã được ghi nhận, tháng 5 còn gay gắt hơn- Ảnh 5.
112 kỷ lục về nắng nóng đã được ghi nhận, tháng 5 còn gay gắt hơn- Ảnh 6.
112 kỷ lục về nắng nóng đã được ghi nhận, tháng 5 còn gay gắt hơn- Ảnh 7.

Các kỷ lục về nắng nóng trong tháng 4

CHỤP MÀN HÌNH

Cụ thể, H.Ba Vì ghi nhận 41,2 độ C, vượt lịch sử 38,3 độ C từng ghi nhận vào tháng 4 các năm 2006 và 2012. TX.Sơn Tây nhiệt độ cao nhất ngày là 40,4 độ C, vượt kỷ lục 37,8 độ C của năm 1998. Đường Láng 41,5 độ C vượt kỷ lục 39 độ C của năm 2006. H.Hoài Đức nhiệt độ 40,7 độ C vượt kỷ lục 38,5 độ C năm 2019. Q.Hà Đông nhiệt độ là 40,5 độ C vượt kỷ lục 37,2 độ C của tháng 4.2015.

Ngoài Hà Nội, đa số các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Huế, Hà Tĩnh, Quảng Trị cũng ghi nhận hàng loạt kỷ lục về nắng nóng trong tháng 4.

Tháng 5 nắng nóng gay gắt hơn

Cơ quan khí tượng dự báo, trong tháng 5, áp thấp nóng phía tây tiếp tục hoạt động mạnh nên ở khu vực Bắc bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên xuất hiện nhiều ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt.

Khu vực Tây nguyên, Nam bộ tiếp tục xuất hiện nhiều ngày nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt, tập trung trong 20 ngày đầu tháng. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên cả nước dự báo xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ.

Mưa giông có xu hướng gia tăng dần trong thời kỳ dự báo ở khu vực Bắc bộ. Trong giai đoạn 10 ngày cuối tháng 5.2024, gió mùa tây nam ở phía nam có xu hướng hoạt động mạnh dần nên mưa có khả năng gia tăng hơn ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ.

Nắng không chịu nổi, tài xế xe công nghệ 'tắt app giấc trưa', làm thêm nhiều việc

Tình trạng khô hạn ở khu vực Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ còn tiếp diễn; riêng khu vực Tây nguyên và Nam bộ khô hạn có xu hướng giảm dần từ khoảng thời kỳ 10 ngày cuối tháng 5.

Tổng lượng mưa trong tháng 5 tại Đông Bắc bộ phổ biến cao hơn từ 5 - 20%, trong đó một số nơi thuộc khu vực Đông Bắc có mưa cao hơn từ 25 - 30% so với TBNN. Khu vực phía tây Bắc bộ phổ biến thấp hơn từ 5 - 15% so với TBNN. Các khu vực khác trên cả nước phổ biến thấp hơn từ 20 - 40% so với TBNN cùng thời kỳ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.