Cân não chọn tổ hợp môn lớp 10 chương trình mới

Bích Thanh
Bích Thanh
17/07/2023 06:06 GMT+7

Học sinh vừa trúng tuyển vào lớp 10 đang trong giai đoạn chọn tổ hợp môn theo định hướng nghề nghiệp cấp THPT của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sau một năm học áp dụng chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở lớp 10, các trường THPT đã xây dựng cũng như điều chỉnh hình thức tổ hợp môn để việc học của học sinh (HS) đạt hiệu quả nhất có thể.

Cân não chọn tổ hợp môn lớp 10 chương trình mới   - Ảnh 1.

Phụ huynh, học sinh suy tính, cân nhắc chọn lựa tổ hợp môn khi làm thủ tục nhập học vào lớp 10

NHẬT THỊNH

PHỤ HUYNH, HỌC SINH LÚNG TÚNG

Vào thời điểm đăng ký nguyện vọng lớp 10 hồi tháng 4 vừa qua, hầu như phụ huynh HS mới chỉ chú trọng đến việc chọn các trường THPT phù hợp năng lực chứ chưa quan tâm đến trường con chọn có những tổ hợp môn gì, dạy theo định hướng nghề nghiệp ra sao…

Chính vì vậy, thời điểm này, khi bắt đầu thực hiện đăng ký lựa chọn tổ hợp môn cho cấp THPT, khá nhiều phụ huynh, HS lúng túng. Chị Phan Thanh Như, phụ huynh HS Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), chia sẻ: "Vào tháng 4, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 và ban giám hiệu trường THCS con tôi học có giới thiệu về chương trình THPT nhưng thực tình lúc đó, không chỉ tôi mà hầu như phụ huynh trong lớp chỉ bận tâm duy nhất việc con chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực để trúng tuyển trường công. Bây giờ mới thực sự bước vào giai đoạn cân não để chọn tổ hợp môn sao cho phù hợp với sở trường, đam mê, định hướng nghề nghiệp tương lai".

HS Nguyễn Thanh Châu, trúng tuyển nguyện vọng 1 vào một trường THPT có điểm chuẩn ở tốp đầu của TP.HCM, cũng nói thời điểm làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng dự thi lớp 10, em chỉ tập trung chọn trường mình thích, vừa phù hợp với sức học lại có bạn thân cùng đăng ký. Bây giờ đến lúc trúng tuyển, em và bạn đang trao đổi xem ngành nghề, trường ĐH định hướng thuộc lĩnh vực kinh tế hay kỹ thuật hay nhân văn, từ đó sẽ lựa chọn trong tổ hợp của nhà trường.

Cân não chọn tổ hợp môn lớp 10 chương trình mới

 - Ảnh 2.

Phụ huynh và học sinh nộp hồ sơ nhập học vào lớp 10

NHẬT THỊNH

"LẮNG NGHE MÌNH" ĐỂ CHỌN MÔN TỰ CHỌN LỚP 10

Hiểu được băn khoăn này của phụ huynh và HS, ngay khi có kết quả HS trúng tuyển lớp 10, hầu hết các trường THPT tại TP.HCM đều tổ chức họp và tư vấn cho phụ huynh cùng HS về chương trình GDPT 2018 theo định hướng nghề nghiệp với các tổ hợp môn tự chọn. Việc chọn đúng môn học sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp HS có quá trình học tập liên thông và hiệu quả ở cấp THPT.

Để có sự lựa chọn phù hợp, học sinh phải định vị được bản thân, trả lời được câu hỏi rằng em có thế mạnh gì, mơ ước trở thành ai, muốn làm gì, đặt trong bối cảnh xu hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Bà BÙI MINH TÂM (Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM)

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), để chọn tổ hợp môn phù hợp, HS cần xác định nghề, ngành học mình muốn theo đuổi. "Các em cần lắng nghe bản thân, đánh giá nội lực. Trong trường hợp chưa biết mình thích làm nghề gì, học ngành nào thì xác định mình thích môn tự nhiên hay môn xã hội? Bởi khi bản thân thích môn học nào sẽ phát huy khả năng và thế mạnh của mình", Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ.

Tương tự, để có sự lựa chọn phù hợp, bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), nhấn mạnh: "HS phải định vị được bản thân, trả lời được câu hỏi rằng em có thế mạnh gì, mơ ước trở thành ai, muốn làm gì, đặt trong bối cảnh xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Phụ huynh cũng cần đồng hành với các con, cùng suy nghĩ thật kỹ, lựa chọn thật nghiêm túc và chịu trách nhiệm với lựa chọn đó. Tuy vậy, phụ huynh chỉ đóng vai trò tư vấn, định hướng, chứ không chọn thay cho các con".

NHÀ TRƯỜNG ĐIỀU CHỈNH RA SAO ?

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ hai chương trình GDPT 2018 áp dụng vào cấp THPT. Sau một năm triển khai chương trình mới, các trường có những điều chỉnh để phù hợp với HS và hiệu quả với chương trình. Các nhà trường đã xây dựng tổ hợp phong phú hơn năm trước để đáp ứng nhu cầu của HS trong điều kiện hiện hữu của nhà trường.

Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT

Chương trình GDPT 2018 chính thức áp dụng ở cấp THPT vào năm học 2022 - 2023 với lớp 10. Năm học 2023 - 2024 là năm thứ hai thực hiện ở cấp học này.

Theo đó, chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT gồm các môn học, hoạt động bắt buộc và các môn lựa chọn.

Các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; lịch sử; giáo dục thể chất; giáo dục quốc phòng và an ninh; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương.

Các môn học lựa chọn: HS chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn.

Các môn lựa chọn gồm: địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.

Chẳng hạn, Trường THPT Lê Quý Đôn với 15 lớp 10 thì cơ cấu 10 lớp tổ hợp ban khoa học tự nhiên, 5 lớp ban khoa học xã hội. Mỗi HS sẽ có 2 nguyện vọng nhóm môn học lựa chọn, trường sắp xếp lớp theo nguyện vọng ưu tiên nhất. Theo lãnh đạo trường này, việc xây dựng các nhóm môn học lựa chọn dựa trên việc khảo sát về thế mạnh đào tạo của trường trong nhiều năm, đồng thời rút kinh nghiệm sau năm đầu triển khai chương trình mới.

Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu năm đầu tiên có 6 tổ hợp môn để HS lựa chọn thì bước sang năm thứ hai áp dụng chương trình, nhà trường xây dựng 8 tổ hợp với đầy đủ các môn học thành phần, bao gồm âm nhạc và mỹ thuật.

Cân não chọn tổ hợp môn lớp 10 chương trình mới

 - Ảnh 5.

Chọn lựa môn học tự chọn là việc làm quan trọng của học sinh lớp 10

NHẬT THỊNH

Bên cạnh việc thực hiện tổ chức đăng ký tổ hợp tự chọn theo hình thức "combo", tức xây dựng sẵn tổ hợp để học sinh lựa chọn thì Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức) có sự thay đổi trong cách tổ chức. Bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay năm học trước, nhà trường xây dựng tổ hợp và HS đăng ký thì có những HS thích 3/4 môn của tổ hợp này, 1 môn của tổ hợp khác… Vì thế, đến năm học này, nhà trường không xây dựng tổ hợp trước mà HS tự đăng ký, đề xuất nguyện vọng của mình.

Học sinh chọn môn tự chọn ra sao ?

Bà Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn), cho hay sau năm đầu tiên áp dụng chương trình mới vào cấp THPT, có khoảng 20 HS trong tổng số 500 HS hoàn thành lớp 10 năm học 2022 - 2023 có nguyện vọng chuyển đổi tổ hợp tự chọn.

Bên cạnh đó, theo bà Mai, sau một năm quan sát cho thấy HS lớp 10 chủ yếu chọn các môn tự chọn là vật lý, hóa học, sinh học dù chưa định hướng nghề nghiệp tương lai cho mình cụ thể, vì theo các em những môn học này có trong nhiều khối thi, tổ hợp xét tuyển ĐH...

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), nhận định HS những trường tốp trên đa phần nghiêng về các môn tự nhiên và có định hướng ngành y, dược, kinh tế, kỹ thuật… HS các trường tốp dưới thường chọn các môn nghiêng về học bài, nên chủ yếu chọn các ngành thuộc khối xã hội.

Bà Hoàng Thị Hảo cho hay ngoài những môn học bắt buộc, HS biên chế theo lớp cố định, với những môn tự chọn, nhà trường sẽ sắp xếp thời khóa biểu để các em có thể di chuyển đến từng phòng dạy môn học cụ thể. Trong thời gian phụ huynh, HS suy nghĩ, nghiên cứu thì ban tư vấn của trường sẽ hỗ trợ giải đáp thắc mắc 24/7 trên mạng xã hội.

Bà Hoàng Thị Hảo cũng nhấn mạnh: Nếu không tư vấn kỹ càng, phụ huynh, HS sẽ có tâm lý chọn cho có, chọn mà chưa hiểu về định hướng nghề nghiệp... Trong quá trình tư vấn, giáo viên phụ trách phải giúp phụ huynh, HS hiểu được tầm quan trọng của việc chọn lựa môn học, để chọn lựa một cách nghiêm túc, có trách nhiệm nhất. Trong trường hợp còn mơ hồ và chưa có định hướng cụ thể thì giáo viên ngoài việc trao đổi, nắm bắt tâm tư HS, có thể căn cứ vào học bạ, thấy môn học nào kết quả khả quan, tín hiệu tích cực thì tư vấn cho HS. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.