Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên

01/09/2023 06:15 GMT+7

An ninh bán đảo Triều Tiên đang tăng nhiệt khi CHDCND Triều Tiên diễn tập "tấn công hạt nhân chiến thuật" trong lúc Hàn - Mỹ tập trận chung quy mô lớn nhằm đối phó Bình Nhưỡng.

Hãng thông tấn KCNA ngày 31.8 thông báo quân đội Triều Tiên đã khai hỏa 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn trong cuộc diễn tập mô phỏng phương án "tấn công hạt nhân chiến thuật". Mục tiêu tấn công là các trung tâm đầu não quân sự và những sân bay quân đội của Hàn Quốc dọc theo giới tuyến liên Triều. Thông tin về vụ phóng tên lửa được công bố sau khi Mỹ điều máy bay ném bom hạng nặng B-1B tham gia cuộc tập trận chung "Lá chắn tự do Ulchi" với Hàn Quốc.

Diễn tập tấn công hạt nhân ngay giữa đêm

Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) cho biết lực lượng được trang bị vũ khí hạt nhân ở miền tây nước này đã phóng 2 tên lửa đạn đạo theo hướng đông bắc tính từ sân bay quốc tế Bình Nhưỡng. Theo đó, quân đội Triều Tiên "thực hiện chính xác nhiệm vụ tấn công hạt nhân thông qua các vụ nổ trên không ở độ cao đã định cách mục tiêu trên biển khoảng 400 m".

Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên  - Ảnh 1.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đạo cuộc diễn tập quân sự

AFP

Theo KCNA, cuộc diễn tập nhằm gửi đi thông điệp cảnh báo Hàn Quốc và Mỹ rằng Triều Tiên sẵn sàng đáp trả một cách kiên quyết bất kỳ âm mưu tấn công nào và đủ năng lực để làm điều đó.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin từ Hội đồng Tham mưu liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo phát hiện 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn phóng từ lãnh thổ Triều Tiên về hướng vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Còn Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác định 2 tên lửa lần lượt rời bệ phóng vào 23 giờ 38 và 23 giờ 46 khuya 30.8 (giờ địa phương). Cả hai di chuyển lần lượt 350 km và 400 km trước khi rơi xuống ngoài Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Phía Nhật cho biết đã phối hợp với Mỹ, Hàn Quốc và các nước khác để phân tích 2 vụ phóng này.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un: Hải quân Triều Tiên sẽ trang bị vũ khí hạt nhân

Trong bản tin khác, KCNA thông báo quân đội Triều Tiên ngày 29.8 cũng tổ chức cuộc diễn tập quân sự ở cấp chỉ huy nhằm đáp trả cuộc tập trận chung Hàn - Mỹ. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát cuộc diễn tập trên, được xây dựng theo hướng "đẩy lùi một cuộc tấn công bất ngờ và giáng đòn trả đũa nhằm tiến đến kiểm soát toàn bộ Hàn Quốc".

Oanh tạc cơ Mỹ tới tập trận

Động thái của Triều Tiên diễn ra vào thời điểm cuộc tập trận chung "Lá chắn tự do Ulchi" giữa Hàn Quốc và Mỹ chính thức khép lại vào hôm qua. Trước đó một ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, theo khuôn khổ cuộc tập trận trên, "các oanh tạc cơ chiến lược của Mỹ đảm nhận sứ mệnh chính trong cuộc diễn tập không quân với sự hộ tống của các chiến đấu cơ FA-50 của Hàn Quốc và F-16 của Mỹ", theo Yonhap. Chưa rõ nội dung của hoạt động diễn tập này, nhưng đây là lần thứ 10 Mỹ triển khai các máy bay ném bom chiến lược B-1B tham gia tập trận với Hàn Quốc từ đầu năm đến nay.

Cũng trong ngày 30.8, các oanh tạc cơ Mỹ đồng thời tham gia cuộc diễn tập chung với Nhật Bản. Reuters đưa tin Không quân Mỹ triển khai 2 chiếc B-1B và Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản điều động 12 tiêm kích, trong đó có 4 chiếc F-15. Các hoạt động diễn tập giữa Hàn - Mỹ và Mỹ - Nhật được cho là nhằm kịp thời ứng phó trong trường hợp có biến trên bán đảo Triều Tiên.

Trước tình hình trên, giáo sư Leif-Eric Easley của Đại học Ewha (Hàn Quốc) nhận định việc Triều Tiên phóng tên lửa kép trong giai đoạn này có thể nhằm mục đích thể hiện năng lực tấn công ở bất kỳ khung giờ nào và từ nhiều hướng khác nhau. 

Nhật đề xuất ngân sách quốc phòng kỷ lục

Hôm qua, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất ngân sách quốc phòng kỷ lục, theo đó yêu cầu quốc hội duyệt chi 7.740 tỉ yen (53 tỉ USD) cho tài khóa 2024 - 2025, tăng 6,8 tỉ USD so với giai đoạn 2023 - 2024 để kịp thời ứng phó tình hình mới liên quan đến Trung Quốc, Triều Tiên, theo AFP.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng Nhật Bản yêu cầu chi 380 tỉ yen cho dự án đóng mới 2 tàu chiến dự kiến được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis do Mỹ sản xuất, thêm 755 tỉ yen để nâng cấp năng lực phòng thủ, như mua thêm tên lửa. Nhật cũng có kế hoạch đầu tư 75 tỉ yen cho nỗ lực cùng Mỹ phát triển năng lực đánh chặn tên lửa bội siêu thanh trong thời gian tới.

Đề xuất được công bố ngày 31.8 nằm trong kế hoạch của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhằm tiến tới tăng chi quốc phòng lên mức 2% GDP vào năm 2027.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.