Bí ẩn số phận nữ phi công Amelia Earhart

09/07/2017 14:36 GMT+7

Đã 8 thập niên trôi qua nhưng vụ mất tích bí ẩn của nữ phi công lừng danh người Mỹ Amelia Earhart vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Tháng 7 này đánh dấu 120 năm ngày sinh của người phụ nữ đầu tiên một mình bay xuyên Đại Tây Dương Amelia Earhart (24.7.1897) và cũng tròn 80 năm ngày bà cùng chiếc phi cơ Electra L-10E mất tích trên Thái Bình Dương.
Là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử hàng không thế giới, Earhart nắm giữ nhiều kỷ lục bay và được xem là biểu tượng cho sự vươn lên của nữ giới trong cái thời mà tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn bao trùm. Chính vì thế, đoạn kết đầy bí ẩn của bà đã làm tổn hao không biết bao nhiêu giấy mực. Đã có ít nhất hàng chục cuốn sách, phim và phim tài liệu về cuộc đời bà, gần đây nhất là phim Amelia (2009) do nữ minh tinh Hillary Swank thủ vai chính.
Phi công ngoại hạng
Chào đời trong một gia đình khá giả ở bang Kansas (Mỹ), từ nhỏ Earhart đã thể hiện máu yêu thích phiêu lưu và không bao giờ chịu thua kém bạn nam trong các trò chơi vận động. Đến năm 1914, gia đình bà trở nên sa sút và phải chuyển đến Chicago sinh sống. Theo trang Ameliaearhart.com, ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà tỏ ra hứng thú với những ngành nghề hầu như vắng bóng phụ nữ vào thời đó như kỹ sư cơ khí, đạo diễn phim, luật sư... Tuy nhiên, sau khi chứng kiến những người lính bị thương trở về trong Thế chiến 1, bà quyết định trở thành y tá và làm việc trong Bệnh viện Quân y Spadina ở Toronto (Canada) để chăm sóc thương bệnh binh.
Bước ngoặt cuộc đời Earhart diễn ra vào ngày 28.12.1920, khi bà được cha dẫn đến thăm một trường bay ở Long Beach (California, Mỹ). Lần đầu tiên cô gái 23 tuổi trải nghiệm cảm giác tự do trên bầu trời. “Khi lên đến độ cao khoảng 60 m, tôi đã tự nhủ mình phải bay”, Ameliaearhart.com dẫn lời bà kể lại sau này. Thế là từ chuyến bay vỏn vẹn 10 phút có giá vé 10 USD, Earhart đã xác định mục tiêu lớn nhất của cuộc đời. Bà lăn xả làm nhiều công việc từ chụp ảnh dạo đến lái xe tải và cuối cùng dành dụm được 1.000 USD để đi học lái máy bay tại Trường Kinner Field ở Long Beach từ tháng 1.1921. Hằng ngày, bà ngồi xe buýt đến cuối chặng và đi bộ thêm 6 km mới đến được trường, sẵn sàng làm mọi công việc lặt vặt để được theo chân giáo viên hướng dẫn học hỏi thêm ngoài giờ.
Bất chấp mọi khó khăn và cả ánh mắt dè bỉu của các bạn học nam, chỉ sau một năm, Earhart đã đưa chiếc máy bay Kinner Airster cũ lên độ cao 4.267 m - kỷ lục thế giới đối với phi công nữ khi đó. Một năm sau, bà trở thành người phụ nữ thứ 16 trên thế giới được cấp bằng phi công. Năm 1928, bà tiếp tục lập kỷ lục là người phụ nữ đầu tiên bay xuyên Đại Tây Dương dù chỉ với vai trò... hành khách. Sau chuyến này, Earhart kể bà cảm thấy mình “chỉ giống như một túi hành lý” và quyết tâm một ngày nào đó sẽ tự mình bay xuyên biển.
Tháng 5.1932, Earhart ghi danh vào lịch sử với tư cách là người phụ nữ đầu tiên một mình bay xuyên Đại Tây Dương, sau gần 15 giờ từ tỉnh Newfoundland và Labrador (cực đông Canada) sang làng Culmore (Bắc Ireland), với chiếc máy bay một động cơ Vega 5B của Lockheed. Sau đó, bà nhận nhiều huân chương cao quý của Mỹ. Tổng thống Herbert Hoover tuyên dương Earhart là “người phụ nữ tiên phong, tấm gương cho mọi thế hệ người Mỹ học tập với sự ngưỡng mộ vì ý chí cương quyết, cá tính mạnh mẽ và tinh thần sẵn lòng hợp tác”.
Hành trình định mệnh
Sau chuyến bay để đời vượt Đại Tây Dương, Amelia Earhart tiếp tục đặt mục tiêu táo bạo hơn là bay vòng quanh thế giới theo đường xích đạo. Sau khi mua chiếc Electra L-10E của Hãng Lockheed năm 1935, bà mời được ba người tham gia gồm hoa tiêu thứ nhất Harry Manning, hoa tiêu thứ hai dày dạn kinh nghiệm về hàng hải lẫn hàng không Frederick Noonan và phi công Paul Mantz làm cố vấn kỹ thuật.
Amelia Earhart bên trong chiếc Electra 10E. Ảnh: AFP
Theo kế hoạch ban đầu, hành trình sẽ bao gồm các chặng bay từ Oakland (bang California) về hướng tây sang Hawaii. Từ đó sẽ bay qua châu Úc, châu Á, châu Phi rồi Florida (Mỹ) và cuối cùng là California. Chặng đầu tiên diễn ra suôn sẻ, 4 người đáp xuống sân bay Wheeler ở đảo Oahu (Hawaii) vào ngày 18.3.1937 sau gần 16 giờ bay. Tuy nhiên, sau đó máy bay Electra gặp trục trặc và phải đưa về Florida sửa chữa. Sau vài tháng tạm hoãn và xuất hiện biến động thời tiết, hành trình được đổi theo chiều ngược lại. Ngày 1.6.1937, Earhart cùng hoa tiêu Noonan rời Miami hướng về phía đông. Cuối cùng họ đến thành phố Lae của Papua New Guinea sau 21 ngày vượt hơn 35.400 km và nhiều điểm dừng, theo Thư viện Quốc hội Mỹ.
Từ đây, Earhart chỉ còn khoảng 11.200 km nữa là có thể bước vào ngôi đền của những con người vĩ đại nhất ngành hàng không. Tuy nhiên, không ai ngờ chuyến bay ngày 2.7.1937 từ Lae sang hòn đảo nhỏ bé Howland giữa Thái Bình Dương lại là hành trình cuối cùng của bà. Vì phải vượt qua quãng đường 4.100 km nên nhiều thiết bị liên lạc và định hướng trên máy bay bị tháo gỡ nhằm có thể chứa thêm nhiên liệu. Máy bay phát tín hiệu cuối cùng lúc 8 giờ 45 phút ở vị trí được cho là chỉ còn cách điểm đến khoảng 160 km, theo tờ Atchison Daily Globe.
Nước Mỹ chấn động và một cuộc tìm kiếm quy mô chưa từng có được triển khai. Trong 2 tuần, hải quân Mỹ lùng sục vùng biển rộng lớn nhưng không phát hiện manh mối nào. Chiến dịch kết thúc vào ngày 19.7.1937 sau khi tốn chi phí 4 triệu USD, khu vực tìm kiếm rộng gần 650.000 km2. Ngày 5.1.1939, tòa án Mỹ chính thức tuyên bố bà Earhart và ông Noonan đã chết.
Điệp viên bí ẩn ?
Trong 8 thập niên qua, vô số giả thuyết được đặt ra xung quanh số phận của Amelia Earhart. Một số nhà nghiên cứu cho rằng nữ phi công cùng hoa tiêu Noonan đã bị quân Nhật bắt và giam giữ trên đảo Saipan cho đến khi qua đời. Người em họ Wally Earhart của bà từng tuyên bố máy bay đã rơi xuống Thái Bình Dương, 2 người may mắn sống sót và được tàu cá Nhật cứu. “Người Nhật chở Amelia, Noonan và chiếc máy bay đến đảo Saipan. Noonan bị sát hại ngay, còn Amelia qua đời sau đó do bệnh lỵ và nhiều bệnh khác”, tờ Nevada Appeal dẫn lời Wally Earhart nói. Ông còn lý giải rằng chính phủ Mỹ che giấu vụ việc vì Amelia Earhart thực chất là một điệp viên và được đích thân Tổng thống Franklin Roosevelt giao nhiệm vụ tuyệt mật: do thám các căn cứ quân sự của Nhật ở Thái Bình Dương. “Ngày nay, Nhật và Mỹ là bạn tốt và là đồng minh quân sự nên chính quyền không muốn bị ràng buộc bởi quá khứ đối địch”, ông Wally tuyên bố dù không đưa ra chứng cứ nào.
Nữ phi công Earhart đứng trước chiếc máy bay Electra 10E Smithsonian Institution

Trong sách Amelia Earhart: Beyond the Grave (tạm dịch: Amelia Earhart: Bí ẩn đằng sau nấm mồ), nhà nghiên cứu W.C. Jameson cũng có giả thuyết tương tự, nhưng ông cho rằng bà Earhart đã được trả về Mỹ vào năm 1945, lấy tên Irene Craigmile Bolam và sống đến năm 1982. Gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức TIGHAR chuyên tìm kiếm và bảo tồn những máy bay mất tích có tính chất lịch sử (Mỹ) đặt giả thuyết có thể bà Earhart đã qua đời trên một đảo hoang ở Thái Bình Dương. Qua phân tích pháp y và hình ảnh, TIGHAR cho rằng kích cỡ của phần xương cánh tay được tìm thấy trên đảo Gardner năm 1940 (ngày nay có tên là Nikumaroro thuộc Cộng hòa Kiribati) “gần như đồng nhất” với kích cỡ xương của bà Earhart ước tính thông qua các bức ảnh sót lại.
Trong diễn biến mới nhất, hôm nay 9.7, kênh History sẽ công chiếu tập phim tài liệu có tên Amelia Earhart: The Lost Evidence (tạm dịch: Bằng chứng thất lạc) về một bức ảnh lấy từ Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ được cho là manh mối mới về nữ phi công. Bức ảnh được ghi chú với tên “Jaluit Atoll” (đảo san hô thuộc quần đảo Marshall) chụp từ trước năm 1943. Trong đó, người phụ nữ tóc ngắn, mặc quần dài ngồi quay lưng với ống kính tại cầu cảng rất giống bà Earhart. Cạnh bên, người đàn ông có kiểu tóc hơi hớt ra sau cũng giống với ông Noonan đứng cạnh một vài người khác. Ngoài ra, trong bức ảnh còn có con tàu được cho là tàu quân sự Nhật đang kéo một vật có kích cỡ khoảng hơn 11 m, tương đương chiều dài của chiếc máy bay Electra 10E. Nhóm điều tra của History cho rằng có thể máy bay của bà Earhart rơi gần quần đảo Marshall rồi bà lọt vào tay quân Nhật và chết trong tù ở Saipan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.