Bình Chánh muốn làm thành phố phức hợp

Đình Sơn
Đình Sơn
23/09/2023 06:59 GMT+7

Rút kinh nghiệm từ TP.Thủ Đức, tại hội thảo "Đề án Đầu tư H.Bình Chánh thành quận hoặc TP thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030" do UBND H.Bình Chánh tổ chức hôm qua 22.9, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng nền móng hạ tầng, bộ máy, cơ chế thật vững chắc trước khi lên TP.

Lên TP dễ hơn lên quận

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Nam, Bí thư H.Bình Chánh, cho biết nếu lên quận, H.Bình Chánh sẽ không đủ điều kiện, nhưng lên TP lại đủ. Chính vì vậy, H.Bình Chánh sẽ tiến thẳng lên TP phức hợp: Công nghiệp công nghệ cao, đô thị sáng tạo, đô thị thông minh, đô thị xanh, nông nghiệp đô thị ứng dụng dựa trên địa lý, văn hóa và cơ cấu kinh tế hiện nay. Hiện H.Bình Chánh là cửa ngõ, là "khớp nối" 13 tỉnh ĐBSCL với TP.HCM. Tuy nhiên mỹ quan đô thị chưa xứng tầm, chưa đồng bộ, chưa xứng đáng là cầu nối. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, mỗi năm tăng bình quân khoảng 40.000 người vừa là thách thức vừa là cơ hội của địa phương.

Bình Chánh muốn làm thành phố phức hợp - Ảnh 1.

Lãnh đạo UBND H.Bình Chánh thực hiện khảo sát cắm mốc bồi thường đường Vành đai 3

ĐÌNH SƠN

Đặc điểm của H.Bình Chánh chiều ngang hẹp nhưng dài, gồm 3 khu vực với 3 đặc điểm khác nhau. Phía bắc phát triển các khu công nghiệp nên có thể tính đến khu đô thị sáng tạo, phía nam phát triển đô thị còn khu vực trung tâm là hành chính, đô thị và khu y tế kỹ thuật cao. Trong địa giới hành chính hiện nay có 15 xã và 1 thị trấn, thời gian tới, 12 xã sẽ lên phường còn 3 xã vẫn giữ lại vì đây là các xã thuần nông. H.Bình Chánh có đại lộ Nguyễn Văn Linh với rất nhiều khu đô thị chạy dọc. 

Ngoài ra còn có đường Vành đai 3, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành… Nếu xốc lại thì có thể lập tức lên đô thị ngay. Còn hiện nay, quy hoạch của huyện gồm 60% đất nông nghiệp, 40% đất phi nông nghiệp. Trong số 40% này chỉ có 12% là đất ở. Ngoài ra theo ông Nam, hiện nay hạ tầng của huyện rất yếu, không chỉ giao thông mà cả hạ tầng xã hội. Đến nay còn thiếu 900 phòng học. 

"Sau hội thảo, UBND H.Bình Chánh và Viện Nghiên cứu TP sẽ báo cáo UBND TP.HCM có nghị quyết để có chủ trương chung cho H.Bình Chánh làm cái gì trong thời gian tới để được lên TP. Bởi hiện nay mỗi người mỗi ý, mỗi sở mỗi ý, không biết đâu mà làm và không biết làm từ đâu. H.Bình Chánh quyết tâm làm, khó đâu gỡ đó. Chọn con đường ngắn nhất để đi, để tiến thẳng lên TP", ông Nam bày tỏ quyết tâm.

KTS Nguyễn Trường Lưu cũng đồng tình với việc lên thẳng TP sẽ dễ hơn lên quận. Nếu như H.Bình Chánh không lên quận hay lên TP thì nơi đây sẽ trở thành vùng trũng, bởi bao quanh là các huyện của tỉnh Long An đang rục rịch lên TP. "Dân số H.Bình Chánh khoảng 800.000 người, chỉ 3 năm nữa, lại tăng thêm 120.000 người. Tăng dân số toàn là lao động phổ thông nên nếu không lên TP, hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội của huyện phải chịu áp lực rất lớn, không đủ đáp ứng cho số dân này. Do hạ tầng kém phát triển nên các nhà đầu tư đổ về Long An làm các khu đô thị lớn hàng trăm héc ta. Không lên TP thì không chỉ Bình Chánh mà cả TP.HCM chịu thiệt thòi", ông Lưu nói.

Bà Nguyễn Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở Nội vụ, thận trọng hơn khi cho rằng không phải nói H.Bình Chánh lên TP là lên ngay. Mà đây mới là đề án để đầu tư những điều kiện huyện còn thiếu, còn yếu. Đến năm 2030, nếu đạt quận sẽ lên quận, không đạt quận thì lên TP, bởi lên TP điều kiện dễ hơn. Không chỉ đầu tư để đạt tiêu chí mà khi lên TP mọi thứ phải thay đổi, phải khác so với giai đoạn còn là huyện. Rút kinh nghiệm từ TP.Thủ Đức, chưa có có nền móng vững chắc vào thời điểm lên TP. Vì vậy, nay các địa phương khi muốn lên TP phải xây dựng nền móng trước để có bước chuẩn bị nguồn lực.

Bình Chánh muốn làm thành phố phức hợp - Ảnh 2.

Quang cảnh hội thảo "Đề án Đầu tư H.Bình Chánh thành quận hoặc TP thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030” hôm qua

Tài nguyên đất còn lớn là lợi thế vàng

Theo ông Vương Quang Hưng, đại diện Sở GTVT TP.HCM, dù là lên quận hay TP thì giao thông phải đi trước. H.Bình Chánh giao thông kém phát triển với hiện chủ yếu là giao thông nông thôn, giao thông trục chính rất ít còn kết nối vùng cũng rất hạn chế. Để phát triển giao thông đầu tiên là quy hoạch. Hiện nay, TP.HCM đang lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung 2040 - 2060, với nhiều tuyến giao thông huyết mạch từ đường bộ, đường sắt, đường sông đi qua H.Bình Chánh rất lớn, rất tiềm năng. Như đường Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành, quốc lộ 50... Các dự án đang đề xuất là tuyến đường sắt TP.HCM đi Cần Thơ và hệ thống logistics. 

"Đầu tư cho hạ tầng giao thông phải đi trước và đầu tư rất lớn. Ngân sách của TP đáp ứng là rất khó. May mắn có Nghị quyết 98 phát triển đô thị gắn với vận tải hành khách quy mô lớn (TOD) nên cần quy hoạch các khu đô thị kết nối giao thông thuận lợi với các trục đường chính. Từ đó khai thác quỹ đất hai bên đường, lấy tiền phục vụ cho phát triển hạ tầng. H.Bình Chánh đang có lợi thế là tài nguyên đất còn rất lớn khi phần lớn diện tích đất nông nghiệp dự trữ của TP đang nằm ở đây. Hiện TP cũng đang tập trung phát triển kinh tế sông nước nối từ trung tâm TP.HCM đến Tây Ninh. Đây là cơ hội vàng để H.Bình Chánh cập nhật vào quy hoạch của TP", theo ông Hưng.

Ông Lâm Thanh Tùng, đại diện Sở Xây dựng, cũng cho rằng H.Bình Chánh đang có quỹ đất dự trữ rất lớn nên cần giải pháp làm sao để tạo nguồn vốn từ quỹ đất này. Bởi đầu tư từ ngân sách của TP và T.Ư thì không đủ để đầu tư, chủ yếu phải xã hội hóa từ các doanh nghiệp tư nhân. Công trình công cộng, giao thông… nếu gọi vốn từ bên ngoài sẽ tốt hơn.

Đồng tình với việc H.Bình Chánh lên TP, nhưng bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, khuyến cáo cần phải có giải pháp cụ thể và không phải xây dựng một TP "ngủ", ban ngày người dân vào trung tâm làm việc, tối về nhà ngủ. Đồng thời phải tiến hành giải pháp về quy hoạch, thiết kế đô thị; phải giữ cho được cảnh quan, môi trường. Triển khai các khu du lịch sinh thái, nông nghiệp để tổ chức cho các em học sinh các học kỳ xanh, chẳng hạn như Quảng Nam có các khu cho khách "Tây" học trồng rau, cưỡi trâu. 

Một giải pháp nữa là khu nông nghiệp đô thị gắn với thiết kế ruộng vườn đẹp đẽ như ở Nhật Bản xây dựng các khu ruộng vườn rất đẹp gắn với các làng nghề đã thu hút được nhiều khách du lịch tham quan. Đối với giải pháp về tài chính để đầu tư cho phát triển có thể xin nguồn thu ngân sách để lại toàn bộ cho địa bàn cùng với ngân sách TP, ngân sách T.Ư và xã hội hóa. Không chỉ về tài chính, bộ máy hành chính, con người cũng phải được đầu tư từ bây giờ, tránh vết xe đổ như TP.Thủ Đức đến nay sau 3 năm nhưng chưa có cơ chế gì nhiều, cũng gần giống như các quận huyện khác. 

"Cần hoàn thiện mô hình TP trong TP, phân cấp phân quyền cho mạnh hơn vì hiện nay vẫn còn nặng xin - cho, bên trên còn "ôm" nhiều. Xây dựng chính quyền đô thị đầu tiên của cả nước nên cần đề xuất các cơ chế tổ chức, bộ máy đặc thù", bà Thảo nêu quan điểm. 

TP.HCM điều chỉnh Vành đai 4, tiết kiệm 4.000 tỉ đồng

Để đạt được mục tiêu lên thẳng TP chứ không phải cấp quận cần có nguồn lực tài chính. Nhưng ngân sách thì chắc chắn huyện thu không đáp ứng được nhu cầu phát triển, dù có lên TP thu cũng không đủ. Trong khi đó, vốn để đáp ứng cho đề án chưa thấy đề cập đến nên cần làm rõ sẽ thuyết phục hơn. Đồng thời tổng nhu cầu vốn là bao nhiêu và đáp ứng như thế nào đến năm 2025, đến năm 2030 cũng chưa rõ. Đề án cũng chưa làm rõ một vấn đề rất quan trọng là khi lên TP thì lợi ích mang lại là gì. Đứng ở góc độ người dân họ chỉ quan tâm điều này: người dân sẽ được hưởng lợi gì?

PGS-TS Nguyễn Anh Phong, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.