“Phủ sóng” bảo hiểm y tế hộ gia đình

26/08/2016 13:51 GMT+7

Số lượng người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình ở Đắk Lắk trên đà tăng trưởng nhưng cần nỗ lực nhiều hơn để đạt mục tiêu nâng tỉ lệ dân số có BHYT trên địa bàn.

Sức hút từ các đại lý
Một buổi sáng tháng 8, trời ráo tạnh sau những ngày mưa, khá đông người ra vào mua thẻ BHYT ở một đại lý bên đường Phạm Hồng Thái, TP.Buôn Ma Thuột. Chị Đinh Thị Giáo, phụ trách đại lý BHYT phường Tự An, cho biết hôm nay người dân trên địa bàn phường đến mua BHYT nhiều hơn những ngày trước. “Tuy lượng người đến mua BHYT hàng ngày không như nhau, có ngày nhiều, có ngày ít nhưng điều đáng mừng là ngày càng đông đảo người dân đến với dịch vụ BHYT”, chị Giáo nói. Là cán bộ nghỉ hưu được hai năm nay nhưng từ khi còn công tác tại trạm y tế phường, chị Giáo đã tham gia làm đại lý BHYT của Bảo hiểm xã hội TP.Buôn Ma Thuột. Theo chị, những năm đầu triển khai bán BHYT không dễ dàng vì người dân còn khá thờ ơ, người làm đại lý thu BHYT phải bỏ nhiều công sức tuyên truyền, vận động. Từ khi BHYT hộ gia đình trở thành hình thức bảo hiểm bắt buộc theo Luật BHYT, người dân bắt đầu tiếp cận dịch vụ này nhiều hơn. Chị Giáo bộc bạch: “Điều thuận lợi là chính quyền tin tưởng, tạo điều kiện cho các đại lý bán BHYT hoạt động, cơ quan truyền thông liên tục thông tin đến người dân các chính sách về BHYT. Ngoài ra, đại lý chúng tôi được tập huấn, hướng dẫn đầy đủ các nội dung mới về chủ trương, quy định của Nhà nước, cùng các biện pháp nghiệp vụ nên đáp ứng được nhu cầu tham gia hoặc tư vấn dịch vụ BHYT của người dân trên địa bàn”.
Bà Cao Thị Hương ở xã Cư Êbua là một trong những người làm nhân viên đại lý BHYT lâu năm nhất của TP.Buôn Ma Thuột. Bà còn nhớ những khó khăn trong việc vận động tham gia BHYT cách đây hơn 10 năm, khi người dân không tin việc bỏ ra một khoản tiền nhỏ mua BHYT nhưng khám chữa bệnh được bệnh viện thanh toán chi phí gấp nhiều lần. Tuy nhiên, từ thực tế những bệnh nhân được điều trị bằng thẻ BHYT, người dân trên địa bàn mới dần tin tưởng và tìm đến đại lý mua BHYT ngày càng nhiều hơn. Theo bà Hương, người làm đại lý BHYT còn phải tạo uy tín, sức thu hút đối với khách hàng bằng cái tâm, trách nhiệm, nhiệt tình của mình. Nhiều người dân có thẻ BHYT hết hạn chưa kịp mua lại được bà Hương ứng tiền để tiếp tục gia hạn thẻ mới. Có trường hợp yêu cầu mua BHYT ở Bệnh viện đa khoa TP.Buôn Ma Thuột nhưng bà Hương nhầm lẫn nên dẫn đến cấp thẻ BHYT khám chữa bệnh ở BV khác, nhưng khi người này đi điều trị vẫn được bà vui vẻ bù lại phần chênh lệch chi phí tăng do trái tuyến…
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Trà, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.Buôn Ma Thuột, những người làm công tác đại lý thu BHYT ở cơ sở như chị Giáo, bà Hương có vai trò không nhỏ trong việc đưa chủ trương, chính sách BHYT đến với người dân ở cơ sở, thúc đẩy tăng số lượng hộ gia đình tiếp cận với dịch vụ BHYT. “Những xã, phường có số lượng lớn người tham gia BHYT hộ gia đình của thành phố như Cư Êbua, Tự An, Hòa Thuận, Khánh Xuân… cũng đã phản ánh những đóng góp tích cực của đội ngũ đại lý thu BHYT ở các địa bàn dân cư”, bà Trà nhận xét.
Còn không ít khó khăn
Theo Phòng Quản lý thu Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk, những năm qua, số thu BHYT hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng rõ nét; năm 2014 toàn tỉnh có 114.000 thẻ BHYT hộ gia đình, năm 2015 tăng lên 144.000 thẻ. 6 tháng đầu năm 2016 đã đạt hơn 100.000 thẻ; dự kiến cả năm đạt khoảng 200.000 thẻ BHYT hộ gia đình. TP.Buôn Ma Thuột là một trong những địa phương dẫn đầu về thu BHYT hộ gia đình trong tỉnh, với 47.000 người tham gia trong năm 2015. 6 tháng đầu năm nay, thành phố có trên 30.000 người tham gia BHYT hộ gia đình, trong đó tỷ lệ thẻ gia hạn chiếm 60-70%, còn lại là tham gia lần đầu hoặc ngắt quãng; số tham gia chung tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk, cho rằng mặc dù tăng trưởng thu BHYT hộ gia đình của toàn tỉnh đáng khích lệ nhưng nhìn chung mức tăng còn chậm. Theo ông Khánh, nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng, trong đó có nhận thức chưa đầy đủ của người dân về nghĩa vụ và lợi ích tham gia BHYT, trong khi đây là hình thức bảo hiểm bắt buộc nhưng vẫn chưa có biện pháp chế tài thực hiện. Cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách BHYT mới còn có những bất cập, phát sinh vướng mắc trong thực tế; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. Thời gian qua, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhiều lĩnh vực không thuận lợi; nông nghiệp gặp hạn hán, cây trồng bị thiệt hại, giá cả nông sản xuống thấp, nhiều lao động thiếu việc làm… đã ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập, đời sống người dân. “Không ít gia đình đông con, hoàn cảnh khốn khó, việc mua BHYT một lúc cho nhiều người, dù được giảm trừ theo quy định, cũng là vấn đề khó kham nổi, trong khi còn nhiều nhu cầu thiết yếu hằng ngày phải giải quyết. Hiện ngành bảo hiểm xã hội đang kiến nghị nhà nước có định mức hỗ trợ mua BHYT hộ gia đình, nhất là những gia đình đông con, thu nhập thấp”, ông Khánh nói.
Để đạt mục tiêu bao phủ BHYT
Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó gám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk, cho biết ngành BHXH tỉnh đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển các hình thức tham gia BHYT của người dân, trong đó có BHYT hộ gia đình. Những năm qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh đặc biệt chú trọng công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến BHYT, xem đây là giải pháp quan trọng nhằm chuyển biến, nâng cao nhận thức của người dân. Hằng năm, đơn vị đã phối hợp với Sở LĐ-TB-XH, Liên đoàn Lao động tỉnh và các đoàn thể, doanh nghiệp tổ chức hàng chục lớp tuyên truyền, giải thích Luật BHXH, Luật BHYT cùng các văn bản hướng dẫn cho hàng ngàn lượt công nhân, lao động, học sinh, sinh viên, người dân ở các địa bàn dân cư. Đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông mở các chuyên mục đa dạng, kết hợp tuyên truyền trực quan, phát hành các ấn phẩm với nội dung thông tin gây chú ý, dễ hiểu về BHXH, BHYT.
Theo bà Xuân, đến nay toàn tỉnh có 1.415.000 người tham gia BHYT trên tổng dân số 1.833.000 người (chiếm tỉ lệ 77,19%). “Mục tiêu Chính phủ đề ra năm 2016 bao phủ BHYT toàn dân đạt 78,5% và đến năm 2020 đạt trên 90%. Do đó, ngành bảo hiểm xã hội cần tập trung phấn đấu nhiều hơn để nâng tỷ lệ bao phủ BHYT”, bà Xuân nhấn mạnh.
Bà Xuân cũng cho biết Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk xây dựng đề án bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh sắp tới trình HĐND tỉnh phê duyệt. Với đề án này, hệ thống chính trị trong tỉnh sẽ vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy toàn dân tham gia BHYT. Ngành cũng sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động đến từng đơn vị xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp; đặc biệt trực tiếp phổ biến, hướng dẫn các chủ trương, chính sách BHYT đến người dân. Mặt khác, các đơn vị Bảo hiểm xã hội sẽ mở rộng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, tăng số lượng đại lý thu BHYT ở cơ sở nhiều hơn so với 412 đại lý hiện nay.
Đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình: Bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (trừ các thành viên đã tham gia theo các nhóm BHYT khác)
Mức đóng: Giảm trừ mức đóng của các thành viên trong cùng hộ như sau:
+ Người thứ nhất: đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;
+ Người thứ 2: đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất;
+ Người thứ 3: đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất;
+ Người thứ 4: đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất;
+ Người thứ 5 trở đi: đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
(Đối với hộ gia đình được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng thì không áp dụng giảm trừ mức đóng như trên)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.