19 ngân hàng được yêu cầu thực hiện cưỡng chế thuế của Tập đoàn FLC

Mai Phương
Mai Phương
15/10/2023 11:19 GMT+7

Công ty CP Tập đoàn FLC đã nhận được 19 quyết định cưỡng chế về thuế của Cục Thuế TP.Hà Nội và sẽ thực hiện thông qua các ngân hàng thương mại.

Thông báo từ Công ty CP Tập đoàn FLC cho biết, công ty vừa nhận được 19 quyết định của Cục thuế TP.Hà Nội về việc thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thuế.

Cụ thể, Cục Thuế TP.Hà Nội quyết định cưỡng chế hơn 81,6 tỉ đồng do số tiền quá hạn nộp từ các tài khoản của FLC mở tại 19 ngân hàng: Agribank; BAOVIET Bank; LPBank; VietinBank; PVcomBank; BIDV; Maritime Bank; Techcombank; Vietcombank; MB; NCB; VIB; Sacombank; TPBank; VP Bank; VietBank; PG Bank; OCB chi nhánh Hà Nội; Standard Chartered (Việt Nam).

19 ngân hàng được yêu cầu thực hiện cưỡng chế thuế của Tập đoàn FLC - Ảnh 1.

19 ngân hàng sẽ trích tiền từ tài khoản của FLC để thực hiện cưỡng chế thuế

PHẠM HÙNG

Trường hợp trên tài khoản của FLC nhỏ hơn số tiền phải cưỡng chế thì ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của FLC trong thời gian quyết định có hiệu lực (từ ngày 9.10 - 7.11).

Do FLC mở tài khoản tiền gửi tại nhiều ngân hàng, để tránh việc các ngân hàng trích vượt số tiền cưỡng chế thuế theo quy định, Cục Thuế TP.Hà Nội cũng đề nghị các ngân hàng thông báo tới cơ quan thuế, trước khi trích nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.

Trước đó, Cục Thuế TP.Hà Nội điều chỉnh quyết định áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Tập đoàn FLC để thu gần 325,8 tỉ đồng nợ thuế. Năm 2022, Cục Thuế TP.Hà Nội cũng ra quyết định cưỡng chế thuế gần 72 tỉ đồng và phạt 11,5 triệu đồng đối với Tập đoàn FLC vì chậm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân.

FLC nhận 19 quyết định cưỡng chế về thuế

Đầu tháng 10, FLC cũng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính gần trăm triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Cụ thể, công ty này đã không công bố thông tin về hàng loạt báo cáo như báo cáo tài chính (BCTC) riêng, hợp nhất năm 2021 đã kiểm toán; BCTC riêng, hợp nhất bán niên năm 2022 đã soát xét; Báo cáo thường niên 2021; BCTC riêng, hợp nhất quý 4/2022; BCTC riêng, hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán; BCTC riêng, hợp nhất quý 1/2023; BCTC riêng, hợp nhất quý 2/2023; báo cáo thường niên năm 2022; BCTC riêng, hợp nhất bán niên năm 2023 đã soát xét...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.