42.000 bị hại vụ Vạn Thịnh Phát đến đâu trình báo để được bảo vệ quyền lợi?

02/10/2023 17:31 GMT+7

Bộ Công an xác định có tới 42.000 người là bị hại, bị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lừa đảo, chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng. Hiện, gần một nửa bị hại đã ra trình báo, Bộ Công an đề nghị số còn lại sớm đến làm việc để bảo đảm quyền lợi cho mình.

Chiều 2.10, Bộ Công an tổ chức họp báo thông tin tình hình, kết quả công tác quý 3 và nhiệm vụ công tác trọng tâm trong quý tới.

Buổi họp báo do trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, chủ trì với sự có mặt của lãnh đạo, đại diện các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và Công an TP.Hà Nội.

42.000 bị hại của Vạn Thịnh Phát đến đâu trình báo để được bảo vệ quyền lợi? - Ảnh 1.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an, trả lời tại họp báo

TRẦN CƯỜNG

Tại buổi họp báo, thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng C03, cho biết cơ quan điều tra đang dùng mọi biện pháp để thu hồi tài sản, bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư là bị hại trong vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (viết tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các tổ chức có liên quan".

Hơn 42.000 bị hại trong vụ Vạn Thịnh Phát sẽ được bảo vệ quyền lợi

Nhiều bị hại không biết đến đâu trình báo

Theo thiếu tướng Thành, trong vụ án này, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng của hơn 42.000 nhà đầu tư. Đây là số lượng bị hại rất lớn, do vậy, cơ quan điều tra đã phát đi thông báo, đề nghị các bị hại sớm đến các cơ quan điều tra làm việc, giúp cơ quan điều tra sớm hoàn tất kết luận vụ án, cũng như bảo đảm quyền lợi cho bản thân.

42.000 bị hại của Vạn Thịnh Phát đến đâu trình báo để được bảo vệ quyền lợi? - Ảnh 2.

Bị can Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

BỘ CÔNG AN

Trước đó, nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên, cũng là bị hại của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thắc mắc phải đến cơ quan điều tra nào để trình báo, bởi họ đã từng đi trình báo nhưng không được tiếp nhận.

Chia sẻ với Thanh Niên về vấn đề này bên lề họp báo, thiếu tướng Thành cho biết, C03 đã ủy thác cho công an các tỉnh, thành phố để làm việc với nhà đầu tư và cũng là bị hại. C03 xác định vụ án có 42.000 bị hại nhưng đến nay chưa được một nửa số này đến trình báo công an.

Có tình trạng khi mua trái phiếu, các nhà đầu tư ghi trong hợp đồng hoặc trái phiếu địa chỉ tạm trú, sau đó chuyển nơi ở, hoặc có trường hợp ghi theo giấy tờ nhưng ở một địa chỉ khác. Tuy nhiên, những nhà đầu tư phải đến công an tỉnh, thành phố ghi trong hợp đồng để trình báo, làm việc chứ không phải địa chỉ cư trú.

Xem nhanh 20h ngày 2.10: Bộ Công an thông tin về quyền lợi của các nhà đầu tư vụ Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát

"Ví dụ, bị hại ở Q.1 (TP.HCM) nhưng hộ khẩu lại ở Q.3 (TP.HCM). Hợp đồng đầu tư thì ghi theo giấy tờ hộ khẩu Q.3, bị hại đến Q.1 trình báo thì Công an Q.1 sẽ không làm việc", thiếu tướng Thành lấy ví dụ.

Ngoài phát đi thông báo đề nghị bị hại đến làm việc, hợp tác điều tra, thiếu tướng Thành cho hay, C03 cũng truy theo hồ sơ đầu tư, lấy địa chỉ của từng bị hại và thông báo lại cho công an quận, huyện các địa phương để thông báo cho bị hại sớm ra làm việc, phối hợp điều tra, bảo đảm quyền lợi cho mình.

"Chúng tôi phấn đấu thu hồi tiền cho bị hại, vì bảo vệ người dân là mục đích chính", thiếu tướng Thành cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.