4 dấu hiệu phải đi khám tiểu đường ngay vì có thể bệnh đã nặng

Ngọc Quý
Ngọc Quý
23/07/2023 00:08 GMT+7

Ở bệnh nhân tiểu đường, đường huyết cao trong thời gian dài sẽ làm suy giảm hoạt động của nhiều cơ quan. Nhiều người dù đang mắc bệnh tiểu đường nhưng không hay biết. Khi phát hiện bất thường trong cơ thể thì có thể bệnh đã nặng.

Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không tiết đủ hoặc không tận dụng hiệu quả hoóc môn insulin. Insulin là loại hoóc môn có chức năng giúp tế bào hấp thụ đường glucose trong máu. Do đó, tiểu đường sẽ khiến đường huyết tăng cao, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

4 dấu hiệu phải đi khám tiểu đường ngay vì có thể bệnh đã nặng - Ảnh 1.

Mắt mờ có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh tiểu đường đang khiến võng mạc bị tổn thương

SHUTTERSTOCK

Đường huyết trong máu tăng cao bất thường trong thời gian dài sẽ làm tổn hại mạch máu, dây thần kinh và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Vì vậy, duy trì đường huyết ở mức khỏe mạnh và ổn định rất quan trọng với bệnh nhân tiểu đường.

Tiểu đường là bệnh mạn tính, tiến triển nặng và có thể gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị. Nhận biết các triệu chứng bệnh là rất quan trọng. Khi thấy các dấu hiệu sau, người bệnh cần đến bác sĩ khám ngay.

Giảm thị lực

Nếu đột nhiên nhận thấy thị lực có sự thay đổi rõ rệt thì tốt nhất là nên đến bác sĩ kiểm tra vì rất có thể là do tiểu đường gây ra. Đường huyết cao ảnh hưởng đến mắt bằng cách thay đổi lượng chất dịch trong mắt, dẫn đến sưng, mờ mắt và khó tập trung.

Một khả năng khác là tiểu đường đã làm tổn thương các mạch máu ở võng mạc, dẫn đến bệnh võng mạc tiểu đường. Đây là biến chứng hay gặp của tiểu đường, thậm chí có thể gây mù. Do đó, nếu thấy thị lực suy giảm thì cần phải đi khám càng sớm càng tốt.

Ngứa

Ngứa ở bệnh nhân tiểu đường là do đường huyết cao trong thời gian dài đã gây tổn thương các dây thần kinh. Cảm giác ngứa này sẽ kèm theo tê rần, nóng rát và như thể có kiến bò. Ngứa có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể nhưng vị trí bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở bàn tay và bàn chân.

Nhiễm trùng kéo dài

Khi cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn thì điều đó có nghĩa là hệ miễn dịch đang tổn thương và suy yếu. Bệnh tiểu đường cũng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng kéo dài khó hết như viêm âm đạo, nhiễm nấm men, viêm bàng quang và nhiễm trùng da.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do khi hàm lượng đường glucose trong máu cao trong thời gian dài sẽ khiến các tế bào bạch cầu khó di chuyển trong môi trường máu, từ đó làm giảm khả năng chống chọi lại nhiễm trùng. Người bệnh sẽ dễ bị viêm nhiễm và lâu khỏi.

Sụt cân đột ngột

Dù không ăn kiêng hay tập luyện thể thao nhưng cơ thể vẫn sụt cân không rõ nguyên nhân thì đó có thể là dấu hiệu của tiểu đường. Vì khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, các tế bào sẽ không nhận đủ đường glucose và do đó thiếu năng lượng hoạt động.

Trạng thái này khiến cơ thể chuyển hóa chất béo và cơ bắp để lấy năng lượng hoạt động. Hậu quả là sẽ gây sụt cân đột ngột. Khi đó, người bệnh cần phải đến bác sĩ kiểm tra ngay để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.