Cá tính HLV ngoại tại Việt Nam

Bóng đá Việt Nam vẫn nhớ chất 'nghệ sĩ' của ông Dido

08/12/2023 04:19 GMT+7

Nhịp chân xử lý đậm chất Samba như thể làm xiếc với trái bóng của HLV Dido trên sân tập, trong những tháng hè oi ả giữa năm 2001 đã xâm chiếm và sẽ luôn nằm yên vị trong ký ức của dàn cầu thủ từng gắn bó với ông.

KỸ THUẬT CÁ NHÂN CỰC KHÉO, ĐÁNH ĐÀN GUITAR RẤT MƯỢT

Nói về HLV Dido, có lẽ chỉ có thể dùng trọn vẹn từ: nghệ sĩ. Một HLV mang cá tính nghệ sĩ, hay một nghệ sĩ đi… hành nghề HLV, nói thế nào về ông Dido cũng đúng. Sinh năm 1962 tại Brazil, ông Dido từng khoác áo những CLB danh tiếng của xứ Samba như Flamengo, Santos. Sau khi giải nghệ, ông Dido chuyển sang nghiệp huấn luyện khá sớm, khi bắt đầu với CLB Maccabi Lazarus (Israel). Thời điểm sang VN huấn luyện, ông mới 39 tuổi. Cũng bởi dẫn dắt đội tuyển quốc gia khi còn rất trẻ, nên HLV Dido mang sắc thái đối lập với những chiến lược gia kỳ cựu, tên tuổi khác.

Bóng đá Việt Nam vẫn nhớ chất 'nghệ sĩ' của ông Dido - Ảnh 1.

HLV Dido (thứ 3 từ trái sang) kém duyên với bóng đá VN

TƯ LIỆU

Ông là người đàn giỏi, hát hay, mà đá bóng cũng rất điệu nghệ. Những pha tâng bóng, rê dắt và vân vê trái bóng cực dẻo của Dido từng khiến nhiều học trò phải mê mẩn. Ông sẵn sàng thị phạm những động tác khó, cứ giao bài xong là tham gia tập luôn cùng đội và khiến cầu thủ phục sát đất, bởi những pha xử lý chuẩn chỉ và sung mãn.

U.23 VN trước nay từng lưu truyền câu chuyện HLV Dido thách học trò tâng bóng khi ngồi trên mặt đất, ai không tâng được trên 20 quả thì phải hít đất 25 cái. Các cầu thủ hăm hở vào thi, để rồi… thua hết, phải lổm nhổm hít đất trả bài. Ông Dido cười khoái chí, rồi ngồi bệt xuống và biểu diễn màn tâng bóng. Các học trò đếm từng nhịp tâng, đến khi chán chẳng đếm nữa vì… quá nhiều.

Cố HLV Lê Thụy Hải từng nói, việc giỏi đá bóng, sẵn sàng thị phạm trên sân cho học trò là ưu thế rất lớn của các HLV trưởng. Ông Dido là mẫu HLV như vậy, không cần nói nhiều. Chỉ cần nhìn quả bóng "phục tùng" đôi chân ông Dido vô điều kiện, các cầu thủ tự hiểu mình phải làm gì. Và các cầu thủ còn "chết mê" tiếng đàn guitar rất điệu nghệ của thầy mình nữa.

DỄ VUI DỄ GIẬN

HLV Dido mang trọn vẹn phong cách trẻ trung, có phần… dân dã vào công việc huấn luyện. Ông sống gần gũi với mọi người, thậm chí còn có vẻ khá bình dân. Sự dễ chịu của HLV Dido tạo ra bầu không khí thoải mái trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng lúc vào tập luyện, ông vẫn duy trì được sự rành mạch. Đã tập là phải tập nặng cho khỏe, tập nghiêm túc như thể đang đá một trận chính thức.

Đáp ứng yêu cầu của ông Dido không phải chuyện đơn giản. Ông cũng có những nhược điểm mà người xung quanh phải chịu đựng. Đó là dễ vui, dễ giận, khó đoán và thường không kiềm chế được cảm xúc. Bởi tính khí thất thường, mà HLV Dido không hẳn được lòng tất cả, cũng không phải người giỏi hoạch định những chiến lược "đường dài". Và giáo án của ông cũng có đôi thời điểm bị sai lầm.

NUỐI TIẾC

Chỉ trong chưa đầy 1 năm bén duyên ngắn ngủi với bóng đá VN, HLV Dido có cả thành và bại. Dấu ấn của ông thầy người Brazil là giúp đội tuyển VN chơi khá tốt ở vòng loại World Cup 2002. Để giành vé vào vòng sau, Hồng Sơn cùng đồng đội phải đứng nhất bảng. Và khi ấy, đội tuyển VN nằm chung bảng Ả Rập Xê Út (cùng 2 đội nữa là Mông Cổ và Bangladesh). Việc vượt qua "ông kẹ" châu Á Ả Rập Xê Út là gần như bất khả thi với nền bóng đá non trẻ. Vậy nên, dù HLV Dido có tuyên bố "lên gân" khi nói VN có thể dự World Cup, các cầu thủ vẫn thua lần lượt với tỷ số 0-4 và 0-5 sau 2 trận. Tuy nhiên, 10 điểm trong 4 trận còn lại gặp Mông Cổ, Bangladesh cũng giúp VN giành ngôi nhì đầy khích lệ.

Điểm nhấn trong phong cách huấn luyện của ông Dido, bên cạnh chất nghệ sĩ cùng cái tính "nóng như Trương Phi", còn là kỷ luật và phong cách nhồi thể lực độc đáo. Ông luôn siết chặt kỷ luật, nơi những cái tôi nổi loạn bị loại trừ, dù ông thương học trò đến mấy. HLV Dido cũng bắt học trò tập thể lực rất nặng, với những bài tập chạy bên ngoài sân cỏ mà thế hệ của Thạch Bảo Khanh phải "đỏ mặt tía tai" để đáp ứng.

Dưới thời HLV Dido, thể lực đội tuyển VN được cải thiện, nhưng đáng tiếc, thất bại ở SEA Games 21 đã xóa nhòa tất cả. U.23 VN thắng Brunei (5-1), nhưng thua Indonesia (0-1) và Malaysia (0-2), bị loại ở vòng bảng. Dù được chuẩn bị khá kỹ với chuyến tập huấn dài ngày, nhưng việc tính toán sai điểm rơi thể lực cầu thủ khiến đội bóng của HLV Dido chơi uể oải, thiếu sinh khí ở giải đấu tại Malaysia.

Ngoài ra, dù rất có tài và cá tính trong huấn luyện, nhưng HLV Dido lại không quá đặc sắc về chiến thuật. Ông thường ưa dùng sơ đồ 4-4-2, khuyến khích học trò đá bóng ngắn, phối hợp nhuyễn từ sân nhà để triển khai lối chơi, song khi đưa bóng sang phần sân đối thủ, các cầu thủ lại thiếu phương án. HLV người Brazil khuyến khích các cầu thủ chơi sáng tạo và vượt qua giới hạn, tuy nhiên lại thiếu "bài vở" độc đáo để gắn kết đội thành một khối thống nhất. Một số ý kiến cho rằng HLV Dido cho học trò tập thể lực nặng, nhưng lại giảm khối lượng 2 tuần trước giải, khiến các cầu thủ bị hẫng hụt, không kịp nạp sức khi bước vào những trận đấu căng thẳng. Song điều đáng quý ở ông Dido là sự khẳng khái. Ông không trốn tránh thất bại, sẵn sàng đương đầu và cho đến nhiều năm sau, nhiều người vẫn tiếc nuối cho một người thầy có tài và có tâm, nhưng không gặp thời.

"Đây là một phần của cuộc chơi, tôi phải chấp nhận", ông Dido trả lời báo chí trong ngày chia tay VN, dù không quên nói rằng mình có quá ít thời gian để xây dựng một đội bóng mạnh. (còn tiếp) .

22 năm trước, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội từng kháo nhau chuyện ông Dido vung tay tát một cầu thủ rất nổi tiếng của VN, bởi anh không chịu tập luyện hết mình. Là người có cái tôi lớn cùng chất "điên" trong cách hành xử, lại va chạm với cá tính học trò, ông Dido đã không thể kiềm chế cơn giận. Đó cũng là hành động phác họa rõ nét chân dung tính cách ông Dido. Chất nghệ sĩ của một chiến lược gia mang tâm hồn nghệ sĩ với đôi chân "ma thuật" sẽ luôn được nhớ đến, dù ông không có được thành công trọn vẹn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.