'Buông' học đại học để đi làm... thợ cắt tóc!

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
07/10/2021 19:19 GMT+7

Một sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM vừa bị đuổi học nhưng có những lời tâm sự khiến rất nhiều sinh viên trường này tranh luận khi cho biết mình quá chán nản học đại học nên "buông" việc học để theo đuổi đam mê là nghề cắt tóc.

Học đại học không phải con đường duy nhất để vào đời. Trong ảnh là một tiết học của sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM

BUH

Bi kịch của sự ép buộc?

Ngày 5.10, một sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đưa lên trang confession của sinh viên nhà trường về việc chán nản học đại học, muốn theo đuổi nghề cắt tóc dẫn đến rất nhiều chia sẻ và tranh luận của các sinh viên và cựu sinh viên khác.

Sinh viên này chia sẻ: "Chào các bạn, tôi học khóa K35 (sinh viên năm thứ 3). Hôm nay, ngày 5.10 sẽ là một ngày không thể quên trong đời tôi: tôi bị buộc thôi học. Đây là quyết định đúng từ nhà trường, không có gì oan uổng. Ngược lại, tôi còn thấy hạnh phúc vì đã từ năm lớp 12 tôi chẳng có hứng thú gì với các ngành nghề trong nhóm kinh tế. Phải, cuộc đời tôi hiện tại chính là bi kịch từ sự ép buộc của gia đình".

Sinh viên này cho biết mình sở hữu học lực Khá ở bậc THPT. Thế nhưng, khác với bạn bè mơ về các trường ĐH, bạn lại không muốn học đại học mà chỉ thích ở quê học... nghề cắt tóc. Lời thú nhận này của bạn vấp phải phản đối kịch liệt của gia đình vì theo lời bạn gia đình lo sợ "cảm giác mất mặt", sợ những lời dèm pha "nuôi con không ra gì, không ăn học đến nơi đến chốn".

Vào trường ĐH một thời gian ngắn, sinh viên này càng lúc bỏ bê chuyện học và dần chuyển sang lén lấy học phí tự đóng tiền học nghề cắt tóc. Hiện tại, bạn đã xác định sẽ ở lại sinh sống lâu dài tại TP.Thủ Đức theo đuổi đúng đam mê.

"Trăn trở duy nhất của tôi là kỳ vọng của gia đình. Tôi đang nghĩ năm sau mình mua bằng ĐH giả đối phó với gia đình cố chấp và nghiêm khắc. Tất nhiên tôi sẽ không bao giờ dùng bằng ĐH giả để lừa đảo xin việc ở bất kỳ công ty, ngân hàng nào vì tôi đâu có dự định mấy công việc đó. Tôi không muốn là một kẻ dối trá, nhưng cuộc đời từ lâu đã bất công không cho tôi quyền lựa chọn..." - sinh viên này cho biết.

Chia sẻ này nhận được rất nhiều tranh luận trên trang confession của sinh viên trường với nhiều luồng quan điểm khác nhau. Đa số sinh viên đều ủng hộ việc theo đuổi đam mê này và chúc bạn mình thành công. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến trái chiều cho rằng ít nhất nên cố gắng học xong lấy bằng tốt nghiệp ĐH vì đã học đến năm thứ 3, rồi sau đó đi theo đam mê.

Lời tâm sự của một sinh viên gây ra nhiều ý kiến trái chiều và dọng đọng lại nhiều suy nghĩ

BUH Confession

Phương Hằng, một sinh viên của trường, chia sẻ: "Thật ra thì mình cũng từng ở trong trường hợp gần giống bạn, và mình nghĩ cách giải quyết tốt nhất là lấy tấm bằng ĐH rồi thích làm gì hãy làm. Tuy nhiên, nếu bạn đã nghỉ học thì mình nghĩ nên thẳng thắn với gia đình thì hơn. Nếu bạn đã đủ can đảm bỏ học để theo đuổi đam mê thì chắc cũng sẽ đủ can đảm để nói chuyện với ba mẹ bạn. Ba mẹ không cần tấm bằng ĐH để làm gì. Ba mẹ chỉ muốn sau này cuộc sống của bạn ổn định hơn thôi. Mình thấy làm những việc khuất tất như giấu giếm gia đình hay mua bằng giả chỉ làm tương lai bạn thêm áp lực. Mong bạn luôn vững bước trên con đường đã chọn".

Giá mà...

Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, từng có thời gian phụ trách đào tạo tại trường, cho biết không chỉ tại trường mà ở tất cả các trường ĐH đều có tỷ lệ sinh viên bị trường thông báo thôi học không thấp. Theo một khảo sát ông từng thực hiện tại trường thì tỷ lệ bị thôi học này khoảng 20% (trong 4 năm) so với số nhập học ban đầu. Có rất nhiều lý do cho việc này như đi du học, nghỉ để ôn thi lại, bị công ty đa cấp trá hình lôi kéo, học bị đuối không học nữa...

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, trường hợp như của sinh viên ở trên gợi ra rất nhiều suy nghĩ, nhất là đối với những người làm công tác hướng nghiệp. Lúc ông còn làm công tác đào tạo cũng gặp khá nhiều trường hợp sinh viên bị cho thôi học. Mỗi sinh viên đều có một lý do khác nhau. Nhưng nếu như có thể gặp và trao đổi được với sinh viên trước khi ra quyết định thì vẫn có thể tư vấn, hỗ trợ được các em. Ông đã giúp được nhiều trường hợp rơi vào tình cảnh này.

"Ở trường hợp này, giá mà sinh viên có thể tìm đến những người có thể tư vấn, định hướng tương lai tốt hơn cho mình trước thời điểm vào ĐH. Nếu tìm được thầy cô, bạn bè, người có thể tin tưởng để chia sẻ suy nghĩ, biết đâu có thể thay đổi suy nghĩ của bố mẹ bạn. Bố mẹ hướng nghiệp cho con cái là giúp cho con nhiều trải nghiệm để nhận ra đam mê, sở trường của mình rồi thúc đẩy con lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp chứ không phải là áp đặt. Việc áp đặt sẽ gây hại cho chính con mình. Đây là một "lỗ hổng" thật sự trong việc chọn ngành nghề của học sinh từ trước đến nay", thạc sĩ Trương Tiến sĩ chia sẻ.

Mỗi năm, có rất nhiều sinh viên không thể tốt nghiệp vì chọn ngành sai, chán nản việc học nên bị cho thôi học giữa chừng

BUH

Trong khi đó, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết thật ra ông không ngạc nhiên với câu chuyện này. Nó là hệ quả từ việc áp đặt của bố mẹ lên con cái trong việc chọn ngành học mà ông gặp rất nhiều trường hợp trong quá trình đi tư vấn tuyển sinh nhiều năm vừa qua.

Tiến sĩ Hạ cho biết rất tiếc là sinh viên này không được tư vấn và hỗ trợ tốt chuyện chọn ngành nghề từ phổ thông từ các chuyên gia, từ thầy cô tận tâm. Ông đã gặp nhiều trường hợp tương tự và ngoài việc định hướng để sinh viên nhận ra ngành học đúng đam mê, sở trường của mình thì ông cũng kiêm luôn việc nói chuyện với bố mẹ giúp học sinh. Thông thường thì bố mẹ sẽ hiểu ra để cùng đồng hành cùng với con mình.

"Cha mẹ ép con đi theo định hướng của cha mẹ là sai vì không ai có thể sống thay cuộc đời của người khác được. Khi sống với đam mê thì mới có thể đi kèm với sự sáng tạo. Không phải người làm thợ cắt tóc xấu hơn, không tạo ra giá trị như một người tốt nghiệp ĐH. Nghề cắt tóc là nghề em thích thì sẽ có đam mê và sáng tạo, có sự tìm hiểu và đầu tư. Biết đâu sau này em sẽ trở thành một nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng? Khi phải đi học theo sự chọn lựa của bố mẹ thì sinh viên sẽ không có hứng thú và nghiễm nhiên là sẽ không cố gắng học tập. Làm cha mẹ nên hiểu, chia sẻ, định hướng với con vì có thể độ tuổi 18 - 19 chưa có suy nghĩ chín chắn. Nhưng nếu học sinh đã có định hướng rõ ràng và quyết tâm theo đuổi đam mê thì hãy cùng đồng hành và hãy nói rõ với con là sẽ phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Như vậy thì con mình mới trưởng thành được", tiến sĩ Hạ chia sẻ.

Tuy nhiên, tiến sĩ Hạ cho biết suy nghĩ của sinh viên này về việc mua bằng ĐH giả mà không học đại học để đưa bố mẹ là sai, không ai ủng hộ. Cần phải đối diện với chính mình. Có thể bố mẹ ở một thời điểm bị sốc, không thể chấp nhận. Nhưng khi đã hiểu ra thì bố mẹ sẽ cùng chia sẻ vì không bao giờ bố mẹ bỏ rơi con mình cả!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.