Lăng kính bạn đọc:

Bỗng dưng tiền vào tài khoản, xử lý ra sao để tránh phiền phức?

Đ.Huân
(tổng hợp)
14/05/2023 06:49 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng người dân nếu nhận được chuyển khoản nhầm khi phát hiện cần báo ngay cho cơ quan công an, ngân hàng để tránh những phiền phức vô tình đến với mình.

Như Thanh Niên thông tin, Công an Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) vừa đề nghị một chi nhánh ngân hàng ở TP.Đà Nẵng tạm ngưng giao dịch số tiền 3 tỉ đồng chuyển nhầm vào tài khoản để điều tra vụ chiếm giữ trái phép tài sản. Theo Công an Q.Hải Châu, trước đó, bà Nguyễn Thị Bích Chi (49 tuổi, trú Q.Hải Châu) trình báo, ngày 24.4 bà cần chuyển 3 tỉ đồng qua ứng dụng ngân hàng trên điện thoại vào một tài khoản để đặt cọc mua đất nhưng chuyển nhầm vào tài khoản bà N.T.H.H (ngụ Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng).

Bỗng dưng tiền vào tài khoản, xử lý ra sao để tránh phiền phức ? - Ảnh 1.

Khi có tiền chuyển nhầm vào tài khoản, khách hàng cần chủ động liên hệ ngân hàng hoặc cơ quan công an để được giải quyết

Nhật Thịnh

Theo bà Chi, tên bà H. có trong danh sách các tài khoản bà Chi từng chuyển tiền vì cả hai quen biết và từng làm ăn, giao dịch với nhau trước đây. Đồng thời, tên người nhận tiền gần giống tên bà H. nên bà Chi đã chuyển nhầm. Phát hiện chuyển nhầm tiền, bà Chi đến phòng giao dịch của ngân hàng tại TP.HCM trong buổi sáng 24.4, tiếp đó liên hệ phòng giao dịch của ngân hàng tại TP.Đà Nẵng để nhờ hỗ trợ phong tỏa số tiền trên trong tài khoản bà H. Bà Chi cũng đã liên hệ bà H. nhưng đến nay bà Chi vẫn chưa nhận được tiền do bà H. chuyển lại.

Công an Q.Hải Châu xác định vụ việc có dấu hiệu tội chiếm giữ trái phép tài sản theo điều 176 bộ luật Hình sự. Để phục vụ điều tra làm rõ vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.Hải Châu đề nghị chi nhánh ngân hàng tại Đà Nẵng phối hợp, tạm ngưng giao dịch rút tiền, chuyển tiền với số tiền 3 tỉ đồng có trong tài khoản ngân hàng bà N.T.H.H.

Không phải tiền của mình thì không lấy

Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng cần cảnh giác với tiền chuyển nhầm vào tài khoản. Khi nhận được tiền chuyển nhầm thì phải trình báo cơ quan công an, ngân hàng, tuyệt đối không sử dụng để tránh những rắc rối không đáng có. "Nếu có nhận tiền chuyển nhầm đến, thậm chí nhặt được của rơi mà không ai biết cũng nên tìm chủ nhân để trả lại, hoặc có thể nhờ cơ quan chức năng. Tuyệt đối không được chiếm giữ và sử dụng", BĐ Vân Hùng góp ý.

Trước khi bấm giao dịch, cần phải kiểm tra lại thật kỹ. Đừng để sự cẩu thả của mình làm phiền người khác.

Andy Quách

Luôn nhớ nguyên tắc, không phải của mình thì đừng tham!

Vũ Trọng

Các ngân hàng nên có phương thức thông báo bảo mật 2 chiều cho các giao dịch có giá trị quá cao, như một dạng hợp đồng phải ký của 2 bên trước khi giao dịch hoàn tất.

Huy Khang

Cùng quan điểm, BĐ Oanh Vuong cảnh báo: "Không phải tiền của mình thì nhất định không lấy dù là một đồng. Lòng tham bao giờ cũng dính pháp luật". BĐ Minh Phương cho rằng khi nhận tiền chuyển đến từ tài khoản ngân hàng mà không rõ lý do thì tốt nhất trình báo cơ quan công an, vì đây có thể là một trò lừa đảo tinh vi. "Với những khoản tiền "từ trên trời rơi xuống", phải tuyệt đối cảnh giác. Cần tỉnh táo xử lý để tránh phiền phức. Cụ thể, báo ngay cho ngân hàng hoặc cơ quan công an để họ hướng dẫn cách xử lý. Tuyệt đối không tham những gì không phải của mình", BĐ này nhấn mạnh.

"Vừa qua cũng có tình trạng bọn cho vay nặng lãi hoặc bọn lừa đảo cố tình chuyển nhầm tiền vào một tài khoản ai đó rồi điện thoại đến đòi tiền cả gốc lẫn lãi. Vì vậy, phải hết sức cẩn trọng với các khoản tiền chuyển đến tài khoản ngân hàng của mình mà không rõ lý do", B.Đ M.Thắng lưu ý.

Xem nhanh 20h: Bản tin toàn cảnh ngày 13.5

Ngân hàng nên có quy trình xử lý cụ thể

Nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng nên có quy trình thật cụ thể cho việc chuyển nhầm tiền, vì tình trạng này hiện nay khá phổ biến. "Chuyển nhầm là bình thường mà có lẽ rất rất nhiều người chuyển nhầm nên đề nghị các ngân hàng khi có thông báo của chủ tài khoản chuyển nhầm thì phối hợp xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng", BĐ Hà Thưởng đề nghị.

Tương tự, BĐ Minh Tuấn ý kiến: "Tiền mình làm ra đổ mồ hôi xương máu, mình quý thì tiền của người khác cũng vậy thôi. Nếu không phải của mình thì nên chuyển lại cho người ta, mình vừa tạo phước đức cho con cháu, vừa không mang tiếng tham lam. Về mặt luật pháp, tiền có chuyển nhầm thì cũng là tiền của người chuyển, trong trường hợp này người chuyển phải được bảo vệ lợi ích hợp pháp. Ngân hàng cũng không thể đứng ngoài cuộc mà cần tích cực phối hợp kiểm tra thông tin, tạo điều kiện tối đa để người chuyển nhầm nhận lại được tiền...".

BĐ H.Thuat đề nghị: "Tình trạng chuyển nhầm tài khoản xảy ra đã nhiều. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm đưa ra quy trình xử lý thực trạng này".

"Tất cả ngân hàng đều nên có một tài khoản riêng nhận giữ tạm mọi giao dịch chuyển nhầm để người bị chuyển nhầm chuyển trả vào tài khoản ngân hàng đó, sau đó bắt buộc người chuyển nhầm phải trực tiếp ra ngân hàng đó làm thủ tục nhận lại tiền. Như vậy là thuận lợi cho khách hàng bị chuyển nhầm, vừa bắt buộc bọn tội phạm sợ lộ diện không dám sử dụng hình thức chuyển nhầm để lừa đảo", BĐ Minh Khoa góp ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.