Bổ sung quy định cơ chế đặc thù bảo vệ lao động khi doanh nghiệp phá sản

Thu Hằng
Thu Hằng
22/03/2024 18:41 GMT+7

Việc bổ sung cơ chế đặc thù bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH như phá sản, ngừng hoạt động… là cần thiết, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Đây là ý kiến của Bộ LĐ-TB-XH khi góp ý về nội dung liên quan đến quy định về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và biện pháp xử lý, để chỉnh lý dự thảo luật BHXH (sửa đổi) gửi Ủy ban Xã hội của Quốc hội mới đây.

Bổ sung quy định cơ chế đặc thù bảo vệ lao động khi doanh nghiệp phá sản- Ảnh 1.

Việc bổ sung cơ chế đặc thù bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động

T.N

Liên quan đến quy định về chậm đóng, trốn đóng BHXH và biện pháp xử lý, Bộ LĐ-TB-XH thống nhất với việc chỉnh lý theo hướng tách riêng điều về xác định hành vi chậm đóng, hành vi trốn đóng BHXH.

Qua quá trình rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ LĐ-TB-XH nhận thấy, về biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH, tại khoản 6 điều 36 luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh quy định: "Đối với người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn".

Tại điểm d khoản 1 điều 28 của luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh cũng quy định đối với trường hợp: "Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính".

Do 2 luật trên đã có quy định chung về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, Bộ LĐ-TB-XH thống nhất với đề xuất có biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với chủ doanh nghiệp nợ BHXH.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH cũng tiếp thu ý kiến và đồng ý bổ sung 1 điều quy định cơ chế đặc thù, để xử lý đối với trường hợp chủ sử dụng lao động không còn khả năng để đóng BHXH.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, việc bổ sung điều này là cần thiết, nhằm kịp thời giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động, như phá sản, ngừng hoạt động...

Đối với nội dung ghi nhận thời gian chậm đóng được tính để hưởng BHXH, theo Bộ LĐ-TB-XH, cần được cân nhắc thận trọng, vì không đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng có thể tác động không tích cực, ảnh hưởng tới khả năng cân đối của quỹ BHXH.

Trường hợp giữ nội dung này thì cần quy định ngân sách nhà nước đóng, để xác nhận thời gian làm cơ sở giải quyết chế độ BHXH cho người lao động.

Để hoàn thiện các nội dung này trong dự thảo, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Xã hội và các cơ quan liên quan trong việc rà soát, chỉnh lý hoàn thiện.

Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Bên cạnh nguyên nhân chính là ý thức chấp hành chính sách pháp luật về BHXH của nhiều chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, doanh nghiệp gặp khó khăn... còn có nguyên nhân là vướng mắc trong việc xác định vi phạm.

Để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động, ngăn ngừa và xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, BHXH Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng cụ thể các quy định liên quan đến chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trong các dự thảo luật sửa đổi sắp tới.

Tại dự thảo luật BHXH sửa đổi đã bổ sung một số nội dung, quy định rõ hành vi chậm đóng, trốn đóng, gia tăng hình phạt đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng như phạt tiền theo ngày.

Trường hợp đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng, hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng từ 6 tháng trở lên, thì ngừng sử dụng hóa đơn, từ 12 tháng trở lên hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.