Bồi hồi đọc lại 'Thư viết từ Hà Nội' của Tô Minh Nguyệt

Đông Phong
Đông Phong
16/12/2022 18:57 GMT+7

Sáng ngày 16.12, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô tại Đường Sách TP.HCM (Q.1) nhân sự kiện 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (1972-2022).

Cựu phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam Tô Minh Nguyệt (78 tuổi) hay bảo bà muốn mọi người xem mình là một phụ nữ bán xôi, bán khoai, là cán bộ kỹ thuật nhà máy ô tô Hòa Bình hơn là một người cầm bút.

Trong tập truyện - ký Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô ra mắt độc giả mới đây, bà chia sẻ rất xúc động về một thời nghèo khó nhưng tiếng hát át tiếng bom, niềm tin át đi sự bi lụy và không ai bỏ rơi ai. Tại sự kiện, nhiều độc giả, trong đó có những người sống trong thời mũ rơm, mũ cối ấy đã bùi ngùi khi một lần nữa cùng tác giả lần giở những trang văn được viết khi bom rơi trên hè phố thủ đô. Ánh lên trên đó là những ký ức riêng tư, rất đẹp của tác giả về làng Láng, nơi có mái nhà tranh của bà ở ngoại ô Hà Nội, về khu phố nghèo Khâm Thiên “bị cày lên nham nhở”, về người em trai Tô Hùng xin tòng quân lúc còn đang đi học và mãi mãi nằm lại chân núi Ngự Bình (Huế) khi chưa một lần về thăm nhà…

Tác giả Tô Minh Nguyệt ký tặng sách Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô

THẾ SANG

Trong Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô, Tô Minh Nguyệt viết về những chân dung ngày đêm vừa đánh giặc vừa sản xuất, chi viện sức người sức của cho miền Nam ruột thịt, nhưng trên hết là luôn tin tưởng về một ngày mai chiến tranh sẽ qua đi như Hoa đồi, Bàn tay cô giáo, Những cô gái làng Hoa, Khúc hát hậu phương

Tác giả Tô Minh Nguyệt (78 tuổi) chia sẻ về quyển sách Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô
NVCC

Phần trọng tâm của cả tập sách miêu tả sự mất mát, đau thương của thủ đô một cách trực diện, ác liệt nhất như Người yêu của lính, Thư viết từ Hà Nội, Tấm hình tuổi 20, Mái nhà của mẹ… Tất cả những gương mặt người hiện ra trên trang viết của Tô Minh Nguyệt không một ai bi lụy mà ngược lại đã anh dũng sống và luôn hy vọng. Dưới ngòi bút của bà, những điều dữ dội và thô ráp nhất trở thành những điều bình dị, gần gũi và trữ tình nhất.

Tác giả Tô Minh Nguyệt và nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải (phải), nhà văn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bồi hồi chia sẻ những ký ức một thời đạn bom

THẾ SANG

Các trang viết của Tô Minh Nguyệt đầy tính nữ. Tuy không “lên gân” trong kỹ thuật viết nhưng những người phụ nữ trong Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô vẫn cho thấy sự bền bỉ, quật cường mà cũng rất mềm dịu, thiết tha. Đó là hình ảnh tác giả đi bán xôi, bán khoai cho các trường đại học, gánh gồng cả gia đình mấy miệng ăn; đó là hình ảnh cô giáo bị bom B-52 phạt mất cánh tay nhưng vẫn kiên trì tập viết để theo nghề; đó là những cô gái luôn tươi vui ở khu kinh tế mới; đó là 14 dân quân gái miền Bắc lần đầu tiên bắn rơi những “con ma”…

Đọc Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô mà xúc động, rưng rưng đến lạ thường vì đọc không chỉ để biết được một thế hệ đã quật cường như thế nào mà còn để biết họ đã tận hiến, tận lực trong tất cả khả năng của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.