Báo động dịch sâu đục thân trên đồng mía Tây Ninh

18/09/2014 09:26 GMT+7

Thống kê sơ bộ của Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, đến nay đã có hơn 9.000 ha mía sắp thu hoạch trong tổng số 20.984,8 ha mía nguyên liệu trên toàn tỉnh bị sâu đục thân lạ tấn công

Thống kê sơ bộ của Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, đến nay đã có hơn 9.000 ha mía sắp thu hoạch trong tổng số 20.984,8 ha mía nguyên liệu trên toàn tỉnh bị sâu đục thân lạ tấn công.

Nhiều vùng nguyên liệu mía tại H.Châu Thành đang bị ảnh hưởng - Ảnh: Giang Phương

Loài sâu đục thân hoàn toàn mới chưa từng có mặt tại VN - Ảnh: Sở NN-PTNT cung cấp

Nguy cơ lan rộng

 

Sau khi nhận được thông tin về sự xuất hiện của loài sâu đục thân mía 4 vạch mới ở Tây Ninh, Viện nghiên cứu mía đường đã cử cán bộ chuyên môn đến thu thập và giám định trực tiếp mẫu vật trên đồng ruộng; đồng thời tiến hành lấy mẫu đem về phòng thí nghiệm tiếp tục nghiên cứu, so sánh với bộ mẫu vật sâu đục thân hại mía chuẩn đang lưu giữ tại Viện. Đến ngày 15.9, Viện đã chính thức định danh được tên khoa học của loài sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu mơi này là Chilo tumidicostalis Hampson, thuộc Họ ngài sáng (Pyralidae), Bộ cánh vảy (Lepidoptera)

Tính riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có trên 9.000 ha mía sắp thu hoạch bị nhiễm bệnh. Trong đó, nặng nhất ở H.Châu Thành với hơn 3.668 ha (có 32 ha thiệt hại mức độ trên 50%). Tiếp đến là các huyện: Tân Châu, Dương Minh Châu, Tân Biên, TP.Tây Ninh, Bến Cầu, Hòa Thành bị thiệt hại, ước tính hơn 100 tỉ đồng. Ngoài ra, trên 3.600 ha mía trên đất Campuchia (vùng giáp ranh VN) cũng đang bị nhiễm sâu đục thân lạ 4 vạch tấn công.

Theo Viện nghiên cứu mía đường (thuộc Viện khoa học nông nghiệp VN), đây là đợt dịch sâu đục thân mía gây hại nặng nhất cho sản xuất mía đường ở tỉnh Tây Ninh kể từ đợt dịch trong vụ mía năm 1998 – 1999. Khi đó toàn tỉnh Tây Ninh có hàng ngàn ha mía bị các loài sâu đục thân mía khác nhau nhưng chưa có loài sâu lạ 4 vạch mới này tấn công gây hại. Hiện nay sâu đang bước vào giai đoạn di chuyển, phát tán và lây lan mạnh.

Cũng theo Viện nghiên cứu mía đường, loài sâu đục thân mía 4 vạch trước đây chỉ gây hại đơn lẻ (1-2 con sâu non/cây) và cây mía chỉ bị tổn thương nhẹ vẫn có thể thu hoạch được. Còn với loại sâu đục thân 4 vạch mới có tập tính gây hại tập thể (5-60 sâu non/cây) và cây bị hại chết khô rất nhanh, không có khả năng phục hồi. Theo đó, trong vòng 1 đến 2 tháng tới, loài sâu gây hại này có nguy cơ phát tán, lan rộng ra khoảng trên 80% diện tích đất trồng mía của tỉnh Tây Ninh.

Theo các kết quả nghiên cứu quốc tế, loài sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu có vòng đời trung bình từ 44 – 54 ngày. Sâu có thể đục ăn xuyên qua 3 – 5 lóng mía và ăn hết phần thịt lóng, chỉ chừa lại phần vỏ thân chỉ trong vòng 2 – 3 tuần, làm cho cây bị chết khô rất nhanh, sau đó bị gãy, đổ và chết rụi.

Áp dụng biện pháp hóa học để dập dịch

Viện nghiên cứu mía đường cho biết do tình hình gây hại của loài sâu này đang ở mức báo động, gần như đã phát sinh thành dịch nên cần phải áp dụng các biện pháp hóa học phù hợp với đặc thù gây hại của loài sâu này để dập tắt dịch. Đặc biệt, ngăn ngừa đến mức tối đa không để dịch lây lan ra toàn vùng mía trong tỉnh, các tỉnh xung quanh và toàn quốc.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vương Quốc Thới, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết sau khi họp bàn với các nhà khoa học, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp phòng trừ sâu hại, nếu mức độ tiếp tục gia tăng sẽ tiến hành các thủ tục để công bố dịch. Trước tình hình trên, các công ty mía đường trong tỉnh cho biết sẽ cho nhà máy hoạt động sớm hơn mọi năm để giải quyết một lượng nguyên liệu mía trước mắt cho người dân.

Giang Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.