80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam: Lấp khoảng trống nhân lực công nghiệp sáng tạo

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
16/03/2023 07:44 GMT+7

Cần có chính sách đồng bộ để đào tạo nhân lực cho công nghiệp sáng tạo, cả về tư duy sáng tạo, lẫn kỹ năng marketing và hiểu biết về luật Sở hữu trí tuệ.

Học bổng nằm đó… không ai đi

Trong buổi họp báo trước hội nghị "Đề cương về văn hóa VN - khởi nguồn và động lực phát triển" hồi tháng trước, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến nguồn lực phát triển văn hóa, nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, có câu hỏi tại sao chúng ta không gửi người đi đào tạo nghệ thuật ở nước ngoài như nhiều năm trước đây. Đáp lại, ông Đông cho biết không phải Bộ VH-TT-DL không có học bổng cho sinh viên mà ngược lại, có hàng trăm suất nhưng nhiều năm nay không tìm được nhân sự đủ năng lực, đặc biệt là năng lực ngoại ngữ.

80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam:Lấp khoảng trống nhân lực công nghiệp sáng tạo - Ảnh 1.

Anna Trương (phải), con gái nhạc sĩ Anh Quân và ca sĩ Mỹ Linh, đi học ngành kỹ sư âm thanh ở Mỹ

NVCC

Trong khi đó, đào tạo trong nước về sáng tạo hiện cũng có nhiều vấn đề do thiếu ngành nghề đào tạo. Một trong những thiếu thốn đó là đào tạo người làm nghề biên kịch. Theo TS Bùi Lê Na, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện nay số người được đào tạo bài bản về biên kịch rất ít, số cơ sở được đào tạo ngành này cũng không nhiều. Trước đây, muốn học biên kịch chỉ có một địa chỉ là Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, nay có thêm Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM.

Bà Lý Phương Dung, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết luật Điện ảnh mới có quy định chính sách liên quan đến phát triển nhân lực. "Chúng ta đào tạo nguồn nhân lực không chỉ ở trong nước mà còn nước ngoài. Tuy nhiên, từ luật đến hiện thực còn cần có thời gian. Ngoài 2 trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh ở Hà Nội và TP.HCM thì còn có hơn 10 cơ sở điện ảnh có khoa đào tạo điện ảnh chuyên nghiệp. Chúng ta có mối liên kết với các hiệp hội điện ảnh của các trường nước ngoài", bà Lý Phương Dung nói.

Ở các ngành công nghiệp sáng tạo khác, tình trạng thiếu đào tạo cũng tương tự. Việc học thiết kế nội thất trước đây hầu như chỉ có trong Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp, sau này mới có một vài trường kiến trúc mở thêm ngành này. Ngành học thiết kế game, một ngành được đánh giá có nhiều triển vọng trong tương lai, cũng không thể tìm được ở các trường công lập trong nước, nhưng có thể tìm thấy ở nước ngoài. Với âm nhạc, muốn làm kỹ sư âm thanh hay sản xuất âm nhạc, nhiều người chỉ có cách… đi học nước ngoài.

80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam:Lấp khoảng trống nhân lực công nghiệp sáng tạo - Ảnh 2.

Đạo diễn Victor Vũ trở về từ Mỹ và làm phim tại VN

K+ cung cấp

Thị trường thúc đẩy, nhà nước tạo hành lang

Thúc đẩy xây dựng nhân lực, do đó, cũng là nội dung trọng tâm mà Sở VH-TT Hà Nội soạn thảo, phục vụ cho mục tiêu Thành phố sáng tạo. Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa, nhất là các ngành công nghiệp văn hóa, thiết kế sáng tạo. Chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người làm công tác văn hóa từ TP tới cơ sở. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hội văn học nghệ thuật để có đóng góp thực chất từ văn nghệ sĩ, trí thức. Đồng thời, Hà Nội cũng triển khai việc xây dựng mạng lưới "Sáng kiến Hà Nội" để tập hợp, phát huy tâm huyết, trí tuệ của đội ngũ nhân sĩ, văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân… để xây dựng và phát triển bền vững Hà Nội.

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, đào tạo nhân lực là một sức ép với thị trường. Nếu không, các ngành nghệ thuật sẽ không có đủ người để làm việc. Bên cạnh đó, cũng có tình trạng tài năng nghệ thuật không mặn mà với các trường trong nước nữa. "Đấy cũng là sự tự nhiên của cơ chế thị trường, trường tốt nằm ở đâu thì nhân lực tốt cũng muốn tới đó để học", ông Trung nói và chia sẻ: "Gần 20 năm qua, tôi cũng đã xui vài người đi học về quản lý âm nhạc, cho tới bây giờ thì bộ môn quản lý âm nhạc đã khá phổ biến. Năm vừa rồi, tôi cũng tham gia một festival online là Vietnam Music Week gồm các bạn trẻ đang học quản lý nghệ thuật âm nhạc và thấy rất thú vị", ông nói.

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng cần chú ý hơn đến những bài học kinh nghiệm các nước: "Ở các nước phát triển như Hàn Quốc, Anh, họ luôn luôn có quỹ văn hóa là cầu nối hỗ trợ cho các nghệ sĩ để học tập và mang âm nhạc của nước họ đến với thế giới. Khi tôi đi đến các festival âm nhạc, họ có các sân khấu riêng cho âm nhạc Hàn Quốc, họ được hậu thuẫn rất nhiều bởi Bộ Văn hóa cũng như các quỹ văn hóa của Hàn Quốc". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.