Bà ngoại 73 tuổi vượt gần 20 km đường mờ sương dẫn cháu đi thi tốt nghiệp

28/06/2023 12:33 GMT+7

18 năm thay cha mẹ nuôi cháu, bà Cúc (ngụ tại TP.HCM) chỉ mong cháu tốt nghiệp THPT và có một công việc ổn định, vì gia cảnh quá khó khăn, không thể theo đại học.

4 giờ sáng 28.6, sau một đêm thức trắng, Trần Gia Ân (18 tuổi, học sinh Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật TP.HCM) lục đục dậy chuẩn bị đi thi tốt nghiệp. Gia Ân không thấy bà đâu, thì ra bà còn thức từ trước chuẩn bị ăn uống cho cháu.

Bà ngoại tuổi 73 vượt gần 20km đường mờ sương dẫn cháu đi thi tốt nghiệp - Ảnh 1.

Bà Cúc đội nắng chờ cháu gái bước ra phòng thi

Trí Nghĩa

Dù là học sinh giỏi toàn diện, nhưng môn văn vẫn gây ra nỗi sợ cho cô nữ sinh. Cẩn thận vẫn hơn, 4 giờ 15, Gia Ân đã cùng bà ngoại Trần Thị Cúc khởi hành từ P.Hiệp Thành, Q.12 đến điểm thi tại THPT Nguyễn Thái Bình, P.9, Q.Tân Bình. Quãng đường này gần 20 km.

Một tiếng ngồi trên xe để nhìn lại 12 năm học, và chỉ cần làm tốt môn văn, Gia Ân tự tin có thể làm tốt những môn còn lại, để không phụ lòng thương yêu của bà. Niềm hạnh phúc được bà đi cùng làm cho Châu Ân mạnh mẽ ý chí hơn bao giờ hết.

Bà ngoại tuổi 73 vượt gần 20km đường mờ sương dẫn cháu đi thi tốt nghiệp - Ảnh 2.

Gia Ân khoảnh khắc gặp bà ngoại sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên với sự hài lòng

Trí Nghĩa

7 giờ sáng, Gia Ân vào phòng thi, bà ngoại Trần Thị Cúc ngồi vỉa hè chờ đợi, cái nắng TP.HCM gay gắt. Bà không màng tới ăn uống, nên không kiếm quán xá để ngồi. Các phụ huynh đứng gần hỏi bà mệt không, bà mỉm cười bảo ổn, mắt không rời khỏi cổng trường.

9 giờ 35 phút, tiếng trống báo hiệu kết thúc giờ thi vang lên. Bà Cúc đi sang đường chờ thêm 30 phút nữa để thấy cháu gái bước ra cổng, cũng chuẩn bị bước sang trang mới của cuộc đời.

“Đề ngữ văn năm nay vừa sức, em bất ngờ mình có thể vượt qua một cách trơn tru như vậy. Có bà đi theo như tiếp thêm rất nhiều động lực cho em. Không có bà, chắc em không thể làm tốt như vậy”, vừa nói, mắt Ân vừa rơm rớm.

Bà ngoại tuổi 73 vượt gần 20km đường mờ sương dẫn cháu đi thi tốt nghiệp - Ảnh 3.

Điểm thi Trường THPT Nguyễn Thái Bình (P.9, Q.Tân Bình) có khoảng hơn 500 thí sinh tham dự

Trí Nghĩa

Gia cảnh khó khăn, cô nữ sinh không thể nuôi ước mơ học đại học. Sau khi tốt nghiệp, Gia Ân chỉ nghĩ đến một con đường duy nhất là đi học nghề, tìm đến một công ty du lịch để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Năm 2020, nhà xa, không có đủ khả năng mua xe đi học, Gia Ân đã rời bỏ nguyện vọng học tại Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (Q.3, TP.HCM) để theo học Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật (Q.12, TPHCM). Trong 3 năm học, cô nữ sinh luôn đạt thành tích cao và học bổng toàn phần. Ngoài ra, còn đạt thành tích "Học sinh 3 tốt TP.HCM".

Mẹ của Ân sức khoẻ yếu, lại phải đi làm xa, từ nhỏ Gia Ân sống với bà ngoại. 18 năm qua, 2 bà cháu phải ở những căn trọ giá rẻ. Bà Cúc là giáo viên mầm non, sau này nghỉ hưu cũng mở quán cà phê cóc để kiếm thêm sống qua ngày. Những năm gần đây, bà Cúc đau buồn vì sự ra đi của chồng nên không còn khả năng tạo ra thu nhập.

Mỗi tháng, mẹ của Gia Ân chu cấp cho bà cháu 7 triệu đồng. Hai bà cháu vẫn sống vui, sống khoẻ. Ân được học bổng nhiều, đủ tiền để mua xe máy đi học.

Những năm học trung học, Ân có phương pháp rút gọn và ghi chú kiến thức vào sổ tay, thay vì dành nhiều thời gian để học đầy đủ nội dung trong sách vở. 12 năm qua, Ân cũng không cần phải đi học thêm nhưng vẫn đạt thành tích cao trong học tập.

“Nếu sau này có thể làm ra tiền, em có ước mơ được học logistic tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Nhưng hiện tại, sau khi tốt nghiệp, em sẽ cố tìm công việc liên quan đến du lịch để kiếm tiền”, Trần Gia Ân nghẹn ngào nói về tương lai.

Sáng nay, 28.6, các thí sinh trên cả nước đã hoàn thành môn ngữ văn. Trong đó, câu 5 điểm yêu cầu phân tích tác phẩm "Vợ nhặt". Theo ghi nhận, tại 6 điểm thi Q.Tân Bình, TP.HCM, nhiều thí sinh "trúng tủ", nhưng cũng có nhiều thí sinh rời khỏi điểm thi với vẻ mặt thất vọng, não nề.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.