Buôn bè và những chuyện khác (kỳ 2) - Truyện ngắn của Nguyễn Hồng Dung

17/12/2005 16:24 GMT+7

Anh Thân đã nổi tiếng trên sông nước và trong giới giang hồ, được trọng vọng ở làng quê nhờ số tài sản anh mang về sau mỗi chuyến đi, số đất đai anh tậu được và trở thành người đàn ông huyền thoại bởi cả những cuộc phiêu lưu tình ái.

Bây giờ trên sông không còn cướp nữa. Nhưng dân buôn bè vẫn có những nỗi nguy hiểm rình rập. Buôn bè thời nay cũng giống như trò may rủi. Để đối phó lại sự kiểm soát của nhà nước cần khôn khéo và phải có những mẹo riêng. Và anh Thân có đầy mình kinh nghiệm trong chuyện này. Anh làm quen với nhiều nhân viên kiểm tra ở nhiều trạm gác. Anh làm bè gỗ ngầm xuống tận đáy và dòng dây kéo đi cách bè nứa vài chục mét. Anh tính được thời gian để có thể qua được trạm gác êm xuôi... Tất nhiên không phải mọi chuyến hàng đều thành công, đã khối lần anh phải bán tất tật nhà cửa đất đai tậu được và làm lại từ đầu.

***

Mỗi khi bè ghé vào bến nào đó là cả một sự kiện, nó phá vỡ nếp sống nhàm chán thường nhật. Mọi người lên bờ xả hơi, chị Thái ghé chợ mua hàng bao tải đồ ăn tươi chất xuống bè. Mọi người bốc hàng, bè sẽ nhẹ đi chút ít, tiền lại rủng rỉnh thêm. Thường những bến đỗ ở ven thị xã, thị trấn, phố huyện. Chặng đường của họ có cả thảy ba bến đỗ. Một ở phố huyện N., hai ở thị trấn A. và cuối cùng là về đổ hàng ở ngã ba sông, nơi sầm uất nhất. Về ngã ba sông coi như về nhà.

Đặt chân lên bờ, tất cả bọn họ đều là những con người mới. Ánh đèn sáng rực của các quán hàng ven sông có sức mời gọi ghê gớm. Đám đàn ông ào lên bờ cạo đi bộ râu tóc lồm xồm, và khi ra khỏi nhà tắm hơi với bộ quần áo sạch sẽ thơm mùi băng phiến, họ đường hoàng thành những người đàn ông tươi trẻ. Huýt sáo vang, làm một chầu rượu tơi bời rồi áo vắt vai họ đi tìm người quen. Người quen của họ là những người đàn bà đứng dưới những lùm cây tranh tối tranh sáng ven sông, những lều quán bỏ không trên bến. Khi nào nhiều tiền, đám đàn ông đưa họ vào quán trọ, lúc nhẵn túi, họ vui vẻ với nhau ngay tại những lùm cây, ở bãi cỏ ven sông hay trong các lều chợ bỏ không cạnh những đống rác chợ to tướng đám chuột ăn đêm đi lại sột soạt. Gái làng chơi ở đây như thể sinh ra để phục vụ những con thuyền trên sông - họ chỉ có ở các bến sông, và hầu như chỉ có những người đi thuyền mới cần đến họ để giải sầu. Họ sẵn sàng cho cánh đi bè chơi chịu, thậm chí cho không nếu họ muốn.

Không khi nào họ được phép dẫn gái lên thuyền, anh Thân nói, như vậy sẽ làm dông cả chuyến đi. Đôi lần tò mò, Nguyên đã lên bờ và đi qua họ, những người đàn bà già có, trẻ có. Cho dù họ ăn mặc diêm dúa, son phấn trét đầy mặt nhưng Nguyên vẫn có thể nhận ra họ từ những miền quê dạt tới đây qua chất giọng mỗi vùng không lẫn vào đâu được. Sau một đêm hoan lạc, đám đàn ông trở về bè mệt lả, ứ đầy hưng phấn. Họ lại có chuyện để kể với nhau suốt mấy tuần lênh đênh tiếp đó, những câu chuyện về những người đàn bà mà họ đã chung đụng. Khang là tay máu mê khoản này nhất, những câu chuyện của gã tục tĩu và hết sức bẩn thỉu. Gã thường rủ rê Nguyên bằng cách kể cho cậu nghe những ngón chơi, những cuộc làm tình tập thể. Gã kể cả chuyện làm sao để chơi quỵt. Chị Thái bảo Nguyên: nó là thằng khốn nạn và bỉ ổi. Chị bảo, đã có lần sau khi hoan lạc với một người đàn bà xong, chị nhìn thấy cô ta thét lên lanh lảnh và tồng ngồng lao từ trên bờ xuống sông, cuống quýt khoát nước vào lòng như thể muốn làm dịu một vết bỏng nào đó, miệng hộc lên một nỗi đau đớn tột cùng. Hôm ấy nó về kể vung lên, như một chiến công hiển hách, cái ngón gã đã làm để tăng khoái cảm. "Mọi người không phản ứng gì sao?" - Nguyên hỏi, giọng nghẹn lại. "Thì xưa nay có ai đụng vào nó đâu? Trước đây có mấy người va chạm với nó, nó đều tìm cách cho bật khỏi thuyền. Anh Thân không mấy để ý tới những chuyện nội bộ nên dễ tin những lời đơm đặt của nó. Dây vào nó là dây vào cứt, em ạ. Ở đâu cũng có bọn xu nịnh, đểu giả. Mà bọn đó lại sống nhơn nhơn và đường hoàng hơn những người tốt".

Anh Thân không bao giờ tham gia vào những chuyện gái gú nơi bến sông. Mỗi khi bốc hàng xong, anh lại biến đi cho đến tận buổi hôm sau hoặc có khi là vài ngày. Anh đến với những người đàn bà của anh. Mỗi bến đậu anh đều có một người đàn bà. Họ là những mối nhân duyên kỳ ngộ. Những người đàn bà ấy đều biết anh đã có gia đình, con cái nhưng vẫn nguyện sống trong cảnh chờ đợi mỏi mòn. Mỗi người đàn bà anh đều lo cho chu tất nhà cửa và tiền tiêu hàng tháng, anh phân phát tình cảm đều cho họ trong mỗi chuyến đi và ai cũng hài lòng, trừ chị Nguyên. Chị là người đàn bà duy nhất được anh cưới hỏi đàng hoàng. Hiện hai người ly thân. Nhưng mỗi khi thất bại tay trắng anh lại quay về với chị và dường như chỉ lúc đó tình yêu mới trở lại với họ - họ lại yêu nhau như thuở hàn vi. Nhờ những đồng vốn ít ỏi chị dành dụm trong nhiều năm, anh lại khởi nghiệp lại từ đầu. Nguyên biết trong lòng anh có cả tình yêu lẫn sự kính nể, lòng biết ơn và mặc cảm tội lỗi đối với chị. Với những người đàn ông sống nay đây mai đó thì đàn bà trong thiên hạ là sự giải sầu. Có điều với một người nặng tình như anh Thân, họ đều trở thành duyên nợ... Trong số những người đàn bà của anh, người trẻ nhất và cũng nhiều mưu mẹo nhất hiện sống ở B. Một phụ nữ nhỏ nhắn, môi cong cong, da bánh mật, mắt dài và sắc, trông rất tình nhưng cũng rất dữ mỗi khi nàng nổi giận. Người đàn bà này đem lại cho anh Thân nhiều niềm vui cũng như những nỗi buồn khổ và nghi ngờ. Nàng chính là chiếc thùng không đáy mà anh quẳng vào đó bao nhiêu tiền bạc sau mỗi chuyến đi đều hết veo. Năm mười sáu tuổi, chính cha cô đã dắt tay con gái xuống bè, đặt vào tay anh xin được nương nhờ bóng anh. Ông bán con gái mình để lấy một khoản tiền trang trải nợ nần và cưới vợ cho con trai vừa sứt môi vừa ngọng. Anh cho ông khoản tiền mà ông cần nhưng không nhận cô gái. Chuyến bè sau dừng lại ở B., cô gái đã băng mình lên bè tìm anh, lao vào lòng anh khóc như mưa. Cô hỏi anh chê cô ở điểm nào. Anh xoa đầu cô cười. Anh bảo, cô rất xinh đẹp, có điều anh đã vợ con đàng hoàng rồi. Vả lại, không phải cô là người đầu tiên anh giúp đỡ. Cô không cần sự cao thượng của anh. Cả làng đều biết bố cô đã nhận tiền của một chủ bè và như vậy cô đã thuộc về người đó. Nếu anh không cần cô thì cô cũng không thể kiếm đâu được một tấm chồng trong vùng... Các chủ bè hầu hết đều có đám "cung tần mỹ nữ" của họ. Dọc miền sông này chuyện những phụ nữ sống không cưới cheo với các chủ tàu bè là chuyện bình thường, và họ đều là những phụ nữ nhan sắc. Với những gia đình nghèo, con gái xinh đẹp chính là của cải trong nhà. Khang chính là em ruột của người đàn bà môi cong nọ. Đó cũng là một lý do để gã và Nguyên ghét nhau. Chị Nguyên giống như bà hoàng hết thời còn chị gã đương là cung phi được sủng ái. Cách ví von này là của chị Thái, khiến Nguyên không nhịn nổi cười. Chị Thái bảo, mỗi khi qua B. tâm trạng của anh Thân rất khác nhau. Khi vui vẻ, hào hứng, khi thì ủ dột. Cô ta đã có con với anh, và trở thành một người đàn bà ăn chơi nhất phố huyện cùng những lời đồn đại không hay về lòng chung thủy. Nghe được chuyện ấy, anh Thân cười: mình còn chẳng chung thủy được với mình nữa là! Nói vậy nhưng chị Thái bảo, anh rất đau khổ. Anh đã điên đảo vì đứa con gái vắt mũi chưa sạch ấy. Người phụ nữ này khiến anh bắt đầu thấy mình già ở tuổi bốn lăm. Những người đàn ông cho dù đa tình đến đâu rốt cuộc họ cũng phải lụy bởi một người đàn bà nào đó. Ấy dường như là một quy luật. Hay là một định mệnh của các đấng mày râu hào hoa.
Nhìn vào cặp mắt đẹp của người đàn bà ngoài 30 lấm tấm những vết rạn chân chim, Nguyên đã ngầm hiểu ra lý do chị theo đoàn người ô hợp này. Chị cũng mang một mối tình thầm kín với người đàn ông hào hoa dọc ngang sông nước ấy.

***

Một hôm đến B., Khang vật nài rủ Nguyên lên bờ. Đi thì đi. Nguyên áo vắt vai lên bờ, cố tỏ ra mình là một gã trai cứng cỏi. 

Thị trấn bụi bặm, nhỏ xíu và nghèo nàn. Dãy hàng quán trông ra bến sông nhìn khấp khểnh. Hai người tấp vào một quán tiết canh lòng lợn. Người phụ nữ to béo đon đả ra chào mời: "A, cậu Khang! Chị trông cậu mỏi mắt". Bà chủ quán cười bả lả, lộ ra mấy chiếc răng bịt vàng. Lòng lợn tiết canh cùng rượu trắng được dọn ra. Khang ngồi xổm trên ghế nhựa, ăn uống nhồm nhoàm giữa đám ruồi u u bay quanh bát mắm tôm. "Cái món này tao nghiện lắm. Thà nhịn cái khoản kia một chút còn có thể". Gã nói, và bỗng cười ha hả. "Cười gì?". "Là vì, tao cũng không chắc là tao nói thật hay không... Mà, tại sao mày lại không máu mê một cái gì? Tao không tin là có một thằng đàn ông nào lại làm ngơ trước rượu thịt, đàn bà". Nguyên định nói với hắn về tình yêu, nhưng lại thôi. Cũng may, nói ra có lẽ gã sẽ gục xuống đất vì cười mất. Một kẻ như Khang thì làm gì biết tới tình yêu, gã luôn đồng nghĩa nó với tình dục, sự ham muốn xác thịt thô bỉ. Khang bàn với Nguyên cách làm ăn trên thuyền. Gã sẽ lén mang gỗ đi bán mỗi khi bè dừng bến. "Tớ biết gia đình đằng ấy đang nợ nần chồng chất. Đây cũng là cách để kiếm thêm... Tớ rủ đằng ấy là có thiện ý cả. Chứ không, tớ rủ ai mà chẳng được?". Nguyên biết thực ra không phải thế, mà chẳng qua vì một lần Nguyên tình cờ phát hiện ra gã xà xẻo số gỗ quý. Gã sợ Nguyên tố cáo gã đây. Nhưng có lẽ đây cũng là dịp tốt. "Tôi sẽ được bao nhiêu?". Giọng Nguyên lạnh tanh. Giọng của một con người khác. "Theo chú thì chú mình sẽ được bao nhiêu trong công tác cảnh giới?". "Năm mươi". Mặt Khang đờ ra, có lẽ gã đang uất đến sắp trào máu, nhưng vẫn tỏ ra kiềm chế: "Được! Gạt chuyện nhỏ đó sang một bên. Chạm chén cái nào!".

Khang bỗng ngừng nhai, nghển cổ nhìn ra sông, hàm dưới của gã trễ xuống. Gã nhòm đám phụ nữ xách nước ngoài bến. "Vừa nhìn thấy đàn bà đã chảy dãi ra rồi!". "Im ngay! Đồ ngu!". Đám con gái đùa nhau té nước và cùng xuống bến tắm trong lúc trời chạng vạng. "Mày đợi tao một lúc nhé. Tẹo nữa quay lại thanh toán cho".

Một lát sau, Nguyên nghe tiếng con gái la lối ú ớ ngoài bến. Nguyên bật dậy, hỏi chủ quán: "Chuyện gì thế nhỉ?". Bà chủ quán nháy mắt, nhe răng cười, tảng mỡ dưới cằm rung lên bần bật. Nguyên lao vội ra bến. Khang đang đè ngửa một cô gái giữa đám cây ngô. Cô ta mới mặc xong quần, Khang lột phăng chiếc áo cô đang mặc dở, bàn tay thô ráp của gã thô bạo cào cấu lên làn da trắng nõn của bầu vú rắn chắc. Cô gái chống trả quyết liệt. Nguyên đờ người ra mấy giây rồi lao vào đấm Khang túi bụi. Gã bị bất ngờ, buông cô gái, loạng choạng ôm mặt. "Thằng chó chết! Mày làm gì vậy, hả?". "Tao phải hỏi mày câu đó chứ!". "Đồ ngu! Định anh hùng rơm hả? Mày có biết rằng ở đây là thổ địa của tao không? Tao chỉ cần hú một tiếng là có đứa bóp mày ra bã!". "Mày đừng tưởng muốn làm gì thì làm!". Nó ghé sát vào mặt Nguyên, rít lên khe khẽ: "Ở đây tao thích con nào là con ấy phải thuộc về tao". Nguyên cởi áo ném về phía cô gái đang đứng nép vào một bụi cây, áo rách toang và cô vẫn chưa hết bàng hoàng.

Cô gái ấy là một thiếu nữ đẹp. Vẻ đẹp hoang dại miền sông nước. Mỗi chuyến đi qua B., nàng lại ra bến gánh nước và họ lén nhìn nhau. Và cũng từ đó những vần thơ học trò lại nở rộ trong lòng Nguyên, giống những cánh bướm chấp chới. Mỗi lần bè dừng lại ở B., anh lại gặp cô gái ra múc nước. Họ nhìn nhau, mỉm cười. Nụ cười của cô khiến Nguyên cảm thấy trái tim mình tan chảy. Họ lén lút gặp nhau ngoài đê mỗi khi bè ghé B. Một cô gái nghèo, xinh đẹp bậc nhất thị trấn ven sông này, nhiều người khao khát em, thù hận em. Cũng chẳng biết nhiều hơn về em. Nhưng mà Nguyên cũng chẳng cần gì hơn nữa.

Trung thu năm đó, thuyền dừng tại B. Mọi người bảo, năm nào trung thu thuyền cũng dừng tại B. để anh Thân về với ái phi của mình. Nguyên cũng lên bờ, lẻn đi tìm cô gái. Họ gặp nhau ở bờ đê vắng. Sau những nụ hôn cuồng nhiệt đến dập cả bờ môi, cô gái bảo: Anh hãy tận hưởng em đi! Đây sẽ là lần cuối cùng chúng mình ở bên nhau. Sao thế? Em đã được gả cho một chủ bè. Sao? Cha em đánh bạc, nợ nhiều lắm... Vì thế mà em phải làm vật hy sinh sao? Nàng cụp mắt, úp mặt vào vòm ngực Nguyên. Bờ vai nàng rung lên lặng lẽ. Biết làm sao khác được? Em chỉ là phận đàn bà. Nhưng em yêu anh.

- Chúng ta hãy trốn đi!

Và trong vài tích tắc, Nguyên quyết định sẽ đưa Sương lên bè, mặc cho cô phản đối. Đêm đó bè sẽ nhổ sào. Họ lặng lẽ xuống bè và Nguyên đưa cô gái run lẩy bẩy vào gian bếp trước sự bàng hoàng của chị Thái. Không ngờ khi anh Thân vừa từ trong thị trấn bước xuống bè, đã gọi Nguyên:

- Hãy dẫn cô gái đó ra đây.

- Cô gái nào?

- Dẫn ra!

Sương run rẩy bước từ trong túp lều ra. Anh nhìn cô gái và bảo:

- Em lên bờ và về nhà đi.

- Anh Thân, nghe em nói đã!

- Cậu đứng im đấy! Tôi sẽ nói chuyện với cậu sau.

Khang đi qua, ghé sát vào mặt Nguyên với giọng bỡn cợt và hả hê, hắn nói chỉ đủ cho Nguyên nghe: "Mày đã biết thế nào là cuộc sống rồi chứ!". Nguyên như người tỉnh mộng, lao vào Khang như một con thú bị trọng thương. Đấm, đá, tát, cào cấu... Mọi người xông vào, cố gắng kéo họ ra. Những câu nguyền rủa tuôn ra từ miệng Nguyên như dòng thác uất ức. Nguyên bị trói nghiến, vứt còng queo ở đuôi bè, miệng bị dán kín.

Đoàn người nhổ sào, ra đi trong im lặng, lòng ai cũng nặng trĩu, duy chỉ có Khang là có cái vẻ hí hửng, hả hê. Ông Thản nửa đêm ra gỡ băng dán miệng cho cậu:

- Có đau không?

- Cháu sai ở chỗ nào?

- Không được cho đàn bà lạ xuống thuyền, đó là luật.

- Vì sao cơ chứ?

- Người ta sợ dông.

- Kể cả khi mà điều đó là làm phúc?

Nguyên nằm còng queo ở đuôi bè. Khi tình yêu đổ vỡ là một nửa thế giới cũng sụp đổ theo, đó là cái cảm giác của Nguyên. Nó thật kinh khủng. Không chỉ thế, đây là chuyện đổ vỡ niềm tin và mộng ước.

Đêm hôm đó, cả thuyền bị dựng dậy bởi tiếng thét xé đêm của Nguyên. Mọi người đổ xô ra thấy Nguyên nằm còng queo trên thuyền và chân toang máu. Có một con vật gì đó to lắm, cỡ như con chó, nhưng hệt như một con chuột, ướt sũng, ngoạm một miếng chân Nguyên. Rái cá. Ông Thản nói vậy khi băng vết thương cho Nguyên. Cả bè nhìn nhau, im lặng. Trong ánh mắt mỗi người đều ẩn chứa một nỗi lo lắng mơ hồ. Sáng hôm ấy, Nguyên được anh Thân cho lên bờ đi điều trị vết thương. Rái cá cắn là rất độc, Nguyên sốt mê man. Trong cơn mơ, Nguyên thấy mình chụp được cổ tay Khang và siết chặt cho đến khi nó không còn giãy giụa được nữa...

***

Sau này Nguyên mới biết rái cá lên thuyền cắn người là một điềm báo không tốt. Nguyên không tin vào ba chuyện kiêng kị đó nhưng chuyến đi ấy của anh Thân đã bị thất bại thảm hại. Một trận lũ bất ngờ làm tan tành số gỗ, một người trên bè bị mất tích, ông Thản thì bị gỗ đè dập chân phải vào viện nửa năm trời.

Nhưng điều đó cũng chẳng ngăn cản được anh Thân bỏ nghề. Về với vợ cả một thời gian sau, một nhóm buôn bè khác lại được thành lập với gần như đầy đủ văn võ bá quan lại lênh đênh trên một dòng sông khác.

Ngay sau khi thoát khỏi sự kìm kẹp của gia đình, Nguyên tìm về miền sơn cước cũ để tìm lại nàng, người con gái của mối tình xưa. Ngôi làng trong thị trấn buồn tẻ. Dãy quán nằm dài trong chán chường. Người cha nát rượu của nàng đang ngất ngư bên bát tiết canh đỏ lòm, ruồi bu như đậu đen. Không gian bốc lên mùi buồn chán mục ruỗng. Lão già đòi thêm rượu. Mụ chủ quán béo ú mặt hằm hằm: "Về đi! Không bán chịu nữa đâu! Đừng lôi gã con rể quý hóa của ông ra mà cắm nợ. Hàng mấy tháng trời nó đâu có ghé bến này!".

Bước chân loạng choạng buồn. Nguyên đi như say, như điên. Chàng không nhớ mình đã đi đến đâu. Lạc vào một chân núi, nơi có một ngôi chùa già cổ kính. Một vị vãi đang lúi húi quét chùa. Khi người đó ngẩng lên, Nguyên giật mình kêu lên! Vị sư già vội vã quay đầu chạy vào trong am.

Trong phút kinh hoàng, Nguyên vẫn kịp ghi lại trong óc mình khuôn mặt ấy. Nó không khác gì lời tả của mọi người về một gương mặt bị phạt ngang, bằng tịt. Chỉ còn những chiếc lỗ sâu hoắm của mắt, mũi mồm.

Thì ra con người ấy nay đang cải tà quy chính nương nhờ nơi cửa phật từ bi.

N.H.D

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.