44 năm tìm mộ em trai: Từ Cao Bằng vào Đắk Lắk

27/07/2023 06:06 GMT+7

Do đơn vị quản lý (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng) không có thông tin về gia đình liệt sĩ Hoàng Văn Phú, nên chúng tôi phải tự tìm kiếm và hành trình này kéo dài đến tận H.Krông Pắk, Đắk Lắk.

TÌM VỀ TRÙNG KHÁNH

Đầu tháng 6.2023, chúng tôi từ TP.HCM bay ra Hà Nội và lên Cao Bằng. Chị Hoàng Hồng Diệu, Bí thư Tỉnh đoàn Cao Bằng, cử cán bộ đi cùng chúng tôi lên H.Trùng Khánh (Cao Bằng) tìm kiếm gia đình liệt sĩ Hoàng Văn Phú.

Anh Ngôn Văn Trịnh, Bí thư Xã đoàn Ngọc Khê (H.Trùng Khánh), sau mấy ngày cùng cán bộ xã tìm các giấy tờ lưu trữ, dẫn chúng tôi ngược lên địa bàn giáp biên giới VN - Trung Quốc, khẳng định: "Gia đình liệt sĩ Phú chắc chắn ở xóm Lũng Lầu".

44 năm tìm mộ em trai: Từ Cao Bằng vào Đắk Lắk - Ảnh 1.

Anh Ngôn Văn Trịnh, Bí thư Xã đoàn Ngọc Khê (trái), và ông Hoàng Văn Chủ, Trưởng thôn Lũng Lầu, nói chuyện về liệt sĩ Hoàng Văn Phú

MAI THANH HẢI

Ông Hoàng Văn Chủ, Trưởng thôn Lũng Lầu, năm nay 70 tuổi, nghe tên liệt sĩ Hoàng Văn Phú, chỉ sang phần đất trồng rừng ngay cạnh, kể: "Ngày xưa gia đình ấy ở đây. Tháng 2.1979, Trung Quốc đánh sang Cao Bằng, khu vực này giáp biên giới, gần đường tỉnh 211 là hướng tiến công của quân Trung Quốc từ bên kia biên giới qua cửa khẩu Pò Peo về thị trấn Trùng Khánh, nên cả xóm sơ tán xuống xã Cảnh Tiên (H.Trùng Khánh), cách đây hơn 20 km". Ông Chủ còn kể: "Nhà ấy có 4 con trai thì 2 liệt sĩ"…

Khi chúng tôi hỏi địa chỉ cụ thể thân nhân liệt sĩ, ông Chủ nói: "Sơ tán xuống Cảnh Tiên, không có đất sản xuất, nhà cửa tạm bợ, đói rét triền miên, cả chục năm không được trở lại quê cũ bởi trên biên giới vẫn nổ súng dai dẳng… nên khoảng năm 1988 - 1989, gia đình ấy đi kinh tế mới trong Tây nguyên. Nghe đâu là ở H.Krông Pắk, Đắk Lắk".

44 năm tìm mộ em trai: Từ Cao Bằng vào Đắk Lắk - Ảnh 2.

Ông Hoàng Văn Chúng (69 tuổi) là anh trai liệt sĩ Hoàng Văn Phú

GẶP MẶT TẠI ĐẮK LẮK

Quyết tâm tìm thân nhân liệt sĩ Hoàng Văn Phú, chúng tôi mang manh mối duy nhất là cái tên "Hoàng Văn Chung" - anh trai liệt sĩ, nhờ phòng chức năng Công an tỉnh Đắk Lắk giúp đỡ. Câu trả lời rất rõ ràng: "Không có ai tên Chung. Chỉ có ông Hoàng Văn Chúng, quê xã Ngọc Khê, H.Trùng Khánh, Cao Bằng, đang ở xã Ea Phê, H.Krông Pắk"…

Tại UBND xã Ea Phê, anh Trần Trung Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã, nhiệt tình tra cứu thông tin và mừng rỡ: "Ông Hoàng Văn Chúng, quê xã Ngọc Khê, H.Trùng Khánh, Cao Bằng, đang thờ cúng 2 liệt sĩ, trong đó có liệt sĩ Hoàng Văn Phú, hy sinh ngày 5.3.1979, nhưng không biết phần mộ ở đâu. Nhà cách đây 5 km"…

Theo chân Chủ tịch UBND xã Ea Phê Phạm Tiến Dũng và Phó chủ tịch Trần Trung Hiếu, chúng tôi đi sâu vào khu rẫy thưa thớt nhà ở, lau sậy mọc chen ven đường đất lồi lõm, đến thôn 8 xa xôi khó khăn nhất xã.

Ngôi nhà cấp 4 lợp ngói, vách ghép gỗ, cũ kỹ nằm ven đường đất. Trong nhà, mọi đồ đạc đều từ những năm 1980 - 1990. Trên tường, bàn thờ gia tiên đặc trưng của người Nùng dán giấy đỏ. Cạnh đó treo Bằng chứng nhận "Truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho bà Hoàng Thị Ỷ, xã Ngọc Khê, H.Trùng Khánh, Cao Bằng, đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký ngày 3.6.2014.

"Các anh ấy đến báo tin về phần mộ anh Hoàng Văn Phú", Phó chủ tịch UBND xã Ea Phê vừa dứt lời, người đàn ông chống nạng, ngã khuỵu xuống nền đất: "Gia đình tôi tìm suốt 44 năm nay. Tôi là Hoàng Văn Chúng, anh trai của liệt sĩ Phú đây!"…

44 năm tìm mộ em trai: Từ Cao Bằng vào Đắk Lắk - Ảnh 3.

Lãnh đạo xã Ea Phê, H.Krông Pắk (Đắk Lắk) so sánh, khớp nối thông tin về liệt sĩ Hoàng Văn Phú với thân nhân liệt sĩ

CÂU CHUYỆN GIA ĐÌNH

Ông Hoàng Văn Bành (sinh năm 1919, mất năm 1985) và bà Hoàng Thị Ỷ (sinh năm 1915, mất năm 1993) ở thôn Lũng Lầu, xã Ngọc Khê, H.Trùng Khánh (Cao Bằng), sinh được 7 người con (4 trai, 3 gái). Con trai thứ 2 trong gia đình là Hoàng Văn Sảng, sinh năm 1948. Tháng 3.1968, anh Sảng để lại người vợ trẻ Phạm Thị Xim và nhập ngũ, vào chiến đấu tại chiến trường Tây nguyên, trong đội hình Đại đội 56, Tiểu đoàn 20 đặc công trực thuộc Bộ Tư lệnh mặt trận B3 - Tây nguyên (Tiểu đoàn 20 thành lập tháng 3.1968, đến tháng 4.1974 chuyển về Lữ đoàn đặc công 198 - Binh chủng Đặc công và đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 1, nay đóng tại Đắk Lắk).

Cuối năm 1972, gia đình nhận được giấy báo tử hạ sĩ Hoàng Văn Sảng (C56, D20, thuộc Đoàn KT), hy sinh ngày 30.10.1970 tại "mặt trận phía Nam" và thi hài mai táng tại "nghĩa trang mặt trận". "Bố mẹ tôi lên xã, huyện, tìm đến các cựu binh từng chiến đấu trong miền Nam, hỏi đơn vị anh Sảng, nhưng không ai biết", ông Hoàng Văn Chúng kể.

Do gia đình có 1 liệt sĩ, nên mãi tháng 3.1976, anh thứ 4 Hoàng Văn Phú (khi ấy 20 tuổi) mới được gọi nhập ngũ. Ban đầu, ông Bành và bà Ỷ định không cho đi, vì anh Phú mới hỏi vợ là cô Lưu Thị Mũi, dự định tháng sau tổ chức đám cưới. Chỉ khi cán bộ xã, huyện nói "đất nước thống nhất, không còn đánh nhau. Phú vào Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), đóng quân trong tỉnh" và anh Phú dứt khoát: "Chậm 2 năm so với bạn bè cùng tuổi, ngại lắm", ông bà mới đành chịu.

"Phú nhập ngũ tháng 6.1976, cho đến khi hy sinh chưa một lần về thăm nhà. Chỉ viết thư, kể là đóng quân ở H.Bảo Lạc", ông Hoàng Văn Chúng nhớ lại. Tháng 2.1979, Trung Quốc tấn công sang cửa khẩu Pò Peo, cả xóm Lũng Lầu sơ tán về xã Cảnh Tiên (H.Trùng Khánh) phía sau. Đầu tháng 3.1979, thấy nóng ruột, ông Hoàng Văn Bành về huyện hỏi, được động viên "tuyến biên giới Bảo Lạc không đánh nhau to, đừng lo".

Ngày 30.5.1979, trung tá La Văn Cừu (khi đó là Chủ nhiệm Chính trị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng) ký giấy báo tử trung sĩ - tiểu đội trưởng Hoàng Văn Phú, "hy sinh 5.3.1979 tại biên giới VN - Trung Quốc, trong khi chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc". Thi hài liệt sĩ Hoàng Văn Phú mai táng tại Thèn Sao, Sơn Vĩ, Mèo Vạc, Hà Tuyên (nay là xã Sơn Vĩ, H.Mèo Vạc, Hà Giang) và "chưa quy tập, chưa làm sơ đồ mộ chí"…

Do gia đình đi sơ tán nên cuối năm 1979 giấy báo tử mới đến nơi. "Hồi ấy, bố tôi nằng nặc đi tìm mộ em, nhưng chính quyền không cho. Năm 1985, trước khi mất, ông dặn: Anh Sảng mất ở quá xa thì đành chịu. Em Phú ngay trong tỉnh, cố gắng đưa em về quê", ông Chúng nhớ lại và cho biết thêm: "Mỗi lần xin sang Hà Giang, cán bộ xã đều ngăn: đường sá không biết, chiến sự liên miên, ông đi lỡ bị sao, lại khổ chúng tôi"…

Thể theo nguyện vọng của gia đình liệt sĩ Hoàng Văn Phú, dịp 27.7 này, Báo Thanh Niên phối hợp Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, Huyện ủy - HĐND - UBND H.Mèo Vạc, đưa vợ chồng anh Hoàng Văn San và chị Bào Thị Niềm (con trai và con dâu ông Hoàng Văn Chúng, cháu ruột và đang thờ cúng liệt sĩ), từ Đắk Lắk bay ra Hà Nội và sau đó lên H.Mèo Vạc nhận mộ liệt sĩ, sau 44 năm tìm kiếm. Chi phí do Báo Thanh Niên và các đơn vị trên đảm nhận. Riêng tiền vé máy bay 2 chiều cho 2 thân nhân liệt sĩ do bạn đọc Đặng Ngọc Lan tặng.

Cuối năm 1988, khi thấy chiến sự trên biên giới vẫn căng thẳng, chưa thể trở lại quê nhà và đời sống ở nơi sơ tán quá khó khăn, gia đình tự vào Tây nguyên lập nghiệp và định cư ở thôn 8, xã Ea Phê, H.Krông Pắk, Đắk Lắk. Cuối tháng 6.1993, trước khi mất, bà Hoàng Thị Ỷ vẫn dặn con cháu: "Cố gắng đi tìm nghĩa trang mặt trận, mang 2 anh em nó về"…

Tháng 6.2014, bà Hoàng Thị Ỷ được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong buổi lễ, ông Hoàng Văn Chúng nêu nguyện vọng: "Mẹ tôi không cần danh hiệu, chỉ mong tìm giúp phần mộ của anh và em tôi, để gia đình đến thăm nhận, hương khói". Tuy nhiên, đề nghị này, cũng như bao lần khác, chỉ nhận được phản hồi: "Mấy chục năm rồi, khó lắm. Các cơ quan đang vào cuộc, cứ yên tâm"…

"Cả nhà tôi tìm anh trai đã 53 năm, em trai thì 44 năm, viết thư cho các chương trình tìm kiếm liệt sĩ mà không thấy. Nay Báo Thanh Niên tìm được phần mộ em tôi, kể lại chuyện hy sinh của em tôi, giống như người chết nhờ tìm người sống. Gia đình xin biết ơn và nhờ báo dẫn chúng tôi ra Hà Giang nhận mộ em Phú", ông Hoàng Văn Chúng rưng rưng nói. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.