Cận tết, mất tiền như chơi vì các chiêu trò lừa đảo

Thanh Xuân
Thanh Xuân
07/02/2024 08:51 GMT+7

Đánh vào tâm trạng bận rộn thời điểm cuối năm, kẻ gian thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Giả mạo lừa đảo chuyển tiền

Vào cuối tháng 1, bà P.T.H (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đến Phòng giao dịch xã Việt Lập thuộc Agribank chi nhánh huyện Tân Yên thực hiện rút tiền tiết kiệm. Thấy tâm trạng bà P.T.H có biểu hiện bất thường, nhân viên Agribank tạm ngưng giao dịch, tiếp cận khách hàng để nắm thông tin. Qua trao đổi, nhân viên ngân hàng xác định bà P.T.H có dấu hiệu bị lừa nên đã báo cơ quan công an cùng kết hợp để giải thích. Ban đầu, bà P.T.H vẫn tin tưởng và muốn chuyển tiền nhưng sau một thời gian giải thích, vận động, bà P.T.H nhận ra thủ đoạn lừa đảo nên đã không thực hiện chuyển khoản 26 triệu đồng.

Theo bà P.T.H, trước đó nhận được tin nhắn trên mạng xã hội Facebook từ một người tự xưng là người Hàn Quốc, có tình cảm và muốn gửi quà cho bà P.T.H. Sau đó bà P.T.H nhận được một cuộc điện thoại từ một người nhận là nhân viên sân bay thông báo có quà gửi về. Người Hàn Quốc đề nghị bà P.T.H chuyển 26 triệu đồng phí vận chuyển và hứa bà sẽ nhận được lại khoản tiền trên sau khi nhận quà. Sau khi nghe như vậy, bà P.T.H liền ra ngân hàng rút sổ tiết kiệm để chuyển khoản cho người đàn ông Hàn Quốc. May là nhân viên ngân hàng đã phát hiện kịp và ngăn chặn được vụ lừa đảo chuyển tiền.

Cận tết, mất tiền như chơi vì các chiêu trò lừa đảo- Ảnh 1.

Người dân thận trọng thủ đoạn lừa đảo cuối năm

NGỌC THẮNG

Không may mắn như chị P.T.H, trường hợp của ông N.V.T (Bắc Giang) mất 43 triệu đồng vào tay kẻ lừa đảo. Ông N.V.T nhận được tin nhắn của con qua Facebook đang cần gấp tiền nhưng đang giờ làm không gọi điện được, ông lo lắng nên chuyển tiền theo tin nhắn, sau đó ông lại nhận được tin nhắn của con chuyển thêm 20 triệu đồng nữa. Không có tiền nên ông hỏi người thân vay. Nghi ngờ, người thân gọi điện lại cho con gái ông N.V.T thì mới tá hỏa bị lừa. Tiền con gái ông N.V.T gửi về tích cóp bao lâu nay bị mất.

Tương tự, chiêu lừa lấy hình ảnh của người khác, đặc biệt những người có uy tín tạp lập một Facebook giả mạo để đi lừa người khác chiếm đoạt tiền cũng khiến nhiều người sập bẫy. Mới đây, anh N.M.T tá hỏa khi tiếp nhận thông tin từ một người phụ nữ bị lừa từ một nick Facebook giả mạo anh. Sau khi làm quen với người phụ nữ, Faceboook giả N.M.T tự xưng độc thân từ mượn tiền và sau đó rủ cài app đầu tư Oanda.

Anh N.M.T cho biết, có lẽ Facebook giả mạo này đã trao đổi một thời gian nên người phụ nữ này khá tin tưởng và làm theo. Kết cục là người phụ nữ này đã rất đau khổ vì mất số tiền lớn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, app Oanda là sàn giao dịch ngoại hối. Trên một số diễn đàn, một số nạn nhân tham gia sàn giao dịch này cảnh báo đây là sàn lừa đảo. Nhà đầu tư ban đầu tham gia số tiền nhỏ đầu tư các cặp ngoại tệ, cổ phiếu, sàn sẽ cho lợi nhuận. Đến khi tin tưởng, nạp vào số tiền lớn hơn, thu được lợi nhuận lớn hơn thì sàn yêu cầu đóng thuế thu nhập cá nhân 15% (lợi nhuận lớn thì số thuế đóng vào sẽ lớn) thì mới được rút số tiền trên. Những người đóng tiền vào chưa chắc rút được lợi nhuận trên tài khoản.

Lưu ý một số thủ đoạn lừa đảo dịp tết

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) mới cảnh báo 5 thủ đoạn phổ biến trên internet trong dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể, lừa đảo mua vé máy bay giá rẻ; làm thêm trên mạng xã hội; giả danh cán bộ công an, luật sư hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền đã mất; vay tiền qua ứng dụng tín dụng đen; lừa đảo nhận quà trúng thưởng dịp cận Tết Nguyên đán.

Các ngân hàng liên tục đưa ra cảnh báo khách hàng các hình thức lừa đảo cũ nhưng nếu mất cảnh giác cũng dễ sập bẫy kẻ gian. Những thủ đoạn phổ biến như mạo danh đầu số tin nhắn SMS hoặc các trang thông tin, mạng xã hội của ngân hàng để gửi đường link lạ hoặc đưa ra các thông tin ưu đãi, khuyến mại không chính xác. Nếu khách hàng thực hiện theo hướng dẫn, truy cập vào đường link, nhập các thông tin tài khoản ngân hàng thì kẻ gian đánh cắp các thông tin tài khoản, kể cả thông tin bảo mật và chiếm đoạt tài sản của khách.

Thời điểm cuối năm, nhu cầu cần tiền cũng tăng cao, lợi dụng điều này, kẻ gian thực hiện thủ đoạn rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Những đối tượng này tự xưng là nhân viên ngân hàng, hỗ trợ cho những người cần rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Quy định ngân hàng, rút tiền mặt tại ATM tốn phí nên một số dịch vụ quẹt thẻ qua máy Pos và đưa tiền mặt xuất hiện tính phí thấp hơn. Kẻ gian lợi dụng điều này yêu cầu khách hàng cung cấp những thông tin cá nhân như số thẻ, số CVV bảo mật. Từ đó, kẻ xấu có được các thông tin bảo mật của Khách hàng và thực hiện các hành vi trục lợi bất hợp pháp...

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn yêu cầu các ngân hàng tăng cường cảnh giác đối với phương thức, thủ đoạn phạm tội và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ ngân hàng và hoạt động ATM vào dịp Tết Nguyên đán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.